Triết học cổ điển Đức bắt đầu từ nhà triết học nào sau đây

Từ cổ điển có nguồn gốc từ tiếng La tinh classicus, nghĩa là thứ bậc đầu tiên, chuẩn mực, khuôn mẫu Thuật ngữ này về sau được hiểu khá rộng: 1] biểu thị một cách nhìn của các nhà văn hóa Phục hưng đối với di sản Hy Lạp, La Mã cổ đại, được xem như những giá trị mẫu mực, đáng tôn vinh và học tập; 2] học thuyết do người Đức nêu ra dùng để chỉ một khuynh hướng trong văn học nghệ thuật châu Âu, bắt đầu tại Pháp, vào các thế kỳ XVII-XIX, chủ trương xác lập quy tắc về văn pháp và thứ bậc cao hay thấp của thể lọai theo hình mẫu cổ đại; 3] ngoài ra tính cổ điển còn được dùng để nhấn mạnh mặt tích cực, mẫu mực của một trào lưu tư tưởng nào đó. Triết học cồ điển Đức là sự thể hiện cô đọng và tinh túy nhất các giá trị văn hóa tinh thần trong các đại diện tiêu biểu, các nhà kinh điển của nó [Kant, Fichte, Schelling, Hegel, Feuerbach]. Về phương diện thế giới quan, triết học Đức là sự kết thúc của truyền thống cổ điển phương Tây nói chung [hệ thống các khái niệm, các chủ đề nghiên cứu, các cách thức tiếp cận và xử lý vấn đề, quan điểm của Siêu hình học về thế giới và xã hội ], triết học tư sản cổ điển nói riêng [cách mạng xã hội, đưa giai cấp tư sản lên nắm quyền, không còn cần thiết nữa, tính chất của triết học cũng thay đổi theo, tính biện hộ thay tính cách mạng]; sau nó truyền thống ấy được thay bằng phi cổ điển tức chủ trương rà soát lại những vấn đề của quá khứ, cả những mặt tích cực, tiến bộ vốn có trong thời kỳ các cuộc cách mạng tư sản sơ kỳ, được biết đến dưới tên gọi thời đại Anh sáng [Khai sáng]. Triết học hiện đại phương Tây hôm nay đã thoát ly khỏi các vấn đề truyền thống trong chi tiết, song xét những nét chung việc đánh giá cơ sở thế giới quan và phương pháp luận của nó vẫn phải dựa trên các cấp độ và tính chất do truyền thống để lại.

Tiền đề lý luận trực tiếp của triết học cổ điển Đức là triết học Anh, Pháp thế kỷ XVII - XVIII[nhất là tư tưởng Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII] và các bậc tiền bối tại Đức như Leibniz, Wolf, những thành tựu của khoa học tự nhiên. Về bản thể luận Descartes, Spinoza, Gassendi, Leibniz, Locke, Hume đều ít nhiều tác động đến sự hình thành và các bước chuyển biến tư tưởng của các nhà triết học Đức, chẳng hạn Vật lý học và Siêu hình học nhị nguyên của Descartes, phiếm thần luận của Spinoza, Đơn tử luận của Leibniz, duy cảm luận duy vật của Locke và các nguyên tắc kinh nghiệm của Hume. Về phương pháp luận va lý luận nhận thức các nhà triết học Đức không chỉ tiếp tục nghiên cứu các vấn đề do triết học Anh, Pháp đặt ra, mà còn biến cuộc tranh luận về phương pháp thành điểm chủ yếu xác định vị trí của triết học trong đời sống xã hội. Chính bằng phương pháp triết học mà các nhà triết học cổ điển Đức đã cho thấy rằng sức mạnh của một triết thuyết là ở cách mà triết gia giúp con người tìm kiếm và khám phá chân lý, bên cạnh việc xác định nền tảng thế giới quan của nó. Nhà duy tâm thông minh luôn đáng trân trọng hơn nhà duy vật thô thiển. Kant và Hegel đã tạo ra bước đột phá ở phương pháp triết học. Khắc phục tính phiến diện của cả khuynh hướng duy lý lẫn khuynh hướng duy nghiệm, Kant chủ trương thống nhất các giai đoạn của nhận thức, vạch ra mối liên hệ biện chứng của chúng - trực quan thiếu tư duy thì mù quáng, tư duy thiếu trực quan thì trống rỗng, đồng thời xem hình thức tiên nghiệm, năng lực tự thiết kế của trí tuệ như điều kiện tiên quyết của tri thức phổ biến và tất yếu. Cuộc cách mạng về phương pháp gắn liền với tên tuổi của Hegel, bộ óc bách khoa của thời đại.

