Vì sao trâu bò thả rông thường mắc bệnh giun sán

TÁC HẠI VÀ CÁCH PHÒNG TRỊ BỆNH GIUN SÁN TRÊN VẬT NUÔI

BSTY. Vy Đức Nhật Quang
Trạm thú y An Nhơn

[Trích từ bài đăng trên sách Thông tin KHKT của Hội KHKT thị xã An Nhơn, Số Quý IV năm 2014]

Chăn nuôi là một trong hai ngành sản xuất chủ yếu của nông nghiệp, với đối tượng sản xuất là các loại động vật nuôi nhằm cung cấp các sản phẩm có giá trị kinh tế cao như thịt, trứng, sữa, mật ong... nhằm đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hàng ngày của người dân. Là ngành kinh tế giúp cho nông dân tăng thu nhập, giải quyết được nhiều công ăn việc làm cho người lao động.

Xã hội càng phát triển, mức tiêu dùng của người dân về các sản phẩm chăn nuôi ngày càng tăng lên cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu sản phẩm.

Tuy nhiên khi mức độ quy mô chăn nuôi ngày càng tăng lên thì cũng đối mặt với nhiều thách thức, cản trở như giá cả, dịch bệnh, môi trường ô nhiễm, dịch bệnh trong đó có các bệnh do giun sán gây nhiều tổn thất kinh tế, ảnh hưởng sức khoẻ, chất lượng sản phẩm từ vật nuôi [thịt, trứng, sữa] đôi khi còn gây nguy hiểm đến sức khoẻ của con người vì một số bệnh có khả năng lây sang người.

I. TÁC HẠI CỦA GIUN SÁN ĐỐI VỚI CƠ THỂ VẬT NUÔI:

1. Tác động cơ giới: Ký sinh phải bám vào cơ thể vật chủ để lấy chất dinh dưỡng để tồn tại và nó gây tổn thương cơ học như teo, thoái hoá, hoại tử, viêm loét các nhu mô và cơ quan, gây viêm da làm da khô, cứng, ngứa ngáy khó chịu, mất ngủ, giảm trọng.

2. Tác động chiếm đoạt: Ký sinh trùng tự nuôi dưỡng bằng cách ăn tổ chức của ký chủ, lấy một phần thức ăn của ký chủ đã tiêu hóa, hút máu ký chủ, gây tổn hại rất lớn cho ký chủ [gầy ốm, thiếu máu... ].

3. Tác động đầu độc: Hàng ngày ký sinh trùng bài tiết những chất độc đưa vào cơ thể ký chủ, ký chủ hấp thụ những chất độc... đưa đến những biến loạn khác nhau [co giật, bại liệt... ].

4. Bệnh ký sinh trùng thường ở thể mãn tính, kéo dài [do không biết nên không điều trị], làm suy kiệt, bào mòn dần sức khoẻ vật nuôi, làm giảm sinh trưởng và phát triển ở vật nuôi, làm thú non còi cọc, viêm tắc ruột, tắc ống mật, phá hủy gan, nhiều khi gây thủng ruột thậm chí ảnh hưởng tới phát dục: sinh sản kém, động dục chậm, muộn...

5. Ký sinh trùng làm giảm sức đề kháng cơ thể khiến cho các bệnh truyền nhiễm kế phát, "mở cánh cửa lớn cho các bệnh truyền nhiễm" [theo viện sĩ K.I. Skrjabin, 1923]. Các mầm bệnh do vi khuẩn, virus sẽ thâm nhập vào cơ thể vật nuôi qua các điểm tổn thương, các vết loét do giun sán gây ra đi vào máu và gây bệnh kế phát.

6. Triệu chứng các bệnh do giun sán biểu hiện một cách từ từ, không rõ rệt, ở thể mãn tính không gây chết vật nuôi như các bệnh truyền nhiễm [ví dụ cúm gia cầm, dịch tả vịt, tụ huyết trùng trâu, bò] do đó người chăn nuôi lơ là, chỉ khi nào bệnh nặng mới tiến hành điều trị. Các thú y viên nhiều lúc cứ chăm chú vào các bệnh truyền nhiễm, chích kháng sinh, sau nhiều ngày vẫn không khỏi, mà bệnh nặng thêm. Nếu định hướng đúng và điều trị ngay từ đầu, loại thải giun sán ra khỏi cơ thể vật nuôi bằng các thuốc thích hợp thì thú khỏi bệnh ngay.

