Hút thuốc la nơi công cộng là vi phạm gì

Một buổi sáng cuối tuần, đang vui vẻ trò chuyện thư giãn bên ly cà phê, chị bạn cùng bàn vừa lấy một tay bịt mũi vừa nói, mình chuyển bàn đi, mùi thuốc lá khó chịu quá, mình bị dị ứng với khói thuốc. Nhìn cả nhóm chúng tôi lục tục dọn chuyển bàn, người đàn ông ngồi bàn bên cạnh đang cầm điếu thuốc cháy dở trên tay như hiểu ra chuyện: Lắm chuyện, có tí mùi thuốc lá mà cũng chuyển bàn.

Có lẽ, dường như người đàn ông ấy không một chút áy náy về hành động của mình gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người khác mà lại còn tỏ ý trách móc chúng tôi làm quá lên.

Thực tế là hầu hết phụ nữ đều không quen và cảm thấy khó chịu với mùi thuốc lá, hay nói cách khác là không muốn phải hút thuốc lá thụ động, ảnh hưởng đến sức khỏe. Không chỉ chị em phụ nữ, bản thân tôi cũng vậy. Tôi từng nhiều năm hút thuốc và nay đã bỏ thuốc lá nhưng cũng cảm thấy phiền lòng mỗi khi phải ngửi mùi thuốc lá một cách thụ động ở nơi công cộng.

Điều đáng buồn là trong khi những người không hút thuốc lá, thậm chí kể cả những người đang hút thuốc lá còn cảm thấy khó chịu khi hít phải hơi thuốc một cách thụ động, thì những người hút thuốc lá dù đã được nhắc nhở nhưng chẳng mấy quan tâm. Họ cứ vô tư hút mặc cho người khác bị ảnh hưởng, miễn là thỏa mãn được cơn thèm thuốc. Thực tế ở các nơi công cộng, đặc biệt là tại các quán cà phê, quán nhậu… không khó để bắt gặp cảnh chị em phụ nữ, những người đàn ông không hút thuốc phải hút thuốc lá thụ động từ những người khác.

Trẻ em là một trong những đối tượng dễ trở thành hút thuốc thụ động. Ảnh: Internet


Trước tình trạng này, có người cho là chuyện bình thường, không mảy may quan tâm, có lẽ vì không biết, không quan tâm đến tác hại của hút thuốc lá thụ động, hoặc vì quá quen thuộc nên xem đó là chuyện bình thường. Nhưng cũng có người thẳng thắn và đề nghị người đang hút thuốc dừng hút hay tìm chỗ khác để hút. Khi ấy, có người hút thuốc hiểu ra và dập tắt điếu thuốc đang cháy dở rồi gật đầu như một lời xin lỗi. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp người hút thuốc phản ứng tiêu cực kiểu dằn mặt: Hút ở đâu, hút như thế nào là quyền của tôi chẳng phải việc của các người mà xía vào.

Cũng có trường hợp như chị bạn uống cà phê cùng tôi, không muốn ý kiến, sợ gặp phải thái độ tiêu cực của người khác ở nơi công cộng đành chọn chuyển bàn, tránh đi nơi khác.

Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực từ ngày 1/5/2013, ở Điều 7 đã quy định rõ quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tác hại của thuốc lá: Được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá. Yêu cầu người hút thuốc lá không hút tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá. Vận động, tuyên truyền người khác không sử dụng thuốc lá, cai nghiện thuốc lá. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá. Phản ánh hoặc tố cáo cơ quan, người có thẩm quyền không xử lý hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá...