Trong quá trình xác lập hệ thống của mình Hegel cho rằng cần phải hiểu phương pháp như sự phản ánh mối liên hệ thực tế, sự vận động, phát triển của các hiện tượng trong thế giới khách quan. Khoa học lôgích - bộ phận cấu thành, dồng thời là hạt nhân của hệ thống Hegel, đã tiên đoán về sự thống nhất phép biện chứng, lôgích học và lý luận nhận thức. Về nhân sinh quan, truyền thống đề cao lý trí được cụ thể hóa thành hình Ảnh con người lý trí và nhà nước lý tính và các giá trị tự nhiên khác. Tư tưởng khai sáng Pháp, với các tên tuổi lớn như Montesquieu, Voltaire, Rousseau, Diderot được các triết gia, các nhà văn, nhà thơ Đức đón nhận nồng nhiệt. Họ nhận thấy tương lai của Đức trong hiện tại đang sôi sục của Pháp. Cách mạng 1789 được Kant, Fichte, Hegel và Feuerbach xem như dấu hiệu vinh quang của thời đại mới. Kant đưa lý tưởng của cách mạng Pháp vào bài giảng cho sinh viên Đại học Kõnigsberg, nơi ông sống cả đời, và phần thực tiễn của triết học - tức triết học đạo đức - xã hội. Ý tưởng về xã hội công dân phổ quát với ba nguyên tắc trật tự luật pháp, tính công khai, sự phân chia quyền lực, quan niệm về nhà nước toàn thế giới, nền hòa bình vĩnh cửu, chính là sự tiếp thu, cải biến từ tư tưởng của cách mạng Pháp. Dưới tác động của cách mạng 1789 Fichte xác lập Học thuyết khoa học như Triết học của tự do, hiểu cái Tôi không từ ngôi thứ nhất số ít, mà số nhiều - tinh thần nhân loại, cái Tôi văn hóa của chúng ta, tự gọi mình là công dân nước Pháp.

Cũng như tại Anh, đặc biệt tại Pháp, phong trào Khai sáng Đức quy tụ nhiều tên tuổi kiệt xuất trong các lĩnh vực triết lý, văn chương, khoa học, nghệ thuật, hình thành nên ba nội dung lớn:1]xây dựng nền văn hóa dân tộc có tác dụng định hướng cho con người trong cuộc đấu tranh vì tự do, công bằng xã hội, chống mê tín, thần quyền và chính sách ngu dân; 2] phổ biến tri thức, khai mở trí tuệ, đem đến cho con người, đem đến cho con người chiếc chìa khóa khám phá tồn tại; 3] khẳng định xu thế phát triển của lịch sử và thống nhất quốc gia. Nước Đức lạc hậu cả về kinh tế lẫn chính trị, bị phân hóa sâu sắc, rất cần chủ nghĩa lạc quan đó để cổ vũ lòng nhiệt tìhn của các công dân. Tuy nhiên do tính chất yếu đuối và kém bản lĩnh mà những người thị dân Đức đã không đi tới tận cùng của các cải cách, từ lý luận đến thực tiễn, như giai cấp tư sản Anh và Pháp từng làm trước và trong cách mạng. Người Đức giàu lý luận nhưng ít hành động - nhận xét của Marx dựa vào đặc điểm phát triển của hệ tư tưởng Đức, là hệ tư tưởng có tính phê phán, rất sắc bén, nhưng chỉ dừng lại ở tinh thần phê phán [xem C. Mác và Ph. Ăngghen. Toàn tập. T. 3. NXB Chính trị Quốc giq, Hà Nội, 1995, tr. 579].

