Chồng của nsnd lê dung là ai

[Toquoc]-Bao năm sống bên trời Pháp, nữ nhạc sĩ Thanh Hoài không thôi “theo đuổi” NSND Lê Dung, bởi chị mới hiểu rằng, chỉ có con người này mới đủ sức “nâng cánh” cho những tình khúc của chị. Và cuộc gặp gỡ định mệnh đã tới vào một ngày mùa đông tại Paris…

Một “Mối duyên tiền định”

Cả cuộc đời theo đuổi âm nhạc, với 300 tình khúc ra đời nhưng chưa bao giờ nữ nhạc sĩ Lê Khắc Thanh Hoài công bố rộng rãi với công chúng, lý do duy nhất có thể lý giải điều này chính là chưa tìm được “người nghệ sĩ đỡ đầu” cho những đứa con ruột thịt của mình. Bao năm sống bên trời Pháp cũng là quãng thời gian chị không thôi “cuộc rượt đuổi” để “tóm” bằng được NSND Lê Dung, vốn được mệnh danh là “người đàn bà hát” ở Việt Nam. Bởi Thanh Hoài hiểu rằng, chỉ có con người này mới nâng cánh cho những tình khúc, những bài hát luôn có những quãng rộng, đòi hỏi người ca sĩ không chỉ có kỹ thuật hát điêu luyện mà cần có tâm hồn nhạy cảm, một chất giọng truyền cảm, và điều này, không ai ngoài Lê Dung mới có thể “tải” được.

Như một “mối duyên tiền định”, sau nhiều năm “lân la dò hỏi”, một ngày mùa đông [Tháng Giêng, năm 1995] giá rét tại Paris, Lê Dung đã xuất hiện trong phái đoàn sang biểu diễn phục vụ bà con Việt Kiều nhân dịp Tết cổ truyền. May thay, Lê Dung trọ bên ngôi nhà của người bạn và chỉ cách nhà Thanh Hoài chừng 10 phút phóng xe. Ngay lập tức, cuộc gặp gỡ được thu xếp, cầm trên tay 300 tình khúc của Thanh Hoài, Lê Dung như nín lặng, dò đọc từng câu chữ trong bài rồi thốt lên: “Tôi sẽ hát tất cả các ca khúc của chị Hoài. Và cũng nói cho chị biết rằng, không phải ai cũng có thể hát những tác phẩm của chị, chị phải rất thận trọng khi chọn ca sĩ thể hiện những bài hát này đấy”.

Thanh Hoài rưng rưng tả lại cảm xúc của mình: “Chị ấy đã đọc thấu lòng tôi, tôi hạnh phúc như người mới được hồi sinh. Lê Dung đã nhóm lên trong tôi niềm hi vọng, làm thoả mãn niềm mongước được cất cánh cho tác phẩm của mình”. Chị hào hứng kể lại những ngày hai người làm việc cùng nhau: “Vẻn vẹn 3 tuần chúng tôi đã lao vào luyện tập, tôi đàn, Lê Dung hát. Ngày đi thu thanh, tôi mất một giờ lái xe chở Lê Dung đi đến phòng thu, chúng tôi đã cật lực làm việc từ 1 giờ trưa đến tận 10 giờ đêm công việc mới hoàn thành. Chị có biệt tài khác người là “thấu” được hồn tác phẩm rất nhanh, cùng với kỹ thuật điêu luyện của nghệ sĩ nổi danh đang vào độ chín của sự nghiệp ca hát, Lê Dung làm việc với lòng hăng say, miệt mài và đầy tình trách nhiệm. CD ra đời với 10 tình khúc một cách dễ dàng mà chưa một  người chuyên nghiệp nào có thể làm hoàn hảo đến như thế”.

Trong số tác phẩm đó, “Mắt là thuyền đưa” và “Thôi xin từ giã” là hai tác phẩm không phải Thanh Hoài tâm đắc nhất khi sáng tác nhưng lại là hai ca khúc mà chính tác giả đánh đàn, NSND Lê Dung thể hiện được coi là thành công nhất. Mỗi lần giới thiệu tới bạn bè khi về nước, không dưới một lần, Lê Dung đã hãnh diện khi nói rằng: “Hãy nghe Mắt là thuyền đưa” đi, tôi chưa bao giờ thấy ai viết về con mắt người tình kiểu như thế. Không biết Thanh Hoài ăn gì mà có thể viết được những ca từ hay như vậy”. Đó là câu nói của Lê Dung mà cuộc gặp gỡ duy nhất của định mệnh đã khiến cho nhạc sĩ Thanh Hoài khôn nguôi niềm hạnh phúc.