Luật quy định như vậy không chỉ nhằm giảm bớt tình trạng hút thuốc, mà quan trọng hơn, để bảo vệ những người không hút thuốc vì tác hại của việc phải hút thuốc lá thụ động. Tuy nhiên, sau 7 năm Luật đi vào cuộc sống, bên cạnh những người ý thức được hút thuốc lá nơi công cộng sẽ ảnh hưởng xấu đến nhiều người xung quanh nên đã tìm những nơi vắng, góc riêng, nơi quy định để hút thuốc lá thì cũng có không ít người không chút mảy may quan tâm đến những quy định ở đâu được hút thuốc lá nếu vi phạm sẽ bị xử phạt bao nhiêu. Và đáng buồn hơn nữa, có người dù biết nhưng vẫn cố tình lờ đi, kiểu như không thể trì hoãn được…cơn thèm thuốc, mà không hề mảy may nghĩ đến quyền lợi của nhiều người khác là được sống trong môi trường không có thuốc lá.

Vậy là không ít nơi công cộng, người hút cứ hút; ai không hút chủ động cũng trở thành hút thụ động. Ai có khó chịu thì cũng tự nhủ mình, chấp nhận “sống chung với lũ”; nếu không muốn thì tránh đi cho lành, kiểu dọn bàn đi chỗ khác như chị bạn tôi lựa chọn.

Nhiều người bạn tôi không đồng tình với suy nghĩ và cách lựa chọn xử lý chuyển bàn như chị bạn bởi họ nghĩ rằng, thấy người khác hút thuốc lá thì tránh đi như vậy hoặc coi đó là chuyện bình thường…đã vô tình khiến cho không ít người thiếu ý thức vẫn vô tư nhả khói nơi công cộng. Bởi những người nghiện thuốc lá khó mà trì hoãn được cơn thèm thuốc nên cũng khó mà chấp hành nghiêm các quy định của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá. Trong khi đó, lực lượng chức năng mỏng, lại kiêm nhiệm nhiều công việc… nên rất khó kiểm tra, kiểm soát triệt để. Vì vậy, những người không hút thuốc lá và không muốn phải chịu cảnh hút thuốc lá thụ động nên lên tiếng để những người hút thuốc lá biết phải cố gắng tôn trọng người khác, dần hình thành ý thức và có lối sống đẹp: Hút thuốc lá đúng nơi, đúng chỗ.


Nguồn: baokontum.com.vn

[HNM] - Như Báo Hànộimới đã thông tin, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, có hiệu lực từ ngày 15-11-2020 [thay thế Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ], đã tăng mức xử phạt với hành vi hút thuốc lá tại nơi cấm gấp gần 2 lần. Thế nhưng, sau một tuần kể từ ngày nghị định có hiệu lực, tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng trên địa bàn Hà Nội vẫn diễn ra phổ biến. Để xây dựng môi trường không khói thuốc lá, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh việc kiểm tra, xử phạt nghiêm theo quy định.

Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá [Bộ Y tế] phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành của quận Ba Đình kiểm tra việc thực hiện nhà hàng không khói thuốc tại một nhà hàng trên phố Giảng Võ. Ảnh: Trang Thu

Vô tư hút thuốc lá nơi công cộng

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, những ngày qua tại các địa điểm công cộng như bến xe, công viên, bệnh viện..., không khó để bắt gặp nhiều người vẫn phớt lờ biển báo cấm hút thuốc, thản nhiên nhả khói. Tại khu vực Bệnh viện Phụ sản trung ương vào 8h sáng 20-11 có rất đông sản phụ, người nhà ra, vào. Theo quan sát, bên trong khuôn viên của bệnh viện không có hiện tượng hút thuốc lá, nhưng ngay ngoài cổng bệnh viện nhiều người vẫn vô tư hút thuốc lá.

Tương tự, 10h sáng 20-11, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, dù trong khuôn viên bệnh viện đã bố trí rất nhiều biển báo cấm hút thuốc, nhưng vẫn có không ít người bỏ khẩu trang tranh thủ hút thuốc lá. Phía trước cổng bệnh viện có đến chục người ngồi ở các quán nước đang hút thuốc lá. Khi phóng viên nhắc nhở, anh Phạm Khắc Minh [ở quận Ba Đình, Hà Nội] cười phân trần: “Tôi ngồi chờ bố khám bệnh bên trong, sốt ruột quá nên hút điếu thuốc cho bớt căng thẳng. Tôi ngồi đây khá lâu nhưng không thấy ai đến nhắc nhở hay xử phạt…”.