Trạm Thú y An Nhơn, trong nhiều năm qua đã thực hiện xét nghiệm phân trâu, bò, mổ khám gia cầm bệnh để chẩn đoán bệnh cho vật nuôi trong đó có các bệnh gây ra do giun sán. Sau khi trả lời kết quả, chúng tôi sẽ tư vấn cách điều trị bệnh cho vật nuôi bằng các thuốc phù hợp và quy trình chăm sóc vật nuôi sau khi tẩy giun sán.

Các hộ chăn nuôi hướng vỗ béo bò thịt, khi mua bò gầy gò về thì nên xét nghiệm phân rồi tẩy giun sán. Sau đó tiến hành vỗ béo thì hiệu quả kinh tế cao hơn, thời gian vỗ béo ngắn hơn.

II. CÁC BỆNH GIUN SÁN TRÊN TRÂU, BÒ:

Trong phạm vi chuyên đề này tôi sẽ đề cập đến các bệnh giun sán ở trâu, bò, gà, vịt mà trong quá trình xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị cho vật nuôi chúng tôi hay gặp.

2.1 Giun đũa bê nghé:

Do Toxocara vitulorum [Goeze, 1782] gây ra, chúng ký sinh trong ruột non của bê, nghé. Tỷ lệ bê nghé nhiễm cao ở các vùng núi, thấp ờ vùng đồng bằng. Bê nghé mẫn cảm ở lứa tuổi 15 ngày đến 5 tháng tuổi nhưng bệnh nặng nhất là nghé 15-65 ngày tuổi. Bê bệnh nhẹ hơn nhưng tuổi mắc bệnh dài hơn đến 5 tháng tuổi. Giun không tìm thấy trên trâu bò trưởng thành nên còn gọi là giun đũa bê nghé.

Giun màu trắng, to như chiếc đũa, dài 25-30 cm, Trứng giun có sức đề kháng cao, có thể tồn tại được nhiều tháng trong đất.

a] Triệu chứng và tác hại:

Tùy theo số lượng nhiễm, bê nghé thường đau bụng, chướng hơi [biểu hiện đạp chân lên bụng, lưng hơi cong lên] tiêu chảy đôi khi táo bón, nếu nặng bê nằm một chỗ, bỏ ăn.

Màu phân rất đặc trưng, lúc đầu phân hơi đen, mùi tanh, sau chuyển sang màu vàng có lẫn máu và chất nhầy, cuối cùng màu trắng, lỏng. Phân thường bết dính quanh hậu môn và chân sau, rất hôi thối, chó thích ăn.

Ấu trùng di hành làm tổn thương gan và các cơ quan. Giun trưởng thành gây viêm loét, xuất huyết ruột non, có khi gây tắc, thủng hoặc vỡ ruột.

b] Chẩn đoán:

- Dựa vào dịch tễ: bê nghé mắc bệnh nhưng trâu bò thì không.

- Dựa vào triệu chứng: phân trắng, mổ khám sẽ thấy nhiều giun ở ruột.

- Xét nghiệm tìm trứng giun trong phân bằng phương pháp phù nổi.

c] Phòng trị:

- Levamisole chích bắp liều lml/10kg

- Febantel 7,5mg/kg, uống

- Albendazole 7,5 mg/kg, uống

- Fenbendazole 7,5mg/kg, uống

- Ivermectin 0,1-0,3 mg/kg tiêm bắp

- Doramectin 0,1-0,3 mg/kg tiêm bắp, dưới da

Dùng các loại thuốc trên phòng cho bê, nghé lúc 3 tuần và 6 tuần tuổi. Có thể dùng ivermectin và doramectin để phòng cho trâu, bò trong thời gian mang thai.

