Bé mẫn là ai

Rất nhiều phản hồi đã kể câu chuyện tương tự của chính gia đình mình.

Tôi từng mong cha mình biến khỏi thế gian này

Dù là đàn ông tôi cũng không kềm lòng được khi đọc bài viết này. Hoàn cảnh của Mẫn rất giống với tôi. Hồi đó, cha tôi cũng thường xuyên say xỉn và đánh đập mẹ tôi. Từ thuở bé, sống trong hoàn cảnh như vậy, tôi đâm ra căm ghét cha mình, tôi thấy xấu hổ và buồn tủi. Nhiều lúc tôi chỉ mong cha mình biến khỏi thế gian này.

Tôi hiểu và hoàn toàn thông cảm cho Mẫn. Thử hỏi sống trong hoàn cảnh như vậy, luôn chứng kiến cảnh cha đánh đập mẹ thì sẽ đau đớn biết bao. Liệu chúng ta có chịu nổi những đau đớn dồn nén như thế sau bao nhiêu năm? Chúng ta hãy thử đặt mình vào trường hợp của Mẫn. Hành động của Mẫn là trái với đạo lý nhưng tôi tin Mẫn đã bị dồn nén đến đường cùng. Dù sao Mẫn chỉ là một nạn nhân của bạo hành gia đình.

Em thấy một phần đời mình trong Mẫn

Đọc bài báo này em thấy một phần cuộc đời mình trong đó, em cũng có người cha hằng ngày say xỉn. Kể từ khi học cấp I, em đã ngày ngày chứng kiến cảnh cha mình say xỉn, đánh đập, chửi bới mẹ em, cả ông bà ngoại em dù họ đã chết.

Tòa nói có thể khuyên can cha Mẫn, nhưng tòa không sống trong hoàn cảnh có người nghiện rượu làm sao tòa biết được. Gia đình nội em, cả em nữa đã nhiều lần khuyên cha em nhưng cha em chỉ hứa suông, ngày hôm sau vẫn say xỉn. Cho tới giờ khi em đã 20 tuổi, cha em vẫn không thể nào bỏ được rượu, càng ngày cha càng uống rượu nhiều, chửi bới nhiều hơn.

Chút hi vọng của hai người phụ nữ

Nỗi đau của bà Ánh khi mất chồng mà hung thủ lại chính là con trai mình đã là quá đau đớn, rồi bà nội của Mẫn nữa. Hãy khoan dung với bản án để hai người phụ nữ ấy còn một chút hi vọng để có niềm an ủi trong cuộc sống, vốn đã quá sức chịu đựng của người phụ nữ.

Ngày trước còn nhỏ, em thường hay khóc mỗi khi cha uống rượu chửi bới, đánh đập mẹ, nhưng bây giờ quen cảnh này rồi, em chẳng khóc nữa, chỉ đi ra ngoài, chờ cha em ngủ rồi mới về nhà.

Thật sự không thể nào khuyên can một người nghiện rượu nếu người đó không có ý chí thật sự muốn bỏ rượu. Họ chỉ muốn uống cho thỏa, bất chấp nỗi khổ của người thân, của gia đình, họ mất đi gia đình mà không hề cảm thấy tiếc. Thật sự em ghét cha em, em biết là con cái không được có suy nghĩ này, nhưng em không thể thương cha khi ngày nào cũng nghe những lời chửi bậy, em tức không chịu được.

Em mong tòa hãy nghĩ lại, cho Mẫn một cơ hội sống vì mẹ con Mẫn đã quá khổ, và sự hi sinh của Mẫn là để giải thoát cho mẹ Mẫn, chấm dứt những ngày chịu đựng sự đánh đập của cha Mẫn. Mẫn không đáng phải chết nếu hành động đó xuất phát từ tình yêu thương mẹ.

Văn chương còn không thể giải quyết bi kịch này

Năm 1987, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã cho in tập Bến quê trong đó có truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, đang được giảng dạy trong chương trình ngữ văn 12. Tác phẩm viết về bi kịch của một gia đình làng chài nghèo, khi người mẹ phải chịu những đòn roi vô cớ của người chồng và chứng kiến con trai mình đánh cha, muốn giết cha để bảo vệ bà. Tác phẩm cũng nói lên tình thương vô bờ bến của người mẹ dành cho con và nghĩa tình sâu nặng với chồng, lý do khiến bà âm thầm chịu đựng đòn roi mà không hề oán trách.

