Cách lái xe trong thành phố

Ô tô số sàn là loại xe mà người cầm lái phải đích thân điều khiển bằng tay

Ô tô số sàn [còn gọi là xe số tay] là loại xe mà người cầm lái phải đích thân điều khiển cần số bằng tay. Trong tiếng Anh, xe số sàn được viết tắt là MT - Manual Transmission. Thuật ngữ này được sử dụng để phân biệt với xe số tự động [AT - Auto Transmission], đây là loại xe tăng/giảm số tự động phù hợp với sức tải và tốc độ của xe.

Muốn hoạt động trơn tru, xe số sàn cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa ba bộ phận là côn, số và ga. Trong đó, côn là chi tiết đặc trưng của xe số sàn, giúp bạn chuyển số khi xe đang vận hành. Chân côn nằm ở bên trái kế chân phanh, còn bên phải là chân ga.

Hộp số cũng đóng vai trò quan trọng trong việc lái xe ô tô số sàn. Bởi vì đây là cơ cấu trung gian giữa bánh xe và động cơ, dùng để điều chỉnh tải trọng của xe ở vận tốc thích hợp cũng như tối ưu hóa chức năng của động cơ. Hộp số thường hoạt động theo nguyên tắc như sau:

- Xe đi chậm ở số thấp nhưng sức kéo mạnh [thích hợp khi xe vừa xuất phát, sắp dừng xe hoặc di chuyển trên đọan đường xấu].

- Xe đi nhanh ở số cao nhưng sức kéo thấp [phù hợp khi đi đường trường với vận tốc nhanh].

II. Mẹo di chuyển bằng xe ô tô số sàn an toàn trong thành phố

Việc lái xe ô tô số sàn sẽ đem đến cảm giác lái phấn khích hơn cho người điều khiển, đồng thời giúp tiết kiệm nhiên liệu dù đi qua loại địa hình nào. Giá bán của xe số sàn cũng thấp hơn nhiều so với xe tự động. Song, điều kiện giao thông trong đô thị lại không mấy thuận lợi cho người lái xe số sàn, nhất là đối với tài xế mới.

Chính vì vậy, bạn hãy tham khảo ngay một số kinh nghiệm khi điều khiển xe số sàn trong thành phố mà Oto.com.vn chia sẻ dưới đây:

1. Khởi động xe không bị giật

Sau khi thắt dây an toàn và chỉnh ghế xe, thao tác đầu tiên bạn cần thực hiện trước khi khởi động xe là hạ thắng tay, sau đó mới đạp hết chân côn. Kế đến, bạn bắt đầu mở máy, đạp hết côn bằng chân trái và dùng tay phải để vào số 1.

Lúc này, bạn sẽ nhả côn thật chậm rãi, không nhả nhanh vì có thể làm tắt máy. Bạn cũng dùng chân phải để nhẹ lên chân ga và nhả côn đến khi xe lăn bánh.

Tiếp theo, bạn nhấn ga khi đồng hồ dừng ở mức 10 km/h, sau đó nhả côn và đạp thêm ga ở mức độ vừa phải.

Bạn tiếp tục đạp ga, bỏ côn hòan toàn và di chuyển đều trên đường.

2. Lên số cao không bị giật

Tài xế thường có cảm giác xe hơi gằn và kêu to khi lên số cao. Chính vì thế, bạn nên chuyển số chậm hơn khi đang lên dốc hoặc muốn tăng tốc để tận dụng lực kéo lớn hơn ở số thấp.

Khi đã xác định thời điểm lên số, bạn bắt đầu nhả ga và đạp hết chân côn. Hãy nhớ đạp thẳng côn để tách côn hoàn toàn, không gây hỏng hộp số khi chuyển số.

Sau đó, bạn lên số cao hơn rồi bỏ côn và đạp thêm ga. Việc nhả côn và đạp ga cần làm cùng lúc khi mới nổ máy để xe không giật nhưng khi xe đã di chuyển, bạn có thể nhả côn nhanh khi lên số cao mà không làm xe bị giật.

