Kinh doanh tạm nhập tái xuất là gì năm 2024

Quy định về tạm nhập tái xuất: hồ sơ, thủ tục hải quan hàng tạm nhập tái xuất, các hình thức tạm nhập tái xuất, cách kê khai, hạch toán hàng tạm nhập tái xuất.

Nội dung chính:

I. Tạm nhập tái xuất hàng hóa là gì?

Theo Điều 29, Luật Thương mại 2005, tạm nhập, tái xuất hàng hóa được hiểu là hoạt động:

  • Nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài hoặc từ các khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam (được coi là khu vực hải quan riêng) theo quy định của pháp luật khi vào Việt Nam;
  • Cần làm thủ tục khi nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam và làm thủ tục khi xuất khẩu chính hàng hoá này ra khỏi Việt Nam.

Bản chất của tạm nhập tái xuất là hoạt động mua và bán hàng hóa. Vậy nên, kinh doanh tạm nhập tái xuất được thực hiện dựa trên cơ sở hợp đồng mua hàng và hợp đồng bán hàng, được ký giữa thương nhân ở Việt Nam và thương nhân ở các nước xuất khẩu.

Lưu ý:

\>> Hợp đồng mua hàng không nhất thiết phải có trước hợp đồng bán hàng. Nhờ đó, thương nhân có thể tận dụng cơ hội kinh doanh mua bán hàng hóa của mình.

\>> Về thời hạn lưu hành của hàng hóa được tạm nhập, tái xuất vào Việt Nam:

  • Thông thường, hàng hóa tạm nhập tái xuất vào Việt Nam chỉ được lưu hành trong thời hạn không quá 60 ngày, kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập;
  • Trường hợp có nhu cầu gia hạn thêm, thương nhân cần làm văn bản đề nghị gia hạn và gửi đến Chi cục Hải quan nơi thực hiện thủ tục tạm nhập. Song, mỗi lô hàng hóa tạm nhập tái xuất chỉ được gia hạn tối đa 2 lần, mỗi lần không được vượt quá 30 ngày. Quá thời hạn này, thương nhân phải tiêu hủy hoặc tái xuất những hàng hóa đó ra khỏi Việt Nam.

II. Điều kiện để hàng hóa được tạm nhập tái xuất

Căn cứ Điều 122 Luật Thương mại 2005 quy định về hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam để trưng bày và giới thiệu tại Việt Nam, ngoài việc đáp ứng những điều kiện quy định tại Điều 121 Luật Thương mại 2005 thì còn phải đáp ứng các điều kiện sau:

  • Là hàng hóa được phép nhập khẩu vào Việt Nam theo quy định;
  • Những mặt hàng, các loại chất thải nguy hại và ảnh hưởng đến môi trường được quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định 69/2018/NĐ-CP như: hóa chất, nhựa phế liệu, phế thải và mẩu vụn của plastic, thiết bị làm lạnh sử dụng CFC, các loại bộ phận và phụ kiện đã qua sử dụng, ác quy axit chì đã qua sử dụng… sẽ bị cấm kinh doanh tạm nhập tái xuất;
  • Đối với hàng hóa tạm nhập khẩu để trưng bày và giới thiệu:
    • Phải tái xuất khẩu sau khi kết thúc việc trưng bày và giới thiệu, tuy nhiên không được quá 6 tháng từ ngày tạm nhập khẩu. Nếu quá thời hạn thì phải làm thủ tục gia hạn tại hải quan nơi tạm nhập khẩu;
    • Trường hợp hàng hóa được tiêu thụ tại Việt Nam thì phải tuân thủ tất cả các quy định của pháp luật Việt Nam đối với hàng hóa nhập khẩu.

III. Các hình thức tạm nhập tái xuất hàng hóa là gì?

Điều 15 Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định về các hình thức tạm nhập tái xuất hàng hóa như sau:

1. Tạm nhập tái xuất hàng hóa theo hình thức kinh doanh

Đối với kinh doanh hàng hóa tạm nhập tái xuất có điều kiện:

➤ Tạm nhập tái xuất hàng hóa có điều kiện:

  • Nhóm hàng thực phẩm đông lạnh (chi tiết tại );
  • Nhóm hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt (chi tiết tại );
  • Nhóm hàng hóa đã qua sử dụng (chi tiết tại ).

