Bao khớp là gì

Bạn biết đấy, con người chúng ta có thể đi lại sinh hoạt hàng ngày là nhờ có vai trò to lớn của khớp háng. Thật vậy, khớp háng là một khớp chỏm lớn nhất trong cơ thể. Chấn thương hay bệnh lí về khớp này sẽ làm hạn chế chức năng đáng kể, giảm chất lượng cuộc sống. Vì vậy nắm được những kiến thức cơ bản về cấu tạp chức năng của khớp háng là vô cùng quan trọng. Hãy cùng tìm hiểu những kiến thức này trong bài viết sau đây nhé.

1. Vị trí của khớp háng

Trong cơ thể con người, khớp háng là khớp chỏm, nằm giữa xương chậu và xương đùi. Đây là khớp có xương, dây chằng chắc khỏe, hệ thống cơ bắp mạnh mẽ. Tầm hoạt động của khớp lớn trong 3 mặt phẳng. Chức năng như là khớp nền tảng cho cả trục thân và chi dưới.

Mô hình khung chậu và khớp háng

2. Cấu tạo của khớp háng

Khớp háng là sự tiếp hợp giữa chỏm xương đùi hình cầu và ổ cối xương chậu lõm hình chén. Do đó tạo nên hình ảnh chỏm cầu, đem lại cho khớp này tầm hoạt động lớn. Đây là một khớp rất vững chắc nhờ lớp cơ và dây chằng vững chắc. Ngoài ra trong khớp có áp suất âm nên phải có một lực khá mạnh tác động thì khớp mới trật ra được. Cùng tìm hiểu về những thành phần tạo nên khớp háng nhé!

Ổ cối

Ổ cối xương chậu có hình dạng như 1 hốc sâu, dạng bán cấu. Vì vậy có dạng lõm giống hình chén. Trong ổ cối, chỉ có một phần tiếp xúc với chỏm xương đùi, được gọi là diện nguyệt. Diện nguyệt được phủ bởi một lớp sụn, dày nhất ở vùng trên trước, lên đến 3.5 mm. Hố ổ cối là vùng không tiếp xúc chỏm, chứa dây chằng tròn, mỡ, màng hoạt dịch, mạch máu.

Minh họa ổ cối

Chỏm xương đùi

Chỏm xương đùi có hHình dạng 2/3 khối cầu. Chỏm xương đùi hướng lên trên và đi vào trong. Toàn bộ chỏm đùi được bọc bởi sụn, trừ hố chỏm đùi, nơi dày nhất 3.5mm [vùng phía trên, trước]. Hố chỏm đùi: hơi lệch phía sau trung tâm chỏm đùi, là nơi bám của dây chằng chỏm đùi. Ở người Châu Á, đường kính chỏm xương đùi từ 40mm- 52mm, ở người Châu Âu, đường kính từ 45mm-56mm.

Minh họa chỏm xương đùi

Sụn viền ổ cối

Sụn viền ổ cối cũng là một cấu trúc có vai trò quan trọng trong khớp háng. Đây là một vành sụn sợi bám vào chu vi ổ cối. Vành này lõm và nhẵn ở mặt trong. Vai trò của sụn viền ổ cối là làm cho ổ cối thêm sâu hơn và ôm trọn gần hết chỏm đùi. Thật vậy, nó làm tăng độ sâu ổ cối lên 30%. Ngoài ra, cấu trúc này còn giúp duy trì 1 áp lực âm nội khớp ngăn ngừa sự phân tách mặt khớp. Giúp giữ dịch trong khớp: gián tiếp làm tăng sự bôi trơn khớp và chức năng phân tán lực của sụn khớp.

3. Phương tiện nối khớp

3.1. Bao khớp

Bao khớp là 1 bao sợi dày chắc, được lót bên trong bởi màng hoạt dịch. Ở phía xương chậu, bao khớp bám vào chu vi ổ cối và mặt ngoài sụn viền ổ cối. Về phía xương đùi: ở phía trước bám vào đường gian mấu, phía sau bám vào cách mào gian mấu 1 cm.

Mặt ngoài bao khớp có vài nơi dày lên thành các dây chằng ngoài bao khớp.

3.2. Hệ thống dây chằng ngoài bao khớp

Dây chằng ngoài bao khớp bao gồm: dây chằng chậu đùi, dây chằng mu đùi, dây chằng ngồi đùi. Tất cả làm mạnh thêm bề mặt bên ngoài bao khớp.

