Hiện diện thể nhân là gì

MỞ ĐẦU

Ngày nay, các ngành kinh tế dịch vụ chiếm tỉ trọng rất lớn trong nền kinh tế của các quốc gia. Không giống bất kỳ lĩnh vực nào khác, do việc thực hiện nhiều chức năng quan trọng khác nhau trong nền kinh tế, dịch vụ được coi như phương tiện thật sự của tăng trưởng kinh tế. Trong khuổn khổ WTO, GATS được đưa ra để điều chỉnh các vấn đề liên quan đến thương mại dịch vụ. Trong GATS, thay vì đưa ra một định nghĩa về dịch vụ, các nhà đàm phán đã dùng cách mô tả dịch vụ theo các phương thức cung ứng dịch vụ.

Bài viết này sẽ đưa ra các khái niệm và phân biệt các phương thức cung ứng dịch vụ trong thương mại quốc tế theo quy định của GATS.

NỘI DUNG

  1. GATS[1] và một số khái niệm cơ bản

Hiệp định chung về thương mại dịch vụ GATS là một hiệp định trong khuôn khổ WTO và điều chỉnh các vấn đề thương mại dịch vụ của các thành viên WTO. GATS là một trong số những hiệp định mà các thành viên phải có nghĩa vụ tuân thủ khi gia nhập WTO.

Thương mại dịch vụ chiếm một phần rất quan trọng đối với mỗi nền kinh tế. Dịch vụ có thể hiểu là những thứ tương tự như hàng hóa, nhưng là phi vật chất. Tuy nhiên, với các nhà đàm phán GATS, để đưa ra một định nghĩa dịch vụ hoàn chỉnh, chặt chẽ dường như không đơn giản. Do vậy, GATS không có khái niệm dịch vụ, song lại mô tả dịch vụ theo phương thức cung ứng dịch vụ[2]. Các dịch vụ thuộc đối tượng điều chỉnh của GATS chỉ là các dịch vụ được đưa ra trên cơ sở cạnh tranh và loại trừ khỏi phạm vi áp dụng của mình những dịch vụ được cung ứng để thi hành thẩm quyền của chính phủ[3].

  1. Các phương thức cung cấp dịch vụ theo quy định của GATS

Các phương thức cung ứng dịch vụ là một trong những trụ cột của GATS. Các phương thức này được phân biệt phụ thuộc vào quy chế pháp lý của nhà cung cấp dịch vụ, và dựa trên sự dịch chuyển của người tiêu dùng hoặc người cung ứng dịch vụ. Theo đó, trong khoản 2 Điều 1 của Hiệp định, GATS đã đưa ra bốn phương thức cung ứng dịch vụ: Cung ứng dịch vụ qua biên giới, Tiêu dùng dịch vụ ở nước ngoài, Hiện diện thương mại và Hiện diện thể nhân.

  1. Cung ứng dịch vụ qua biên giới[4]

Cung ứng dịch vụ qua biên giới được hiểu là việc cung cấp dịch vụ từ lãnh thổ của một thành viên đến lãnh thổ của bất kỳ một thành viên nào khác.

Cách thức cung ứng dịch vụ này hiện nay rất phổ biến trên thế giới. Ví dụ như việc cung cấp dịch vụ giáo dục trực tuyến [e-learning], học viên có thể ngồi tại nhà để học, giáo viên nước ngoài cũng không cần di chuyển đến tận nơi người học để giảng dạy, việc cung ứng dịch vụ được thông qua internet, điện thoại Hoặc đối với việc cung cấp dịch vụ pháp lý, luật sư có thể tư vấn cho khách hàng nước ngoài của mình qua điện thoại, mailmà không cần gặp gỡ trực tiếp.

  1. Tiêu dùng dịch vụ ở nước ngoài[5]

Tiêu dùng dịch vụ ở nước ngoài là việc cung cấp dịch vụ trên lãnh thổ của một thành viên, cho người tiêu dùng dịch vụ của bất kỳ thành viên nào khác.

Phương thức cung ứng này là đặc trưng của một số ngành dịch vụ như dịch vụ du lịch hay dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Ví dụ như khách du lịch đến một quốc gia và sử dụng dịch vụ khách sạn, lữ hànhở tại quốc gia đó.

