Các nhà máy xử lý nước mưa ở tphcm

TMO - Hướng tới mục tiêu 100% nước thải sinh hoạt được xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường, từ nay đến năm 2025, TP. HCM sẽ kêu gọi đầu tư nhiều nhà máy xử lý nước thải, với công suất xử lý khoảng 3 triệu m3 nước thải/ngày.

Số liệu từ Phòng Hạ tầng kỹ thuật [Sở Xây dựng TPHCM] cho biết, TPHCM chỉ có 3 nhà máy xử lý nước thải đô thị, gồm: Bình Hưng [công suất 141.000m3/ngày], Bình Hưng Hòa [30.000m3/ngày] và Tham Lương - Bến Cát [15.000m3/ngày]. Ngoài ra, còn có một số trạm xử lý nước thải phân tán của khu dân cư. Với các nhà máy này, tổng lượng nước thải qua xử lý hiện nay chỉ chiếm 12,6%.

Theo thống kê, lượng nước thải đô thị phát sinh của TPHCM khoảng 1,54 triệu m3/ngày. Nguồn nước thải chưa được xử lý, xả trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước mặt, ảnh hưởng đời sống sinh hoạt của người dân. Trong những năm gần đây, lượng nước thải đổ ra môi trường liên tục tăng.

Trên địa bàn thành phố vẫn để xảy ra tình trạng nước thải chưa được xử lý, xả trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước mặt. Ảnh: N. Châu 

Sở Xây dựng cho biết, TP.HCM phấn đấu đến năm 2025, khoảng 80% tổng lượng nước thải của thành phố [gần 2,6 triệu m3/ngày] sẽ được thu gom và xử lý đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường. Để thực hiện được mục tiêu này, TP.HCM sẽ tập trung xây dựng nhà máy xử lý nước thải và thực hiện dự án vệ sinh môi trường khu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè [giai đoạn 2] - hoàn thành vào năm 2024.

Đồng thời, trong giai đoạn 2021-2025, TP.HCM mời gọi đầu tư 6 nhà máy xử lý nước thải, gồm: Bắc Sài Gòn 1, Bắc Sài Gòn 2, Cầu Dừa, Tây Bắc, Tây Sài Gòn và Suối Nhum; hoàn thành vào giai đoạn 2026-2030.

Hiện tại, TPHCM đang đầu tư một số dự án, trong đó có việc hợp nhất các nhà máy: Tân Hóa - Lò Gốm [công suất 300.000m3/ngày], Bình Tân [công suất 180.000m3/ngày] và Tây Sài Gòn [công suất 150.000m3/ngày], dự kiến hoàn tất vào năm 2030. TPHCM cũng đang nâng cấp, mở rộng Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng, nâng công suất từ 141.000m3/ngày lên 469.000m3/ngày; Nhà máy Nhiêu Lộc - Thị Nghè đạt công suất 480.000m3/ngày. 

Sở Xây dựng thành phố thông tin, từ nay đến năm 2025, thành phố kêu gọi đầu tư xây dựng 12 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị nhằm đáp ứng công suất xử lý hơn 3 triệu mét khối nước thải/ngày, tương đương 80% lượng nước thải thu gom và xử lý trên địa bàn.

Trước mắt, thành phố đang kêu gọi nguồn vốn hợp tác phát triển chính thức [ODA] và các nhà đầu tư thực hiện dự án Nhà máy xử lý nước thải Tây Sài Gòn, công suất 150.000m3/ngày; Bắc Sài Gòn 1, công suất 170.000m3/ngày; nâng cấp, mở rộng nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa, công suất 180.000m3/ngày.

Lãnh đạo Sở Xây dựng thành phố cho biết, hiện nay chi phí đầu tư hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khá lớn; việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt cần quỹ đất lớn, nên công tác giải phóng mặt bằng gặp khó. Nhằm thu hút nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này, UBND TP.HCM đã ban hành giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải.

TP.HCM cũng kêu gọi nguồn vốn ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á; đẩy mạnh việc xã hội hóa đầu tư các công trình thoát nước và xử lý nước thải, mời gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư để tạo thêm nguồn vốn.

TP HCM đẩy mạnh thu hút đầu tư vào xây dựng và hoàn thiện để nâng cao tỷ lệ xử lý nước thải tại địa phương 

Trước đó, UBND TP.HCM đã chính thức ban hành giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2022-2025. Theo đó, lộ trình thu giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải tính trên giá nước cấp như sau: Năm 2022 là 15%, năm 2023 là 20%, năm 2024 là 25%, năm 2025 là 30%.

Đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình [gọi chung là hộ thoát nước] có hoạt động xả nước thải sinh hoạt vào hệ thống thoát nước, nguồn tiếp nhận [nguồn tiếp nhận là các nguồn nước chảy thường xuyên hoặc định kỳ như sông suối, kênh rạch, ao hồ, đầm phá, biển, các tầng chứa nước dưới đất] và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Về phương thức thu, đối với các hộ thoát nước sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn, căn cứ khối lượng nước sạch tiêu thụ hàng tháng, mức giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải nêu trên, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn tổ chức thu tiền dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải thông qua hóa đơn tiền nước.

Đối với các hộ thoát nước không sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung, Sở TN&MT phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức xây dựng Phương án thu tiền dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải. Giá thu không được thấp hơn mức thu của các hộ thoát nước sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung.

Các hộ thoát nước đã thanh toán tiền dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải sẽ không phải trả phí bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt. Hiện người sử dụng nước trên địa bàn TP.HCM ngoài trả tiền mua nước sạch còn phải đóng 10% VAT và 10% phí bảo vệ môi trường [thu trên đơn giá nước sạch].

Theo lãnh đạo UBND TP.HCM, việc thành phố tiến hành thu phí thoát nước và xử lý nước thải là đảm bảo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền. Trước đây, chi phí duy tu, sửa chữa hệ thống thoát nước được lấy hoàn toàn từ ngân sách. Do đó, việc thu phí này sẽ góp phần giảm gánh nặng ngân sách thành phố; đảm bảo nguồn chi trả nợ vay từ các hoạt động đầu tư vào hệ thống nước thải bằng nguồn vốn ODA. Đặc biệt, việc phải trả tiền phí thoát nước và xử lý nước thải sẽ góp phần khuyến khích người dân sử dụng nước tiết kiệm, tránh lãng phí.

Đức Trung 

Chủ Đề