Hướng dẫn nghiệp vụ bảo hiểm tài sản số 2428 năm 2024

Cho tôi hỏi: Năm 2023 khi giao kết hợp đồng bảo hiểm tài sản, hợp đồng bảo hiểm thiệt hại thì cần chú ý những lưu ý quan trọng nào ? – Tấn Trí (Điện Biên).

1. Đối tượng bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm tài sản, hợp đồng bảo hiểm thiệt hại

Theo quy định tại Điều 43 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2023) đối tượng bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm hợp đồng bảo hiểm tài sản, hợp đồng bảo hiểm thiệt hại, bao gồm:

- Đối tượng bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm tài sản là tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự.

- Đối tượng bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm thiệt hại là bất kỳ lợi ích kinh tế hoặc nghĩa vụ thực hiện hợp đồng hoặc nghĩa vụ theo pháp luật mà người được bảo hiểm phải gánh chịu khi xảy ra tổn thất.

.png)

Lưu ý nổi bật về hợp đồng bảo hiểm tài sản, hợp đồng bảo hiểm thiệt hại năm 2023 (Ảnh minh họa - Hình từ Internet)

2. Những lưu ý trong hợp đồng bảo hiểm tài sản, hợp đồng bảo hiểm thiệt hại

Căn cứ tại Điều 44 đến Điều 56 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, một số lưu ý trong hợp đồng bảo hiểm tài sản, hợp đồng bảo hiểm thiệt hại được quy định cụ thể như sau:

2.1. Quyền lợi có thể được bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm tài sản, hợp đồng bảo hiểm thiệt hại

- Đối với hợp đồng bảo hiểm tài sản: Bên mua bảo hiểm có quyền lợi có thể được bảo hiểm khi có quyền sở hữu; quyền khác đối với tài sản; quyền chiếm hữu, quyền sử dụng của người không phải là chủ sở hữu.

- Đối với hợp đồng bảo hiểm thiệt hại: Bên mua bảo hiểm có quyền lợi có thể được bảo hiểm khi có quyền lợi về tài chính; nghĩa vụ, trách nhiệm về tài chính; thiệt hại kinh tế đối với đối tượng bảo hiểm.

Lưu ý: Tại thời điểm xảy ra tổn thất, bên mua bảo hiểm hoặc người được bảo hiểm phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm.

(Quy định tại Điều 44 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022)

2.2. Số tiền bảo hiểm

Số tiền bảo hiểm là số tiền mà bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm để bảo hiểm cho tài sản và thiệt hại theo yêu cầu của bên mua bảo hiểm.

(Quy định tại Điều 45 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022)

2.3. Thông báo khi sự kiện bảo hiểm xảy ra

Bên mua bảo hiểm phải thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm khi biết sự kiện bảo hiểm xảy ra theo thời hạn thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Nếu bên mua bảo hiểm không thông báo hoặc thông báo chậm, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền giảm trừ số tiền phải bồi thường bảo hiểm tương ứng với thiệt hại mà doanh nghiệp bảo hiểm phải chịu, trừ trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan.

Lưu ý: Không áp dụng quy định trên nếu hai bên không có thỏa thuận về trách nhiệm thông báo của bên mua bảo hiểm và các biện pháp nếu không thực hiện hoặc thực hiện chậm nghĩa vụ thông báo về sự kiện bảo hiểm.

(Quy định tại Điều 46 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022)

2.4. Bồi thường trong hợp đồng

- Hình thức bồi thường được thỏa thuận bao gồm:

(i) Sửa chữa tài sản bị thiệt hại;

(ii) Thay thế tài sản bị thiệt hại bằng tài sản khác;

(iii) Trả tiền bồi thường.

Đối với trường hợp (ii) và (iii), doanh nghiệp bảo hiểm có quyền thu hồi tài sản bị thiệt hại sau khi đã thay thế hoặc bồi thường toàn bộ theo giá thị trường của tài sản.

Trường hợp không thỏa thuận được thì hình thức bồi thường được thực hiện bằng tiền.

- Số tiền bồi thường được xác định trên cơ sở giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm, nơi xảy ra tổn thất và mức độ thiệt hại thực tế, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm. Chi phí xác định do doanh nghiệp bảo hiểm chi trả.