Hình 1: Trứng của giunToxocara vitulorum

[//www.engormix.com/MA-ganaderia-carne/sanidad/articulos/enfermedades-parasitarias-en-animales-t3382/165-p0.htm]

2.2 Sán lá gan trâu, bò:

Ở nước ta chủ yếu có hai loài: Fasciola gigantica, F. hepatica gây nên, phổ biến là F. gigantica. Những sán này thường ký sinh ở ống dẫn mật, gan, túi mật có khi cả ở phổi, tim, hạch lâm ba, tuyến tụy của trâu, bò.

Bệnh thường gây viêm gan ở trạng thái cấp tính hoặc mãn tính, xơ gan, viêm ống dẫn mật, tiếp đó là trúng độc toàn thân và rối loạn dinh dưỡng. Bệnh phân bố khắp các vùng trong nước, nhưng súc vật bị nhiễm nặng ở vùng đồng bằng, nhất là những nơi ẩm ướt, lầy lội, nhiều vũng nước.

a] Tác hại:

Những thiệt hại kinh tế do bệnh gây ra thường thể hiện ở những mặt sau:

- Bệnh phát sinh có tính chất địa phương, thường là súc vật chết nhiều, nhất là súc vật còn non.

- Bệnh tiến triển dưới thể mãn tính làm súc vật gầy còm, sút cân, kiệt sức. Nếu bò sữa mắc bệnh, sản lượng sữa giảm từ 10 -20%, có trường hợp giảm nhiều hơn nữa.

- Khi mổ thịt phải bỏ những gan bị nhiễm sán

- Chất lượng thịt, khả năng đẻ của những súc vật mắc bệnh bị giảm.

- Khả năng chống đỡ bệnh truyền nhiễm và những bệnh khác càng sút giảm.

b] Triệu chứng:

- Thể cấp tính có thể xuất hiện khi nhiễm nặng hoặc ở giai đoạn sán non di hành trong cơ thể và điều kiện nuôi dưỡng thiếu về số lượng, chất lượng, thiếu vitamin và can-xi.

* Biểu hiện: con vật thường chết đột ngột, thiếu máu, niêm mạc nhợt nhạt, tiêu chảy, chướng bụng, miệng hôi, sốt, gan sưng to và đau, vàng da, đôi khi có triệu chứng thần kinh [quay cuồng], vật uể oải, kiệt sức và thường chết sau vài ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng trên.

- Thể mãn tính thường xảy ra: vật gầy yếu, ăn ít, niêm mạc nhợt nhạt, da khô, lông mốc xù xì, phù thũng ờ cố và dưới ngực, con vật nhai lại yếu, khát nước, tiêu chảy xen kẽ táo bón, gầy dần. Con vật ho, bò cái dễ sẩy thai vì lượng calcium trong máu giảm thấp, con vật dễ bị co giật, gan sưng to, lượng sữa giảm 50%. Nếu bệnh không được chữa thì con vật bị chết do kiệt sức. Vào mùa khô hay mùa đông con vật phải làm việc nhiều, thiếu thức ăn khi nhiễm sán lá gan con vật có thể chết.

c] Điều trị:

+ Dertyl: Loại viên 300mg [Dertyl B] thường dùng cho trâu bò: trâu 9mg/kgP, bò 6mg/kgP.

+ Dovenix [Nitroxynil] dùng liều 12-15 mg/kgP trộn vào thức ăn cho ăn hoặc hoà nước cho uống hoặc chích dưới da liều 1,5 ml/30kgP [loại dung dịch 30%]

+ Albendazole liều 7,5 mg/kgP cho ăn hoặc cho uống.

d] Phòng bệnh:

- Định kỳ tẩy trừ sán cho súc vật để ngăn chặn mầm bệnh gieo rắc rộng và phòng ngừa cho súc vật tái nhiễm. Hằng năm nên tấy sán toàn đàn ít nhất là 2 lần:

+ Lần đầu vào mùa xuân [trước mùa ký chủ trung gian phát triển], tránh gieo rắc mầm bệnh ra môi trường ngoài.

+ Lần thứ hai vào cuối mùa thu nhằm diệt sán ở gan bị nhiễm trong xuân hè, ngăn ngừa bệnh phát ra ở mùa động. Ớ nơi nhiễm nặng định kỳ dùng thuốc xổ cho gia súc 3 -4 lần/ năm

- Ú phân theo phương pháp sinh vật học đế lợi dụng nhiệt tiêu diệt trứng.

