Vì sao giới trẻ nghiện facebook

Theo Richard Seymour, cây bút của The Guardian, ngày nay, con người sẵn sàng bỏ ra hàng giờ đồng hồ mỗi ngày để đầu tư cho việc viết gì đó lên mạng. Không cần lương bổng, cũng chẳng cần hợp đồng lao động, họ làm việc như những công nhân tình nguyện cho mạng xã hội, sáng tạo nội dung để "ông chủ" thu lợi. "Mạng xã hội lẽ ra phải là công cụ giải phóng con người, nhưng thực ra, nó gây nghiện ngập, tra tấn tinh thần và độc hại. Nhưng tại sao con người vẫn bám lấy nó? Điều gì khiến họ nghiện mạng xã hội?", ông đặt vấn đề.

Con người thích sự chú ý

Ham muốn được chú ý thể hiện qua lời chấp nhận kết bạn, lượt chia sẻ hay lượt "like". "Mồi nhử" của Facebook, Twitter... ở đây, theo Seymour, là cảm giác đang được tương tác với bất kỳ ai, từ bạn bè, đồng nghiệp, người nổi tiếng đến các chính trị gia, người trong hoàng tộc... của các thành viên. Nhưng thực chất, họ chỉ đang tương tác với bộ máy. Con người viết nội dung gửi lên, máy móc nhận thông tin, lưu dữ liệu rồi mới thể hiện trên giao diện. Những nội dung mà người dùng tạo ra dần được tập hợp, biến không gian tương tác này trở thành một dự án sáng tạo nội dung mở, trở thành nguồn kiếm tiền cho bộ máy vận hành nó.

Lấy Twitter làm ví dụ. Mạng xã hội này khuyến khích con người phải đăng nội dung nhanh và thường xuyên. Thông tin mới trên giao diện Twitter được cập nhật nhanh đến nỗi nếu không phải nội dung mang tính có sức lan toả mạnh, thông điệp sẽ nhanh chóng bị rơi vào lãng quên. Trong khi đó, hệ thống kết nối người dùng, bao gồm "tag" [thẻ tên để gửi thông điệp tới người liên quan] và giao diện... cùng khuyến khích các "con nghiện" tạo ra những cuộc hội thoại mở và tương tác tức thời.

Trong khi đó, hệ thống "hashtag" và giao diện "trending topics" [chủ đề đang gây chú ý] biến không gian mạng xã hội trở thành những "chiếc tổ" cho những người dùng có quan điểm giống nhau. Mục đích cuối cùng là tạo ra dữ liệu - loại "mật" thô đem lại nguồn lợi nhuận cao nhất từng được phát hiện trong lịch sử. Giá trị của những loại "mật ngọt" này biến động, phần nào giống thị trường tài chính: càng biến động nhiều, giá trị càng cao. Hay nói cách khác, với mạng xã hội, càng hỗn loạn thì càng tốt.

Những lượt like, share, comment thoả mãn ham muốn được chú ý của con người. Ảnh: Independent.

Mạng xã hội tạo ra tâm lý như đang đánh bạc

Trong "sòng bạc" mạng xã hội, mỗi người được ví như một con bạc độc lập. Nhiệm vụ của họ là đặt cược vào nội dung viết hôm đó. Họ phải tính toán xem viết gì để vừa lòng đám đông với mong muốn thu được là những lượt like, bài chia sẻ đồng tình. Tuy vậy, không ai đoán trước được mình sẽ thu được những gì từ mỗi ván, bởi đôi lúc cái họ nhận được là sự thờ ơ, có lúc là lời tán dương ủng hộ, nhưng trong một số trường hợp lại là cơn mưa phẫn nộ của một bộ phận lớn cộng đồng.

Câu hỏi với các mạng xã hội là làm thế nào để khiến các "con nghiện" không rời bỏ mình?

Theo Richard Seymour, thông thường, sòng bài sẽ tìm cách khiến các khách chơi mất cảm giác về thời gian bằng cách chặn ánh sáng ban ngày vào trong phòng, bỏ cửa sổ, đồng hồ, liên tục cung cấp đồ ăn thức uống. Mạng xã hội cũng sử dụng cách tương tự. Nó khiến người dùng liên tục phải dán mắt vào diện thoại bằng cách reo rắc vào họ nỗi sợ bị lạc hậu. Thay vì hiển thị rõ ràng ngày giờ cho luồng thông tin mới cập nhật, mạng xã hội có xu hướng sử dụng cách thức hiển thị thời gian được đo đếm bằng khoảng thời gian mà bài viết được đăng, ví dụ "4 phút trước", "12 giờ trước"... Bên cạnh đó, khi tìm đến mạng xã hội, người dùng dễ tìm được cảm giác trốn chạy thực tại, rời xa hộp cơm trưa buồn tẻ, một mối quan hệ xã hội đang gặp vấn đề hay chuyện vừa bỏ việc chán chường..., để đến với một "miền không gian", không có sự tồn tại của hiện thực và đầy hứa hẹn về việc sẽ mang lại niềm vui.

Nhà xã hội học Benjamin Bratton cho biết, người dùng hoàn toàn có quyền tự do kết thúc mối quan hệ với mạng xã hội. Tuy vậy, các "ông lớn" luôn biết cách níu chân thành viên nhờ những tính năng, dịch vụ hấp dẫn. Mạng xã hội trở thành thành một phòng thí nghiệm ảo, ở đó, người dùng giống như các con vật và phải chịu nhiều kiểu kích thích. Nhờ đó, ông chủ của các mạng xã hội - những người thực hiện thí nghiệm - có thể ghi lại được những phản ứng của người dùng trước các kích thích ấy, quan trọng hơn là giáo dục họ thành một phần thực sự trong thị trường, mà khách hàng của họ - các nhãn hàng đối tác - đang nhắm tới.