Tuy nhiên, kỳ lạ thay đĩa CD duy nhất mà Thanh Hoài đã dày công thu thanh cùng Lê Dung cho đến nay chưa ai hay biết, có chăng cũng chỉ là những người thân, bạn bè xung quanh người nhạc sĩ bước qua tuổi 50 này. Không phải là dòng nhạc khó nghe mà bởi những sóng gió trong cuộc đời đã xảy ra ngay sau khi thu thanh CD đã khiến cho Thanh Hoài không mảy may đến âm nhạc và cuộc từ giã với thế giới của những giai điệu trữ tình cũng bắt đầu đến với chị.

Cho đến hôm nay, sau 13 năm CD thu thanh với Lê Dung hoàn thành, Thanh Hoài mới tìm cách trở về Hà Nội sau hơn 40 năm xa đất nước để quyết chí giới thiệu tới công chúng 10 tình khúc đã được Lê Dung thể hiện mà từ trước đến nay chưa có người yêu nhạc nào biết được. Đó cũng chính là ước nguyện “làm một cái gì đó cho người nghệ sĩ tài hoa bạc mệnh này” của người nhạc sĩ có một cuộc đời chẳng mấy bình yên này.

Và cuộc đời lắm nỗi truân chuyên

Là người con gái gốc Huế, nhưng Sài Gòn lại chính là điểm dừng chân  sau mỗi chuyến đi-về của chị. Sau khi du học nhạc tại Bỉ, Thanh Hoài-cô gái ngày ấy mới 20 tuổi lúc đó một mình đã quyết định sang định cư tại Pháp. Nhưng chị vẫn than rằng: “Hải ngoại không phải là mảnh đất để những người viết nhạc như chị “dụng võ”, hàng ngày tôi phải đi dạy gia sư âm nhạc để kiếm sống”.

Mối tình đầu với một người chồng là văn nghệ sĩ không thành, phải mất khoảng thời gian dài chị mới bình tâm trở lại và tìm được “bến đỗ bình yên”. Tuy nhiên cuộc hôn nhân gần 30 năm với 5 đứa con cuối cùng cũng không níu kéo được hạnh phúc đi với chị đến suốt cuộc đời. Hoàn thành tâm nguyện thu xong đĩa CD với Lê Dung cũng là lúc người bạn đời của nữ nhạc sĩ này nói lời chia tay. “Trong cuộc sống chẳng có ai hiểu được nỗi lòng của tôi, ngay cả người bạn đời cũng không thể chia sẻ và dung hoà với niềm đam mê của tôi là âm nhạc. Mỗi ca khúc ra đời là món quà tinh thần tôi dành tặng anh nhưng cuối cùng anh cũng chẳng ngó ngàng tới, những nỗi niềm buồn vui, những lao đao trong cuộc sống được tôi ghi lại như thể nhật ký mong có người hiểu thấu nỗi lòng nhưng rồi “tôi vẫn trở về với chính cõi lòng cô đơn vô bờ của mình”.

“Cuộc sống như đang tạo ra những cơn giằng xé trong tâm can tôi, hạnh phúc tan vỡ, lúc đó âm nhạc đối với tôi đã trở thành nỗi dằn vặt, trở thành vật cản trong cuộc đời của mình nên tôi không còn hứng thú sáng tác nhạc nữa”, nhạc sĩ Thanh Hoài thổ lộ. Tạm xa lánh âm nhạc, Thanh Hoài đã tìm đến chốn Thiền, lao vào nghiên cứu Phật học, niềm đam mê mà trước đây chị vẫn chưa có thời gian theo đuổi. Song song với việc tham gia học chương trình đào tạo từ xa về Phật học 4 năm, Thanh Hoài vào chùa làm mọi công việc của một tăng ni, từ dạy giáo lý Phật học cho một gia đình Phật tử đến biên tập và viết bài cho tờ Trí Tuệ [một tạp chí của nhà chùa] rồi tự thành lập tạp chí Hương Sen… 9 năm tham gia những công việc nơi chùa chiền đã mang lại cho chị một cảm giác thư thái trong tâm hồn, Phật giáo đã mang lại cho chị những hiểu biết về cuộc đời bằng những giáo lý thấm đẫm chất nhân văn.

