Đánh giá học trực tuyến tiểu học

Giảm bớt áp lực kiểm tra định kỳ

Cô giáo Thu Hằng [Trường Tiểu học Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội] với kinh nghiệm nhiều năm dạy lớp 1 cho biết, việc đánh giá thường xuyên với khối tiểu học, đặc biệt là lớp 1 rất quan trọng. Năm học mới bắt đầu được khoảng 1 tháng với hình thức dạy học trực tuyến, bên cạnh những khó khăn cả cô và trò cùng phải khắc phục, cũng có những thuận lợi hơn khi cô đã quen với việc dạy học trực tuyến, đường truyền cũng cải thiện hơn so với thời điểm trước.

“Do các con lớp 1 chưa có bài thi nên việc nhận xét hàng ngày rất quan trọng. Tôi luôn cố gắng gọi mỗi trò trả lời câu hỏi ít nhất một lần mỗi ngày. Ngoài ra, qua kênh Zalo, gọi điện trao đổi với HS và phụ huynh để giải đáp các thắc mắc, hướng dẫn các con hiểu bài. Chấm bài, chữa bài liên tục, động viên các con viết chữ này đẹp rồi, bạn này đọc lưu loát,… khiến HS phấn khởi, chú ý hơn vào bài học”- cô Hằng nói.

Trên thực tế, dù với chương trình giáo dục phổ thông mới hay chương trình giáo dục phổ thông hiện hành thì việc đánh giá thường xuyên HS vẫn rất quan trọng. Hơn ai hết, chính thầy cô dạy học trực tiếp hàng ngày sẽ là người nắm rõ nhất khả năng của từng em, việc tiếp thu bài cũng như sự tiến bộ mỗi ngày của các em ra sao. Trong khi với các khối lớp lớn có bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết thì với khối lớp nhỏ, chỉ có bài kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ nên nếu không có đánh giá thường xuyên sẽ khó để phát hiện sự tiến bộ của HS. Đặc biệt, với việc học trực tuyến khác nhiều với việc học trên lớp nên thầy cô sẽ khó để nhắc nhở HS, phát hiện lỗi sai để điều chỉnh, hướng dẫn. Chỉ có tăng cường tương tác, trao đổi với HS và gia đình, liên tục giao bài tập cá nhân hoặc theo nhóm, chấm bài, chữa bài… để nhận xét, đánh giá sự tiến bộ của HS, có phương án phù hợp động viên, hướng dẫn các em.

Ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục, đồng sáng lập Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng, năng lực của HS được hình thành, rèn luyện và phát triển trong suốt quá trình học. Do vậy để xác định mức độ năng lực của HS không thể chỉ thực hiện qua một bài kiểm tra kết thúc môn học có tính thời điểm mà phải được tiến hành thường xuyên trong quá trình đó. Việc đánh giá cần được tích hợp chặt chẽ với việc dạy học, coi đánh giá như là công cụ học tập nhằm hình thành và phát triển năng lực cho HS.

Ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng, Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho rằng, giáo viên thực hiện đánh giá thường xuyên thông qua quan sát HS, vấn đáp, đánh giá hồ sơ học tập, sản phẩm học tập của HS, tổ chức cho HS tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau...

“Việc đánh giá thường xuyên là trọng tâm để đánh giá sự tiến bộ của HS chứ không phải dựa vào điểm của một, hai bài thi đánh giá định kỳ. Vì thế, cả người dạy, người học và phụ huynh không nên quá áp lực về kết quả kiểm tra định kỳ”- ông Hoàng nhấn mạnh.

Tăng cường nhận xét, không so sánh

TS Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đánh giá thường xuyên không phải là cái gì mới, thêm vào công việc của người giáo viên. Trên thực tế nó tích hợp rất rõ ràng vào công việc vốn hàng ngày có trên lớp của giáo viên.

Nay với việc học trực tuyến, việc đánh giá thường xuyên giúp tăng tương tác giữa giáo viên và HS. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra việc đánh giá thường xuyên của giáo viên qua các phản hồi chỉ bằng các nhận xét cho HS dường như mang lại sự tiến bộ nhiều hơn và sự quan tâm lớn hơn đến việc học tập của các em.

Theo đó, giáo viên cần sử dụng một cách hợp lý, đúng mực và khéo léo các nhận xét của mình cho các sản phẩm học tập của HS, giúp cho HS biết được các em đang ở đâu so với yêu cầu, đích và cách các em cần đến trong thời gian tiếp theo. Đó chính là một trong những biện pháp quan trọng mà giáo viên có thể làm, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục HS.

Nhiều chuyên gia cũng chỉ ra một vấn đề cần lưu tâm đặc biệt đó là trong hoàn cảnh không được đến trường học trực tiếp, giao lưu với thầy cô, bạn bè, HS sẽ có những ảnh hưởng tâm lý. Vì vậy, khi dạy học trực tuyến, giáo viên cần quan tâm nhiều hơn tới tâm lý HS, liên hệ chặt chẽ với phụ huynh để nắm bắt hỗ trợ HS kịp thời.               