3. Về số thấp không bị giật

Bạn cần dựa vào tốc độ của động cơ để thực hiện việc chuyển số. Thông thường, xe sẽ hay bị giật cục khi tốc độ nằm dưới ngưỡng thích hợp đối với cấp số hiện tại và việc đạp ga không phát huy tác dụng tối ưu. Trường hợp này bạn cần đạp lút côn rồi chuyển về số thấp hơn.

Bước kế tiếp, bạn sẽ nhả côn từ từ, đặt chân phải lên chân ga. Khi lùi về số thấp, xế yêu của bạn dường như là bị dừng đột ngột nên bạn cần nhích nhẹ ga để bắt kịp tốc độ vận hành của xe.

Cuối cùng, bạn sẽ thả côn hoàn toàn và dùng chân ga để tiếp tục di chuyển.

4. Phanh để dừng không bị giật

Các chuyên gia có kinh nghiệm lái ô tô cho rằng bạn không nên phanh xe khi đang ở số mo [số N], vì khi về số mo chiếc xe sẽ theo quán tính lao về phía trước khiến bạn khó làm chủ tốc độ và gây nguy hiểm. Theo đó, bạn nên phanh cho đến khi tốc độ vòng tua máy cao hơn chế độ chạy không tải, sau đó nhả côn và chuyển cần số về N.

Bạn hãy đạp phanh để chắn chắn xe dừng hẳn, rồi bỏ phanh khi vận tốc chỉ còn dưới 20 km/h để xe lăn bánh đến chỗ đỗ. Việc này sẽ làm cân bằng trọng lực cho cả phía trước và phía sau, giúp xe không bị giật khi dừng.

Ngoài ra, bạn nhớ giữ phanh khi xe đã dừng đối với điều kiện đường sá đông đúc hoặc ở địa hình không bằng phẳng.

5. Vào cua

Các bác tài cần lưu ý những điểm dưới đây trong lúc vào cua:

- Không đạp thêm ga khi vào cua, trừ phi xe đi chậm.

- Chân phải nên để lên phanh trong lúc vào cua để phòng tránh tình huống khẩn cấp hoặc đạp nhầm chân ga.

- Chỉ về số khi thấy xe đi chậm sau khi vào cua, không về số trước khi ôm cua.

- Không đạp côn khi vào cua ở đường cong, đặc biệt là ở tốc độ cao vì sẽ khiến xe dễ bị trượt.

- Trường hợp vào cua ở ngã tư với tốc độ thấp thì không cần đạp côn.

- Nếu vào cua ở ngã tư vuông góc với vận tốc dưới 50 km/h, bạn có thể đạp côn trước, sau đó rà phanh để chuẩn bị cho tình huống bất ngờ.

6. Vượt xe trên đường

Khi muốn vượt xe khác, bạn nên chuyển về số 3 rồi đạp phanh để không làm hư hại ly hợp và động cơ. Lưu ý dùng đèn xi-nhan và còi báo hiệu bởi hành động này sẽ đảm bảo an toàn cho bạn cũng như phương tiện xung quanh. Sau cùng, bạn có thể bỏ qua số 4 mà lên thẳng số 5 để tiết kiệm nhiên liệu.

7. Về côn khi kẹt xe vào giờ cao điểm

Tắc đường là chuyện thường tình ở huyện khi bạn lái xe ở các thành phố lớn như Hà Nội hoặc TP.HCM. Cách tốt nhất là khi thấy xe phía trước nhích thì bạn nhả côn để xe nhích theo. Trường hợp xe đi trước di chuyển đều thì bạn nhả côn đến đâu giữ đến đấy và đạp thêm ga. Bạn nên cho xe ra hết ở số 1 và đi đều bằng cách ru ga từ 1.000 - 1.200 vòng.

Nếu xe đi trước bật đèn đỏ thì bạn hãy nhanh chóng đạp lút côn rồi thả trôi xe hoặc thả nhẹ chân thay cho việc rà thắng, còn khi xe đi tiếp thì bạn bắt côn trở lại. Bạn nên thao tác như thế cho đến khi xe phía trước dừng hoàn toàn. Sau đó bạn sẽ đạp phanh, nhả côn nhẹ nhưng dứt khoát.

