Hướng dẫn về bồi thường tổn that tinh thần

Khi tham gia vào các quan hệ xã hội, các chủ thể tham gia có thể do lỗi vô ý hoặc cố ý làm xâm hại đến các quan hệ gây ra các thiệt hại về vật chất lẫn tinh thần. Nếu như thiệt hại về vật chất là thiệt hại dễ xác định thì thiệt hại về tinh thần là thiệt hại khó xác định và gây ra nhiều tranh cãi trong việc bồi thường.

1. Thiệt hại về tinh thần là gì?

Thiệt hại về tinh thần là tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các lợi ích nhân thân khác của một chủ thể. [Theo quy định tại Khoản 3, Điều 361 Bộ luật dân sự năm 2015]

Thiệt hại do tổn thất về tinh thần của cá nhân được hiểu là do sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm mà người bị thiệt hại hoặc do tính mạng bị xâm phạm mà người thân thích gần gũi nhất của nạn nhân phải chịu đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm, bị giảm sút hoặc mất uy tín, bị bạn bè xa lánh do bị hiểu nhầm… và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà họ phải chịu. Thiệt hại do tổn thất về tinh thần của pháp nhân và các chủ thể khác không phải là pháp nhân [gọi chung là tổ chức] được hiểu là do danh dự, uy tín bị xâm phạm, tổ chức đó bị giảm sút hoặc mất đi sự tín nhiệm, lòng tin… vì bị hiểu nhầm và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà tổ chức phải chịu.

2. Thiệt hại về tinh thần trong Tiếng anh là gì?

Thiệt hại về tinh thần trong Tiếng anh là Mental damage”.

3. Xác định thiệt hại và mức độ bồi thường thiệt hại tinh thần.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi có đủ các yếu tố sau:

– Phải có thiệt hại xảy ra.

– Phải có hành vi trái pháp luật.

Hành vi trái pháp luật là những xử sự cụ thể của con người được thể hiện thông qua hành động hoặc không hành động trái với các quy định của pháp luật.

– Phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại.

– Phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại.

Xem thêm: Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là gì? Đặc điểm và các nguyên tắc bồi thường?

+ Cố ý gây thiệt hại là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc không mong muốn, nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra.

+ Vô ý gây thiệt hại là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.

Thông thường việc xác định thiệt hại và mức độ bồi thường thiệt hại được thực hiện theo nguyên tắc thỏa thuận của các bên, phù hợp với quan hệ dân sự, tuy nhiên pháp luật cũng có quy định về xác định thiệt hại và mức bồi thường như sau:

– Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm.

+ Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm được bồi thường cho chính người bị thiệt hại

+ Trong mọi trường hợp, khi sức khỏe bị xâm phạm, người bị thiệt hại được bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần.

+ Mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại trước hết do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được, thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, nhưng tối đa không quá 30 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy đinh tại thời điểm giải quyết bồi thường.

– Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do tính mạng bị xâm phạm.

Xem thêm: Quy định về bồi thường thiệt hại khi làm ô nhiễm môi trường

+ Người được nhận khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần trong trường hợp này là những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người bị thiệt hại.

+ Trường hợp không có những người được hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 2.4 mục 2 này, thì người được nhận khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần là người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng và người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại.

+ Trong mọi trường hợp, khi tính mạng bị xâm phạm, những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất hoặc người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng và người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại [sau đây gọi chung là người thân thích] của người bị thiệt hại được bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần. Cần căn cứ vào hướng dẫn tại điểm b tiểu mục 1.1 mục 1 Phần I Nghị quyết này để xác định mức độ tổn thất về tinh thần của những người thân thích của người bị thiệt hại. Việc xác định mức độ tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào địa vị của người bị thiệt hại trong gia đình, mối quan hệ trong cuộc sống giữa người bị thiệt hại và những người thân thích của người bị thiệt hại…

+ Mức bồi thường chung khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần trước hết do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được, thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho tất cả những người thân thích của người bị thiệt hại phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, số lượng người thân thích của họ, nhưng tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.

– Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.

+  Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm được bồi thường cho chính người bị xâm phạm.

+ Trong mọi trường hợp khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, người bị xâm phạm được bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần. Cần căn cứ vào hướng dẫn tại điểm b tiểu mục 1.1 mục 1 Phần I Nghị quyết này để xác định mức độ tổn thất về tinh thần của người bị xâm hại. Việc xác định mức độ tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào hình thức xâm phạm [bằng lời nói hay đăng trên báo viết hay báo hình…], hành vi xâm phạm, mức độ lan truyền thông tin xúc phạm…

+ Mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị xâm phạm trước hết do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được, thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào mức độ tồn thất về tinh thần, nhưng tối đa không quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường…

Xem thêm: Xác định mức bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm

Thiệt hại được bồi thường do vi phạm hợp đồng: Theo yêu cầu của người có quyền, Tòa án có thể buộc người có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người có quyền. Mức bồi thường do Tòa án quyết định căn cứ vào nội dung vụ việc.

4. Ví dụ về yêu cầu bồi thường thiệt hại về tinh thần.

Thông thường, bồi thường thiệt hại về tinh thần thường gắn với bồi thường thiệt hại về vật chất.

Bản án dân sự phúc thẩm số 03/2020/DS-PT của Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu về việc tranh chấp bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.