  1. Hiện diện thương mại[6]

Đây là phương thức cung cấp dịch vụ bởi một nhà cung cấp dịch vụ của một thành viên, thông qua sự hiện diện thương mại trên lãnh thổ của một thành viên khác.

Có thể lấy ví dụ về ANZ một trong ba ngân hàng nước ngoài đầu tiên được cấp giấy phép thành lập tại Việt Nam. Đây chính là việc cung ứng dịch vụ ngân hàng thông qua hiện diện thương mại.

  1. Hiện diện thể nhân[7]

Đây là phương thức cung ứng dịch vụ, theo đó, dịch vụ được cung ứng với nhà cung ứng của một thành viên, thông qua hiện diện của nhà cung ứng này ở lãnh thổ của một thành viên khác. Tuy nhiên, trong phương thức cung ứng này, nhà cung ứng dịch vụ chỉ là một thể nhân.

Trên thực tế, phương thức cung ứng này cũng xuất hiện rất nhiều. Ví dụ việc mời các giáo viên từ các trường đại học nước ngoài về Việt Nam dạy học chính là sự cung ứng dịch vụ giáo dục qua phương thức hiện diện thể nhân.

  1. Sự khác nhau giữa các phương thức cung cấp dịch vụ

Một dịch vụ tương tự có thế được cam kết và đối xử khác nhau phụ thuộc vào phương thức mà nó cung ứng. Có thể thấy trong biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam khi gia nhập WTO, phương thức Hiện diện thể nhân đều chưa cam kết, ngoại trừ các cam kết chung. Như vậy, cùng cung ứng một loại dịch vụ, nhưng nếu sử dụng phương thức Cung ứng qua biên giới hoặc Tiêu dùng ở nước ngoài, việc cung ứng sẽ rất tự do; còn nếu sử dụng cách thức cung ứng qua Hiện diện thể nhân, vấn đề có thể sẽ trở nên khó khăn hơn.

Trong thương mại dịch vụ hay thương mại hàng hóa, đều cần có sự lưu thông. Nếu trong thương mại hàng hóa, hàng hóa là đối tượng dịch chuyển, thì đối tượng dịch chuyển của thương mại dịch vụ lại tùy từng phương thức. Hay nói cách khác, dựa trên đối tượng dịch chuyển mà GATS đã phân ra bốn phương thức cung ứng dịch vụ.

Trong phương thức số 1, tức Cung ứng dịch vụ qua biên giới, đối tượng dịch chuyển ở đây chính là dịch vụ được cung ứng. Trong ví dụ về e-learning, rõ ràng dịch vụ được cung cấp là việc giảng dạy đã chạy từ nước này qua nước kia thông qua internet.

Ở phương thức số 2: Tiêu dùng ở nước ngoài, đối tượng dịch chuyển của phương thức lại là người sử dụng dịch vụ. Với phương thức này, nhà cung cấp dịch vụ chỉ cần ở nước của họ vì người sử dụng dịch vụ sẽ dùng dịch vụ tại nơi có nhà cung cấp.

Đối với phương thức số 3: Hiện diện thương mại và phương thức số 4: Hiện diện thể nhân, đối tượng dịch chuyển đều là nhà cung ứng dịch vụ. Do vậy, để phân biệt hai phương thức cung ứng này, có thể dựa trên quy chế pháp lý của nhà cung ứng dịch vụ: pháp nhân hoặc thể nhân. Ở phương thức Hiện diện thương mại, nhà cung ứng dịch vụ là pháp nhân, còn ở phương thức Hiện diện thể nhân, người cung ứng là thể nhân.

  • Khung pháp lý tại Việt Nam dành cho các phương thức cung ứng dịch vụ

Có thể thấy phương thức số 1 và phương thức số 2 đều không bị hạn chế tiếp cận thị trường hay hạn chế đối xử quốc gia trong biểu cam kết của Việt Nam. Hai phương thức này, trên thực tế không dễ kiểm soát. Đối với phương thức số 1, đối tượng dịch chuyển là dịch vụ một loại hàng hóa vô hình, còn ở phương thức số 2, đối tượng lại là khách hàng, họ tự do đi lại và sử dụng dịch vụ mà họ muốn. Xét từ góc độ điều chỉnh ở tầm vĩ mô, hành lang pháp lý dành cho hai phương thức cung ứng dịch vụ này rất thông thoáng. Nhà cung ứng dịch vụ có thể chọn một trong hai phương thức này để cung ứng dịch vụ của mình thì có thể không cần dè chừng nhiều như hai phương thức cung ứng số 3 và số 4.