Gần 8h sáng 21-11, tại khu vực sảnh trước cửa Bến xe Gia Lâm, chỉ trong 10 phút, phóng viên đã đếm được có 8 người đang hút thuốc lá. Hút xong, hầu hết đều tiện tay vứt tàn thuốc xuống mặt đất, rồi dùng chân dập. Vi phạm nhiều nhưng không thấy lực lượng chức năng nhắc nhở.

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá [có hiệu lực từ năm 2013] quy định rõ, cấm hút thuốc lá nơi công cộng, gồm cơ sở y tế, trường học, nơi làm việc, bến xe… Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định mức phạt tiền với hành vi hút thuốc tại nơi bị cấm tăng lên từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng, thay vì mức 100.000-300.000 đồng như trước. Tăng mức phạt là hết sức cần thiết để răn đe, song dù chế tài đã có hiệu lực được hơn một tuần, vẫn chưa có cá nhân nào bị phạt do hút thuốc ở những nơi cấm.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, đại diện Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá [Bộ Y tế] cho rằng, chế tài xử phạt đã rõ, thế nhưng hiện nay, nhiều người có trách nhiệm quản lý các địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá chưa quan tâm, nhìn nhận công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá như là nhiệm vụ chính thức, thường xuyên. Thêm vào đó, do lực lượng thanh tra mỏng, cùng lúc phải phụ trách nhiều lĩnh vực, nên việc xử phạt người vi phạm rất khó thực hiện.

Tăng cường tuyên truyền đi kèm kiểm tra, xử phạt

Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh việc kiểm tra, xử phạt theo quy định hành vi hút thuốc lá nơi công cộng để xây dựng môi trường không khói thuốc lá. Ảnh: Anh Tuấn

Theo Bộ Y tế, Việt Nam là một trong 15 nước có tỷ lệ hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và là một trong 4 nước có tỷ lệ người trưởng thành hút thuốc lá cao nhất châu Á. Do đó, cùng với việc tăng cường tuyên truyền tác hại thuốc lá, cần đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.

Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định, thẩm quyền xử phạt vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá thuộc nhiều cơ quan, lực lượng căn cứ theo địa bàn, lĩnh vực phụ trách như: Chủ tịch UBND các địa phương; Thanh tra các ngành: Y tế, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo...; Công an nhân dân; Quản lý thị trường; Bộ đội biên phòng…

Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường cho rằng, để xử phạt với hành vi hút thuốc lá tại nơi cấm, riêng lực lượng thanh tra y tế không thể làm được, mà cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, lực lượng công an... Đặc biệt, người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá phải nâng cao vai trò và trách nhiệm của mình.

Qua kiểm tra, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại thuốc lá thành phố đánh giá, những đơn vị thực hiện tốt môi trường không khói thuốc là nhờ đưa quy định cấm hút thuốc lá vào quy chế nội bộ của cơ quan; trưởng các phòng, ban chịu trách nhiệm, nếu để xảy ra vi phạm. Để xử phạt nghiêm hành vi hút thuốc lá tại nơi cấm, nhất là các bệnh viện, tới đây Sở Y tế Hà Nội sẽ phối hợp thành lập các đoàn kiểm tra, xử lý vi phạm.

Hiện tại, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá đang xây dựng và thí điểm ứng dụng phần mềm trên điện thoại di động cho phép người dân chụp và gửi hình ảnh vi phạm các quy định phòng, chống tác hại của thuốc lá tới cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý. Dự kiến, việc ứng dụng phần mềm này sẽ được thí điểm tại quận Hoàn Kiếm và quận Tây Hồ. Với các giải pháp trên, kỳ vọng Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung sớm xây dựng được môi trường không khói thuốc lá.

Video liên quan

Chủ Đề