Các triết gia Đức, những giáo sư được nhà nước quân chủ bổ nhiệm để giáo dục thanh niên, do chịu sự quy định của những điều kiện lịch sử thời đại mình, đã không thể dứt khoát trong quan điểm chính trị - xã hội. Thiếu giá đỡ thực tiễn, các nhà triết học cổ điển Đức chú trọng đến cách mạng trong lĩnh vực lý trí, và tại đây do sinh sau đẻ muộn họ có nhiều thuận lợi, biến những thuận lợi từ việc tiếp thu tinh hoa tri thức của các thế hệ đi trước thành các hệ thống triết học lớn, kinh điển. Đó là một mặt. Mặt khác, sự lạc hậu của thực tiễn đòi hỏi tinh thần, ý thức vượt lên trên nó, thể hiện sự thăng hoa sáng tạo của mình. Sự vượt lên này, nếu không bám sát vào điều kiện vật chất hiện thực, mà chỉ bằng dung tưởng, bằng các dự phóng của tư duy thuần túy, sẽ khó tránh khỏi các phương án duy tâm khác nhau. Chủ nghĩa duy tâm Đức ở Kant, Fichte, Hegel- sự tuyệt đối hóa một mặt, một khía cạnh của nhận thức - là nét đặc thù của triết học Đức so với Anh và Pháp ở thời điểm tương tự, tức ở đêm trước của những chuyển biến chính trị - xã hội có tính cách mạng.

Tính đa dạng và thiếu nhất quán, sự điều chỉnh và tự điều chỉnh liên tục các cách thức tiếp cận của triết học cổ điển Đức có thể được lý giải bởi những điều kiện khách quan và chủ quan, bởi nguồn chất liệu mà nó tiếp nhận, xử lý, và bởi nhu cậu phản ánh hiện thực của nước Đức thời đó. Phần lớn các nhà triết học Đức đều không có thiện cảm với chủ nghĩa duy vật thời trước, nhất là chủ nghĩa duy vật máy móc - siêu hình và chủ nghĩa duy vật vô thần Pháp thế kỷ XVIII. Họ không thể hiểu nổi vì sao con người lại là cổ máy biết tư duy, dù đó là cỗ máy hoàn hảo đến đâu chăng nữa. Họ cũng không thể hiểu nỗi việc loại trừ cái thiêng liêng [Thượng đế] ra khỏi đầu óc con người. Gọi các nhà duy vật thời trước là giáo điều, một số triết gia Đức [Fichte, Schelling] thừa nhận quan điểm hai chân lý, vốn khá phổ biến trong văn hóa Phục hưng, hoặc ở F. Bacon, J. Locke. Quan niệm về khoan dung tôn giáo và tự do tín ngưỡng của Locke, sự lý giải nhân bản về thượng đế của Montesquieu và Voltaire tỏ ra phù hợp với suy nghĩ của người Đức, còn ý tưởng duy lý hóa niềm tin vào Thiên Chúa ở Descartes và Leibniz có thể tìm thấy người kế thừa trong hệ thống Hegel. Thế hệ sau Hegel, tập hợp trong trường phái Hegel trẻ, loại dần Ảnh hưởng của thần học ra khỏi triết học, nhưng lại tạo ra thần học mới, chẳng hạn tôn giáo không có Chúa, hay tôn giáo của tình yêu ở Feuerbach.

Như vậy là trong việc tìm hiểu và lý giải các nội dung bản thể luận, nhận thức luận, nhân sinh quan, nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ. Vật tự nó của Kant khiến người ta liên tưởng đến chủ nghĩa Hume, liên chủ thể hay sự thống nhất và chi phối nhau của những cái Tôi của Fichte - chủ nghĩa duy tâm và duy ngã của Berkeley, cái Tuyệt đối của Schelling - Thượng đế của Descartes, ý niệm của Hegel - ý niệm như khuôn mẫu tồn tại của Platon, mặc dù đã được hoàn thiện và cải biến ít nhiều. Sự phê phán của người đi sau đối với các bậc tiền bối, tinh thần tranh luận quyết liệt trong phạm vi triết học cổ điển Đức góp phần làm phong phú và phát triển tư duy triết học nửa đầu thế kỷ XIX. Tuy vậy sự phê phán lẫn nhau ấy chưa thể dẫn đến những thay đổi có tính bước ngoặt về thế giới quan, trừ sự phục hồi chủ nghĩa duy vật ở Feuerbach trong quan niệm về tự nhiên, nhưng lại nhân danh thuyết nhân bản. Feuerbach, cũng như các nhà triết học trước đó, đều không thừa nhận chủ nghĩa duy vật do những khiếm khuyết lớn của nó vào thế kỷ XVII - XVIII.