Việc lái xe số sàn ở thành phố phải dựa trên mật độ giao thông để chuyển số cho phù hợp. Bạn có thể điều khiển xe ở số cao khi điều kiện đường sá thông thoáng hơn, và ngược lại. Vì khi xe chưa đủ tốc độ mà bạn lên số cao thì sẽ gặp tình trạng ép số, khiến xe bị ì khi đạp ga và không đem lại tốc độ như chúng ta mong muốn. Đây cũng là lý do làm hư hỏng hộp số.

Nhiều ý kiến cho rằng việc lái xe số sàn thật sự rất khó khăn đối với mật độ giao thông trong thành phố. Tuy nhiên, bạn chỉ cần sử dụng linh hoạt chân côn, phanh và điều chỉnh tốc độ phù hợp với số mà xe đang chạy, đồng thời tuân thủ đúng luật giao thông thì việc di chuyển bằng xe số sàn ở đô thị sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Hy vọng những kinh nghiệm mà Oto.com.vn chia sẻ sẽ giúp bạn có chuyến đi an toàn dù ở thành phố hay bất kỳ loại địa hình nào.

  • Bạn có thể quan tâm: Kinh nghiệm lái xe số sàn an toàn, tiết kiệm nhiên liệu
  • Xe số sàn là gì? Tìm hiểu ưu nhược điểm của xe ô tô số sàn

    7 điều cần ghi nhớ để lái xe số sàn mượt mà, hiệu quả

    Nguồn: NH - Theo TBDNA

    Em xin bắt đầu luôn!

    • 1. Lái xe trong thành phố đông đúc: thái độ, thái độ và thái độ

    Khác với lái xe đường trường, nơi mà cái chết và sự sống tương đối mong manh nếu không cẩn thận, lái xe trong thành phố đông đúc ít nguy hiểm hơn. Theo em, điều cần bàn nhất của lái xe trong thành phố là vấn đề thái độ hơn là vấn đề an toàn. Thái độ tốt giúp cho việc chạy xe thoải mái hơn đỡ nhức đầu và cũng giúp cho mọi người ít tranh giành nhau hơn để đường sá thông thoáng hơn.

    Thời nay người ta ra đường đụng chút là nhìn nhau bằng ánh mắt căm thù hằn học, nếu va quẹt thì tranh cãi dữ dằn và một số người thì lao vào đánh nhau. Vì sao vậy?

    Thứ nhất, em nghĩ cuộc sống hiện tại thường người ta đua nhau kiếm tiền, câu chuyện đầu đường cuối xóm thường là người này làm ra được nhiêu đây, người kia trúng mánh, người nọ mua xe cất nhà lầu, thằng kia nghèo khổ, bà kia bị ung thư không có tiền chữa nên chết. Cuộc đấu quyết liệt để kiếm tiền khiến cho người ta bị stress, mà về chửi người nhà thì nhịn đói, chửi đồng nghiệp thì không làm việc được còn chửi sếp thì khỏi làm việc luôn nên người ta tức, ra đường chửi nhau.

    Thứ nhì là đồ ăn thức uống thời giờ độc hại nên sức khỏe, tâm lý người ta bị ảnh hưởng, dễ cằn cộc, nổi cáu vì những chuyện không đâu.

    Thứ ba là do người ta không hiểu nên người ta mới tức giận.

    Em in đậm chữ "không hiểu" vì em nghe Phật dạy: muốn hết sân si không phải kìm nén nó tự hết dược, mà phải hiểu nguồn cơn của vấn đề, hiểu rồi thì không còn sân si nữa.

    Thí dụ như chuyện em ghét taxi. Em ghét cay ghét đắng mấy thằng tài xế taxi. Tìm khách thì chạy như ma đuổi lấn đường xe máy, cúp đầu xe hơi. Gặp khách là tấp lề không cần biết ai. Dò khách thì chạy như con rùa... Nhiều khi em cứ muốn gắn thêm cái cản sắt lên đầu chiếc Ranger để dạy cho mấy thằng taxi cúp đầu một bài học.