Người con trong tác phẩm đã giấu con dao bên mình, nhưng có giết cha hay không thì tác giả để người đọc tự suy ngẫm. Sau khi tác phẩm ra đời 23 năm, hôm nay việc Phan Minh Mẫn giết cha vì yêu thương mẹ làm tôi không khỏi giật mình. Ngỡ rằng bi kịch người phụ nữ không được bảo vệ trước thói vũ phu, người con bị ảnh hưởng bởi bạo hành gia đình là chuyện của những năm trước đổi mới, hôm nay tôi chua xót nhận ra nó vẫn còn tồn tại.

Hành vi dã man mà Mẫn gây ra đáng bị trừng trị bằng hình phạt thích đáng nhất. Nhưng tôi đồng ý với luật sư rằng bị cáo chưa đến nỗi không còn cải tạo được. Ngoài hành động khủng khiếp ấy, trước đó bị cáo là một người con ngoan, một người có tấm lòng, hiền lành được bà con quý mến. Những gì mà bị cáo phải trải qua trước khi gây án là quá kinh khủng. Chính Nguyễn Minh Châu, nhà văn lớn của văn học VN, còn không giải quyết nổi bi kịch tương tự như vậy, huống hồ bị cáo chỉ là một sinh viên cao đẳng?

Tội ác kinh khủng mà bị cáo gây ra rõ ràng xuất phát từ tình thương yêu mẹ, từ những áp lực phải gánh chịu suốt từ nhỏ. Không thể đồng tình, bao biện nhưng cũng xin những người có trách nhiệm cho bị cáo một cơ hội để chuộc lại lỗi lầm với gia đình và xã hội, đừng tước đi mạng sống của người con đến từ một gia đình đã hứng chịu quá nhiều bi thảm. Công lý rõ ràng phải rạch ròi với tình thương, nhưng công lý không đối lập với tình thương. Xin hãy cho bị cáo một cơ hội.

Có cần phải xóa bỏ một người có thể cải tạo

Đọc bài viết này tôi thật sự bàng hoàng! Bất cứ một xã hội nào cũng rất khó tha thứ cho kẻ giết cha. Điều chúng ta, xã hội nên làm có phải là “tuyên phạt bị cáo mức án cao nhất” không? Nếu xét lại em cũng là nạn nhân của nạn bạo hành gia đình, một người chẳng thể bảo vệ mẹ trước những trận đòn của bố.

Chúng ta có cần phải xóa bỏ một con người có thể cải tạo ấy? Em đã sai? Đúng, nhưng hãy cho em một cơ hội để làm lại! Em đã sai trong cách hành động nhưng bản chất em không phải người xấu. Tôi mong tòa có thể giảm mức án phạt cho em.

Bi kịch này là bài học của mọi gia đình và xã hội. Đừng chỉ xét những công dân của đất nước trên bằng cấp, đạo đức. Dạy con bạn, trò bạn, người thân bạn biết cách giải quyết vấn đề là cách tốt nhất cho các em, chống bạo lực gia đình, gieo tình yêu vào mỗi gia đình.

Nếu không cố quên, tôi đã không sống nổi

Như thường lệ, khi lên xe đưa rước đi làm hằng ngày là trên tay tôi có tờ báo Tuổi Trẻ lướt qua tin tức, sau đó thiếp dần vào giấc ngủ chờ đến nơi làm việc. Nhưng hôm nay tôi không sao ngủ được sau khi đọc bài viết này. Tôi hồi tưởng tuổi thơ của mình sao giống em Mẫn quá đỗi.

Chủ tọa phiên tòa nói rằng: “Con giết cha là trời không dung, đất không tha” nhưng mấy ai hiểu rằng người cha đó nuôi dưỡng đứa con mình khôn lớn bằng cơm ăn, áo mặc kèm theo những trận đòn dã man, đày đọa, chửi mắng sau những bữa nhậu say xỉn.

Đứa con ấy lớn lên trong một gia đình buồn tủi, đối diện với người cha như gặp ác mộng thì thử nghĩ xem đứa con đó hãnh diện về gia đình, về cha mình không? Hay lúc nào cũng mang nỗi căm ghét, tủi thân? Người cha ấy có đáng là một người cha mẫu mực, đáng được tôn kính không? Người cha đó phải bị lên án.

