Danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện

Danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện
VCCI đồng tình bãi bỏ danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh tại Nghị định 59. Ảnh: Internet

Phản hồi đề nghị của Bộ Công Thương về việc góp ý sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ “Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện” quy định tại Nghị định 59/2006/NĐ-CP (Nghị định 59), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc bãi bỏ Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện tại Nghị định 59 là có cơ sở và phù hợp.

Lý giải về phản hồi này, theo VCCI, xét về tính pháp lý, quy định liên quan đến việc hạn chế quyền công dân đều phải được quy định tại văn bản cấp luật. Bởi Nghị định 59 ban hành Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh là chưa phù hợp về mặt thẩm quyền nếu chiểu theo quy định tại Hiến pháp 2013 và Bộ Luật dân sự 2015.

Ngoài ra, VCCI nhận định, Nghị định 59 quy định Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện mà điều kiện để được kinh doanh các loại hàng hóa trong danh mục này được áp dụng trên “chủ thể kinh doanh” tức là các chủ thể kinh doanh phải đáp ứng các điều kiện nhất định mới được phép kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ chứ không phải là “điều kiện của hàng hóa, dịch vụ”.

Trong khi đó, Luật Đầu tư 2020 lại quy định Danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, kinh doanh có điều kiện; trong đó, xác định điều kiện để được kinh doanh các ngành nghề trong Danh mục được áp dụng trên “chủ thể kinh doanh”. Như vậy, tính chất của hai loại Danh mục của Nghị định 59 và Luật Đầu tư 2020 là giống nhau, đều ràng buộc điều kiện đối với chủ thể kinh doanh.

Theo Luật Đầu tư 2020, trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Đầu tư và luật khác đã được ban hành trước ngày Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh hoặc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì sẽ thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư. Như vậy, các quy định về ngành, nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện sẽ áp dụng theo quy định tại Luật Đầu tư 2020.

Mặt khác, khi xem xét các loại hàng hóa, dịch vụ trong danh mục của Nghị định 59, VCCI nhận thấy, về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện và ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, kinh doanh có điều kiện lại khác với danh mục quy định tại Luật Đầu tư 2020.

Thậm chí, một số hàng hóa, dịch vụ quy định tại Nghị định còn không có hoặc đã sửa đổi trong Luật Đầu tư. Việc tồn tại danh mục tại Nghị định 59 đưa đến những rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp vì nghị định này vẫn đang có hiệu lực. Nếu kinh doanh những loại hàng hóa, dịch vụ không có trong danh mục của nghị định nhưng lại có trong danh mục của Luật Đầu tư thì doanh nghiệp sẽ không phải đáp ứng điều kiện gì nếu theo quy định tại nghị định, nhưng lại phải đáp ứng điều kiện kinh doanh nếu theo quy định tại Luật Đầu tư và ngược lại.

Hơn nữa, theo VCCI, các hàng hóa, dịch vụ được liệt kê trong danh mục tại Nghị định 59 được dẫn chiếu tới các văn bản quy định chi tiết, rất nhiều văn bản này đã hết hiệu lực. Tên của hàng hóa, dịch vụ trong danh mục này cùng với cơ chế quản lý cũng đã thay đổi theo quy định hiện hành.... Vì vậy, nếu áp dụng theo Nghị định 59 thì doanh nghiệp sẽ không biết áp dụng theo quy định nào, tại văn bản nào.

Qua nghiên cứu, VCCI còn bày tỏ băn khoăn về việc Nghị định 59 có tập hợp tất cả hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện không? Danh mục trong nghị định này có tương tự như tính chất của danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, kinh doanh có điều kiện quy định tại Luật Đầu tư 2020 không? Chính vì vậy, các hàng hóa, dịch vụ trong danh mục quy định tại Nghị định 59 chưa thể hiện rõ vai trò, ý nghĩa hay mục tiêu chính sách.

Công ty tôi kinh doanh xăng dầu. Giấy phép kinh doanh của Công ty chuẩn bị hết hiệu lực. Xin hỏi trường hợp doanh nghiệp vẫn kinh doanh khi giấy phép kinh doanh được cấp đã hết hiệu lực thì có bị xử phạt không? Nếu bị xử phạt thì mức phạt tiền như thế nào?

Trả lời:

- Tại mục 38 phụ lục IV quy định Kinh doanh xăng dầu thuộc  Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

 - Tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ  quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định:

Điều 3. Giải thích từ ngữ
Theo Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

4. “Giấy phép kinh doanh" gồm giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, văn bản xác nhận, các hình thức văn bản khác quy định các điều kiện mà cá nhân, tổ chức phải đáp ứng để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền cấp cho cá nhân, tổ chức đó theo quy định của pháp luật.

- Tại các khoản 3, 6,7 Điều 6 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định:

Điều 6. Hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo giấy phép kinh doanh

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mà không có giấy phép kinh doanh theo quy định;

b) Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi giấy phép kinh doanh được cấp đã hết hiệu lực;

c) Kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thuộc ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhưng không đáp ứng điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định trong quá trình hoạt động kinh doanh;

d) Sử dụng giấy phép kinh doanh của thương nhân khác để kinh doanh.

6. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1, khoản 2 và điểm c khoản 3 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1, khoản 2, 3, 4 Điều này.

- Tại điểm b khoản 4  Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định:

Điều 4. Quy định các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả

4. Mức phạt tiền:

b) Mức phạt tiền quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện, trừ các hành vi vi phạm hành chính quy định tại điểm p khoản 2 Điều 33, khoản 2 Điều 34, điểm b khoản 4 Điều 35, Điều 68, Điều 70, khoản 6, 7, 8, 9 Điều 73 và khoản 6, 7, 8 Điều 77 của Nghị định này. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân.

Theo quy địnhtại khoản 3 Điều 6 Nghị định 98/2020/NĐ-CP thì hành vi kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi giấy phép kinh doanh được cấp đã hết hiệu lực thuộc Hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo giấy phép kinh doanh. Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 6 và điểm b khoản 4  Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP thừ mức phạt tiền đối với hành vi này là từ 20.000.000 đến 30.000.000 đồng.Bên cạnh đó còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 6, khoản 7 Điều 6 Nghị định 98/2020/NĐ-CP như dẫn chiếu ở trên.

Ngân Hà