    Nhưng rồi em biết cái tức đó là vì em không hiểu chuyện. Chuyện là như vầy, có lần em thử để vài thùng xốp trồng rau trên sân thượng. Mà khu này nhiều chim cu. Hễ em cứ rải 100 hạt giống xuống thì giỏi lắm lên được 1 cây là cùng còn 99 hạt thì lọt vô bụng chim cu. Tức mình em xây khung giăng lưới khắp xung quanh, vậy mà vẫn có con mò vô được lỗ trống của lưới ăn sạch hạt của em. Một hôm em đứng rình. Thấy có con chui vô cái lỗ, em chạy vụt vào trong lưới bắt nó. Nó hoảng quá quên mất cái lỗ ra, nó bay trái vướng lưới, bay phải cũng vướng. Đường chim bay thì luôn ngắn hơn đường bộ vì em phải chạy vòng qua mấy cái thùng xốp còn nó thì bay thẳng. Bay qua bay lại, chạy qua chạy lại một hồi thì người mệt lử, còn chim thì không bay nổi nữa phải đi bộ. Đó là lúc em vươn sức tàn cuối cùng chụp được nó.

    Chụp được nó rồi em muốn vặt lông nó, muốn lấy dao lam xẻ từng miếng thịt nó trong khi nó còn sống cho hả giận cả tháng qua em trồng không ra cái gì. Cho tới khi bà cô phán: "Tức nó làm gì, cái kiếp nó là như vậy".

    Ngẫm ra thì chí lý, con chim cu thì nó phải ăn hạt, nó không ăn hạt nó chết đói sao?

    Đám taxi cũng vậy, họ phải chạy xe kiếm sống, không chạy họ chết đói sao?

    Đối với em vài ba hạt cải là để trồng ăn chơi, với con chim cu đó là lẽ sống. Ngoài đường em chạy ô tô để đi công việc nhưng không có em vẫn chạy xe máy được, còn với đám taxi đó là nồi cơm. Cái kiếp của họ như vậy. Chấp nhất với họ làm gì.

    Bởi vậy hiểu lẽ đời thì từ đó em không còn tức họ nữa. Họ chạy sao thì mặc họ, cứ nhún vai nói một câu: "Ui dào, cái kiếp của họ như vậy!"

    Tiếp theo là tụi xe công, xe quân đội chạy không cần biết ai, tức chứ. Nhưng rồi em cũng nghĩ, Phật có nói về nhân quả. Ai có quyền lực mà không dùng quyền lực đó phục vụ xã hội mà để mưu cầu tư lợi, để chiếm ưu thế áp bức bóc lột lợi dụng người yếu thế hơn mình, thì theo nhân quả kiếp sau sẽ làm kẻ tôi đòi, bị áp bức lại mà thôi [xin lỗi em mượn chuyện xe nói chuyện đời tí]. Bởi vậy em chả cần tức tối ba cái xe công xe quân đội làm gì. Họ làm sai có nhân quả trừng trị họ. Còn bác nào nói không tin vào nhân quả, thì hoy đi nha, tết nhất đừng đi chùa nữa, không ích chi đâu, vì lời Phật dạy mà không tin, đi chùa cúng bái xin xỏ vô ích.

    Tiếp theo là những xe máy chạy cúp đầu, chạy xéo qua ngã tư vô luật lệ, lấn làn xe hơi, chở cồng kềnh. Em cực kỳ tức và ghét.

    Đợi xíu, hình như lúc em chạy xe máy em cũng y chang. Có lần em chở đứa bạn cúp đầu cái xe du lịch kia thắng dúi dụi, nhỏ bạn em nói: "Anh vừa mới cúp đầu xe người ta đó". Em tưởng tượng ra ngay mình là người ngồi trong xe đó, chửi rủa, mạt sát cái đứa xe máy mất nết kia. Nó là ai, nó là em chứ ai.