May mắn hơn Mẫn là nếu tôi không cố quên những điều xảy ra thì tôi không thể nào sống nổi. Tôi nhớ lại quá khứ khi còn là đứa bé 5 tuổi, hôm nào ba tôi không đi chợ uống cà phê vì mệt hay đường sình lầy, hay bận việc buổi sáng là tôi phải dậy lúc khoảng 4g30 mang theo ca đi chợ mua cà phê và gói thuốc lá.

Việc buồn ngủ tôi không sợ, mà tôi sợ ma vì đi bộ 1km trong bóng đêm trên con đường đất không một bóng người qua những đám lá tối trời với cây cầu mà nhiều người đồn thổi có nhiều ma. Trong lúc đi, tui không dám mở mắt ra hết với những lời cầu nguyện thầm để làm sao không gặp ma.

Rồi những trận đòn bầm giập hoặc cảnh cha đánh mẹ bằng đòn gánh, bằng gậy gộc phải ngất xỉu và nằm bệnh viện nhiều lần. Nhà lúc đó nghèo lắm, thường ăn cháo mà ba tôi chạy xe lam [chiếc xe đó là tài sản quý giá nhất của gia đình] nhưng không thấy mang tiền về. Má tôi dành dụm tiền để nuôi heo. Khi bán heo là ba tôi lấy tiền với lý do là xe hư phải sửa. Thế là nồi cháo với nước mắt. Mỗi lần ba tôi nhậu về bất cứ giờ nào cũng phải dọn cơm, soạn đồ cho ba tôi tắm... và nghe chửi là may mắn lắm nếu không bị đánh đập.

Còn nhớ khi khoảng 12 tuổi, tôi thường mang theo chai thuốc trừ sâu ra đám mía sau nhà ngồi và dự định... nhưng tôi không thể nào vì tôi sợ chết... Tôi mong tòa xem xét phần nào giảm tội cho em Mẫn để em có cơ hội làm người tốt.

HUU TAM[bosua_lovely1992@...]

Truyện ngắn: Vũ Ngọc Giao

Ráng chiều vắt ngang trên nền trời như dải lụa vàng lộng lẫy. Trên bờ lác đác mấy bụi hoa dại héo rũ vì bụi đường và nắng. Lâu rồi cô mới lại đến nơi này, cảnh cũ đã nhường chỗ cho những hàng quán sầm uất, bên kia sông, một làn khói mỏng bay lên từ xưởng đóng tàu. Có tiếng lộc cộc gấp gáp ở phía sau, cô quay lại:

- Chị Thương!

Chàng trai trẻ với cây nạng gỗ và xấp vé số trong tay, cô sững lại vì bất ngờ, hơn mười lăm năm nhưng cô vẫn nhận ra chàng trai trước mặt, là Mẫn.

Ngày còn đi học, cô thường đến chơi nhà người bạn. Mẫn ngày đó còn là một cậu bé. Lần nào thoáng thấy bóng cô, Mẫn cũng chạy sang. Nhà Mẫn ở cuối hẻm, căn nhà nhỏ lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng khang trang trong xóm. Mẹ Mẫn buôn bán ở chợ, cuộc sống hai mẹ con có phần lam lũ. Đôi khi cô bắt gặp trên gương mặt hiền lành của Mẫn vẻ côi cút đến đáng thương. Mẫn quý cô, có lẽ vì cô có thể ngồi hàng giờ nghe cậu kể về con chim Khướu, cách cậu dạy nó nói ra sao…

Cô nhìn Mẫn hồi lâu, cậu bé thay đổi nhiều, trước mặt cô giờ là chàng trai cao dong dỏng, gương mặt điềm đạm. Cô thốt lên:

- Ôi, Mẫn...

- Tưởng chị không nhận ra em - Mẫn mỉm cười hiền lành, gương mặt cúi xuống bẽn lẽn.

- Sao lại không? Em dạo này ra sao?

Nói rồi cô nhìn xuống cây nạng gỗ, chìa tay ra.

- Nào, đưa vé số đây, chị mua cho!

Đang nói cô chợt khựng lại vì sự vô tâm của mình.

