Kinh nghiệm truyền thống giữ nước của dân tộc

Văn hóa giữ nước là những giá trị vật chất và tinh thần được kết tinh trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giành và giữ độc lập của dân tộc Việt Nam; được kế thừa, phát huy qua các thế hệ và trở thành động lực nội sinh của cả dân tộc. Nghiên cứu, đề xuất những giải pháp để phát huy giá trị văn hóa giữ nước trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn trong giai đoạn hội nhập và phát triển của Việt Nam.

1. Giá trị văn hóa giữ nước - nền tảng sức mạnh của dân tộc Việt Nam

Lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giành và giữ độc lập cho thấy, dân tộc Việt Nam đã tạo nên một nền văn hóa giữ nước độc đáo, mang những giá trị, bản sắc riêng. Các giá trị văn hóa giữ nước Việt Nam được biểu hiện dưới dạng thức vật thể và phi vật thể. Giá trị văn hóa giữ nước ở dạng vật thể, được biểu hiện ở cuộc sống và hoạt động rất phong phú đa dạng, được lưu giữ trong ý thức, tâm thức của dân tộc thông qua các di sản, di tích lịch sử, các hiện vật, di vật, bảo vật.v.v. Giá trị văn hóa giữ nước ở dạng thức phi vật thể là những sáng tạo biểu hiện ở các di sản lý luận về truyền thống giữ nước độc đáo nhằm bảo vệ nền độc lập dân tộc, giữ vững chủ quyền, chống xâm lược, chống áp bức bóc lột. 

Trong thực tế, có nhiều giá trị văn hóa khác nhau, trong đó các giá trị “Lòng yêu nước nồng nàn, ý thức cộng đồng, cố kết dân tộc, tinh thần nhân văn cao cả và nghệ thuật đánh giặc độc đáo là các giá trị cơ bản, cốt lõi, tiêu biểu nhất của văn hóa giữ nước Việt Nam”[1]. Những giá trị cốt lõi của văn hóa giữ nước được hình thành, phát triển suốt chiều dài lịch sử đấu tranh anh dũng của dân tộc, được thử thách qua các cuộc đấu tranh, trở thành niềm tự hào của các thế hệ người Việt Nam; là một động lực tinh thần để dân tộc ta trường tồn, phát triển trước sự đe dọa của kẻ thù ngoại xâm cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Mỗi khi nhân dân Việt Nam phải tiến hành cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm thì văn hóa giữ nước đã biến thành sức mạnh của mọi người dân, không phân biệt già trẻ, gái trai, thành phần giai cấp, dân tộc, tôn giáo, địa bàn cư trú. Lòng yêu nước, tinh thần sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng và bảo vệ Tổ quốc như lẽ tự nhiên trong từng người con đất Việt. Vì vậy, mỗi người dân Việt Nam có thể hy sinh tất cả để Tổ quốc được độc lập, dân tộc được tự do; chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng, vinh dự và cao cả.

Có thể khẳng định, dân tộc ta không chỉ thắng giặc ngoại xâm về chính trị, quân sự, mà điều có ý nghĩa hết sức quan trọng là còn thắng giặc về văn hóa nói chung, thắng giặc bằng sức mạnh văn hóa giữ nước nói riêng. Một trong những nguồn gốc sâu xa đưa đến thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh chống xâm lược của nhân dân ta là ở sức mạnh tinh thần - sức mạnh văn hóa giữ nước. Thực tiễn cách mạng đã chứng minh: “Chủ nghĩa yêu nước, sức mạnh văn hóa của dân tộc đã góp phần có ý nghĩa quyết định giúp nhân dân ta vượt qua mọi thử thách, giữ vững nền độc lập dân tộc. Chúng ta chiến thắng các thế lực xâm lược, đó là sự chiến thắng của văn minh với bạo tàn, nghĩ sâu xa là chiến thắng bằng văn hóa”[2].

