Baài thơ nói về liên kết cộng hóa trị năm 2024

(Thanhuytphcm.vn) - Trong những lời dạy của Bác Hồ đối với thanh niên, 4 câu thơ sau, thường được gọi là bài Khuyên thanh niên, đã trở nên rất quen thuộc:

Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên.

Nhạc sĩ Hoàng Hòa đã dùng cả 4 câu thơ trên vào trong bài Thanh niên làm theo lời Bác, là bài hát chính thức của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (Đoàn ca).

Về thời điểm ra đời bài thơ này, Báo Nhân dân số ra ngày 20-3-2001 đăng trên trang nhất một mẩu tin nội dung như sau: “Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ đến thăm và tặng đơn vị Thanh niên xung phong 312 ở Nà Tu (xã Cẩm Giàng, Bạch Thông, Bắc Kạn) bốn câu thơ: (...), tỉnh Bắc Kạn đã đầu tư gần 300 triệu đồng để sửa chữa, chống xuống cấp di tích lịch sử – văn hóa Nà Tu”[1].

Báo Nhân dân cuối tuần số ra ngày 25-3-2001 có bài Như lần đầu được hát của Văn Tùng, kể lại xuất xứ của bài thơ Khuyên thanh niên như sau: “Đầu tháng 3-1951, đáp ứng yêu cầu bảo đảm giao thông cho chiến dịch mới, Liên đội Thanh niên xung phong 312 được điều động đến sửa chữa cầu Nà Cù (Bắc Kạn) [cầu Nà Cù thuộc bản Nà Tu]. Một hôm, anh chị em đang hăm hở lao động thì được tin đồng chí Trần Đăng Ninh, Tổng Cục trưởng Hậu cần, sẽ đến thăm đơn vị. Đồng chí Việt Thi, cán bộ phụ trách công tác tuyên truyền và văn hóa, được giao nhiệm vụ tổ chức một đêm lửa trại để đón khách. Anh kể lại rằng trời vừa tối một lúc thì thấy có ánh đèn pin loang loáng tới gần. Anh chị em đồng loạt vỗ tay hoan hô nhưng đều hết sức bất ngờ trước niềm hạnh phúc lớn: Bác Hồ! (...) Trước lúc tạm biệt các cháu, giọng Bác đầm ấm: “Bây giờ để các cháu luôn nhớ buổi gặp mặt hôm nay, Bác tặng các cháu mấy câu thơ (…) Đọc xong từng câu, Bác đề nghị tất cả cùng nhắc lại. Cuối cùng Bác bảo đồng chí Việt Thi đọc lại cả bốn câu (...) Câu chuyện Bác đi chiến dịch, Bác ra mặt trận, Bác đến thăm Thanh niên xung phong ngày ấy, 20-3-1951, cứ lan truyền, lan truyền mãi...”

Trong quyển Hỏi đáp lịch sử Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2000, có một câu hỏi ở trang 32 như sau: “Không có việc gì khó, Chỉ sợ lòng không bền, Đào núi và lấp biển, Quyết chí ắt làm nên”. Hãy cho biết thời gian và hoàn cảnh Bác sáng tác bài thơ đó?” Phần trả lời có đoạn: “Ngày 20-3-1951, Hồ Chủ tịch đã đến thăm đơn vị thanh niên xung phong (liên phân đội 312) đang làm nhiệm vụ tại Nà Cù – Bắc Kạn. Người rất vui khi được nghe báo cáo về tinh thần vượt khó khăn gian khổ để phục vụ kháng chiến của các đội viên thanh niên xung phong, nên đã đọc tặng bốn câu thơ đầy ý nghĩa nói trên…”.