Rất nhanh, Mẫn đút tập vé số vào túi, thoáng qua nhưng cô hiểu, Mẫn gọi cô không phải vì cần cô mua vé số cho em. Lòng tự trọng của người khó khăn, cô đã từng đi qua những ngày tháng đó, nên cô hiểu.

Vẫn vẻ láu lỉnh đáng yêu từ bé, Mẫn nheo mắt cười:

- Không bán cho chị, lỡ chị trúng số rồi lăn ra đó ngất, ai đỡ cho nổi!

Cô kéo Mẫn vào quán nước cạnh bờ sông, Mẫn lắc đầu:

- Em thích ở ngoài này hơn, đứng đây lát nữa chị sẽ thấy đàn Hải Âu bay về - Mẫn mơ màng, đôi mắt nhìn vào một điểm vô định cô không sao bắt gặp được.

- Ừ, vậy cũng được - Giọng cô chùng lại - Chị sợ mỏi chân em, Mẫn à! - Cô khẽ chạm vào chiếc nạng gỗ đen bóng lên trong tay Mẫn, nhìn thật lâu vào gương mặt ưu tư - Kể chị nghe đi! Mẹ ra sao? Em đã gặp chuyện gì?

Mẫn tránh câu hỏi của cô, dõi mắt về phía những cánh chim đang liệng trên sông. Gương mặt Mẫn nhìn nghiêng giống hệt một người cô rất quý. Cô chợt nhớ hình ảnh Mẫn ngày còn bé, một lần tình cờ cô nhìn thấy Mẫn đứng co ro dưới mái hiên trường trong buổi chiều mưa tầm tã, trông Mẫn cô độc đến đáng thương. Hình ảnh đó đến giờ cô vẫn không quên, mỗi khi nhớ lại, mắt cô còn cay.

- Dạo này em còn nuôi chim không? - Cô lái qua chuyện khác.

Mẫn quay sang cô, miệng cười tươi rói:

- Em vẫn còn, hiện giờ ở nhà có một con Khướu đá và một con Sáo, chị à!

Mẫn làm bạn với chim từ bé, nghe cô hỏi, Mẫn say sưa kể, nào là tự tay làm thức ăn cho Khướu bằng bột bắp, em còn biết cách tắm cho con Khướu đá ra sao... Cô chăm chú lắng nghe rồi đến lượt cô kể cho Mẫn về những con chim Chích Mào của mình, một đêm lũ chuột mò vào, sáng hôm sau thức dậy, cô thảng thốt thấy trong lồng chỉ còn những bộ lông rơi vãi. Mẫn nhìn vào mắt cô, bằng một trái tim nhạy cảm, cậu đọc được trong đó những nỗi niềm cô đang gặp. Di di chiếc nạng gỗ trên vỉa hè, Mẫn kể về tai nạn cậu đã gặp trên đường vào một buổi chiều đón mẹ ở chợ về.

Cô yên lặng nhìn ra xa, ngoài kia từng đàn Hải Âu bay về chấp chới trên sông, những bụi bèo dâu phiêu bạt dập dềnh. Khẽ nhìn sang, bắt gặp gương mặt ưu tư của cô, Mẫn vội tươi tỉnh:

- Hiện tại em chọn việc này cũng phù hợp chị à, đi hơi mệt chút nhưng cũng vui, hôm nào hết sớm, còn thời gian em ra ngoài kia ngồi đọc sách. Em thích công việc này nè...

Nói rồi Mẫn lục trong chiếc túi đang đeo bên hông lẩy quyển sách ra khoe. Cô nhìn qua, là sách về sửa chữa điện tử gia dụng.

- Khi nào dành dụm đủ tiền em sẽ đi học nghề này, em sẽ làm tại nhà.

Cô nhìn thật lâu vào đôi mắt Mẫn, lòng mênh mang một nỗi khó tả… Những khó khăn cô đang gặp phải có là gì so với những bất hạnh Mẫn đã trải qua, chỉ mỗi ước mơ đơn giản cũng còn xa quá với em.

- Mẹ em ra sao? - Cô hỏi, khóe mắt cay cay.

- Mẹ em vẫn vậy chị à, càng lớn tuổi bệnh khớp càng nặng, mẹ thôi bán ở chợ, chỉ nhận đồ may gia công ở nhà để đỡ đi lại - Mẫn cười, đôi mắt chàng trai ánh lên vẻ ấm áp khi nhắc đến mẹ.