Dây chằng chậu đùi

Trên thực tê, dây chằng chậu đùi gồm có hai dải, tạo nên hình ảnh chữ Y. Vì thế dây chằng chậu đùi còn có tên gọi là dây chằng chữ Y. Đây là dây chằng dày và khỏe nhất khớp háng. Nguyên ủy đi từ gai chậu truosc dưới, mép ổ cối. Sau đó bám tận vào đường gian mấu. Căng dây chằng chậu đùi khi thực hiện động tác duỗi háng và xoay ngoài khớp háng.

Dây chằng mu đùi

Dây chằng mu đùi khá mảnh mai, ở mặt dưới bao khớp. Một đầu bám vào cành trên xương mu, khuyết ổ cối. Đầu còn lại bám vào đoạn dưới đương gian mấu. Dây chằng mu đù căng khi thực hiện động tác dạng hông và duỗi hông.

Dây chằng mu đùi tạo với hai thớ sợi dày của dây chằng chậu đùi tạo thành hình chữ Z. Giữa cạnh chéo và cạnh dưới của chữ Z, đôi khi có lỗ hở. Và bao hoạt dịch cơ thắt lưng chậu có thể đi qua thông với khớp hông.

Dây chằng ngồi đùi

Đi từ mặt dau dưới ổ cối tới bám tận ở mấu chuyển lớn. Dây chằng ngồi đùi căng khi thực hiện động tác xoay trong hoàn toàn, duỗi hoặc khép háng hoàn toàn.

Dây chằng vòng

Là những thớ sợi ở lớp sâu của dây chằng ngồi đùi. Những thớ sợi này bao quanh mặt sau cổ xương đùi.

3.3. Dây chằng trong bao khớp

Dây chằng chỏm đùi là dây chằng nằm trong bao khớp. Một đầu bám từ hố chỏm đùi, đầu còn lại bám tận ở khuyết ổ cối. Dây chằng này ít quan trọng trong việc nối chỏm đùi vào ổ cối. Nó còn có vai trò bảo vệ động mạch chỏm đùi.

Bao khớp và dây chằng ở mặt trước hông thường dày hơn ở mặt sau. Do đó khớp hông thường trật ra sau hơn. Hơn thế nữa, khi đùi ở tư thế gấp và khép, dây chằng vòng ở tư thế nghỉ làm cho chỏm đùi cách xa ổ cối và càng làm cho khớp trật dễ dàng.

4. Bao hoạt dịch khớp háng

Bao hoạt dịch là một màng phủ mặt trong bao khớp. Nó chứa một chất nhầy gọi là hoạt dịch, giúp cho khớp hoạt động dễ dàng.

Về phía xương chậu, bao hoạt dịch lót ở mép trong diện nguyệt, hố ổ cối, dây chằng ngang, bờ trong ổ cối. Sau đó bao vòng lên cổ khớp xương đùi rồi dính vào sụn của chỏm đùi. Từ sụn của chỏm đùi, bao hoạt dịch tiếp tục bọc quanh dây chằng chỏm đùi và trở lại hố ổ cối.

5. Tầm hoạt động

Mặc dù không linh hoạt bằng khớp vai, nhưng khớp háng vẫn là khớp có tầm vận động lớn. Vì vậy khớp ở vị trí này đảm bảo cho chức năng đi lại, chạy nhảy cho cơ thể.

  • Gấp háng: 80o nếu gối duỗi, 130o nếu gối gấp
  • Duỗi háng: 15o
  • Dạng khép: 45o 30o
  • Xoay trong xoay ngoài: 30o 40o

6. Các cơ vùng khớp háng

Là vùng có nhiều cơ bao quanh, các cơ khớp háng thường được chia làm 3 nhóm theo chức năng là gập duỗi, dạng khép, xoay ngoài xoay trong. Các cơ lớn cần chú ý là cơ thắt lưng chậu gập khớp háng, cơ mông lớn duỗi khớp háng, cơ mông nhỡ dạng khớp háng, nhóm cơ khép giúp khép khớp háng.

