Cách bảo quản rơm cho bò ăn

Trong những năm gần đây, đàn bò tăng liên tục nhờ có những ưu thế sau đây:

         - Thịt bò nhiều nạc, ít mỡ, thơm ngon nhất là thịt bò lai, bê lai [bò vàng nội lai với các bò đực Zebu], thịt bò được chế biến thành nhiều món ăn ngon như phở, thịt bò khô, bê thui...

         - Chăn nuôi bò chủ yếu là bằng cỏ, rơm, thân cây ngô, bã mía . . . và tiêu tốn lương thực rất ít chủ yếu là những lương thực thứ yếu như sắn khô, cám, bột ngô... chỉ dùng vỗ béo vào thời gian cuối trước khi xuất bán vài tháng.

         - Các phụ phẩm nhất là da, xương... là nguyên liệu rất quan trọng của công nghiệp làm đồ da và giầy dép

         Trong chăn nuôi bò, lượng thức ăn yêu cầu để tăng được 1kg hơi cần: từ 35 - 40kg cỏ tươi [nuôi đơn thuần là chăn thả].    Hoặc từ:

            + 18 - 20kg cỏ tươi

+ 3,5 - 4kg rơm ủ

+ 0,3 - 0,4kg cám, bột sắn [đối với nuôi vỗ béo tại chuồng].

Để sản xuất ra được 1 lít sữa bò cần:

+ 8 - 10 kg cỏ tươi.

+ 3,5 - 4kg rơm ủ.

+ 0,3 - 0,4kg cám hỗn hợp.

            Như vậy trong chăn nuôi bò thịt hay bò sữa, yêu cầu lượng thức ăn thô, xanh vẫn là chủ yếu. Hiện nay ngoài việc đang đẩy mạnh chuyển một số đất đồi, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cỏ để nuôi bò thịt, bò sữa. ở nước ta, với ưu thế có trên 4 triệu ha chuyên trồng lúa một năm từ 2 - 3 vụ sẽ có một lượng rơm rất lớn, việc tận thu, bảo quản, chế biến rơm sẽ là một nguồn cung cấp thức ăn thô rất quan trọng để phát triển mạnh đàn bò các loại hiện nay.

            Tuy vậy ở một số địa phương do đàn trâu bò cày kéo giảm, do rơm khô chúng ăn được ít nên rất coi nhẹ việc tận thu rơm, để ẩm mục, làm chất đốt, độn chuồng hay đốt ngay ngoài đồng lấy tro bón ruộng . . . rất lãng phí.

            Trước yêu cầu phát triển nhanh đàn bò, nhất là đàn bò sữa, việc tận thu rơm, cả ở những vùng có đàn trâu bò kém phát triển, tận thu để chuyển bán cho những vùng phát triển mạnh trâu bò, sẽ có lợi rất lớn cho cả hai phía.

            Để tận dụng tốt nguồn rơm hiện có vào phát triển đàn trâu bò, có thể áp dụng các biện pháp sau:

            Phơi khô kịp thời đánh đống

            Đây là phương pháp bảo quản rơm đơn giản và phổ biến rộng rãi nhất hiện nay. Hãy tuyên truyền để nhiều nông dân nhận thức được vai trò và sự cần thiết của rơm đối với phát triển chăn nuôi trâu bò. Coi việc thu rơm là nhiệm vụ quan trọng thứ hai sau hạt thóc để bố trí lao động hợp lý khẩn trương hơn trong việc phơi rơm rạ mau khô, đảm bảo độ ẩm 9 - 10%, trông rơm vẫn còn màu xanh là thu về đánh đống kịp thời ngay. Cần lưu ý chọn nơi đánh đống rơm cao ráo, thoáng, không bị ẩm ướt, không đánh đống rơm dưới các tán cây to...

            Đóng bánh rơm rạ

            Đóng bánh rơm rạ như đóng bánh cỏ khô ở các nước có bãi cỏ lớn. Bánh rơm có kích thước 50cm x 50cm hoặc 100cm x 100cm. Mỗi bánh rơm được đóng có thể giảm thể tích so với đánh đống từ 5 - 6 lần mà lại dễ bảo quản, có thể xếp vào các nhà kho rất đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Phương pháp đóng thủ công có thể đóng khuôn bằng gỗ hay bằng sắt có kích thước bánh như trên. Xếp rơm vào rồi dùng bàn ép, ép chặt rơm xuống, sau dùng dây thép hay đai sắt cố định như gói bánh chưng.

            Chế biến rơm bằng urê

            Rơm khô tỷ lệ đạm rất thấp 3 - 4%, tỷ lệ xơ rất cao tới 33 - 34% lại nhiều silic nên trâu bò không thể ăn dược nhiều.

            Nhưng nếu rơm được chế biến sẽ khắc phục được tốt các hạn chế trên đây, giúp trâu bò ăn được nhiều rơm gấp 2 lần so với không được chế biến, tỷ lệ tiêu hoá tăng 14 - 15%, lượng đạm dễ tiêu tăng lên khá.