Thương ngước nhìn trời chiều:

- Chị phải về đón con đây! - Nói vậy nhưng cô vẫn đứng yên bâng khuâng nhìn xuống dòng sông, một con đò đang chơi vơi giữa dòng. Nơi này, hồn cô đã một thời neo đậu khi chiều chiều trên chuyến phà trở về cùng cha, nơi này ngày ngày Mẫn đi qua để mưu sinh... Còn một điều cô chưa hỏi nhưng cả cô và Mẫn đều hiểu và cố tránh. Bất chợt Mẫn thốt lên:

- Cha em giờ yếu lắm rồi, cha nằm một chỗ từ lâu.

- Em có đến thăm bác không? - Cô hỏi mà không tránh khỏi hồi hộp.

- Em muốn lắm, nhưng em không có cái quyền đó chị à! - Nói rồi Mẫn yên lặng nhìn những bụi bèo dâu dập dềnh dưới chân cầu - Khi nào cha nằm xuống, em mới được gọi cha, mẹ nói vậy - Giọng Mẫn rưng rưng...

Cô nắm bàn tay của Mẫn, bàn tay với những ngón thon dài, ngày Mẫn còn nhỏ cô thường bảo “Tay em giống cha, bàn tay của một người tài hoa”. Mẫn để yên bàn tay trong tay cô, Mẫn biết cha em rất quý cô, đó cũng là lý do Mẫn quấn quýt cô từ bé. Cha Mẫn là bạn thân của cha cô. Cô sực nhớ, cũng khá lâu rồi cô không đến thăm ông.

Chiều muộn, mây kéo về che mờ đỉnh núi, cô vội vàng:

- Chị đi đây, ghi lại số điện thoại của chị, giữ liên lạc với chị.

Một ông cụ bán tò he đi qua, Mẫn gọi ông và chọn một tò he hình nàng Bạch Tuyết đưa cho cô:

- Em gửi cho bé con nhà chị nha!

Cô cười, xoay xoay nàng Bạch Tuyết trong lòng bàn tay ngắm nghía:

- Dễ thương quá, cảm ơn em! Vậy mà trẻ con bây giờ không chơi những trò như chị em mình ngày trước.

 Hai chị em cùng cười hinh hích, Mẫn nắm tay cô thật chặt, bàn tay em âm ấm:

- Em đi nha! - Mẫn nhìn sâu vào mắt cô - Mong chị an yên.

Cô lặng nhìn Mẫn từng bước trên vỉa hè, xấp vé số trong tay, dáng Mẫn gầy gầy liêu xiêu, tiếng lộc cộc xa dần… Trên sông, một con thuyền độc mộc đang trôi, mái chèo lướt nhẹ khẽ chạm vào mảnh trăng non mọc sớm, vỡ tan.

Trời chiều âm u, đến trường đón con, cô miên man nghĩ đến Mẫn, nghĩ đến hai tiếng “con rơi” người đời vẫn gọi em… Mong sao mai này số phận em đừng ảm đạm như buổi chiều nay. Hơn ai hết, những đứa “con rơi” luôn phải chịu thiệt thòi, bất kể những mối tình của người lớn có éo le thế nào. Tất cả, dù cố chôn vùi vẫn khắc khoải, đau đớn như nhau.

Gió rong chơi mê mải, chiều nay lại trở về vấn vít bên sông… Ngoài kia đàn Hải Âu xoãi cánh, chúng cũng cần một tổ ấm để trở về. Sương nhè nhẹ buông, cô nghe trong gió thoảng mùi tanh nồng của biển, sau lưng cô mặt trời sắp lặn, nhường chỗ cho hoàng hôn. Và ngày mai, một ngày mới, bỏ lại phía sau những run rủi, nhọc nhằn…

Đêm, thiếp đi trong giấc mơ, cô thấy Mẫn đi bên cha của em, chiếc nạng gỗ trong tay, gõ nhịp đều đều xuống vỉa hè, tiếng lộc cộc vui mừng, gương mặt rạng rỡ Mẫn chỉ tay về phía sông:

- Cha ơi! Mặt trời đã về bên kia núi, đàn Hải Âu đang về tổ - Quay sang cha, đôi mắt em ấm áp - Và cuối cùng con cũng được ở bên cha...

Video liên quan

Chủ Đề