Nhưng rồi, người ta vẫn nói “cái nợ trần” vẫn đeo đẳng, Thanh Hoài chưa thể dứt áo buôn xuôi âm nhạc khi “món nợ” ấy chưa được trả hết. Một “người mẹ” không thể vô trách nhiệm với hơn 300 “đứa con tinh thần”, “tôi phải nuôi dưỡng và lo cho những đứa con một cuộc sống chỉn chu. Năm 2005, chị đã thực hiện cuộc “trở về” với con thuyền âm nhạc, đĩa CD thu thanh với ca sĩ Trọng Tấn đã được hoàn thành. Và chuyến hồi hương lần này của Thanh Hoài đã mang ý nghĩa lớn lao, thể hiện sự tri ân với cố NSND Lê Dung, niềm tự hào của làng âm nhạc Việt Nam từ trước đến nay. Chị cũng hé lộ: “Năm 2009 chị sẽ cho ra mắt Album thứ 5 và hi vọng sẽ được trở về Việt Nam lần thứ 3”

Hai đêm 19 và 20 tháng 7 vừa qua, Thanh Hoài đã có buổi gặp gỡ với công chúng Sài Gòn, đã giới thiệu 10 tình khúc của mình tại phòng trà ATB của ca sĩ Ánh Tuyết đã nhận sự đón nhận nồng nhiệt của những người yêu nhạc, điều mà chị chưa từng được trải nghiệm trong suốt 30 năm qua. Đêm ngày 25 tháng 7 tới đây, nhạc sĩ Thanh Hoài sẽ có buổi ra mắt 10 tình khúc [có trong đĩa CD đã từng được NSND Lê Dung thể hiện] và một số ca khúc mới của chị qua một số giọng ca trẻ như Tấn Minh, Hằng Nga, Phương Anh, Thúy An tại CLB âm nhạc Phú Quang 65C Trần Quốc Toản, Hà Nội. “Mong muốn lớn nhất của tôi là những tình khúc giản dị như lời tâm sự chân thành với góc nhìn đa chiều về tình yêu đôi lứa, về cuộc sống thấm đẫm tính nhân văn và niềm lạc quan, hướng vọng sẽ được công chúng thủ đô đón nhận nồng nhiệt. Đây cũng là dịp để giới thiệu đến khán giả một CD chưa từng được công bố của giọng ca “độc nhất vô nhị”, là niềm tự hào của người dân Việt Nam-NSND Lê Dung, như lời tri ân đến người phụ nữ “tài hoa nhưng bạc mệnh” này”, nhạc sĩ Thanh Hoài tâm sự./.

Nhạc sĩ Phú Quang: Nghe nhạc của Thanh Hoài tôi đã thấy một cá tính, một phong cách rất riêng, không hề trộn lẫn với bất cứ tác giả nào. Một  nét nhạc rền, quãng nhạc rộng có khả năng dẫn dắt người nghe đi từ giai điệu đầu đến khi kết thúc. Ca từ thì tuyệt vời, không khoa trương, sáo rỗng, rất giản dị, trong sáng, không gây cảm giác đau khổ dằn vặt trong mỗi tình khúc, nhưng cũng bắt người nghe phải “nhấn nhá từng câu, từng tư” để hiểu được ý vị của từng lời hát. Tôi tin rằng, khi thưởng thức xong đêm nhạc duy nhất này, khán giả sẽ nhớ đến một nữ nhạc sĩ Thanh Hoài với những dấu ấn riêng của người con gái xứ Huế.

Bài, ảnh: Thanh Hoà

Còn nhớ, mùa đông năm ấy, Lê Dung đến chỗ tôi [Báo Tuổi trẻ Thủ đô] ở 19 Phan Chu Trinh, ào như một cơn lốc, ríu rít: “Chị ơi, đi cà phê với em, có chuyện này em muốn kể với chị ngay…”. Tôi buông bút nhìn, Lê Dung mặc đẹp quá, áo khoác dạ màu vàng mơ, khăn quàng cát-sơ-mia hoa cùng gam màu, váy đen dài [mode thời trang Pháp hồi bấy giờ, rất đáng ao ước ở Việt Nam]. Tôi và Dung sang quán cà phê đối diện. Lúc đó quán này là địa chỉ được rất nhiều nghệ sĩ chọn để ghé ngồi. 