    Bởi vậy mỗi lần tức xe máy, em lại nhún vai, kệ họ, họ chạy bậy, mình mà ngồi lên xe 2 bánh bầy đàn có thua gì mà tức?

    Còn ô tô chạy ẩu, chạy lấn, chạy láo thì sao? Thì ngay cả em, người chạy rất cố gắng để có văn hóa, nhưng đôi khi phải từ lề tấp trái ra gặp ngay hàng xe hơi đang xếp hàng, xi nhan trái xin chen vào thì mấy anh đang xếp hàng nhìn mình như thằng vượt phải lấn đường. Hello mấy anh! Em từ lề em tấp ra chứ em không có như anh nghĩ đâu, sao mà cứ chạy thật sát vào nhau không cho em vào thế? Lỡ có anh CSGT nhào tới thì em tình ngay lý gian tội cho cái túi của em lắm. Cho em vào đi mà!

    Đó, tức làm gì chuyện giao thông phố xá mấy bác ơi.

    • 2. Đừng chạy nhanh về phía đèn sắp đỏ

    Em từng chạy xe máy, vô thức thôi, thấy phía trước đèn sắp đỏ, tăng ga, vượt cho nhanh để kịp qua đèn. Xui sao giữa ngã tư có một bà điện thoại reng, hay mắc chứng gì đó ai mà biết, bả thắng chựng lại. Em phản xạ cũng bóp thắng nhưng sao mà kịp nữa, xe trượt bánh đổ kềnh ra tông vào đuôi xe bả. Em té lăn ra đất không còn biết trời đất gì thì cha xe máy phía sau cũng thắng như em, cũng trượt bánh như em và đổ kềnh cái xe máy của ổng lên ngực em.

    Em la hét vì đau nên ổng hoảng quá cố nhấc cái xe máy lên. Nhưng vì quá hoảng, và trước dòng xe của đường cắt ngang đang ào ào tới, ổng bị trượt tay, bi kịch thay, cái xe máy vừa bị nhấc ra khỏi ngực em tuột ra, rớt đè trúng ngực em thêm một lần nữa.

    May em không gãy cái xương sườn nào nhưng suốt một tháng sau đó, ho cũng thấy như trời sập vi đau.

    Xe hơi thì chắc không khác chi xe máy. Tăng tốc khi thấy đèn vàng còn 3-4 giây, hay đèn xanh còn 1-2 giây, tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. Giao lộ là nơi rất nhiều thứ bất ngờ có thể xảy ra. Có thể hôm nay các bác tăng tốc vượt qua được giao lộ, 10000 lần tiếp theo cũng không vấn đề gì, nhưng lần 10001 thì các bác rắc rối to rồi nhé.

    Nhất là khi xe từ đường giao cắt, đèn đỏ còn 2-3 giây mới xanh đã chậm chực muốn vọt đi.

    Bởi vậy theo em, thấy không còn đủ thời gian để vượt qua giao lộ với tốc độ bình thường thì từ xa cứ rà thắng, chờ thêm 30-50 giây trong máy lạnh chả chết ai. Chứ tăng tốc lên để vượt qua có khi có đứa chết.

    Bác nào không thích chờ đèn đỏ vì muốn về nhà sớm còn đi ngủ thì cứ kéo thắng tay lên, nhắm mắt lại, ngủ cho ngon. Khi nào đèn xanh cái xe sau sẽ đánh thức các bác dậy [tin tin]

    Chạy xe hơi mệt lắm các bác ơi, xe máy, người đi bộ, xe khác cúp đầu đủ kiểu. Mà hễ quên nhìn biển báo thì anh CSGT cứ mời vào gia nhập hội nướng bánh mì.

    Đi xe máy thì khỏe hơn, luồn lách, cúp đầu xe khác, leo lề như khỉ chỉ mệt mỗi ngửi khói thôi. Thì tâm trí để làm gì? Để tăm tỉa các biển báo và ghi nhớ. Tới lúc ngồi trên xe hơi thì phản xạ sẽ thành tự nhiên: đường này 1 chiều, đường kia cấm xe hơi. Khỏi đi bán bánh mì.