Nà Tu là di tích có giá trị về lịch sử kháng chiến. Từ tháng 2 đến tháng 3-1996, UBND xã Cẩm Giàng và UBND huyện Bạch Thông tỉnh Bắc Kạn đã lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa Thông tin (cũ) đề nghị xếp hạng cấp Quốc gia cho Di tích lịch sử cách mạng Nà Tu. Ngày 18-3-1996, Bộ Văn hóa Thông tin đã quyết định công nhận Nà Tu là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Từ năm 1996 đến năm 1997, Khu Di tích lịch sử Nà Tu được đầu tư xây dựng, tuy nhiên do điều kiện khách quan nên di tích chỉ được xây dựng trên diện tích đất là 168 m2 trong tổng diện tích của khu đất là 418 m2. Quy mô xây dựng bao gồm các hạng mục: cổng, tường rào, bức tường ghi bốn câu thơ và bia tưởng niệm nơi Bác Hồ đứng nói chuyện với toàn thể cán bộ, đội viên Phân đội Thanh niên xung phong 312.

Mấy năm sau, thành phố Hà Nội đã quyết định hỗ trợ tỉnh Bắc Kạn tôn tạo Di tích lịch sử cách mạng Nà Tu với kinh phí 3 tỷ đồng. Theo đó, Khu Di tích Nà Tu được tôn tạo lại trên diện tích đất cũ và mở rộng thêm về xung quanh, với diện tích là 4.751 m2 - rộng hơn 11 lần diện tích đất cũ. Ba hạng mục của công trình đã xây dựng trước đây đều được phá dỡ để xây dựng các hạng mục mới hơn, quy mô hơn, bao gồm: nền và đường vào khu di tích, cổng chính, nhà đón tiếp, nhà trưng bày, nhà tưởng niệm, bia dẫn tích, sân hành lễ, bãi đỗ xe... Công trình được khởi công xây dựng vào ngày 7-8-2009 với tổng mức đầu tư là hơn 6 tỷ đồng. Sau 13 tháng, công trình được xây dựng hoàn thành vào ngày 15-9-2010 và được đưa vào khai thác sử dụng ngày 23-2-2011.

Đến năm 2015, Trung ương Đoàn đã đầu tư với số vốn 40 tỷ đồng để xây dựng các hạng mục cụm tượng và phù điêu Bác Hồ với Thanh niên xung phong bằng đá, cải tạo Nhà thờ Bác Hồ, cải tạo nhà trưng bày hiện vật, tạo cảnh quan, cổng, hàng rào chung quanh... trên diện tích 1,2 ha, nhằm giáo dục truyền thống, khơi dậy lòng tự hào đối với thanh niên và lực lượng Thanh niên xung phong.

Hiện nay, tuy còn một số tài liệu ghi nhận khác nhau về ngày Bác Hồ đến thăm Thanh niên xung phong và đọc tặng bài thơ nổi tiếng đó, nhưng về cơ bản, hoàn cảnh ra đời của bài thơ là thống nhất. Bài thơ chỉ có 20 chữ nhưng chứa đựng nhiều lời dặn dò, định hướng rất sâu sắc không chỉ cho thanh niên mà còn cho nhiều người khác. Lời dạy đó bao năm qua đã cổ vũ, động viên, khích lệ nhiều thế hệ thanh niên phấn đấu khắc phục muôn vàn khó khăn trong cuộc sống cũng như trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Ý tứ sâu xa của lời dạy này thể hiện ở sự đề cao vai trò sức mạnh ý chí của con người trong mọi việc, đặc biệt là ý chí của nhân dân, của tập thể, của người cách mạng. Như chính Bác Hồ đã từng dạy quân đội ta: “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” hay Người từng mượn lời của nhân dân Quảng Bình để nhắc nhở cán bộ ta: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Bởi vậy, bài thơ Khuyên thanh niên thực sự là một bài thơ bất hủ!

Vân Tâm

----

[1] Báo đã đưa tin này không hợp lý về mặt thời gian vì báo ra ngày 20 nhưng nội dung còn ghi là dự kiến công việc hoàn thành trước ngày 15-3-2001, chứng tỏ bản tin có thể đã được viết trước đó nhiều ngày, nhưng mãi đến ngày 20-3 mới được đăng.