Dung kéo tôi đến một bàn, có một người đang ngồi, chưa kịp ngạc nhiên thì tôi nhận ra đó là một nhà thơ trẻ, trẻ hơn chúng tôi khoảng 1 con giáp. Tôi hiểu ngay "tình thế". Trước hết vì tôi thấy Dung rất hớn hở, rất vui, và đẹp rực rỡ, hơn lên rất nhiều so với lần gặp trước. Dĩ nhiên Dung biết tôi cũng biết nhà thơ kia nên không giới thiệu.

Sau khi gọi đồ uống, Dung đưa cho tôi một gói quà: một số mỹ phẩm và chiếc khăn lụa, tất cả đều mua ở Paris, nơi Dung vừa đi lưu diễn. Tôi cảm động về sự hồ hởi của Dung đối với tôi. Ngày đó, đấy là món quà rất có giá trị. Trong câu chuyện, Dung không kể nhiều về chuyến lưu diễn, mà khá huyên thuyên về mọi chuyện trên đời, về thơ, về tiểu thuyết, về sách.

Điều đó càng chứng tỏ Dung đang yêu, và đang rất hạnh phúc. Gương mặt nhà thơ trẻ cũng rạng rỡ. Họ nhìn nhau đắm đuối. Tôi hiểu, họ muốn cả thế gian này chứng kiến hạnh phúc của họ đang có [ai cũng thế thôi]. Hạnh phúc cần nhân đôi, đau buồn cần sẻ nửa. Dung gọi tôi cà phê để chứng tỏ điều đó.

Tôi và Dung cùng trang lứa, nhưng trông Dung trẻ hơn rất nhiều, tôi thì già mà chúng tôi không biết tuổi nhau, nên chơi với nhau nhưng Dung vẫn gọi tôi là chị xưng em, tôi cũng tự nhiên coi mình là chị.  Tôi mê âm nhạc, cho nên tình cảm của tôi hầu như gắn nhiều với nhạc sĩ, ca sĩ, không kể là đàn ông hay đàn bà. Thời đó, không ít nghệ sĩ âm nhạc có thành tựu thanh nhạc đáng nể trọng như: Trung Kiên, Quý Dương, Thương Huyền,  Tường Vi, Trung Đức, Minh Đức, Quang Huy, Thanh Hoa, Thu Hiền, Ngọc Tân, Quang Lý… và trước đó là Trần Khánh, Quốc Hương, Tân Nhân…, tôi đều thích giọng hát của họ. Mỗi người mỗi vẻ. Nhưng cơ duyên làm bạn và thân thiết thì chỉ một vài người, trong đó có Lê Dung.

Trước khi Lê Dung có mối tình sét đánh với nhà thơ trẻ, chúng tôi hay đi với nhau, nếu tâm sự về tình yêu chỉ nói chung chung, không nói ra cụ thể một gương mặt, một tên tuổi nào. Một lần, sáu người: Nguyễn Thụy Kha, Ngọc Tân, Tuấn Phương, Lê Dung, tôi và một cô gái tóc vàng [tôi không nhớ tên] đi ăn uống với nhau, cả một ngày vẫn “loanh quanh không hết chuyện”. “Chả đâu vào đâu”, không ai bày tỏ gì, nhưng rõ ràng là chả ai muốn kết thúc. 

Thế đấy, ngày xưa mà, gặp nhau là đủ chuyện trên trời. Lê Dung là người dễ bộc lộ nhất, sôi nổi nhất, nhưng nhạy cảm nhất và dễ đau khổ nhất. Một hôm Lê Dung đưa cho tôi xem bài thơ của nhà thơ trẻ, trong đó có câu:  “Nếu hạnh phúc cho nhau/Luật trời ta cũng sửa”. Tôi nghĩ, từ nay, thế là trong số chúng tôi, Lê Dung đã không còn phải “loanh quanh” nữa rồi. Tôi thầm chúc cho bạn sống hạnh phúc. 

