Các nước có nền công nghệ phát triển

Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ là yếu tố quyết định để thay đổi bộ mặt kinh tế mỗi quốc gia, cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân loại.

Theo dữ liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế, tính đến tháng 10/2018, thế giới vẫn có ít nhất 152 quốc gia được xếp vào danh sách “Nước đang phát triển”. Hầu hết đều tập trung ở 4 khu vực, gồm: Trung Đông [Afghanistan, Iran, Iraq]; châu Phi [Ghana, Kenya, Zimbabwe]; Nam Mỹ [Argentina, Brazil, Chile] và Đông Nam Á [Indonesia, Campuchia, Việt Nam…].

Điểm chung của những quốc gia này là đều có mức sống khiêm tốn, chỉ số phát triển con người [HDI] không cao với thu nhập đầu người ít ỏi, và đặc biệt là nền tảng công nghệ kém phát triển.

Có thể thấy những vấn đề thường xảy ra nhất trong bộ máy quản lý của các nước đang phát triển là hệ thống quản lý văn bản, hồ sơ công việc, hồ sơ cá nhân chưa được tự động hóa bằng một cổng thông tin điện tử.

Những quốc gia đang phát triển ở Nam Mỹ như Colombia, Brazil, Argentina, Mexico hay Cộng hòa Dominica luôn được coi là nơi có nhiều tội phạm, các băng đảng xã hội đen hoạt động và buôn bán ma túy với tổ chức, quy mô rộng lớn mà nhà nước không thể kiểm soát.

Trong khi đó, các quốc gia ở châu Phi như Ai Cập, Ghana, Zimbabwe vẫn được coi là nơi chứa “ổ bệnh” bởi hệ thống y tế còn gặp nhiều khó khăn, dịch bệnh tràn lan và mầm bệnh phát triển nhanh qua nguồn nước, thức ăn, không khí.

Mới đây nhất, bệnh tả lợn ở châu Phi gián tiếp lây virus cho con người. Năm 1921, bệnh tả lợn lần đầu tiên xuất hiện tại Kenya, sau đó lây lan nhanh chóng và trở thành dịch ở nhiều nước châu Phi. Năm 1957, lần đầu tiên tả lợn châu Phi được phát hiện và báo cáo tại châu Âu. Đến năm 2007, loại bệnh này xuất hiện ở nhiều nước khu vực Nam Mỹ. Và hệ thống kiểm dịch yếu kém được cho là nguyên nhân hàng đầu khiến người dân của những quốc gia này dễ bị nhiễm bệnh.

Theo Tổ chức Thú y Thế giới [OIE], tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm do một loại virus trong máu, dịch bài tiết từ lợn nhiễm bệnh gây ra. Bệnh lây lan nhanh trên loài lợn, xảy ra ở mọi loại lợn, tỷ lệ chết 100%. Ở các nước đang phát triển, hệ thống kiểm dịch yếu kém dễ khiến người dân bị lây lan virus.

Một trong những vấn đề khó khăn khác với các quốc gia có nền công nghiệp yếu kém là hệ thống giao thông công cộng chưa hoàn thiện, dẫn đến việc tham gia giao thông chưa đảm bảo an toàn. Nói về vấn đề này, Đông Nam Á được xem là ví dụ điển hình.

Theo một báo cáo được Tổ chức Y tế Thế giới [WHO] công bố năm 2018, tỷ lệ thiệt mạng do tai nạn giao thông ở Thái Lan lên tới 32,6/100.000 người. Đứng thứ hai trong khu vực chính là Việt Nam, với tỷ lệ 26,1/100.000 người chết do va chạm trên đường. Theo thống kê, năm 2018 có 24.970 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông ở Việt Nam.

Cải thiện hạ tầng giao thông, giảm ùn tắc trong nội đô vẫn luôn là bài toán khó đối với các nhà quản lý, cũng như những chuyên gia về lĩnh vực này trong nhiều năm nay. Trên thực tế, nếu xây dựng được mạng lưới giao thông công cộng đa dạng, sử dụng trình điều khiển thông minh… thì tình trạng ùn tắc hay tai nạn giao thông sẽ không còn là vấn nạn. Hãy lấy Singapore làm ví dụ. Tại đây, bất kỳ du khách nào đặt chân tới sân bay quốc tế Changi đều choáng ngợp bởi sự hiện đại và ngăn nắp của hệ thống giao thông, mạng lưới đường cao tốc trải dài cùng nhiều làn xe lưu thông nhưng không hề có tiếng còi hay sự hỗn loạn nào.

Hệ thống giao thông tiên tiến đó có được nhờ tầm nhìn xa của Chính phủ Singapore trong việc quy hoạch, xây dựng và phát triển chiến lược giao thông từ những năm đầu của thập kỷ 70.

Theo đó, chính phủ Singapore đã phát triển nhiều dự án giao thông thông minh như các ứng dụng giúp định hướng tuyến đường xe buýt và tàu điện ngầm, xây dựng khu đa chức năng nhằm giảm thiểu nhu cầu đi lại và cung cấp việc lựa chọn giao thông công cộng chất lượng cao.

