Hình ảnh tiên học lễ hậu học văn

Nhà văn trẻ Quách Lê Anh Khang [tác giả các sách Buồn làm sao buông, Thương mấy cũng là người dưng...] chia sẻ: Học chữ nghĩa có thể giúp ta thành tài, thành công, nhưng học lễ nghĩa sẽ giúp ta thành nhân tử tế. Với tôi, trong xã hội gấp gáp ngày nay, làm người thành công thì dễ chứ làm người tử tế thì khó vô cùng. Sự chủ động và tư duy phản biện của người trẻ không phụ thuộc vào chuyện “Tiên học lễ, hậu học văn” nên xin đừng đánh đồng vấn đề này.

Quách Lê Anh Khang

Nguyễn Ngân Tuyết [ngụ Q.Hoàng Mai, Hà Nội] cho biết: Tôi thấy học sinh chỉ hiểu đơn giản “tiên học lễ” là phải lễ phép với người lớn, cư xử đúng mực, tôn trọng người khác trước tiên. Với ngành giáo dục, điều cần thay đổi là những phương pháp giảng dạy và học tập sao cho dễ hiểu, dễ ứng dụng. Và nhất là truyền cảm hứng học tập cho học sinh, để thấy yêu thích việc đến trường. Còn thay đổi một câu khẩu hiệu hay không thì học sinh không quan tâm lắm.

Nguyễn Ngân Tuyết

Lê Châm [nhân viên một công ty truyền thông ở Q.1, TP.HCM] cho biết: Theo quan điểm cá nhân của tôi, khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” cũng không cần tồn tại. Có càng nhiều khẩu hiệu - các khái niệm - đồng nghĩa với việc đóng khung con người. Mục đích sống của mỗi người mỗi khác nhưng có những người không dám sống là chính mình chỉ vì các khẩu hiệu như vậy. Rồi các khẩu hiệu dẫn đến sai lệch trong cách hiểu, rồi gây tranh cãi. Vẫn là hãy sống theo cách của bạn thì hơn.

Tin liên quan

Đề xuất của GS.TSKH Trần Ngọc Thêm về việc nên bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” trong các nhà trường hiện nay đang nhận được nhiều ý kiến tranh luận.

Nói về quan điểm bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” của GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội bày tỏ quan điểm: “Tôi cho rằng, “Tiên học lễ, hậu học văn” không bao giờ lạc hậu. Câu nói này nhấn mạnh về việc dạy chữ và dạy người, xưa nay đây đều là nguyên lý không chỉ ở nước ta mà cả thế giới đều hướng tới và nhất thiết phải có trong giáo dục. Trong lý thuyết giáo dục hiện đại, thông qua dạy chữ để dạy người và trong chương trình GDPT mới có nhấn mạnh đến mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất của người học, trong đó, phẩm chất chính là dạy học sinh biết về “lễ”. Không chỉ Việt Nam và các nước khác đều hướng tới phát triển con người có tài, có đức, đức ở đây chính là phẩm chất, tài là khả năng, năng lực. Đây là 2 yếu tố bắt buộc phải có và không thể tách rời”.

GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, 

GS.TS Đinh Quang Báo cũng cho rằng, không nên đem chữ “lễ” của Nho giáo đặt vào xã hội ngày nay. Chữ “lễ” của giáo dục hiện đại được hiểu là đạo đức, ứng xử trong xã hội, không chỉ là ứng xử  giữa con người với con người mà còn là ứng xử của con người với thiên nhiên, môi trường xung quanh. Chương trình giáo dục phổ thông mới đưa ra 5 phẩm chất và 10 năng lực cần đạt với học sinh, những thành tố đó câu thành chữ “lễ” trong nhà trường hiện nay.