    Xe máy cũng do thám đường khá tốt. Ngoài các trục đường chính lúc nào cũng rùa bò, thì một số đường phụ, đường nhỏ, đường hẻm khá thông thoáng. Bác nào chạy xe nhỏ như KIA buổi sáng hay Huyndai Ai ten chạy được mấy đường nhánh nhỏ thì nên dùng xe máy do thám trước. Đôi khi đường nhỏ vắng quanh co dài hơn đường chính, nhưng đỡ mệt đầu tay chân hơn, và đôi khi tới nơi nhanh hơn.

    • 4. Không vào giao lộ nếu phía trước giao lộ không còn chỗ để đi

    Em thấy nhiều bác tài cứ bon chen mà không biết suy nghĩ. Biết là đèn xanh các bác có quyền đi, nhưng bên kia giao lộ chật ních rồi. Nếu các bác tiếp tục chạy tới thì các bác sẽ phải dừng giữa giao lộ. Tới khi người khác từ đường cắt ngang chạy tới thì các bác lại ngáng đường ngáng lối người ta. Có khi chính các bác là kẻ đầu têu một vụ kẹt xe hoành tráng. Tại sao vậy?

    Theo em, các bác cứ dừng chờ, mặc cho đèn xanh cứ xanh. Thằng xe sau bấm còi kệ nó, chả lẽ nó dám bước ra khỏi xe nào tới quýnh các bác được à? Đây là hành động văn minh, có trách nhiệm, biết suy nghĩ cho lợi ích chung.

    Ngoài đường bây giờ, ít tiền thì chạy xe máy, hít khói bụi, dầm mưa dãi nắng nhưng được cái tới nơi nhanh hơn.

    Nhiều tiền thì chạy xe hơi, máy lạnh mát rượi nhạc nghe thoải mái nắng không đụng đầu mưa không ướt chân nhưng tới nơi chậm.

    Đó là những sự thật mà người lái xe hơi phải chấp nhận.

    Nhiều tiền không cho các bác cái quyền tước đi cái ưu thế của người chạy xe máy. Họ hít bụi dầm mưa dãi nắng là đủ rồi. Đừng bắt họ dầm mưa dãi nắng lâu hơn, hít thêm một đống khói vì phải chụm đống đằng sau đuôi xe các bác khi các bác lấn sang đường của họ vì các bác muốn vừa sướng vừa được nhanh. Đúng là không có CSGT để phạt các bác, lúc đường sá đông đúc họ bận đi điều khiển giao thông. Nhưng người tự trọng thì không có CSGT cũng vẫn đi đúng làn đường của mình.

    • 6. Đừng bấm còi trừ khi nguy hiểm

    Khi bác bấm còi. 100 người xe máy xung quanh nghe. 1000 người trong các khu dân cư gần đó nghe. 200-300 chó mèo, chuột cũng nghe và khoảng vài tỷ tỷ vi rút vi khuẩn cũng nghe. Nhức đầu lắm chứ.

    Nhưng các bác vẫn bấm. Phải cho cái thằng chạy sai đó biết là nó chạy sai chứ? Không bấm nó cứ chạy sai mãi sao?

    Thế bao nhiêu năm nay các bác bấm thì xe máy nó có chạy tốt hơn chưa?

    Em nghĩ, chỉ nên bấm còi khi người xe máy lao từ trong lề ra không thấy bác sắp tông vào xe bác, hay những trường hợp sắp xảy ra nguy hiểm tương tự. Còn nếu nó cúp đầu, nếu taxi tấp lề v.v... và v.v... thì kệ nó.