➤ Quy định về điều kiện đối với hàng hóa kinh doanh:

  • Thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật doanh nghiệp và được Bộ Công thương cấp mã số kinh doanh hàng hóa tạm nhập tái xuất;
  • Không được ủy thác, nhận ủy thác tạm nhập tái xuất đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất có điều kiện;
  • Không chuyển loại hình kinh doanh từ tạm nhập tái xuất sang hình thức nhập khẩu với mục đích tiêu thụ nội địa các hàng hóa tạm nhập tái xuất có điều kiện;
  • Vận đơn đường biển hàng hóa tạm nhập tái xuất phải là vận đơn đích danh, có ghi rõ:
    • Mã số kinh doanh tạm nhập tái xuất của doanh nghiệp;
    • Hoặc số giấy phép đăng ký kinh doanh tạm nhập tái xuất do Bộ Công thương cấp đối với các hàng hóa đã qua sử dụng.

2. Tạm nhập tái xuất theo hợp đồng thuê, mượn, bảo dưỡng, bảo hành

  • Thương nhân Việt Nam có quyền ký kết hợp đồng với các thương nhân nước ngoài về hàng hóa tạm nhập tái xuất với mục đích thuê, mượn, bảo dưỡng, bảo hành (ngoại trừ các trường hợp là hàng hóa thuộc diện cấm và tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu);
  • Sau khi tiến hành thuê, mượn, bảo dưỡng, bảo hành hàng hóa tạm nhập tái xuất trong 1 khoảng thời gian nhất định, các thương nhân nước ngoài tiếp tục tái xuất hàng đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

3. Tạm nhập tái xuất để bảo hành, tái chế theo yêu cầu của các thương nhân nước ngoài

  • Thương nhân được tạm nhập hàng hóa mà mình đã xuất khẩu để bảo hành, tái chế theo yêu cầu của các thương nhân nước ngoài và tái xuất khẩu trả lại các thương nhân nước ngoài;
  • Thủ tục tạm nhập tái xuất được thực hiện tại cơ quan hải quan, không yêu cầu cung cấp giấy phép tạm nhập tái xuất.

4. Tạm nhập tái xuất hàng hóa để giới thiệu, trưng bày, tham gia triển lãm thương mại, hội chợ

  • Thương nhân được tạm nhập hàng hóa để giới thiệu, trưng bày, tham gia triển lãm thương mại, hội chợ, ngoại trừ trường hợp:
    • Hàng hóa thuộc nhóm bị cấm xuất và nhập khẩu;
    • Hàng hóa tạm ngừng xuất và nhập khẩu.
  • Thủ tục tạm nhập tái xuất được thực hiện tại cơ quan hải quan, không yêu cầu có giấy phép tạm nhập tái xuất.
  • Thương nhân đảm bảo tuân thủ các quy định về giới thiệu, trưng bày, tham gia triển lãm thương mại, hội chợ theo quy định tại Mục 3, Mục 4 Chương IV Luật thương mại.

5. Tạm nhập tái xuất hàng hóa vì mục đích nhân đạo và mục đích khác

➤ Đối với việc tạm nhập tái xuất các hàng hóa như:

  • Dụng cụ khám chữa bệnh, máy móc, trang thiết bị của các tổ chức nước ngoài để khám và chữa bệnh tại Việt Nam với mục đích nhân đạo;
  • Trang thiết bị thi đấu, tập luyện, dụng cụ biểu diễn của các đoàn thi đấu, đoàn nghệ thuật, biểu diễn thể thao.

Thủ tục tạm nhập tái xuất được thực hiện tại cơ quan hải quan, không yêu cầu giấy phép tạm nhập tái xuất.