Dung hát hay, khỏi phải nói. Giọng hát đó không chỉ công chúng yêu thích, mà giới chuyên môn đều vị nể. Cho đến bây giờ khó ai có thể hát hay, chạm tới trái tim đông đảo khán giả  những: “Bài ca hy vọng ”, “Ru con”, “Du kích sông Thao”, “Người Hà Nội”, “Hướng về Hà Nội”, “Đàn chim Việt”, Aria Cô Sao… Một dạo, những bài Lê Dung đã hát thì những người đi sau không dám hát, bởi Lê Dung đã tạo ra một dấu ấn khó phai mờ trong lòng người nghe.

Người thích nghe Dung hát không chỉ là người Việt, tôi nhớ rất rõ những lần các Đại sứ quán mời Dung đến hát ở những cuộc gặp gỡ giao lưu nghệ thuật. Có thể nói, giữa Lê Dung và các giọng ca hàng đầu của thế giới đến Việt Nam biểu diễn đều không có khoảng cách  như một số các ngôi sao ca nhạc bây giờ. Giọng hát của Lê Dung là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa kỹ thuật thanh nhạc với bản sắc riêng, với sự rung động của một trái tim đa cảm và giàu trải nghiệm.

Dung rất nghiêm túc và giàu ý chí trong nghệ thuật, nhưng lại rất xởi lởi, yếu mềm trong đời sống tình cảm. Sau một thời gian, như một ngọn nến hạnh phúc cháy quá sáng, Lê Dung rơi vào tình trạng hụt hẫng của màu xám, mất thăng bằng. Khi cô đơn, Dung lại có chúng tôi, lại nhiều thời gian để gặp nhau hơn.

Tôi nói với Dung, bạn có rất nhiều thứ để tự hào, chỉ riêng thành công trong Recitan ở Đại sứ quán Liên Xô, hay đêm solo tại Nhà hát Lớn Hà Nội [năm 1992] với hơn 20 bài hát thuộc các dòng nhạc bác học, từ những aria trong nhạc kịch nổi tiếng “Cô Sao” của Đỗ Nhuận tới “Thiên Thai” của Văn Cao… bạn đã là người mở ra việc một ca sĩ một chương trình, khiến cho Ngọc Tân tự tin hơn trong việc mở Recitan cho riêng mình [vào năm 1994], trước đó anh cứ ngại ngùng. Bạn đã từng có nhiều niềm vui, sự cô đơn lần này có lẽ chỉ là tạm thời. Quả là như vậy.

Sau đó, ngoài những quan hệ khác, Lê Dung luôn có dịp gặp gỡ chúng tôi, gồm: Nhạc sĩ Xuân Oanh, [tác giả của: “19 Tháng Tám” , “Mùa thu”…], ca sĩ - Đại tá Bắc Việt, nhà văn Hồ Anh Thái… thường có những buổi gặp gỡ thú vị ở nhà của nhạc sĩ Xuân Oanh. Người nhạc sĩ già thường hay nấu những món mà Lê Dung thích, ông nấu rất ngon.

Bên cây đàn piano, ông đệm cho Lê Dung hoặc Bắc Việt hát. Hát ở nhà, trong một không gian với ít khán giả - là chúng tôi, nhưng Lê Dung cũng hát cháy bỏng. Đã hát là Lê Dung đắm chìm vào nghệ thuật, là hết mình. Có lẽ vì thế mà các tác giả của những tác phẩm mà Lê Dung hát đều vì nể Dung. 

Trước Tết Tân Tỵ, chúng tôi ăn tất niên ở nhà nhạc sĩ Xuân Oanh, hẹn nhau mồng 3 Tết gặp lại để ăn trưa mừng năm mới. Sáng mồng ba, lúc 8 giờ 30, nhà văn Hồ Anh Thái gọi điện cho tôi, nói Lê Dung vừa phải lên xe cấp cứu. Tôi đến Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô, thấy Dung nằm im lìm, mặt mũi vẫn hồng hào, xinh đẹp nhưng có hai ống thở gắn vào mũi. Thương quá.

