Chính sách phát triển kinh tế đô thị

[HNM] - 1. Kinh tế đô thị được hiểu là tổ hợp một số ngành kinh tế phi nông nghiệp, có đặc trưng tập trung về địa lý, tiến bộ về công nghệ, chuyên môn hóa hệ thống tổ chức và hiệu quả kinh doanh cao. Kinh tế đô thị không chỉ có ngành sản xuất vật chất, kinh doanh mà còn bao gồm các ngành sinh hoạt xã hội như dịch vụ, du lịch, tiền tệ, bảo vệ môi trường… Như vậy, bên cạnh yếu tố vật chất như đất đai, tài nguyên, lao động, kinh tế đô thị còn bao gồm các yếu tố sinh hoạt đô thị như các loại hàng hóa lưu động, kiến trúc, công trình công cộng…

Với khái niệm này, Hà Nội có nhiều hoạt động kinh tế đô thị đang diễn ra và có đủ các điều kiện để phát triển kinh tế đô thị, đưa kinh tế đô thị là động lực phát triển.

Trước hết về diện tích tự nhiên, Hà Nội đã đủ rộng cho sự phát triển. Ngoài đô thị trung tâm, Hà Nội được quy hoạch phát triển 5 đô thị vệ tinh với chức năng riêng biệt, có thể thu hút đầu tư phát triển dịch vụ chất lượng cao.

Hà Nội cũng có ưu thế về vị trí địa lý khi là đầu mối giao thương, kết nối với các tỉnh, thành phố và quốc tế. Thời gian qua, hệ thống hạ tầng tiếp tục được phát triển, quy hoạch được hoàn thiện, với các trung tâm đô thị mới hiện đại như Tây Hồ Tây, hai bên đường Nhật Tân - Nội Bài…

Với tính chất là đô thị đặc biệt, Thủ đô - trung tâm hành chính, chính trị của cả nước, Hà Nội là nơi hội tụ các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc; có thế mạnh trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như các nguồn lực đầu tư…

2. Trong quá trình quản lý, phát triển, không phải Hà Nội không nhận ra vai trò của kinh tế đô thị.

Tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XV Đảng bộ thành phố Hà Nội, một số ngành, lĩnh vực kinh tế đô thị, như du lịch, thương mại, bưu chính, viễn thông, tài chính, ngân hàng, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế, dịch vụ công… đã được xác định tập trung ưu tiên phát triển. Trong đó, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, với nhiều loại hình, như du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái… Bên cạnh việc thu hút đầu tư phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao, Hà Nội cũng từng bước hình thành, phát triển lĩnh vực và thành phần cơ bản của kinh tế tri thức [công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, vật liệu mới…]...

Tiếp đó, tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố, các ngành, lĩnh vực Thủ đô có thế mạnh, nhất là dịch vụ trình độ cao, chất lượng cao tiếp tục được xác định phát triển mạnh mẽ. Đó là hệ thống trung tâm thương mại; dịch vụ hàng không, viễn thông, công nghệ thông tin, khoa học công nghệ… Đó là các dịch vụ có giá trị gia tăng cao, như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán để từng bước xây dựng Hà Nội thành trung tâm tài chính - ngân hàng trong khu vực. Cùng với đó, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, hệ thống hạ tầng thông tin - truyền thông, bưu chính - viễn thông cũng phát triển nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. 

Cùng với dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVI đã thống nhất đưa vào dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội ngoài duy trì 8 chương trình công tác lớn của Thành ủy nhiệm kỳ 2015-2020 sẽ bổ sung thêm chương trình “Chỉnh trang, phát triển đô thị và đẩy mạnh kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025”. Trong dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội, về các định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm cũng có nội dung “Nâng cao chất lượng, hiệu quả chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị theo hướng bền vững”. Điều đó cho thấy vấn đề phát triển kinh tế đô thị đã được nhận thức đầy đủ và toàn diện hơn.

Song, để xây dựng được các ngành kinh tế đô thị phát triển như mục tiêu đề ra cũng là chặng đường dài khó khăn, đòi hỏi nhà quản lý phải có cơ chế, chính sách phù hợp; nguồn lực đầu tư để sớm hoàn thiện quy hoạch đô thị. Mục tiêu thành phố dự kiến là đến năm 2025, Hà Nội trở thành trung tâm thương mại lớn về giao thương và kinh tế của cả nước, khu vực Đông Nam Á. Phát triển thị trường hàng hóa dịch vụ, chú trọng thương mại điện tử, các hình thức thanh toán trên nền tảng công nghệ hiện đại. Khai thác lợi thế từ các hiệp định thương mại, lợi thế địa kinh tế của thành phố thông qua phát triển và vận hành trung tâm lưu chuyển hàng hóa, trung tâm logistics, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thương mại. Khuyến khích kinh doanh dịch vụ hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, bán hàng qua mạng, trung tâm tài chính thương mại quốc tế, trung tâm dịch vụ tài chính ngân hàng, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao…

Đây là bước đệm để Hà Nội trở thành trung tâm văn hóa, giáo dục - đào tạo và khoa học kỹ thuật quan trọng của cả nước; là một trong những trung tâm kinh tế, du lịch, thương mại, dịch vụ của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Cần triển khai hiệu quả Quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 hướng tới phát triển bền vững, thân thiện với môi trường

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khi trao đổi với báo chí trước Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ông Nguyễn Đức Hiển cho biết, giai đoạn 2010-2020, hệ thống đô thị tăng nhanh về số lượng, hình thành 2 vùng đô thị lớn có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng cùng các đô thị phân bố rộng khắp các vùng, miền.

Quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ nhất tại 2 vùng kinh tế-xã hội quan trọng, đó là vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ, thấp nhất tại vùng Trung du miền núi phía bắc.

Đô thị hóa và phát triển đô thị tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; sự phát triển của một số đô thị đã tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực nông thôn...

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực đã đạt được, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập trong phát triển đô thị hiện nay.

Đó là, đô thị hóa không đồng đều giữa các vùng, miền; tỉ lệ đô thị hóa không đạt mục tiêu đề ra, thấp hơn nhiều so với mức trung bình các nước trong khu vực và thế giới; phát triển theo chiều rộng là chủ yếu với mật độ thấp và phân tán, gây lãng phí về đất, hạn chế tích tụ kinh tế; hệ thống đô thị phát triển không cân đối, thiếu sự liên kết, chưa có sự phân định và chia sẻ chức năng trong từng vùng và giữa các vùng; đầu tư cho phát triển đô thị còn dàn trải, thiếu đồng bộ, đai chưa phát huy và khai thác tốt các nguồn lực từ chính đô thị cho phát triển đô thị...

Thực tế này đang đặt ra cho các ngành chức năng cần có giải pháp đồng bộ như phát triển đô thị lớn thành các cực tăng trưởng; nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách riêng về nhà ở cho khu công nghiệp, coi nhà ở công nhân là một hạ tầng thiết yếu trong khu công nghiệp. Hạ tầng xanh, vật liệu xanh, công trình xanh trong phát triển đô thị; phân định rõ các vùng, ứng dụng cơ sở dữ liệu cho quy hoạch…

Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cho biết, Nghị quyết 06 có sự đổi mới tư duy, lý luận và phương pháp quản lý đô thị, bảo đảm quy hoạch đô thị có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm.

Theo đó, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cho hay, khi thực hiện Nghị quyết 06, quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị sẽ đi trước một bước và bảo đảm nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị. Thể chế mới cũng sẽ được hoàn thiện để kiên quyết xóa tư duy nhiệm kỳ và tình trạng quy hoạch treo, cơ chế "xin-cho", lợi ích nhóm trong xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch.

Việc phát triển đô thị cũng sẽ bảo đảm phù hợp, cân đối các vùng miền, theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu nhưng vẫn giữ gìn, phát huy các yếu tố bản sắc văn hóa dân tộc. Các đô thị có lợi thế hơn sẽ được xây dựng thành các trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ... có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế cao.

Để làm được các nhiệm vụ này, Nghị quyết 06 cho phép phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền đô thị, khai thác tốt nguồn lực từ chính đô thị, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển đô thị, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm trong quản lý, phát triển đô thị.

Theo quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thì đến năm 2025, tỉ lệ đô thị hóa cần đạt tối thiểu 45%. Kinh tế khu vực đô thị đạt khoảng 75% GDP cả nước; tỉ lệ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tự chủ về tài chính đạt trên 35%.

Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, tỉ lệ đô thị hóa đạt trên 50% và phấn đấu đạt mức trung bình ASEAN. Kinh tế khu vực đô thị đạt khoảng 85% GDP cả nước; tỉ lệ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tự chủ về tài chính đạt trên 60%. Có khoảng 10-15 đô thị phê duyệt và thực hiện Đề án tổng thể về phát triển đô thị tăng trưởng xanh. Xây dựng được 3-5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế.

Tầm nhìn đến năm 2045, tỉ lệ đô thị hóa thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và châu Á. Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, phát triển theo hướng đô thị xanh, văn minh, có bản sắc và có tính tiên phong, dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo, trở thành động lực của phát triển…

Để đạt được mục tiêu, đại diện Ban Kinh tế Trung ương dẫn một số giải pháp cụ thể như: Hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị và kinh tế đô thị nhanh và bền vững; xây dựng và phát triển hệ thống đô thị quốc gia đồng bộ về mạng lưới và chất lượng đô thị; phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; quản lý, phát triển thị trường bất động sản và nhà ở ổn định, lành mạnh, minh bạch, bền vững…

Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ được tổ chức vào sáng 18/5 tại Hà Nội. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Trần Tuấn Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Lê Văn Thành, Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ đồng chủ trì Hội nghị.

Anh Minh


Video liên quan

Chủ Đề