Đối với phương thức Hiện diện thương mại, Việt Nam khi cam kết cũng đã để cho phương thức cung ứng này một khung pháp lý tương đối thoải mái. Chỉ là tương đối thoải mái, bởi vì khi tham gia cung ứng dịch vụ tại Việt Nam, các pháp nhân nước ngoài cần phải tránh rất nhiều quy định mà Việt Nam không cho phép, ví dụ như việc thành lập văn phòng đại diện, trong biểu cam kết của Việt Nam có quy định: Các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam nhưng các văn phòng đại diện không được tham gia vào các hoạt động sinh lợi trực tiếp[8]

Còn với riêng phương thức Hiện diện thể nhân, Việt Nam chưa có cam kết cụ thể, tuy nhiên có đưa ra một số trường hợp ngoại lệ. Theo đó, các thể nhân được quy định đều phải có liên quan đến các pháp nhân có sự hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam hoặc liên quan đến các tổ chức. Tùy vào từng nhiệm vụ cụ thể của mình, thể nhân đó sẽ được xem xét về thời hạn lưu trú trên lãnh thổ Việt Nam.

KẾT LUẬN

Phát triển dịch vụ là điều tất yếu trong việc phát triển kinh tế. Dịch vụ cung ứng đầu vào cho tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, thực hiện các chức năng quan trọng là phục vụ cộng đồng. Tuy nhiên, khác với các lĩnh vực thương mại khác, thương mại dịch vụ đòi hỏi những sự điều chỉnh đặc biệt hơn. Việc tự do hóa trong thương mại dịch vụ đòi hỏi một khuổn khổ pháp luật tốt, giúp ngăn ngừa các tác động ngược. Đối với nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, cần phải có sự quản lý chặt chẽ đối với các ngành dịch vụ để vừa có thể bảo hộ thương mại dịch vụ trong nước, vừa có thể đáp ứng các quy định của WTO. Nếu có thể làm tốt điều đó, nền kinh tế của Việt Nam sẽ đạt được tốc độ phát triển đáng kinh ngạc.

[1] General Agreement on Trade in Services

[2] The supply of a service dịch sang tiếng Việt có nghĩa là phương thức cung ứng dịch vụ hoặc phương thức cung cấp dịch vụ. [Các tài liệu khác nhau có thể kháu nhau về mặt câu chữ]

[3] Quy định trong Điều I GATS

[4] Cross Border Supply

[5] Consumption Abroad

[6] Commercial Presence

[7] Temporary Movement of Natural Persons

[8] Ban công tác về việc gia nhập WTO của Việt Nam, Biểu CLX Việt Nam, Phần II Biểu cam kết cụ thể về dịch vụ. Danh mục miễn trừ đối xử Tối huệ quốc theo Điều II

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hanoi Law University, Textbook International Trade and Business Law, Peoples Public Security Publishing House, Hanoi, [2012];
  2. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật thương mại quốc tế, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2012;
  3. Phụ lục 1B Hiệp định chung về thương mại và dịch vụ [GATS];
  4. Aaditya Mattoo và các tác giả khác [chủ biên], A Handbook of International Trade in Services, Oxford, Oxford University Press, 2008;
  5. Bộ luật dân sự 2005;
  6. Luật xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam;
  7. Ban công tác về việc gia nhập WTO của Việt Nam, Biểu CLX Việt Nam Biểu cam kết cụ thể về dịch vụ. Danh mục miễn trừ đối xử Tối huệ quốc theo Điều II;
  8. //www.ted.com.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=735:giao-dc-trc-tuyn&catid=118:gii-phap-ao-to-hc-tp-va-hi-hp-trc-tuyn&Itemid=619.

Share this:

  • Twitter
  • Facebook

Like this:

Like Loading...

Related

Video liên quan

Chủ Đề