Biểu tương nguyên nhân

Các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thường không thể hiện ngay mà được tích tụ trong một thời gian dài và có sự tích hợp từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong quá trình đó, thường có sự tác động, ảnh hưởng qua lại giữa các nguyên nhân, các yếu tố, có thể làm hiện tượng diễn ra nhanh hơn hoặc mức độ phức tạp hơn. Chẳng hạn, với một số nguyên nhân chủ quan đã có mầm mống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nhưng nếu có sự tác động của những nguyên nhân khách quan nữa thì các biểu hiện sẽ diễn ra sớm hơn, mức độ nghiêm trọng hơn…

Về nguyên nhân khách quan, thực tiễn cho thấy, Đảng ta lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước, trong đó có những bước đi vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên có những dò dẫm, va vấp bởi chưa nhận thức đầy đủ cũng như chưa lường hết được những tác động của cơ chế thị trường và quá trình hội nhập quốc tế. Đảng ta cũng chưa có sự chuẩn bị thật đầy đủ về lập trường, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên của mình, nên trong một số tình huống còn lúng túng, bị động, dẫn đến chậm giải thích, tuyên truyền hoặc có giải thích, tuyên truyền nhưng chưa thực sự thuyết phục với tất cả các cán bộ, đảng viên. Đôi lúc, công tác dự báo còn hạn chế, dự báo chưa kịp thời hoặc chưa thực sự chính xác nên chưa đáp ứng được yêu cầu. Thêm vào đó, tư duy, năng lực lãnh đạo, sự gương mẫu của một số cán bộ, đảng viên chưa thể hiện rõ nét, chưa theo kịp yêu cầu đối với sự phát triển của địa phương và đất nước. Những điều đó có thể tác động nhất định đến nhận thức, tâm tư, tình cảm, khao khát, sự phấn đấu của đảng viên.

Hiện nay, đất nước ta đang trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, có lúc có nơi có hiện tượng cán bộ, đảng viên được giao trách nhiệm ở một số lĩnh vực chưa đủ tự tin, thậm chí có cảm giác “choáng ngợp” với sự tác động các quá trình đó nên dễ sinh ra những biểu hiện tâm lý hoặc những hoạt động chưa phù hợp. Đặc biệt, một bộ phận cán bộ, đảng viên được giao trách nhiệm lãnh đạo, quản lý nắm giữ một khối lượng lớn tài sản, vốn của Nhà nước, có thể phát sinh chủ nghĩa cá nhân vụ lợi. Chẳng hạn, một số cán bộ, đảng viên giữ trọng cách ở các tập đoàn kinh tế lớn đã lợi dụng các kẽ hở trong các quy định của pháp luật, trong quá trình kiểm tra, giám sát của cấp trên để cố ý làm trái trong quá trình quản lý, thậm chí tham ô, tham nhũng, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước. Ngay tại TP.HCM, ở một số đơn vị có chức năng hoạt động công ích, cá biệt có những nhóm lãnh đạo tự cho mình có quyền thụ hưởng lợi ích vật chất quá lớn (qua lương, thưởng…), lớn hơn nhiều so với đóng góp của họ, với mặt bằng thu nhập chung và so với người lao động trong chính các đơn vị đó.

Trong khi đó, các thế lực thù địch thường xuyên thực hiện các âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình”, không ngừng thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và luôn tìm mọi cách chống phá, chia rẽ nội bộ Đảng, phá hoại mối quan hệ gắn bó giữa Đảng và nhân dân, làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng. Một số hoạt động trong dịp Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII có thể thấy rõ điều đó; các thế lực thù địch liên tục mạo danh để thông tin sai sự thật, công kích cá nhân một số đồng chí lãnh đạo của Đảng, có thể gây ra sự hồ nghi, bất mãn trong một số cán bộ, đảng viên thiếu thông tin hoặc không thực sự tin tưởng vào năng lực lãnh đạo của Đảng. Những kẻ chống phá triệt để sử dụng mạng internet để lập các blog, các diễn đàn, mạng xã hội… để phát tán những thông tin xấu, thông tin độc đến đông đảo người xem, trong đó có không ít đảng viên, nếu những người này không tỉnh táo có thể trở thành kẻ “tuyên truyền” cho các thế lực chống phá.

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về bản chất là một quá trình suy thoái từ bên trong của lực lượng cách mạng. “Một mặt, do tác động khách quan, như: mặt trái của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và do âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch vẫn tiếp tục đi sâu vào từng tổ chức, con người; mặt khác, là từ nguyên nhân chủ quan do một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Trong hai nguyên nhân đó, thì nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Thực tiễn ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu những thập kỷ cuối thế kỷ XX cho thấy: nếu ban lãnh đạo các đảng cộng sản không “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, giữ vững vai trò lãnh đạo xã hội; quần chúng nhân dân và lực lượng vũ trang kiên quyết bảo vệ đảng, nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa thì các thế lực thù địch không thể xóa bỏ được chế độ xã hội chủ nghĩa. Đúng như Lenin đã căn dặn: không ai có thể đánh đổ được chúng ta, trừ chính những sai lầm của chúng ta. Như vậy, cần phải thống nhất nhận thức: phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thực chất là phòng ngừa, triệt tiêu nguyên nhân chủ quan dẫn đến thoái hóa, biến chất là vấn đề có ý nghĩa sống còn”(1).