Báo cáo về một số tác động của dịch COVID-19 đối với các lĩnh vực giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao, du lịch; thông tin, truyền thông; tín ngưỡng, tôn giáo và đối tượng thanh niên và trẻ em do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Nguyễn Đắc Vinh ký cho biết: Từ đầu năm 2020, dịch COVID-19 đã có nhiều tác động tiêu cực đến ngành Giáo dục cũng như lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch; thông tin, truyền thông; tín ngưỡng, tôn giáo, đến công tác thanh niên, trẻ em.

Riêng lĩnh vực giáo dục, trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên đã phải tạm dừng đến trường trong nhiều tháng liên tiếp. Nhiều giáo viên, trẻ em, học sinh bị nhiễm COVID-19. Nhiều nhiệm vụ quan trọng của ngành không thể tiến hành theo đúng kế hoạch. Công tác dạy và học, phát triển đội ngũ, tài chính và bảo đảm chất lượng giáo dục cũng như tư tưởng, tâm lý của đội ngũ nhà giáo, trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên và cha mẹ học sinh bị tác động lớn.

Đáng chú ý, Báo cáo thẳng thắn đánh giá, việc triển khai học tập trực tuyến do đại dịch COVID-19 đã tác động lớn đến chất lượng học tập của học sinh. Mặc dù nhiều học sinh đã khá thích ứng với việc học qua truyền hình, internet, nhưng hình thức trực tuyến chủ yếu phù hợp với học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi.

Đối với học sinh cấp tiểu học [nhất là lớp 1] và học sinh ở vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hình thức học trực tuyến còn gặp nhiều thách thức, khó triển khai hoặc triển khai không hiệu quả.

Phương thức dạy học qua truyền hình phù hợp hơn với học sinh cấp tiểu học, chi phí thấp, không gây áp lực cho gia đình học sinh nhưng hạn chế về khả năng tương tác, ảnh hưởng tới chất lượng dạy học. Ở nhiều địa phương, việc dạy và học trên truyền hình, qua internet chưa thực sự hiệu quả.

Bên cạnh đó, dịch bệnh đã tác động đến tâm lý đội ngũ nhà giáo, học sinh, sinh viên và cha mẹ học sinh. Với giáo viên, nhất là với giáo viên lớn tuổi, việc chuyển đổi hình thức dạy học trực tiếp sang các hình thức khác cũng gây tâm lý băn khoăn, lúng túng trong thực hiện.

Với trẻ em, lứa tuổi mầm non, mẫu giáo và lớp 1 phải ở nhà thời gian dài ảnh hưởng đến nề nếp, thói quen thực hiện chế độ sinh hoạt theo yêu cầu phát triển của độ tuổi; ảnh hưởng đến sự phát triển về tâm lý, sức khỏe và kỹ năng giao tiếp với thế giới xung quanh.

Ý thức học tập của một bộ phận học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông bị ảnh hưởng do tính tự giác chưa cao. Một bộ phận học sinh rất lo lắng cho việc thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi tuyển sinh đại học.

Về phía phụ huynh, hầu hết cha mẹ học sinh sẵn sàng, tích cực phối hợp với nhà trường, tham gia các buổi hướng dẫn trực tuyến, thực hành cùng con; tham gia đóng góp công sức và kinh phí để khử khuẩn, vệ sinh trường, lớp… phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, việc tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn cha mẹ học sinh tổ chức hoạt động giáo dục ở nhà chưa được các cơ sở giáo dục chú trọng thực hiện.

Để khắc phục ảnh hưởng của dịch bệnh, Đảng đoàn Quốc hội đề nghị Ban Cán sự đảng Chính phủ xem xét bổ sung nội dung hỗ trợ mua sắm trang thiết bị dùng trong học trực tuyến đối với khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ, viên chức, người lao động ngành giáo dục, sinh viên, học sinh để các em được đến trường sớm nhất có thể.

Nghiên cứu, tổng kết, đánh giá các mô hình, phương thức dạy học ứng phó với đại dịch COVID-19 để có định hướng phát triển phương thức dạy học trực tuyến trong những năm tới, từng bước đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đáp ứng xu hướng phát triển của cuộc cách mạng 4.0.

Đồng thời, xây dựng sớm phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 và các năm tiếp theo, phù hợp với tình hình thực tiễn bảo đảm phòng chống dịch hiệu quả...

41% báo cáo từ địa phương cho thấy cha mẹ học sinh lo lắng về chất lượng dạy học, sức khỏe của học sinh khi học trực tuyến. Nhiều gia đình không có điều kiện để mua các thiết bị phục vụ cho học trực tuyến; nhiều phụ huynh gặp khó khăn trong việc tổ chức quản lý, giám sát, chăm sóc, hướng dẫn con em mình học tập…

Chủ Đề