➤ Trường hợp thiết bị, dụng cụ khám chữa bệnh, trang thiết bị thi đấu, tập luyện, dụng cụ biểu diễn thuộc danh mục hàng hóa cấm, tạm ngưng xuất khẩu, nhập khẩu hoặc hàng hóa xuất nhập khẩu theo giấy phép, điều kiện thì khi thực hiện thủ tục tạm nhập tái xuất, ngoài hồ sơ hải quan theo quy định cần nộp bổ sung các chứng từ sau:

  • Văn bản của tổ chức, cơ quan có thẩm quyền về việc cho phép tiếp nhận các đoàn tổ chức sự kiện, khám chữa bệnh;
  • Văn bản cam kết sử dụng đúng mục đích và tuân thủ quy định pháp luật của tổ chức, cơ quan được cho phép tiếp nhận các đoàn tổ chức sự kiện, khám chữa bệnh;
  • Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xem xét, cho phép tạm nhập tái xuất trang thiết bị quân sự, an ninh, khí tài, vũ khí phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng.

IV. Hồ sơ, thủ tục hải quan hàng tạm nhập tái xuất

1. Hồ sơ tạm nhập tái xuất hàng hóa

Chi tiết hồ sơ tạm nhập tái xuất hàng hóa bao gồm:

  • Chứng từ vận tải (trong trường hợp hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt, đường biển, đường hàng không, vận tải đa phương thức theo quy định của pháp luật);
  • Giấy phép nhập khẩu (đối với hàng hóa, thông báo kết quả kiểm tra của cơ quan kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật);
  • Tờ khai hải quan theo mẫu do Bộ Tài chính ban hành.
2. Thủ tục hải quan hàng tạm nhập tái xuất

2.1. Trình tự thực hiện thủ tục hải quan hàng tạm nhập tái xuất

  • Bước 1: Người khai hải quan đăng ký và thực hiện thủ tục hải quan;
  • Bước 2: Cơ quan hải quan xem xét và quyết định về việc thông quan tờ khai cho người khai hải quan;
  • Bước 3: Thanh khoản tờ khai tạm nhập tái xuất sau khi hàng hóa được tái xuất, tái nhập hết.

2.2. Cách thực hiện thủ tục hải quan tạm nhập tái xuất

➤ Đối với hình thức nộp trực tiếp:

Thời hạn đăng ký, tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ hải quan: Ngay sau khi người khai nộp và xuất trình hồ sơ hải quan đúng theo quy định của pháp luật (căn cứ Khoản 1 Điều 23 Luật Hải quan).

Thời hạn hoàn thành kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa và phương tiện vận tải:

  • Hoàn thành kiểm tra hồ sơ: Chậm nhất là 2 giờ làm việc, từ thời điểm cơ quan hải quan tiếp nhận đầy đủ hồ sơ hải quan;
  • Hoàn thành kiểm tra thực tế hàng hóa:: Chậm nhất là 8 giờ làm việc, từ thời điểm người khai hải quan xuất trình đầy đủ hàng hóa cho cơ quan hải quan.
  • Trong trường hợp:
    • Hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành về chất lượng, kiểm dịch động vật, thực vật, an toàn thực phẩm y tế, văn hóa theo quy định của pháp luật có liên quan: Thời gian hoàn thành kiểm tra thực tế được tính từ thời điểm có được kết quả kiểm tra chuyên ngành theo quy định;
    • Việc kiểm tra phức tạp, lô hàng có nhiều chủng loại hoặc số lượng lớn: Trưởng cơ quan hải quan tại nơi làm thủ tục hải quan sẽ đưa ra quyết định về việc gia hạn thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa, thời gian gia hạn tối đa không quá 2 ngày.