Theo nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, để giáo dục thay đổi, tạo ra những con người sáng tạo, có tư duy phản biện, độc lập, vấn đề cốt lõi không nằm ở khẩu ngữ, mà ở chính phương pháp giảng dạy: “Người thầy giáo tồi là người dạy chân lý, người thầy giáo giỏi là người dạy học sinh cách tìm ra chân lý. Giáo dục hiện đại cần hướng đến dạy học sinh tìm ra chân lý của tự nhiên, của hiện thực khách quan, chân lý trong ứng xử với các mối quan hệ giữa con người với nhau và con người với thiên nhiên. Trụ cột của trường phổ thông là dạy học sinh cách làm người. Tôi không phê phán, nhưng cách giải thích của GS Thêm tôi cho rằng chưa đúng khi đưa những quan niệm xưa vào xã hội ngày nay”.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng không đồng tình với đề xuất bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” trong các nhà trường. Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, chữ “lễ” – đạo đức vẫn là gốc rễ, cơ bản trong gia đình, nhà trường hay toàn xã hội.

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, quan niệm chữ “lễ” theo Nho giáo tức bề trên [ông bà, cha mẹ, thầy cô] nói người dưới [con cái, học trò] phải nghe răm rắp nếu áp dụng vào thực tế hiện nay không còn đúng, mà nên hiểu chữ “lễ” là đạo đức con người, không nên quy về lễ giáo phong kiến.

 “Trong xã hội ngày nay, triết lý giáo dục của nhiều gia đình trước tiên vẫn dạy con biết hiếu nghĩa, sống có đạo đức, dù giỏi đến mấy nhưng thiếu đi cái đức cũng không thể chấp nhận. Bất kỳ thời đại nào, khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” vẫn hoàn toàn đúng, nên không cần loại bỏ”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nói.

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, để đổi mới giáo dục, phát triển năng lực sáng tạo, tư duy phản biện của học trò trước tiên cần thay đổi phương pháp giáo dục, mỗi thầy cô cần tìm tòi, sáng tạo để tăng cường tư duy phản biện của học sinh, ngoài ra vẫn cần chú trọng giáo dục đạo đức, dạy trẻ trước hết cần biết làm người.

Trước đó, bài viết trong kỷ yếu Hội thảo giáo dục 2021 với chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức ngày 21/11, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm có đưa ra quan điểm nên bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” trong nhà trường.

Trong bài viết của mình, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm cho rằng, để có xã hội phát triển thì điều quan trọng là cần phải có con người sáng tạo, mà để có con người sáng tạo thì trước hết phải có con người chủ động.

Để có con người chủ động, cần loại trừ tính thụ động ở người dưới [học trò, con cái] và tính áp đặt ở người trên [thầy cô, cha mẹ]. Cần bắt đầu từ việc thay đổi quan niệm không sử dụng những cách biểu đạt mang tính thụ động như “con ngoan trò giỏi”, ngoan theo nghĩa dễ bảo, vâng lời, giỏi theo nghĩa thuộc bài…

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm cũng nói thêm rằng: “Để có con người sáng tạo, cần thực hiện dân chủ trong giáo dục, cần thay đổi quan niệm về người thầy từ truyền thụ kiến thức sang hướng dẫn người học sáng tạo và tự chịu trách nhiệm về sự sáng tạo của mình. Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo, chống việc nhồi nhét kiến thức, chống việc học thuộc lòng, thay đổi quan niệm về cách biên soạn sách giáo khoa, cách ra đề thi kèm theo đáp áp, chấm dứt cách học bài theo mẫu. Chừng nào còn đề cao chữ lễ để ràng buộc người học, còn đề cao quá mức vai trò của người thầy, của đáp án thì tư duy phản biện sẽ không thể phát triển, không thể có xã hội phát triển”./.

“Tiên học lễ hậu học văn” có đề cao sự phục tùng?

Giải thích về việc đề xuất chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "tiên học lễ hậu học văn" trong bối cảnh giáo dục Việt Nam hiện nay, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm cho rằng, để có xã hội phát triển, cần phải có con người sáng tạo, để có con người sáng tạo thì trước hết phải có con người chủ động. Trong khi đó, xã hội Việt Nam truyền thống hướng đến ổn định nên không hướng đến tài năng mà đề cao chữ "lễ" - “tiên học lễ hậu học văn” - đề cao sự phục tùng.