NỘI DUNG VỤ ÁN:

Nguyên đơn bà Phan Thị T trình bày: Giữa bà với bà Ngô Ngọc S không có mâu thuẫn, nhưng bà S nhiều lần nói bà có quan hệ bất chính với người đàn ông khác ảnh hưởng đến danh dự của bà. Vào ngày 10/10/2018 bà S dùng lời nói xúc phạm bà tại chợ thị trấn C, huyện V, tỉnh Bạc Liêu. Từ khi bà S xúc phạm danh dự bà dẫn đến gia đình bà phát sinh nhiều mâu thuẫn, mất thu nhập do bà không còn bán ở chợ. Bà yêu cầu bà S bồi thường thiệt hại với số tiền 13.000.000 đồng, 2 bao gồm chi phí mất thu nhập 10.000.000 đồng, tiền bù đắp tổn thất tinh thần 3.000.000 đồng.

Bị đơn bà Ngô Ngọc S trình bày: Vào năm 2018, bà qua nhà của bà Võ Thị T kể lại sự việc bà Phan Thị T có đi vào khách sạn với người đàn ông khác và bị vợ của người đàn ông này bắt gặp. Vào ngày 10/10/2018 bà Phan Thị T đã dùng lời nói xúc phạm bà, nên bà với bà T cãi nhau. Tại phiên tòa, bà cho rằng không xúc phạm danh dự, nhân phẩm của bà T nên không đồng ý bồi thường thiệt hại theo yêu cầu của bà T.

Từ những nội dung trên, tại Bản án sơ thẩm số 63/2019/DS-ST ngày 18 tháng 10 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện V tỉnh Bạc Liêu đã quyết định:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Phan Thị T đối với bà Ngô Ngọc S về yêu cầu bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm với số tiền 3.000.000 đồng.

Xem thêm: Xác định mức bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

2. Buộc bà Ngô Ngọc S phải có nghĩa vụ bồi thường cho bà Phan Thị T số tiền 3.000.000 đồng.

3. Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Phan Thị T đối với bà Ngô Ngọc S về yêu cầu bà Ngô Ngọc S bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm với số tiền 10.000.000 đồng.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí; lãi suất chậm trả trong giai đoạn thi hành án; quyền yêu cầu thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định pháp luật.

Ngày 04 tháng 11 năm 2019, bị đơn bà Ngô Ngọc S kháng cáo: Yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Phan Thị T.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bạc Liêu phát biểu ý kiến: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự, không chấp nhận kháng cáo của bà Ngô Ngọc T, giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 63/2019/DS-ST ngày 18/10/2019 của Tòa án nhân dân huyện V, tỉnh Bạc Liêu. NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:

[1] Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có lưu trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

 [2] Xét đơn kháng cáo của bà Ngô Ngọc S nộp trong hạn luật định và nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đúng quy định. Căn cứ vào Điều 273 và Điều 276 của Bộ luật Tố tụng dân sự, được chấp nhận xét xử theo thủ tục phúc thẩm.

[3] Xét thấy bị đơn bà Ngô Ngọc S kháng cáo không đồng ý bồi thường thiệt hại cho bà T số tiền 3.000.000 đồng. Hội đồng xét xử thấy rằng:

[3.1] Tại biên bản xác minh ngày 09/10/2019, người làm chứng bà Võ Việt T [Võ Thị T] xác định: Bà Ngô Ngọc S đã qua nhà của bà kể lại việc bà Phan Thị T quan hệ bất chính với người đàn ông khác và bị vợ người đàn ông này bắt gặp ở 3 khách sạn [bút lục 55, 56]. Đồng thời, tại biên bản lấy lời khai ngày 30/9/2019 bà S thừa nhận có sự việc như bà Võ Thị T trình bày [bút lục 47]. [3.2] Mặc khác, người làm chứng là bà Quách Lâm Thị U đều xác định có sự việc bà Phan Thị T với bà Ngô Ngọc S cãi nhau ở chợ thị trấn C, do bà S cho rằng bà T có quan hệ bất chính với người đàn ông khác [bút lục 43].

[3.3] Xét thấy, giữa bà T với bà S không có mâu thuẫn, nhưng bà S đã nói với bà Võ Việt T [Võ Thị T] rằng bà T có quan hệ bất chính với người đàn ông khác. Vì thế, bà S đã xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của bà T nên bà S phải bồi thường thiệt hại danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm cho bà T theo quy định khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự. Vì vậy, Tòa cấp sơ thẩm buộc bà S phải có nghĩa vụ bồi thường cho bà T số tiền 3.000.000 đồng là có căn cứ chấp nhận.

[4] Từ những căn cứ trên, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm không căn cứ chấp nhận kháng cáo của bà Ngô Ngọc S; có căn cứ chấp nhận toàn bộ đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bạc Liêu, giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 63/2019/DS-ST ngày 18 tháng 10 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện V, tỉnh Bạc Liêu.

[5] Các phần khác của bản án dân sự sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị được giữ nguyên và đã có hiệu lực pháp luật.

 [6] Án phí dân sự phúc thẩm bà S phải chịu theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH:

Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

Căn cứ khoản 6 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 273 và Điều 276 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; khoản 1 Điều 584, 585, 592 của Bộ luật Dân sự 2015; điểm d khoản 1 Điều 12, khoản 4 Điều 26, khoản 1 Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Không chấp nhận kháng cáo của bà Ngô Ngoạc S, giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 63/2019/DS-ST ngày 18/10/2019 của Tòa án nhân dân huyện V, tỉnh Bạc Liêu.

TUYÊN XỬ:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Phan Thị T đối với bà Ngô Ngọc S về yêu cầu bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.

2. Buộc bà Ngô Ngọc S phải có nghĩa vụ bồi thường cho bà Phan Thị T số tiền 3.000.000 đồng.

3. Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Phan Thị T đối với bà Ngô Ngọc S về yêu cầu bà Ngô Ngọc S bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm với số tiền 10.000.000 đồng.

4. Kể từ ngày Bản án, Quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự 2015.

Video liên quan

Chủ Đề