Hiện nay, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đã và đang đặt ra những yêu cầu cần phải phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc. Trong đó, việc phát huy vai trò, sức mạnh to lớn của văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa giữ nước nói riêng có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi vì, các giá trị văn hóa giữ nước vừa hiện hữu thông qua thực tiễn bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta, vừa tiềm ẩn bên trong mỗi người dân cũng như cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Khi được khơi dậy và phát huy thường xuyên sẽ tạo ra động lực tinh thần to lớn, thôi thúc mỗi người dân luôn phát huy cao độ trí tuệ, sức lực của mình đóng góp vào công cuộc giữ nước, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 

2. Giải pháp phát huy giá trị văn hóa giữ nước trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay

Thực tiễn đất nước ta trong bối cảnh hiện nay cho thấy để tiếp tục phát huy có hiệu quả giá trị văn hóa giữ nước, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục tăng cường giáo dục, bồi đắp giá trị văn hóa giữ nước cho mọi tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao niềm vinh dự, tự hào và ý thức trách nhiệm công dân đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. 

Đây là vấn đề có ý nghĩa thiết thực, trực tiếp tác động đến nhận thức, tình cảm, thôi thúc mỗi cá nhân, cộng đồng thực hiện tốt nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc. Trong quá trình giáo dục, phải bám sát và giữ vững định hướng của Đảng, phối hợp đồng bộ của các ngành, các cấp và mọi tầng lớp nhân dân; trong đó, cơ quan chủ trì công tác tư tưởng văn hóa của Đảng ở các cấp là nòng cốt; các cơ quan báo chí, truyền thông, văn học, nghệ thuật,… là lực lượng tiên phong; mỗi cá nhân, gia đình, nhà trường và tổ chức trong xã hội là cơ sở nền tảng bảo đảm cho những giá trị văn hóa nói chung, văn hóa giữ nước nói riêng thường xuyên được giáo dục, tuyên truyền ngay từ mỗi gia đình, dòng tộc đến nhà trường và xã hội.

Từ đó, làm cho tinh thần yêu nước, nhân nghĩa, thủy chung, đoàn kết, gắn bó cộng đồng, ý thức tự lực tự cường, tự tôn dân tộc,… luôn thấm sâu vào đời sống, hoạt động của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội, chuyển hóa thành hành động thực tiễn, chung sức, đồng lòng. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã nhấn mạnh: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước”[3].

Cùng với đó, cần gắn giáo dục tình yêu gia đình, quê hương, đất nước với yêu nhân dân lao động và chủ nghĩa xã hội; phát huy dân chủ, bảo đảm đầy đủ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhân dân; đề cao tinh thần dân tộc, giá trị truyền thống nhân nghĩa, thủy chung để củng cố, phát triển thành tình cảm chân chính, chi phối mọi quá trình nhận thức và hành động của mỗi người Việt Nam. Thường xuyên nâng cao ý thức trách nhiệm công dân trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân; biết phân tích, nhận rõ đúng, sai trước những sự kiện, tình huống, thông tin trái chiều, kiên định mục tiêu “độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, có hành động thiết thực, đấu tranh với những luận điệu tuyên truyền, cổ súy những hành vi phản văn hóa, suy thoái về đạo đức, lối sống trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc của các thế lực thù địch, phản động. Đồng thời, giáo dục tinh thần quốc tế vô sản, phát huy bản chất tốt đẹp của giai cấp công nhân, đoàn kết, tranh thủ sự giúp đỡ của nhân dân các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới; tiếp thu giá trị văn hóa tiến bộ, làm phong phú bản sắc văn hóa và văn hóa giữ nước của dân tộc Việt Nam. 

Hai là, quán triệt và thực hiện tốt đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát huy vai trò của văn hóa giữ nước hiện nay nằm trong chiến lược xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; gắn xây dựng, phát triển văn hóa với phát triển các lĩnh vực đời sống xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Cùng với giữ gìn bản sắc dân tộc, chủ động hợp tác, giao lưu, quảng bá văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế và tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc”[4]. 

Đồng thời, xây dựng, rèn luyện giá trị đạo đức mới, thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đấu tranh phê phán, ngăn chặn, đẩy lùi quan điểm sai trái, tiêu cực, cái xấu, cái ác… núp dưới các danh nghĩa khác nhau để lợi dụng lôi kéo, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo vệ lợi ích quốc gia và đường lối cách mạng của Đảng ta trong giai đoạn hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng. 