+ Mức bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm trả cho người được bảo hiểm không vượt quá số tiền bảo hiểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.

+ Ngoài ra, nếu có thỏa thuận doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm những chi phí cần thiết để hạn chế tổn thất và những chi phí phát sinh mà bên mua bảo hiểm hoặc người được bảo hiểm phải chịu để thực hiện theo hướng dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm.

(Quy định tại Điều 51 và Điều 52 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022)

2.5. Chuyển yêu cầu bồi hoàn

- Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, trường hợp người thứ ba có hành vi gây thiệt hại thì trách nhiệm bồi thường được thực hiện như sau:

+ Sau khi doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bồi thường, người được bảo hiểm có trách nhiệm chuyển cho doanh nghiệp bảo hiểm quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn số tiền mà doanh nghiệp đã bồi thường;

+ Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền khấu trừ số tiền bồi thường tùy theo mức độ lỗi của người được bảo hiểm nếu người được bảo hiểm từ chối chuyển quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn.

- Khi doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện quyền yêu cầu bồi hoàn đối với người thứ ba, người được bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp cho doanh nghiệp bảo hiểm các tài liệu cần thiết và thông tin liên quan theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

- Doanh nghiệp bảo hiểm không được yêu cầu cha, mẹ, vợ, chồng, con của người được bảo hiểm bồi hoàn khoản tiền mà doanh nghiệp đã trả cho người được bảo hiểm, trừ trường hợp những người này cố ý gây ra tổn thất.

(Quy định tại Điều 54 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022).

2.6. Các loại hợp đồng

Theo quy định tại Điều 47, Điều 48 và ĐIều 49 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 thì hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị, ợp đồng bảo hiểm tài sản dưới giá trị và hợp đồng bảo hiểm trùng được nêu cụ thể như sau:

- Hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị là hợp đồng trong đó số tiền bảo hiểm cao hơn giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng. Bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm không được cố ý giao kết hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị.

- Hợp đồng bảo hiểm tài sản dưới giá trị là hợp đồng trong đó số tiền bảo hiểm thấp hơn giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng.

- Hợp đồng bảo hiểm trùng là trường hợp có từ hai hợp đồng bảo hiểm trở lên để bảo hiểm cho cùng phạm vi, đối tượng, thời hạn và sự kiện bảo hiểm mà tổng số tiền bảo hiểm vượt quá giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Khi giao kết các loại hợp đồng nêu trên, thực hiện dựa trên các quy định tại khoản 2 Điều 47, khoản 2 Điều 48 và khoản 2 Điều 49 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.

2.6. Một số lưu ý khác liên quan

Căn cứ theo Điều 50, 53, 55 và 56 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định một số lưu ý liên quan cụ thể là:

- Trường hợp tài sản được bảo hiểm bị tổn thất do hao mòn tự nhiên hoặc do bản chất vốn có của tài sản thì doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi thường, trừ trường hợp hợp đồng có thỏa thuận khác.

- Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền thực hiện giám định tổn thất để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất. Chi phí giám định tổn thất do doanh nghiệp bảo hiểm chi trả.

Trường hợp các bên không thống nhất về nguyên nhân và mức độ tổn thất thì có thể thỏa thuận thuê giám định viên độc lập, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.

Trường hợp các bên không thoả thuận được việc thuê giám định viên độc lập thì một trong các bên có quyền yêu cầu Toà án có thẩm quyền hoặc Trọng tài trưng cầu giám định viên độc lập. Kết luận của giám định viên độc lập có giá trị bắt buộc đối với các bên.

- Người được bảo hiểm phải thực hiện hoặc ủy quyền thực hiện các quy định về phòng cháy, chữa cháy, an toàn lao động, vệ sinh lao động và những quy định khác của pháp luật có liên quan nhằm bảo đảm an toàn cho đối tượng bảo hiểm. Nếu hết thời hạn các biện pháp vẫn không được thực hiện, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền tăng phí bảo hiểm hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm.

- Không được từ bỏ tài sản được bảo hiểm khi xảy ra tổn thất và phải áp dụng các biện pháp cần thiết mà khả năng cho phép để ngăn chặn hoặc giảm thiểu tổn thất.