    Còn bác nào bấm còi để giành đường, để xe máy dạt ra, để xe ngược chiều đừng quẹo thì em không bàn nữa. Văn hóa nhường nhịn quá thấp. Các bác tranh đường, các bác về nhà sớm hơn người ta 5 phút đúng không? Các bác tới kịp giờ để gặp đối tác đúng không? Sao các bác khởi hành sớm hơn một chút, nhường nhịn người ta trên đường và nếu về tới nhà sớm thì phụ vợ bưng cơm còn nếu tới phòng họp sớm thì uống ly cà phê chờ đối tác rồi kênh mặt lên "Tôi tới sớm hơn anh đấy nhé!". Năm phút tạo ra bao nhiêu khác biệt trong khi được năm phút đó mà bao nhiêu văn minh văn hóa bay đi đâu mất hết?

    • 7. Nhường đường cho xe ngược chiều rẽ trái [tại nơi không phải giao lộ]

    Chuyện này đơn giản thôi, cái xe ngược chiều muốn rẽ trái để tấp sang bên kia đường, nó sẽ chặn hết toàn bộ dòng xe phía sau nó.

    Nếu các bác thắng lại để cho xe đó chạy đi thì các bác mất 20 giây, nhưng dòng xe ngược chiều có 20 người mỗi người lợi được 20 giây là 6 phút. Theo luật nhân quả, các bác sẽ nhận được 6 phút thêm tuổi thọ.

    Mà cái gì lợi nhiều hơn hại thì nên làm.

    Bây giờ đổi vai nha. Bác là người cần tấp trái vào cái ngân hàng bên kia đường. Nhưng ông xe hơi đối diện không muốn nhường bác rẽ, và nhá đèn bảo là ông ấy sẽ lấn tới [như mọi tài xế không biết nhường của VN]. Nhưng nếu các bác cũng không vừa gì, các bác bẻ trái ngay trước mặt hắn để hắn phải thắng dúi dụi thì sao?

    Thì cái xe máy chạy song song với hắn [và không thấy bác] sẽ đâm sầm vào bác. Vì thế nếu các bác cần quẹo trái, tấp trái nơi không phải giao lộ, thì nhường cho xe ô tô ngược chiều nếu họ không nhường mình, đặc biệt nếu họ là xe to che chắn hết tầm nhìn của xe máy đi cùng họ.

    • 8. Cẩn thận với các đối tượng sau:

    Xe sang, xe máy chở em bé, xe máy chở đồ cồng kềnh.

    Xe sang thì khỏi nói rồi, nó là cục tiền di động. Các bác đụng trúng nó, rớt ra tờ tiền nào thì các bác phải móc túi ra bù vào tờ đó.

    Xe máy chở em bé mà nhất là mấy em bé ôm bụng mẹ không có dây ràng gì hết thì nếu nó ngủ nó té ra thì tai họa.

    Xe máy chở đồ cồng kềnh thì tội lắm [kiếp họ như vậy mà] nên đừng chấp họ làm gì. Và họ cũng di chuyển rất khó khăn nên đừng giành đường lấn át họ có khi họ quệt phải mình đổ kềnh ra thì mình cũng thiệt hại không kém.

    Xe cứu thương, cứu hỏa, quân sự: né tránh và tạo điều kiện cho họ được ưu tiên trong điều kiện có thể. Đừng làm ngơ mà nghĩ rằng có thể thằng lái xe không chở ai nhưng vẫn hụ còi để được ưu tiên: các bác có chắc họ không chở ai không? Đặt mình vào vị trí người thân của người bệnh ngồi trong xe, từng giây từng phút của người thân mình cũng quan trọng mà cái thằng ô tô phía trước nó cứ ỳ đó không thèm né ra.

    Nếu trên đường lộ ta phải tránh xa con lươn [cao khuất tầm nhìn] ra thì trong đường thành phố ta phải chạy sát vào con lươn. Đừng để tên xe máy nào len vào vì không phải tên nào cũng kỹ năng luồn lách lụa như nhau. Tên nào thích luồn lách mà không lụa sẽ để lại hông trái xe ta vài vết trầy và ta đành ngậm đắng nuốt cay nhìn nó rồ ga trốn mất.

    Theo em, đã đi trong thành phố và bị phạt thì chuyện đóng phạt chả phải là chuyện gì xa xôi cách trở thì ta cứ nói không với bánh mì. Sau khi đã do thám bằng xe máy và cẩn thận đủ đường mà vẫn bị mời vào thì ta cứ theo biên bản và nộp phạt, nhưng...