➤ Hình thức nộp trực tuyến:

  • Thời hạn đăng ký, tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ hải quan: Ngay sau khi người khai nộp và xuất trình hồ sơ hải quan đúng theo quy định của pháp luật (Khoản 1 Điều 19 Luật Hải quan);
  • Thời hạn hoàn thành kiểm tra thực tế hàng hóa và phương tiện vận tải (tính từ thời điểm người khai hải quan thực hiện đủ các yêu cầu về thủ tục hải quan tại Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều 16 Luật Hải quan) quy định như sau:
    • Chậm nhất 8 giờ làm việc: Đối với những lô hàng xuất, nhập khẩu áp dụng theo hình thức kiểm tra thực tế một phần hàng theo xác suất;
    • Chậm nhất 2 ngày làm việc: Đối với lô hàng xuất, nhập khẩu áp dụng hình thức kiểm tra thực tế toàn bộ hàng hóa. Trường hợp lô hàng xuất, nhập khẩu đó có số lượng lớn và việc kiểm tra phức tạp thì thời gian kiểm tra có thể được gia hạn, tuy nhiên không được quá 8 giờ làm việc.

V. Cách kê khai, hạch toán hàng hóa tạm nhập tái xuất

1. Cách kê khai đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất

1.1. Cách kê khai thuế nhập khẩu

  • Cần xác định chính xác nước xuất khẩu hàng hóa là nước nào, mã số HS của hàng hóa là gì để tra cứu thuế suất thuế nhập khẩu;
  • Theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu 2016, thuế suất thuế nhập khẩu bao gồm: thuế suất ưu đãi, thuế suất ưu đãi đặc biệt và thuế suất thông thường (*);
  • Hồ sơ khai thuế nhập khẩu là hồ sơ hải quan (căn cứ Khoản 5 Điều 43 Luật Quản lý thuế 2019). Hồ sơ hải quan đối với hàng nhập khẩu được quy định tại Điều 16 Thông tư 38/2015/TT-BTC (đã được sửa đổi tại Thông tư 39/2018/TT-BTC);
  • Thời điểm xác định thuế nhập khẩu hàng nhập khẩu là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan (căn cứ Khoản 2 Điều 8 Luật Thuế xuất, nhập khẩu 2016);
  • Người khai hải quan có thể lựa chọn:
    • Khai báo nộp thuế;
    • Hoặc thực hiện bảo lãnh trên cơ sở tự kê khai và tính thuế của người khai hải quan;
    • Hoặc nộp thuế ngay khi có chứng từ ghi số thuế phải thu.
  • Thời gian nộp thuế nhập khẩu hàng nhập khẩu là trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng hóa (căn cứ Khoản 4 Điều 55 Luật Quản lý thuế 2019, dẫn chiếu đến Điều 9 Luật Thuế xuất, nhập khẩu 2016).

\>> Tham khảo thêm: Hướng dẫn về thời hạn nộp thuế đối với hàng nhập khẩu

----

(*) Chi tiết tra cứu tại:

➧ Biểu thuế suất thuế nhập khẩu thông thường:

  • Quyết định 15/2023/QĐ-TTg;
  • Quyết định 45/2017/QĐ-TTg;
  • Quyết định 28/2019/QĐ-TTg.

➧ Biểu thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi:

  • Nghị định 101/2021/NĐ-CP;
  • Nghị định 51/2022/NĐ-CP.

➧ Biểu thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt:

  • Nghị định 112/2022/NĐ-CP (Việt Nam – Chi Lê);
  • Nghị định 114/2022/NĐ-CP (Việt Nam – Cuba);
  • Nghị định 115/2022/NĐ-CP (Việt Nam – CPTPP);
  • Nghị định 113/2022/NĐ-CP (Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á - Âu);
  • Nghị định 116/2022/NĐ-CP (Việt Nam – Liên minh châu Âu);
  • Nghị định 117/2022/NĐ-CP (Việt Nam – Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len);
  • Nghị định 118/2022/NĐ-CP (Việt Nam – ASEAN – Trung Quốc);
  • Nghị định 119/2022/NĐ-CP (Việt Nam – ASEAN – Hàn Quốc);
  • Nghị định 120/2022/NĐ-CP (Việt Nam – ASEAN – Nhật Bản);
  • Nghị định 121/2022/NĐ-CP (Việt Nam – ASEAN – Ôt-xtrây-lia–Niu Di-lân);
  • Nghị định 122/2022/NĐ-CP (Việt Nam – ASEAN – Ấn Độ);
  • Nghị định 123/2022/NĐ-CP (Việt Nam – ASEAN – Hồng Kông);
  • Nghị định 124/2022/NĐ-CP (Việt Nam – Nhật Bản);
  • Nghị định 125/2022/NĐ-CP (Việt Nam – Hàn Quốc);
  • Nghị định 126/2022/NĐ-CP (Việt Nam – ASEAN);
  • Nghị định 127/2022/NĐ-CP (Việt Nam – Lào);
  • Nghị định 129/2022/NĐ-CP (Việt Nam – RCEP).