            Phương pháp chế biến, ủ rơm bằng urê như sau:

-          Nguyên liệu gồm có:

            + Rơm: 100kg

             + Urê: 3 - 4kg

            + Vôi bột: 0,5kg

             + Muối ăn: 0,5kg

             + Lượng nước sạch: 100 lít

-          Dụng cụ để ủ:

             + Đóng thùng gỗ

             + Đào hố, lót nilon [nơi đất đồi núi]

            + Xây bể nửa nổi, nửa chìm, cạnh bể có một rốn để hứng nước ủ từ bể chảy ra có thể múc tưới lên lớp rơm trên cùng

            Kích thước thùng, bể... tuỳ theo số lượng trâu bò nuôi. Mỗi hộ chăn nuôi trâu bò nên làm từ 2 - 3 cái thì mới có rơm ủ đủ cung cấp thường xuyên cho đàn trâu bò ăn.

- Cách tiến hành làm như sau:

            Ban đầu cân 10kg rơm bó lại làm mẫu, các bó sau bó tương tự như bó đầu cho nhanh.

            Rải đều số rơm bó đầu [10kg] vào thùng hay bể ủ, dùng ôdoa [bình tưới] 101, múc đầy nước rồi cân 0,3 - 0,4kg urê; 0,50g vôi; 50g muối ăn đổ vào ôdoa khuấy cho tan hết, rồi tưới đều lên lớp rơm vừa rải.

            Những lớp sau cũng làm tương tự như vậy cho đủ 100 - 200kg rơm... Trên cùng lấy nilon bọc kín rồi dùng bao tải đậy lại [ủ yếm khí]. Thời gian ủ từ 7 - 10 ngày trở lên, tốt nhất là sau 21 ngày mới cho trâu bò ăn.

            - Cách cho trâu bò ăn:

            Rơm sau khi ủ vẫn vàng thơm và mềm là được, lấy tới đâu cho ăn hết tới đó. Đồng thời sau khi lấy rơm ủ ra phải nhanh chóng đậy kín lại để tránh không khí vào nhiều làm đen sản phẩm ủ.

            Rơm ủ lấy ra phải để khoảng 30 phút để bay hết mùi hắc rồi mới rải cho trâu bò ăn, 2 - 3 ngày đầu nên trộn 1/2 rơm ủ với rơm khô. Sau khi bò đã ăn quen thì mỗi bữa cho ăn từ 5 - 6kg rơm ủ.

            Cần nhớ là khi bắt đầu cho bò ăn rơm ủ ở bể thứ nhất, là bắt đầu ủ bể thứ hai thì khi cho ăn hết bể thứ nhất sẽ có rơm ủ đã đủ thời gian theo yêu cầu [rơm ngấu] để cho đàn bò ăn tiếp mà không bị gián đoạn.

Theo..::Agriviet.Com


Trong mùa đông nhất là những ngày mưa lạnh, nguồn thức ăn cho gia súc khan hiếm. Việc tìm hiểu các phương pháp dự trữ thức ăn cho gia súc thời điểm này là cần thiết với bà con chăn nuôi, để tránh thiệt hại kinh tế. Sau đây chúng tôi xin chia sẻ các cách bảo quản thức ăn cho gia súc trong mùa đông.

1. Dự trữ thức ăn xanh bằng cách ủ chua
Băm nhỏ rồi ủ chua, nén chặt các loại thức ăn có khả năng lên men trong điều kiện kín khí để bảo quản lâu dài. Nguyên liệu có thể là cây ngô, các loại phụ phẩm chế biến dứa [bã, chồi,…]. Với công thức ủ xanh như: 100 kg thân cây ngô tươi + 3 kg urê + 0,5 kg NaCl [có thể bổ sung 2 - 4% rỉ mật đường],…

Dùng máy băm nghiền đa năng 3A băm nhỏ các loại cỏ, rơm

Thức ăn đem ủ cần chặt ngắn [5 - 10 cm]; lượng nước thích hợp trong thức ăn nguyên liệu là 65 - 75%. Chỉ ủ những thức ăn sạch và đảm bảo chất lượng; cho từng lớp thức ăn dày 20 - 30 cm đầm kỹ, nén chặt rồi mới cho lớp khác; chú ý nén thật chặt ở các góc hố. Sau khoảng 3 tuần là có thể cho gia súc ăn. Thức ăn ủ chua được bảo quản lâu dài và tổn thất ít chất dinh dưỡng. Nếu thức ăn ủ xanh có chất lượng tốt có thể cho gia súc ăn tới 5 - 7 kg/100 kg thể trọng/ngày. 

Thức ăn ủ chua được trộn thêm cám, muối... nên đảm bảo chất dinh dưỡng.

2. Ủ héo thức ăn xanh
Ủ héo là phương pháp trung gian giữa làm cỏ khô và ủ tươi, cỏ dùng làm ủ héo có hàm lượng chất khô cao hơn dùng để ủ tươi. Cỏ ủ héo thường lên men ít, lượng chất dinh dưỡng bị mất đi trong quá trình ủ thường ít hơn.