Về nguyên nhân chủ quan, có thể nhìn nhận ở một số góc độ. Trước hết, một số bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí phấn đấu, sa vào chủ nghĩa cá nhân, lo vun vén lợi ích cá nhân mà bất chấp đạo lý, pháp luật, dư luận. Một số khác ngại khó, ngại khổ, ngại va chạm mà quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân cũng như nhiệm vụ của người cán bộ, đảng viên. Có không ít người quên mất khẩu hiệu, cũng là lời nhắc nhở, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” mà biến thành “ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”, đánh mất vai trò tiên phong, gương mẫu của người đảng viên. Một số khác không giữ ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương của tổ chức. Rõ nhất là tình trạng tham nhũng; một số cán bộ, đảng viên khi được trao quyền đã biến quyền đó thành lợi ích riêng của mình, của gia đình mình; thậm chí có trường hợp “hi sinh đời bố, củng cố đời con”, tức là sẵn sàng đánh đổi tự do, danh dự, phẩm giá miễn sao đục khoét được của công. Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” (tháng 2-2012), đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng đó, là sự thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân; ngại khó, ngại khổ, ngại va chạm; bất chấp đạo lý, dư luận; kỷ luật, kỷ cương không nghiêm của một bộ phận cán bộ, đảng viên; nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý không gương mẫu…(2).

Trong khi đó, công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống cách mạng của nhiều cấp ủy còn hình thức, chưa đủ sức động viên và thường xuyên nâng cao ý chí cách mạng của cán bộ, đảng viên. Đánh giá về việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII đã nêu: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên bước đầu được ngăn chặn, nhưng chưa bị đẩy lùi. Công tác thông tin, tuyên truyền về thực hiện Nghị quyết có lúc, có nơi chưa đầy đủ, kịp thời, chưa định hướng được dư luận”.

Không chỉ vậy, việc quán triệt, tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, các quy định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước ở một số nơi còn bị buông lỏng, chưa đến nơi đến chốn, khiến kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, nói không đi đôi với làm hoặc làm đại khái, qua loa. Dự thảo Báo chính trị trình Đại hội XII cũng nêu: “Nhiều khuyết điểm, sai phạm của tổ chức đảng, đảng viên chậm được phát hiện, kiểm tra, xử lý, hoặc xử lý kéo dài, nên kỷ cương, kỷ luật ở một số nơi chưa nghiêm; chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị và của nhân dân trong công tác kiểm tra, giám sát”.

Cuối cùng, việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở một số nơi không nghiêm. Ngay trong quá trình kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, “một số cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vị trí then chốt của công tác xây dựng Đảng; chưa thấy rõ ý nghĩa của việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 trong tình hình mới. Vì vậy, trong quá trình chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân còn nêu nhiều ưu điểm, né tránh khuyết điểm và chưa nhận thức đúng mức trách nhiệm của mình đối với các nhiệm vụ được phân công và trong những hạn chế, khuyết điểm chung của tập thể”(3). Như vậy, cũng có thể hiểu rằng, công tác tự phê bình và phê bình chưa thực sự trở thành nền nếp thường xuyên và có hiệu quả thực sự. Bên cạnh đó, có không ít cán bộ, đảng viên không trung thực, thiếu thẳng thắn, xuê xoa, nể nang, bệnh thành tích. Đó là hiện tượng chưa trung thực trong kê khai tài sản, trong việc thừa nhận các khuyết điểm, hạn chế, trong việc góp ý với đồng chí, đồng nghiệp (nhất là với cấp trên)… Có nhiều trường hợp trong hội nghị thì nhất trí hoặc không có ý kiến nhưng ra ngoài thì nói khác hoặc không thực hiện; khi đương chức thì không nói hoặc nói kiểu này nhưng khi thôi chức hoặc đã nghỉ hưu thì lại nói nhiều và nói kiểu khác. Trong khi đó, có tình trạng dân chủ không đi đôi với tập trung; còn có biểu hiện lúng túng, chậm xử lý kỷ luật đối với một số vi phạm nguyên tắc sinh hoạt đảng, vi phạm những điều đảng viên không được làm…

Tóm lại, hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân từ phía bản thân của cán bộ, đảng viên là chủ yếu. Nếu người cán bộ, đảng viên không chủ động cập nhật thông tin, không tự bồi dưỡng cho mình những kiến thức cần thiết, không có lập trường chính trị vững vàng, không mạnh dạn đấu tranh với các biểu hiện tự thỏa mãn của bản thân… thì rất dễ bị tác động của các yếu tố bên ngoài. Từ đó, sẽ dần dần sa vào “tự diễn biến”, nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ trở nên “tự chuyển hóa”, trở thành kẻ đứng bên ngoài hoặc đi ngược lại với con đường lãnh đạo của Đảng, con đường phát triển của đất nước.

------------------------------

(1) Thượng tướng, Viện sĩ, TS. Nguyễn Huy Hiệu, Ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch vững mạnh, Tạp chí Tuyên giáo, số 7-2012.

(2) Dẫn theo Đại tá, PGS.TS. Trần Nam Chuân, Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ: nhiệm vụ then chốt trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tạp chí Cộng sản, số 6-2012.

(3) Nguyễn Đức Hà, Nhìn lại 4 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 30-11-2015.