1.2. Cách kê khai thuế GTGT hàng nhập khẩu

  • Biểu thuế GTGT hàng nhập khẩu được quy định chi tiết tại Thông tư 83/2014/TT-BTC;
  • Hồ sơ khai thuế GTGT hàng nhập khẩu là hồ sơ hải quan (căn cứ Khoản 5 Điều 43 Luật Quản lý thuế 2019). Hồ sơ hải quan đối với hàng nhập khẩu được quy định tại Điều 16 Thông tư 38/2015/TT-BTC (đã được sửa đổi bởi Thông tư 39/2018/TT-BTC);
  • Thời điểm xác định thuế GTGT hàng nhập khẩu là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan (căn cứ Khoản 6 Điều 8 Thông tư 219/2013/TT-BTC);
  • Người khai hải quan có thể lựa chọn 1 trong 3 phương án sau:
    • Khai báo nộp thuế;
    • Thực hiện bảo lãnh trên cơ sở tự kê khai và tính thuế của người khai hải quan;
    • Nộp thuế ngay khi có chứng từ ghi số thuế phải thu.
  • Thời gian nộp thuế GTGT hàng nhập khẩu là trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng hóa (căn cứ Khoản 4 Điều 55 Luật Quản lý thuế 2019, dẫn chiếu đến Điều 9 Luật Thuế xuất, nhập khẩu 2016).
2. Cách hạch toán đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất

➤ Khi tạm nhập khẩu

  • Phản ánh giá trị hàng hóa nhập khẩu, số thuế nhập khẩu và thuế GTGT hàng nhập khẩu phải nộp, tổng số tiền phải trả hoặc đã thanh toán (giá có thuế nhập khẩu), ghi:
    • Nợ TK 152, 153, 156, 211, 611…;
    • Có TK 111, 112, 331…;
    • Có TK 3333 - Thuế xuất khẩu, nhập khẩu (chi tiết thuế nhập khẩu);
    • Có TK 3332 - Thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có);
    • Có TK 333… - Nếu có thuế khác.
  • Đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất không thuộc quyền sở hữu của đơn vị, hàng quá cảnh được tái xuất ngay tại kho ngoại quan và khi nộp thuế, ghi:
    • Nợ TK 138 - Phải thu khác;
    • Có TK 3333, 3332, 333…

➤ Khi nộp thuế nhập khẩu vào ngân sách nhà nước:

  • Nợ TK 3333, 3332, 333…;
  • Có TK 111, 112…

➤ Khi tái xuất khẩu hàng hóa không phải nộp thuế xuất khẩu:

  • Phản ánh giá vốn hàng hóa xuất khẩu, ghi:
    • Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán;
    • Có TK 152, 155, 156…
  • Phản ánh doanh thu bán hàng hóa, ghi:
    • Nợ TK 111, 112, 131…;
    • Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.
  • Đối với thuế nhập khẩu đã nộp ở khâu nhập khẩu khi hàng hóa tái xuất khẩu:
    • Nợ TK 3333, 3332, 333…;
    • Có TK 632 - Giá vốn hàng bán (xuất hàng để bán);
    • Có TK 152, 153, 156 - Hàng hóa (xuất hàng trả lại).
  • Khi được hoàn lại số thuế nhập khẩu đã nộp ở khâu nhập khẩu nhưng không thuộc quyền sở hữu của đơn vị, ghi:
    • Nợ TK 3333, 3332, 333…;
    • Có 138 - Phải thu khác.
  • Khi nhận tiền từ ngân sách nhà nước, ghi:
    • Nợ TK 111, 112…;
    • Có TK 3333, 3332, 333…

VI. Các câu hỏi liên quan đến tạm nhập tái xuất hàng hóa

1. Trường hợp doanh nghiệp được hoàn thuế đã nộp ở khâu nhập khẩu khi tái xuất tài sản cố định thì sẽ được ghi nhận và hạch toán như thế nào?