Theo đó, quan hệ giữa “đức” và “tài”, giữa “lễ” và “văn” được đúc kết trong câu “Tiên học lễ, hậu học văn”. 

"Trong giáo dục và đào tạo con người, “tài” đi liền với “đức”. Ở thời phong kiến, tiêu chí đánh giá “tài” là năng lực học thuộc lòng và giải thích Tứ thư Ngũ kinh; tiêu chí đánh giá “đức” là sự thấm nhuần và thể hiện tinh thần “trung - hiếu - tiết nghĩa”. Năng lực và tri thức [tài] về kinh điển Nho giáo nằm gọn trong một chữ "văn", phẩm chất [đức] “trung - hiếu - tiết nghĩa” nằm gọn trong một chữ "lễ".

Quan hệ giữa “đức” và “tài”, giữa “lễ” và “văn” được đúc kết trong câu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Trọng lễ chính là một nguyên lý cơ bản trong triết lý giáo dục của thời phong kiến" - GS Thêm phân tích.

Phân tích thêm về ý nghĩa của câu "tiên học lễ hậu học văn", GS.TSKH Trần Ngọc Thêm cho biết, chữ "lễ" theo Hán Nho là phải biết giữ mình trong khuôn phép, biết phục tùng người trên. Trong đào tạo người thừa hành thì phương pháp giáo dục thích hợp là lấy thầy làm trung tâm, người thầy được đặt vào vị trí thứ hai [sau Vua] trong thang bậc “Quân - Sư - Phụ”.

"Như vậy, từ nguyên lý giáo dục đến phương pháp giáo dục thời phong kiến đều thống nhất phục vụ cho sứ mệnh giáo dục là đào tạo người thừa hành và mục tiêu giáo dục là cung cấp nguồn nhân lực để trị quốc an dân” - GS Trần Ngọc Thêm chia sẻ, đồng thời khẳng định, để xây dựng một xã hội phát triển và hội nhập, cần bắt đầu từ giáo dục và đào tạo. Để đổi mới giáo dục và đào tạo, cần có một giải pháp tổng thể nhưng không dàn trải mà có chìa khóa và chìa khóa phải là thay đổi triết lý giáo dục.

"Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "tiên học lễ, hậu học văn” để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo. Chừng nào còn đề cao chữ lễ để ràng buộc người học, còn đề cao quá mức vai trò của người thầy thì tư duy phản biện sẽ không thể phát triển, không thể có xã hội phát triển" - GS Thêm nêu quan điểm.

Còn nhiều băn khoăn

Bày tỏ quan điểm về việc nên hay không chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "tiên học lễ hậu học văn", GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018 - cho rằng, khẩu hiệu "tiên học lễ, hậu học văn" vẫn phù hợp. Bởi, "lễ" không chỉ là lễ phép, đó còn là đạo đức làm người, "văn" là học văn hóa. Trước hết phải học đạo đức làm người, sau đó mới đến học văn hóa. Bởi con người lấy đức làm gốc.

"Con người cần những khuôn phép nhất định, không đến mức gạt hết tất cả cá tính, bản sắc của mình để theo lễ giáo khô cứng, nhưng cần chuẩn mực đạo đức" - GS Thuyết nêu quan điểm.

Còn GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, giáo dục Việt Nam nên xem xét lại khẩu hiệu "tiên học lễ, hậu học văn" vì có thể không còn phù hợp với giai đoạn hiện đại.

"Triết lý trên xuất phát từ tinh thần Nho giáo. Nhưng hiện nay, sự phát triển giáo dục đã bước sang giai đoạn mới, có nhiều vấn đề mới và có thể phù hợp với nhiều triết lý mới" - GS Dong nêu quan điểm.

Video liên quan

Chủ Đề