- Xử lý các cơ quan nhiễm sán.

- Diệt ký chủ trung gian: tháo cạn nước, làm khô đồng cỏ, bãi chăn lầy lội, ẩm ướt. Dùng những hoá chất có khả năng diệt ốc [vôi bột, sunfat đồng ]. Phát triển chăn nuôi những súc vật ăn ký chủ trung gian như: vịt, ngan, ngỗng...

- Vệ sinh thức ăn, nước uống: không chăn thả súc vật ăn ở những bãi chăn lầy lội, ẩm thấp

- Tránh nhập súc vật từ vùng có bệnh, khi chưa kiểm tra và điều trị triệt để.

Hình 2: Trứng F. hepatica ở độ phóng đạix400. Hình 3: SánF. hepatica trưởng thành
[//www.cdc.gov/dpdx/fascioliasis/]

2.3 Bệnh sán lá dạ cỏ:

Thường do 2 giống phổ biến nhất là Paramphistomum và Fischoederius gây ra.

Loài Paramphistomum cervi [Schrank, 1790] ký sinh ở dạ cỏ. Ký chủ cuối cùng: trâu, bò, dê, cừu và loài nhai lại hoang dã.

a] Triệu chứng bệnh tích:

Nhiễm một hoặc hai ngàn sán triệu chứng không rõ. Nếu nhiễm nặng vật tiêu chảy hoặc táo bón, niêm mạc nhợt nhạt do thiếu máu, phù thũng ở những phần thấp của cơ thể, lông xù, chậm lớn, da khô. Triệu chứng xảy ra nặng ờ súc vật non. Dạ cỏ, dạ lá sách giảm nhu động và bị nghẽn dạ lá sách.

Niêm mạc dạ cỏ bị viêm loét, xuất huyết, tăng sinh dày lên sau đó hoại tử.

b] Chẩn đoán:

Xét nghiệm phân tìm trứng theo phương pháp lắng gạn.

c] Điều trị

- Rafoxanide dùng liều 7,5 - 10 mg/kg, uống. Muốn diệt sán còn non phải tăng liều gấp đôi.

- Niclosamide 90-160 mg/kg, uống.

- Oxyclozanide 15 mg/kg, uống

- Resorantel 65 mg/kg, uống. Hiện nay resorantel và oxyclozanide có hiệu lực hơn 90% chống lại cả dạng non và dạng trưởng thành.

- Triclabendazole 12 mg/kg, uống

- Albendazole 10 mg/kg, uống

2.4 Sán dây loài nhai lại:

Có 2 loài sán dây ký sinh ở ruột thường gặp trên loài nhai lại là Moniezia expansa và M. benedeni.

a] Triệu chứng bệnh tích:

Sán dây ký sinh ở ruột non của gia súc nhai lại với số lượng lớn, vật thường chậm lớn, lông xù, da khô, tiêu chảy trong phân có lẫn những đốt sán. Niêm mạc nhợt nhạt, có triệu chứng thần kinh. Con vật run rẩy co giật quay cuồng, có thể gây tắc ruột thủng ruột và chết. Xoang phúc mạc, phế mạc, bao tim có nước đục.

Niêm mạc ruột xuất huyết, viêm. Trong ruột có nhiều sán.

b] Chẩn đoán:

Dựa vào triệu chứng và dịch tễ để chẩn đoán, cần xét nghiệm phân tìm đốt sán theo phương pháp lắng gạn, cũng có thể thấy trứng sán trong phân bằng phương pháp phù nổi.

c] Phòng trị:

- Dùng CuSO4 pha thành dung dịch 1%, cho gia súc uống với liều 2-3 ml/kg

- Dùng các loại thuốc: Niclosamide, bithionol, albendazole, praziquantel

- Những đồng cỏ nhiễm nhện nặng nên dùng thuốc diệt côn trùng để phun xịt.

- Không thả gia súc lúc sáng sớm vì buổi sáng nhện thường hoạt động mạnh.

[...còn tiếp kỳ sau]

Video liên quan

Chủ Đề