Đối với số thuế đã nộp được hoàn ở khâu nhập khẩu khi tái xuất tài sản cố định (TSCĐ) thì hạch toán như sau:

  • Nợ TK 3333 - Thuế xuất khẩu, nhập khẩu (chi tiết thuế nhập khẩu) nếu được trừ vào số phải nộp;
  • Nợ TK 3332 - Thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có);
  • Nợ TK 333… - Nếu có thuế khác;
  • Có TK 211 - TSCĐ hữu hình (nếu xuất trả lại TSCĐ);
  • Có TK 811 - Chi phí khác (nếu bán TSCĐ).

Khi nhận tiền từ ngân sách nhà nước, ghi:

  • Nợ TK 111, 112…;
  • Có TK 3333, 3332, 333…

2. Trường hợp xuất khẩu hàng hóa bị kém chất lượng, công ty nhập lại về để sửa chữa và xuất đi lại cho khách hàng đó (tạm nhập tái xuất). Trong trường hợp này, doanh nghiệp có phải xuất hoá đơn khi tái xuất khẩu hàng trả lại cho bên khách hàng không và có được miễn thuế không?

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định 69/2018/NĐ-CP, nhà cung cấp được tạm nhập hàng hóa đã xuất khẩu về để sửa chữa, bảo hành, thay thế theo yêu cầu của khách hàng và tái xuất khẩu trả lại cho khách hàng đó. Thủ tục tạm nhập tái xuất thực hiện tại cơ quan hải quan, không bắt buộc phải có giấy phép tạm nhập tái xuất.

Vì vậy, khi tạm nhập hàng hóa đã xuất khẩu về để sửa chữa, bảo hành, thay thế theo yêu cầu của khách hàng thì doanh nghiệp không cần phải xuất hóa đơn khi tái xuất khẩu trả lại cho bên khách hàng.

Ngoài ra, căn cứ theo Điểm c Khoản 9 Điều 16 Luật Thuế xuất, nhập khẩu 2016, việc tạm nhập tái xuất hàng hóa để sửa chữa, bảo hành, thay thế trong thời hạn nhất định thì sẽ được miễn thuế xuất, nhập khẩu.

Tạm nhập tái xuất có lợi ích gì?

Lợi ích của tạm nhập tái xuất Sử dụng hình thức này, thương nhân sẽ nhận lại những lợi ích như sau: ✅Đa dạng hóa nền ngoại thương, tăng thu lợi nhuận từ thương mại quốc tế. ✅Chuyển những thuận lợi về địa lý trở thành cơ hội kinh doanh. ✅Thúc đẩy giao lưu buôn bán hàng hóa, sản phẩm trên thế giới.

Hàng tạm nhập tái xuất trong tiếng Anh là gì?

Tạm nhập tái xuất - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Temporary import and re-export.

Tại sao phải tạm xuất tái nhập?

Phục vụ cho mục đích tái chế, bảo hành theo yêu cầu của thương nhân nước ngoài. Hàng hóa sau khi tạm nhập vào Việt Nam để tái chế, bảo hành sẽ được tái xuất lại chính nơi xuất khẩu ban đầu. Mục đích thường gặp là để trưng bày, giới thiệu, tham gia hội chợ hoặc là triển lãm thương mại.

Hàng tạm nhập tái xuất có thời hạn bao lâu?

Như vậy, theo quy định trên chỉ trong trường hợp doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa tạm nhập tái xuất thì mới bị giới hạn thời gian tạm nhập tái xuất là 60 ngày.