Mới đây, Cơ quan Giao thông đường bộ [LTA] Singapore đã bắt đầu phát triển hệ thống thu phí đường bộ điện tử thế hệ mới dựa trên công nghệ định vị vệ tinh, dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2020. Công nghệ này giúp kiểm soát tắc nghẽn, tạo điều kiện cho người sử dụng xe và kiểm soát phí sử dụng đường bộ. Mặt khác, với hệ thống này, mỗi xe sẽ trở thành một bộ cảm biến giúp Chính phủ có cái nhìn tổng thể, chính xác về tình hình giao thông và can thiệp nếu cần thiết. Thậm chí, dữ liệu này còn có thể được truyền ngược lại tới lái xe, giúp họ lập kế hoạch cho cuộc hành trình, tránh các con đường tắc nghẽn.

Singapore cũng đã thử nghiệm hệ thống sử dụng điện thoại thông minh của người dân để tính toán độ gập ghềnh khi họ tham gia những chuyến xe bus, từ đó chỉ ra các yêu cầu bảo trì đường bộ cần thiết.

Tất cả những điều này cho thấy Chính phủ Singapore luôn coi trọng và đặt người dân lên hàng đầu trong việc xây dựng bất kỳ một chiến lược hay chính sách phát triển nào.

Công nghiệp 4.0 là xu hướng hiện thời trong việc tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất. Theo Gartner, cách mạng công nghiệp 4.0 [hay cách mạng công nghiệp lần thứ 4] xuất phát từ khái niệm “Industrie 4.0” trong một báo cáo của chính phủ Đức năm 2013.

Trong đó, cuộc cách mạng này sẽ diễn ra chủ yếu trên các lĩnh vực gồm vật lý, công nghệ sinh học và kỹ thuật số. Những yếu tố cốt lõi của kỹ thuật số trong cách mạng công nghiệp 4.0 là: Trí tuệ nhân tạo [AI], vạn vật kết nối - Internet of Things [IoT] và dữ liệu lớn [Big Data].

Trong thời đại mới, nhiều quốc gia đang phát triển đã bắt đầu áp dụng công nghệ để thay đổi nền kinh tế và định hướng thành một nước phát triển bằng các ngành sản xuất công nghiệp nặng. Đến nay, theo dữ liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế, 10 quốc gia từng được coi là “đang phát triển”, bao gồm Argentina, Brazil, Trung Quốc, Ai Cập, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Mexico, Philippines, Nga, Nam Phi, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ đã được xếp vào nhóm mới, được gọi là “nước công nghiệp mới”.

Ở những quốc gia này, các chỉ số của nền kinh tế có thể chưa bằng nước phát triển, nhưng trên những giá trị kinh tế vĩ mô, họ vượt xa so với các quốc gia còn lại.

Ấn Độ dần trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về nghành công nghệ thông tin khi dồn nhân lực và nguồn vốn khổng lồ cho việc phát triển tin học, giáo dục. Mùa hè năm ngoái, Ấn Độ đã công bố chiến lược AI [trí thông minh nhân tạo], với ý tưởng biến quốc gia này trở thành “công xưởng” phát triển AI. Chiến lược mang tên #AIforAll của quốc gia Nam Á tập trung vào các dự án về chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp, giáo dục, cơ sở hạ tầng và giao thông cho thành phố thông minh.

Việt Nam cũng đang có những bước chuyển mình trong khu vực để vươn lên thành một quốc gia công nghiệp mới. Đời sống của người dân dần được thay đổi, nâng cao hơn nhờ các thành tựu về công nghệ.

Đơn cử như với việc tiêm chủng y tế, giờ đây, mỗi đứa trẻ khi đi tiêm chủng đều có một mã vạch theo dõi riêng và có thể kiểm tra trên hệ thống điện tử về những lần tiêm và loại thuốc từng sử dụng. Năm ngoái, Trung tâm Công nghệ lõi của Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel ứng dụng thành công Blockchain vào quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân. Phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân do Viettel phát triển đang lưu trữ cơ sở dữ liệu trên hệ thống cũ theo dạng quản trị tập trung.

Ứng dụng Blockchain là đầu vào và đảm bảo dữ liệu chính xác do được tất cả bên tham gia vào mạng lưới đồng thuận. Nhờ Blockchain, Big-Data [phân tích dữ liệu lớn] mới có thể tiến hành phân tích, đánh giá dữ liệu chuẩn xác, đưa ra các kết quả, dự báo đúng. Đây được coi là một giải pháp công nghệ có giá trị làm thay đổi cuộc sống con người.

Ông Phùng Cường, Tổng giám đốc Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel, tiết lộ rằng với nhiều doanh nghiệp ở các nước phát triển, họ vẫn nghiên cứu về các công nghệ tân tiến nhưng lại phải đau đầu nghĩ là áp dụng chúng vào đâu. Trong khi đó, ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam thì công nghệ được coi như là công cụ, vấn đề cuộc sống mới là cốt lõi. Từ các vấn đề của chính phủ, chính quyền, người dân, doanh nghiệp, ông Cường cho biết Viettel nghiên cứu tìm ra và dùng giải pháp công nghệ để giải quyết.