Vừa mới đấy thôi, chỉ cách vài ngày. Tôi nhớ ra, hôm qua, chiều mồng 2, trời đang nắng, cái nắng bất thường của mùa xuân bỗng trở mặt, gió ào ạt, tôi đi ngoài đường bụi bay mù mịt. Sau mới biết, thời tiết như thế, những người có tiền sử bệnh huyết áp như Dung rất dễ có vấn đề. Tôi nghe chị nuôi [người ở cùng với Lê Dung] kể, buổi sáng Dung vẫn còn bảo mua xôi để ăn sáng. Ăn chưa hết gói xôi, thấy người khó chịu, Dung nhờ chị lấy viên thuốc huyết áp ngậm ở dưới lưỡi. Nhưng, sự khó chịu tăng dần và rồi, phải gọi xe chở đi. Kể từ lúc đó, Dung hoàn toàn chìm vào cơn mơ trên giường bệnh.

Người đến thăm Lê Dung trong suốt mấy ngày, từ mồng 3 đến mồng 6 Tết âm lịch đông, rất đông. Không thiếu một thứ thuốc gì. Kể cả loại quý hiếm đắt nhất cũng do bạn bè mang đến. Con trai duy nhất của Dung cũng ở Úc về với mẹ. Có những người thân, rất thân, không đến, không phải vì họ không muốn đến mà vì nỗi đau lớn quá, họ không muốn ai nhìn thấy.

Ngọc Tân đến mấy lần, rồi sốt ruột, anh rủ tôi đi gặp thày số. Nhà bà ở phố Khâm Thiên, bà là người đã từng xem số và khẳng định em bà, một nhạc sĩ có tiếng, từng bị bệnh viện kết luận chết rồi và đưa xuống nhà xác, là chưa chết. Quả thật nhạc sĩ ấy còn sống đến bây giờ.

Chúng tôi đến, xem, vì không rõ chính xác ngày sinh của Lê Dung, nên không biết phải đưa ra căn cứ nào. Bà bấm đốt ngón tay, nói đã từng gặp Lê Dung, với khuôn mặt ấy, tính cách ấy, công thành danh toại ấy thì Lê Dung sinh ngày này tháng này mệnh này, thì… rất không may, không còn hy vọng gì nữa. Chúng tôi nghe xong, bảo nhau, đừng hé lộ gì. Mọi sự để bác sĩ quyết định. Mồng 6 Tết, bác sĩ gọi con trai Dung vào thảo luận riêng. Cháu trở ra, nói với bố đẻ, với những người thân của Dung là “bác sĩ nói, mẹ bị máu tràn trong não, hiện chỉ sống thực vật, còn thở là do máy trợ thở…”.

Lễ tiễn Lê Dung nhiều nước mắt. Nhiều người nhắc đến thành công của Lê Dung trong nhiều thể loại, từ opera,nhạc tiền chiến, nhạc đỏ và cả nhạc trẻ. Dung được phong tặng Nghệ sĩ ưu tú lúc 23 tuổi và Nghệ sĩ Nhân dân lúc 40  tuổi. Tên thật là Đoàn Lê Dung, sinh ra và lớn lên ở Quảng Ninh. Bắt đầu sự nghiệp ca hát năm 17 tuổi, ở Đoàn Văn công Quân khu Tả Ngạn.

Năm 1976 Lê Dung về Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị và theo học thanh nhạc tại Nhạc viện Hà Nội, tốt nghiệp hạng Thủ khoa.  Mười năm sau, vào 1986, Lê Dung theo học cao học thanh nhạc tại Nhạc viện Tchaikovsky, Nga. Dung về nước 1990, là nhệ sĩ solo của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Nhiều năm Lê Dung là giáo viên thỉnh giảng bậc cao học thanh nhạc của Nhạc viện Hà Nội, Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh và Trường Nghệ thuật Quân đội. Lê Dung có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền opera của Việt Nam, là ca sĩ hàng đầu của dòng nhạc cách mạng…

Giờ đây, nhiều ca sĩ thành danh, đã từng là học trò của Lê Dung, cũng như chúng tôi hay những người yêu nhạc đều còn nhớ mãi giọng hát của Lê Dung, nhớ mãi “Người đàn bà giấu đêm vào trong tóc”, người cống hiến cho đời một giọng ca không thể thay thế. Chúng tôi nhớ rằng Lê Dung rất yêu hoa hồng, trong nhà Dung, ngày nào hoa hồng cũng tươi. Bài viết này như một bông hồng gửi đến Lê Dung vào mùa xuân sau 15 năm nghệ sĩ vắng bóng. 

Trần Thị Trường

Video liên quan

Chủ Đề