Cách ủ cỏ héo: tùy theo số lượng và độ ẩm hiện tại có thể ủ ngay hoặc phơi tái rồi ủ. Độ ẩm của cỏ trong khoảng từ 50% - 60%, dùng bao nylon cho cỏ vào từng lớp, nén chặt cho đến khi bao chứa đầy cỏ.  Dùng dây buộc kín miệng bao lại rồi cho bao cỏ vào bao nylon thứ 2, buộc thật kín, sau đó đem để nơi nào tránh được chuột hay các côn trùng khác phá hoại. Đây là khâu quyết định nếu bao bị hở thì cỏ trong bao sẽ bị hư hỏng.

Cỏ ủ héo thường lên men ít, lượng chất dinh dưỡng bị mất đi trong quá trình ủ thường ít hơn.

3. Dự trữ thức ăn khô Rơm khô là một nguồn cung cấp tốt protein, gluxit, vitamin và chất khoáng chủ yếu cho gia súc nhai lại vào mùa lạnh. Phương pháp này có ưu điểm là rất đơn giản, rơm ít bị hỏng; Áp dụng với mọi quy mô chăn nuôi, nhất là chăn nuôi nông hộ; Có thể tận dụng thời gian; Đầu tư thấp; Trâu bò ăn được nhiều mà không gây rối loạn tiêu hóa.  Để thu được rơm khô chất lượng tốt và giảm tổn thất các chất dinh dưỡng, sau thu hoạch, phải phơi [sấy] khô nhanh chóng; rơm khô thường được bảo quản bằng cách đánh thành từng đống như đống rơm, nén chặt và có mái che mưa là hình thức phổ biến.

Rơm khô là một nguồn cung cấp tốt protein, gluxit, vitamin và chất khoáng chủ yếu cho gia súc.


 

4. Dự trữ các phụ phẩm nhiều chất xơ
Nguồn phụ phẩm nhiều chất xơ rất phong phú và đa dạng như rơm, ngọn lá mía, ngọn sắn… Nguyên tắc làm tăng khả năng sử dụng phụ phẩm nhiều xơ gồm thu gom sau thu hoạch để dự trữ lâu dài; Bổ sung các chất dinh dưỡng bị thiếu hay xử lý nhằm phá vỡ các liên kết phức tạp để làm tăng tỷ lệ tiêu hóa và lượng thu nhận thức ăn. Trong đó, phương pháp xử lý vật lý và sinh học ít được áp dụng do quy trình phức tạp, chi phí thiết bị cao. Trong xử lý hóa học, có xử lý bằng ủ chua, ủ urê là phương pháp được dùng phổ biến hiện nay.

5. Trồng các loại cỏ bổ sung
Thức ăn lý tưởng cho gia súc nhai lại là cỏ xanh nhưng năng suất lại thay đổi theo mùa vụ và trong mùa lạnh [khô] thường bị thiếu. Hiện, một số địa phương miền núi đã chủ động thực hiện việc chuyển một số diện tích sản xuất lương thực kém hiệu quả sang trồng các giống cỏ năng suất cao, chịu hạn, chịu rét tốt như cỏ voi, cỏ Ghi nê, VA06,… để trồng thâm canh nhằm có đủ nguồn thức ăn thô xanh.

Cần căn cứ vào nhu cầu từng loại gia súc và năng suất của cỏ trồng để tính toán diện tích trồng cho phù hợp. Trồng cỏ giúp đảm bảo chủ động có nguồn thức ăn xanh hay dự trữ để ổn định nguồn thức ăn cần thiết cho gia súc, nhất là vào mùa lạnh.
Hiện các giống cỏ năng suất cao, chịu hạn, chịu rét tốt như cỏ voi, cỏ Ghi nê, VA06,…

6. Dự trữ thức ăn tinh
Các loại thức ăn tinh như hạt ngô, sẵn, cám gạo, bột đậu tương… chứa các thành phần dinh dưỡng quan trọng gồm đạm, tinh bột, đường, khoáng và vitamin.

Thức ăn tinh sau khi được xử lý thường được dự trữ trong bao, quây cót… Kho chứa thức ăn là phải ở nơi cao ráo, thoáng mát, có mái che... Khi lấy thức ăn phải theo thứ tự chế biến trước dùng trước, chế biến sau dùng sau và kiểm tra hàng ngày; định kỳ đảo kho, sát trùng mọt, sâu… Kiểm tra thường xuyên thức ăn nếu có hiện tượng ẩm, vón mốc... phải có biện pháp phơi, sấy hoặc loại bỏ.

Về mặt dinh dưỡng, thức ăn thô không thể thay thế quá nhiều [khi thiếu] bằng thức ăn tinh trong khẩu phần ăn của gia súc. Hơn nữa, vì giá thành, người nuôi nên tận dụng tối đa các nguồn phụ phẩm để làm thức ăn cho gia súc nhằm tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường.

Tags liên quan


Video liên quan

Chủ Đề