Ông Phùng Cường - Tổng giám đốc Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel giới thiệu giải pháp của Viettel tại Triển lãm di động toàn cầu [MWC] 2019.

Các tập đoàn viễn thông lớn trong Việt Nam cũng đang dồn nguồn lực cả về nhân công lẫn tài nguyên cho việc phát triển công nghệ trong thời đại công nghiệp 4.0.

Về hạ tầng số hiện đại, những đơn vị như Viettel đã xây dựng được hạ tầng cáp quang với 500.000 km, hạ tầng 3G & 4G phủ sóng đến 95% dân số với 95% lãnh thổ Việt Nam, 5 Data Center tiêu chuẩn quốc tế Tier 3 có thể chứa đến 150.000 máy chủ, 5.000 trạm NB-IoT, hạ tầng thanh toán tích hợp với 33 ngân hàng và hơn 9.000 điểm giao dịch, hạ tầng logistic với 1.000 bưu cục cùng 5.000 điểm giao dịch.

Trong quá trình đô thị hóa, việc xây dựng thành phố thông minh [SmartCity] áp dụng công nghệ hiện đại trong quá trình xây dựng sẽ giảm tải việc hủy hoại môi trường, tận dụng được nguồn tài nguyên để phát triển và làm thay đổi đời sống của người dân, đặc biệt là ở các tỉnh. Viettel trước mắt đã triển khai xây dựng SmartCity cho Huế và Phú Thọ rồi đang nhân rộng cả nước ở nhiều tỉnh, thành.

Giải pháp tổng thể cho những khó khăn mà các nước đang phát triển gặp phải chính là việc xây dựng cổng thông tin chính phủ điện tử đã được áp dụng tại Việt Nam.

Từ cách đây 9 năm, vào năm 2010, khi cách mạng công nghiệp 4.0 còn là một khái niệm mới mẻ thì Viettel đã bắt đầu nghiên cứu về chính phủ điện tử, chính phủ số, hướng đến số hóa nền kinh tế một cách nhanh nhất, hiệu quả, gần gũi, chắc chắn và hiện đại. Hoạt động này đã góp phần không nhỏ trong công cuộc thay đổi diện mạo đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Sau thời gian nghiên cứu với nguồn nhân lực chất lượng cao gồm 5.000 kỹ sư công nghệ cao, 10.000 nhân sự kỹ thuật tại 64 tỉnh thành, khoảng 700 huyện và 11 nước trên thế giới, đến nay Viettel đã tạo nên một cổng Chính phủ điện tử với các sản phẩm đa dạng. Nhóm sản phẩm này bao gồm: Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc tại tất cả Bộ, địa phương, tập đoàn, và tổng công ty nhà nước; hệ thống một cửa quốc gia; hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia trong lĩnh vực y tế; ứng dụng phần mềm quản lý trường học và mạng xã hội học tập trực tuyến.

Hội nghị di động thế giới 2019 [MWC 2019] diễn ra tại Barcelona cũng có sự tham gia của Viettel. Lần thứ năm tham dự sự kiện lớn nhất thế giới về công nghệ, tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội cũng giới thiệu đến quốc tế 8 giải pháp công nghệ do chính người Việt phát minh. Theo ông Phùng Cường, tổng giám đốc Viettel, tại sự kiện này năm nay, dấu ấn châu Á rất rõ rệt khi nhiều doanh nghiệp như Samsung, Huawei và có cả Viettel gây chú ý với quốc tế.

Có thể thấy ở các nước phát triển, khi đời sống con người đã đầy đủ hơn thì việc phát triển, tăng trưởng công nghệ sẽ bị chậm lại. Hơn thế nữa, ở thập kỷ qua với sự trỗi dậy về kinh tế của Nhật Bản, Trung Quốc hay Singapore, có thể thấy người phương Đông có khả năng thích nghi nhanh với sự thay đổi về công nghệ trong đời sống hơn người phương Tây. Công nghệ sẽ dần đưa các nước đang phát triển trở thành nước công nghiệp mới và hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia phát triển.

Chỉ trong vài năm trở lại đây, nhờ đầu tư về công nghệ mà nền kinh tế của Việt Nam thay đổi rõ rệt. Kinh tế Việt Nam 2018 đã khép lại với các con số rực rỡ, tăng trưởng GDP của Việt Nam đã lần đầu vượt 7%. Trong khi đó lạm phát chỉ ở mức 3,54%, thấp hơn mục tiêu mà Quốc hội giao là 4%.

Điều đó cho thấy việc chú trọng nghiên cứu công nghệ sẽ dần đưa các nước đang phát triển dần trở thành những quốc gia công nghiệp mới trong cuộc Cách mạng 4.0 đang diễn ra trên khắp toàn cầu. 

Video liên quan

Chủ Đề