Kế thừa giá trị truyền thống, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách và giáo dục nếp sống con người; nâng cao trình độ tri thức, văn hóa, truyền thống, rèn luyện về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống cho thế hệ trẻ. Cần thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, các cuộc vận động, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gắn xây dựng đời sống văn hóa với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đề cao trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc, từng bước thu hẹp khoảng cách đời sống vật chất, tinh thần giữa các vùng, miền, các giai tầng trong xã hội, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Ba là, thường xuyên củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tích cực kế thừa, phát triển sáng tạo giá trị văn hóa giữ nước. 

Cụ thể hóa và tiến hành hiệu quả các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng để phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung và tôn trọng những giá trị văn hóa, phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc anh em không trái với lợi ích chung của quốc gia, dân tộc để “tạo động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[5].

Chủ động phát hiện và giải quyết các mâu thuẫn nảy sinh giữa cái cũ và cái mới, giữa truyền thống và hiện đại, giữa cái đặc thù và cái phổ biến,... trong hội nhập, tiếp biến văn hóa; tạo điều kiện thuận lợi phát huy nguồn cảm hứng của mọi cá nhân, cộng đồng trong sáng tạo những giá trị hiện thực của văn hóa và văn hóa giữ nước theo đúng định hướng của Đảng. Mặt khác, kế thừa giá trị truyền thống, tiếp thu tinh hoa nhân loại, sáng tạo giá trị văn hóa mới, nhằm phát huy cao độ giá trị văn hóa giữ nước của dân tộc và ngăn chặn hiệu quả sự “xâm lăng” của văn hóa trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc Việt Nam.

Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay, bên cạnh những vận hội và thời cơ mới, đất nước ta cũng đang phải đối mặt với những nguy cơ, những thách thức mới. Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc ngày càng phải toàn diện hơn. Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[6]. 

Vì vậy, các giá trị của văn hóa giữ nước phải được hoàn thiện và phát huy nhằm đáp ứng với mục tiêu, yêu cầu trong tình hình mới. Đặc biệt, cần tăng cường giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc; khai thác, vận dụng những kinh nghiệm phát huy sức mạnh nhân tố chính trị tinh thần trong bảo vệ Tổ quốc. Mặt khác, kiên quyết khắc phục những hiện tượng tiêu cực trong đời sống văn hóa xã hội và ngăn chặn có hiệu quả sự chống phá của các thế lực thù địch trên mặt trận tư tưởng, văn hóa để “văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”[7]./.

--------------------------------

Ghi chú:

[1] Viện Khoa học xã hội và Nhân văn quân sự, Tìm hiểu văn hóa giữ nước Việt Nam, Nxb Quân đội Nhân dân, H.2002, tr.324.

[2] Học viện Quốc phòng và Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh về dựng và giữ nước, Nxb Quân đội Nhân dân, H.2000, tr.51.

[3],[4],[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG-ST, H.2016, tr.148, tr.126, tr.36. 

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng [Tài liệu sử dụng tại Đại hội Đảng bộ cấp huyện, cấp tỉnh và tương đương], H.2020, tr.49.

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ chín, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb CTQG-ST, H.2014, tr.47.

Tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ chín, Ban chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb CTQG-ST, H.2014.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG-ST, H.2016.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng [Tài liệu sử dụng tại Đại hội Đảng bộ cấp huyện, cấp tỉnh và tương đương], H.2020.

4. Học viện Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh về dựng và giữ nước, Nxb Quân đội nhân dân, H.2000.

5. Viện khoa học xã hội và Nhân văn quân sự [2002], Tìm hiểu văn hóa giữ nước Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, H.2020.

6. Vũ Như Khôi, Văn hóa giữ nước Việt Nam - Những giá trị đặc trưng, Nxb CTQG-ST, H.2011.

7. Lê Minh Vụ, Nguyễn Bá Dương, Xây dựng ý thức bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa cho người dân Việt Nam định hướng và giải pháp, Nxb Quân đội nhân dân, H.2011.

Lê Huy Tuynh - Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

tcnn.vn

Video liên quan

Chủ Đề