Đức Trí

Mình vừa đóng lại một bài báo đưa tin cô bé học phổ thông nhập viện tâm thần vì nghiện Facebook. Cô hoa hậu dân tộc vừa lên sân khấu chống tay hùng hồn “Ngoài kia còn nhiều thứ thú vị hơn mạng xã hội, xung quanh ta còn bạn bè người thân và chỉ có mặt đối mặt chúng ta mới giao lưu với nhau, em sẽ hạn chế dùng mạng xã hội.” Một cách thuận tiện và có vẻ hợp lý, “trào lưu dùng mạng xã hội” làm cho giới trẻ ra nông nỗi này.

Nhưng mình hỏi bạn, nếu một người mà bạn cho là “nghiện mạng xã hội” ngưng dùng mạng xã hội, liệu họ có nhiều bạn bè hơn không và liệu đời họ có vui hơn không?

NGƯỜI TA THƯỜNG ÍT NHẬN PHẦN SAI VỀ MÌNH

Trong một video mình đã nói về chủ đề sống ảo nhưng giờ mình viết lại một lần nữa ở đây, giấy trắng mực đen [Ý lộn, màn hình trắng ký tự đen, hy vọng không bị coi là “chữ ảo”]:

Mạng xã hội không làm thay đổi bất kỳ ai, nó chỉ làm lộ rõ hơn bản thân họ với thế giới thôi.

Cái điện thoại không có tội vì nó mang đến cho người ta cơ hội được là chính mình dưới dạng Ẩn Danh. Bạn nam nghiện game không phải lỗi tại thằng lập trình ra cái game, mà là vì lần đầu tiên trong đời bạn nam này được cầm súng, được làm anh hùng siêu nhân, thoát khỏi cuộc đời của một nhân viên nhỏ bé bị chèn ép suốt 8 tiếng mỗi ngày, 40 tiếng mỗi tuần. Bạn nữ nghiện Facebook không phải tại cái ông Mark Zuckerberg, mà là lần đầu tiên trong đời bạn nữ được đẹp hơn, tự tin hơn, vui vẻ hơn đời thực, nhận được những lời khen mà chưa bao giờ bạn nữ nhận được ngoài đời.

Cặp cha mẹ khốn khổ sau khi đưa con vào viện tâm thần thì mếu máo kể với nhà báo “Cháu bao năm nay vẫn chăm ngoan, đạt học sinh giỏi, tự nhiên mấy tháng nay không tiếp xúc với ai, cứ ngày đêm ôm điện thoại lướt Facebook.” Tất cả những gì họ biết về con mình chỉ là bao năm nay vẫn đạt danh hiệu Học Sinh Giỏi. Nhưng nếu hỏi họ rằng, con họ có nỗi buồn nào không, bạn bè thân của nó là ai, nó có tự ti về ngoại hình về cơ thể đang lớn của nó không, ở trường nó có bị ai bắt nạt không, nó yêu nam hay nữ, bao năm nay để đạt học sinh giỏi nó có khốn khổ không, thì có lẽ họ không biết. Tất cả những gì họ biết về con họ chỉ là chính kỳ vọng của họ, là danh hiệu Học Sinh Giỏi.

Bởi vì lấy một cái gì đó để đổ lỗi thì dễ chịu hơn là nhìn thẳng vào lỗ hổng trong con người mình.

VÀ CÁCH TỐT NHẤT LÀ CẮT INTERNET?

Cặp cha mẹ trong bài báo về cô bé nghiện Facebook khi thấy con mình như vậy thì rõ ràng là thấy không ổn. Và giải pháp của họ là cắt internet. Thế là cô bé này tâm thần luôn. Không biết sau khi đánh thuốc mê để đưa con họ vào viện, họ có ngồi suy nghĩ một chút và hiểu ra một điều khá rõ ràng rằng cắt internet không phải giải pháp, và rằng internet cũng không phải thứ đã làm cho con họ thành ra như vậy?

Nếu bạn vẫn đang nghĩ “Ủa chứ nếu không phải tại internet thì tại cái gì”, mình muốn bạn trả lời giúp mình những câu hỏi dưới đây. Hãy hình dung một ngày, thế giới không còn internet.

Nếu thế giới không còn internet, thư tay có kết nối con người tốt hơn tin nhắn không?

Nếu thế giới không còn internet, nhóm bạn đang ngồi chung liệu có nhiều chuyện để nói với nhau hơn không?

Nếu thế giới không còn internet, các cặp đôi có vì thế mà yêu nhau hơn, muốn dành thời gian cho nhau hơn không?

Nếu thế giới không còn internet, người ta có thực sự gần nhau hơn không?

Nếu một ngày thế giới không còn internet, chẳng lẽ đến lúc ấy bạn mới hiểu ra rằng thực ra internet không làm cho người ta cô đơn? Tất cả những gì nó làm là bù đắp lỗ hổng và làm dịu đi sự tan vỡ của họ. Đừng đổ sự cô đơn của mình lên đầu nó.

Khi mình thấy một người tâm thần vì nghiện internet, mình nhìn thấy một tâm hồn hổng hoác, một trái tim tan vỡ và một sự tự ti cô độc đến mức mà điểm tựa duy nhất của họ chỉ còn là cảm giác thoát khỏi thực tế đằng sau tài khoản Ẩn Danh và những lời chia sẻ xa xôi trên màn hình. Mình nhìn thấy những điều đó, chứ mình không thấy một con người “phải đi cai nghiện internet”.

Video liên quan

Chủ Đề