7. Chức năng

Đóng vai trò thiết yếu trong cuộc sống con người. Bao gồm:

  • Khớp háng có vai trò quan trọng trong các hoạt động hằng ngày và các hoạt động thể dục thể thao liên quan đến chi dưới như đi bộ, chạy, nhảy, đá
  • Hấp thu lực, chịu lực tác động lớn cho cơ thể
  • Làm trụ đỡ cho phần trên của cơ thể
  • Là một điểm trụ trung tâm cho toàn bộ các chuyển động của cơ thể, đặc biệt liên quan đến gấp, duỗi

khớp háng đóng vai trò quan trọng trong đời sống con người

>>Tìm hiểu thêm về Loạn sản khớp háng và những điều cần biết

8. Một số bệnh lý thường gặp ở khớp háng

Thoái hóa khớp háng

Là bệnh lý chủ yếu gặp ở người lớn tuổi. Là hậu quả của tuổi tác và tình trạng mài mòn khớp kéo dài. Ngoài ra, thoái hóa khớp háng có thể phát triển sau gãy cổ xương đùi, trật khớp háng, thiểu sản khớp háng, viêm khớp Triệu chứng chính là đau kéo dài,đi lại khó khăn. Bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sống hàng ngày, thậm chí gây tàn phế. Vì vậy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nếu được chẩn đoán, điều trị sớm, bệnh sẽ phát triển chậm lại, giảm triệu chứng đau đớn, bệnh nhân khỏe mạnh hơn, giảm nguy cơ tàn phế.

Điều trị bao gồm điều trị bảo tồn và điều trị phẫu thuật. Điều trị bảo tồn thường lựa chọn đầu tiên. Là sự phối hợp của dùng thuốc giảm đau, kháng viêm, giữ cân nặng hợp lí và vật lí trị liệu. Khi các biện pháp nội khoa không có hiệu quả thì có thể bạn cần đến điều trị ngoại khoa. Điều trị ngoại khoa có thể là cắt bỏ xương, thay khớp háng bán phần, thay khớp háng toàn phần.

Hoại tử chỏm xương đùi

Là một tình trạng chỏm xương đùi bị thiếu máu nuôi dưỡng dẫn đến tiêu chỏm xương. Đa số các trường hợp hoại tử chỏm xương đùi xảy ra sau một chấn thương mạnh như gãy cổ xương đùi, trật khớp háng. Tuy nhiên, hoại tử chỏm xương đùi có thể xuất hiện không liên quan chấn thương. Ví dụ: bệnh ung thư được điều trị hóa chất hoặc xạ trị, bệnh hồng cầu hình liềm, dùng corticosteroid liều cao, uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá

Trong giai đoạn đầu khởi bệnh, triệu chứng rất kín đáo, người bệnh có thể không thấy triệu chứng gì. Khi bệnh tiến triển, triệu chứng thường là đau khớp háng, đau có thể lan xuống đùi, ban đầu đau khi đi lại, về sau đau cả khi nghỉ ngơi. Bệnh nhân đi lại khó khăn.

Mục đích trong điều trị là giảm đau, cải thiện chức năng khớp bị bệnh, ngăn chặn quá trình phá hủy xương. Điều trị có thể là bảo tồn hoặc phẫu thuật. Phương pháp điều trị hiệu quả và triệt để nhất là phẫu thuật khớp bên cạnh loại bỏ các yếu tố nguy cơ có thể [hút thuốc lá, rượu bia, corticosteroid].

Các giai đoạn của họa tử chỏm xương đùi

Loạn sản khớp háng

Là tình trạng ổ cối không bao phủ hoàn toàn phần đầu trên của xương đùi. Điều này làm cho khớp háng bị trật một phần hoặc hoàn toàn. Hầu hết những người mắc chứng này là bẩm sinh.

Triệu chứng thay đổi theo nhóm tuổi. Ở trẻ sơ sinh bạn có thể nhận thấy rằng một chân dài hơn chân còn lại. Khi trẻ bắt đầu biết đi, có thể sẽ biểu hiện đi khập khiễng. Ở trẻ lớn và người trưởng thành, triệu chứng đau khớp khi vận động, mất ổn định khớp háng.

Việc điều trị bệnh phụ thuộc vào độ tuổi. Trẻ sơ sinh thường được điều trị bằng nẹp mềm. Trẻ trên 6 tháng có thể được băng bột hoặc làm phẫu thuật. Phẫu thuật thay khớp háng có thể là một lựa chọn cho những người trưởng thành bị loạn sản khớp háng và đã bị tổn thương nghiêm trọng theo thời gian.

Như vậy, chúng ta đã cùng tìm hiểu những kiến thức cơ bản về cấu trúc và chức năng của khớp háng. Cũng như điểm qua một số bệnh lý thường gặp. Hy vọng bạn đọc đã có những kiến thức hữu ích từ bài viết. Cảm ơn bạn luôn đồng hành cùng Youmed nhé!

Bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân

Video liên quan

Chủ Đề