    Nhớ là phải bị phạt đúng lỗi à nha! Cái lỗi sai làn chẳng hạn, phạt nặng lắm, giam bằng nữa hay sao đó, chỉ xảy ra khi xe ô tô lấn là xe máy thôi nhé, hoặc xe ô tô đi vào làn xe tải thôi nhé. Còn nếu bảng có mũi tên rẽ trái rẽ phải mà lại đi thẳng chẳng hạn, thì đó chỉ là lỗi không tuân thủ biển báo thôi, phạt có 200-300 ngàn nhẹ hơn lỗi sai làn rất nhiều. Đừng để cho xxx đem ông kẹ ra hù, vì lớn rồi không còn sợ ông kẹ nữa. Muốn lớn lên trong luật giao thông thì ta cần tham khảo diễn đàn trên đường thiện lý nhiều hơn nhé các bác tài mới.

    Dành cho bác nào thích nướng bánh mì nè: Nếu các bác muốn chia bánh mì nhưng muốn được giảm giá [và các bác biết chắc anh này là xxx và anh muốn bánh mì chứ không muốn phạt thật] thì các bác cứ dõng dạc: "Ghi biên bản cho em". Các bác sẽ thấy nhiều chuyện hài hước xảy ra.

    Đầu tiên xxx sẽ giả vờ ghi biên bản, nhưng rồi sẽ nói tôi phạt anh lỗi nhẹ hơn nhé. Lỗi 1 tr rưỡi ghi thành lỗi 700, cho đóng phạt tại chỗ.

    Các bác tiếp tục dõng dạc: "Em phạm lỗi nào thì anh ghi đúng lỗi đó chứ, em có cần anh phạt nhẹ hơn đâu".

    XXX sẽ cụp mặt tiếp tục giả vờ ghi biên bản. Và rồi cuối cùng sẽ nói: "Thôi anh đưa đây 300 tui cho anh đi".

    Lúc đó các bác trả 200 nhé, và sẽ được sự đồng ý. Chứ nếu các bác không theo chiến thuật này, có khi phải trả 500 mà còn bị hoạnh họe. Rủi ro của chiến thuật này là đôi khi các bác phán đoán sai và CSGT sẵn sàng ghi giấy phạt vì cần đạt chỉ tiêu cuối năm chứ không ưu tiên bánh mì.

    Và cũng nhớ là: không làm việc với bồ câu cô đơn nha các bác. Nếu CSGT bắt các bác lại mà chỉ có 1 người, không có CSGT thứ hai, hoặc không có anh cảnh sát áo xanh ngồi sau thì khi xuống xe các bác cứ dõng dạc: anh không có quyền phạt tôi, tôi đi sai lúc nào? Ai làm chứng? Anh tên Nguyễn Văn A phải không? Đội nào? Anh muốn 1 mình phạt tôi phải không? Cứ làm đi tôi sẽ ghi ý kiến vào biên bản về đội giải quyết".

    Em chắc chắn là bồ câu cô đơn khi nghe tới đó phải để các bác đi.

    Bài của em tới đây là hết. Chúc các bác lưu thông trong thành phố được an toàn và nhanh chóng, và góp phần cho văn minh giao thông của chúng ta ngày một tốt hơn.

    Về phần em khi nào các bác thấy chiếc Ford Ranger có dàn đèn nóc hoành tráng và chữ HIEN phía sau cùng logo Otosaigon.com thì vẫy em cái nha!

    Theo Hienvodich - Otosaigon.com

    Mạn phép xin sử dụng sử dụng lại bài viết của bác Hienvodich tren diễn đàn OS - bài viết hay, hài hước và tâm huyết.

    Chân thành cảm ơn

    Chương trình phổ biến kiến thức cơ bản cho người đang học lái xe ô tô các hạng, chúc các bạn luôn học tốt, thi tốt và luôn lái xe an toàn.

    Video liên quan

    Chủ Đề