Nếu chủ nghĩa duy tâm là nét riêng của triết học Đức, thì phép biện chứng Đức - hình thức lịch sử thứ hai của phép biện chứng - lại là sự thể hiện sinh động tinh thần của thời đại, sự thay thế tất yếu phương pháp tư duy của Siêu hình học cũ [hay còn gọi ngắn gọn là phương pháp siêu hình] bằng phương pháp tư duy về thế giới như một quá trình, luôn nằm trong mối liên hệ, tác động và chế ước lẫn nhau, vượt qua cách xác định sự vật theo kiểu trắng - đen, đúng - sai một cách máy móc, không phản ánh bản chất thực sự của sự vật. Ở phương diện chính trị - xã hội có thể hình dung nước Đức là giai đoạn tiếp theo của chủ nghĩa tư bản đang hình thành, sau giai đoạn Hà Lan, giai đoạn Anh, giai đoạn Pháp. Thời đại tư bản là thời đại biện chừng nhất từ trước cho đến lúc đó.


Chủ nghĩa tư bản không thể tồn tại bình thường nếu nó không gây nên những biến đổi thường xuyên trong các lĩnh vực của đời sống, trong việc cải tiến công cụ lao động và tổ chức nền sản xuất, trong việc thỏa mãn nhu cầu xã hội và tạo ra những nhu cầu mới. Nhịp độ phát triển sôi động đó không thể không tác động đến tư duy. Vấn đề là ở chỗ trong điều kiện nào thì những thay đổi cách mạng của đời sống xã hội được thể hiện thành công, được hệ thống hóa thành các nguyên lý nền tảng. Ngoài việc sinh sau đẻ muộn, được lợi nhờ các chất liệu tư tưởng vô giá do những người đi trước để lại, các triết gia Đức bị thôi thúc bởi khát vọng chiến thắng của lý trí, bởi nhu cầu cải tổ tư duy không thể trì hoãn trong một nước Đức lạc hậu giữa châu Âu phát triển bùng nổ. Sự thôi thúc đó cũng biến thành lợi thế, và dù muốn hay không, cách mạng trên lĩnh vực lý trí cần được thực hiện. Trong lôgích nội tại của ý thức, tinh thần, cách mạng cũng có nghĩa là phế bỏ những cách tiếp cận không còn phù hợp với các biến đổi của thực tiễn. Các triết gia Đức đã thực hiện nó, với người mở đầu là Kant.

Phép biện chứng của triết học duy tâm Đức có thêm nguồn tiếp sức quan trong là khoa học tự nhiên. Tác động của khoa học tự nhiên đến tư tưởng của các triết gia Đức thể hiện ở chỗ, thứ nhất, nhờ các chất liệu sống do khoa học tự nhiên đem lại mà triết học Đức mở rộng hơn đối tượng nghiên cứu của mình so với triết học thế kỷ XVII - XVIII; thứ hai, xu thế phát triển của khoa học góp phần đẩy chủ nghĩa máy móc và phương pháp tư duy siêu hình đến chỗ sụp đổ. Quá trình thay thế phương pháp tư duy siêu hình bằng phương pháp tư duy biện chứng không giới hạn trong triết học tự nhiên và lý luận nhận thức, mà phần nào phổ biến sang quan niệm về xã hội, ít nhất là khai thông con đường cho sáng tạo cá nhân, đơn giản hóa quan hệ xã hội, khẳng định nhà nước lý tính, mối quan hệ biện chứng giữa tất yếu và tự do, tính quyết định của các nhân tố kinh tế đối tiến bộ xã hội. Chẳng hạn Hegel trong Hiện tượng luận tinh thần đã trình bày mối quan hệ ông chủ - nô lệ như điểm nút của phần tự ý thức, qua đó ngụ ý về cuộc đấu tranh của con người vì phẩm giá, vì tự do. Tư tưởng chủ đạo trong phần duy tâm điển hình này [xem xét sự vận động từ ý thức đến sự tự ý thức] là: chỉ trong hoạt động lao động, hoạt động sáng tạo ra của cải vật chất, con người mới ý thức đầy đủ về phẩm giá của mình và sẵn sàng đấu tranh vì nó.

Từ những điều vừa nêu có thể thấy rằng không phải các nhà triết học cổ điển Đức, cũng như các nhà khai sáng trong văn chương, nghệ thuật như Lessing, Schiller, Beethoven, Goethe, lợi dụng khoa học để tuyên truyền cho chủ nghĩa duy tâm, tôn giáo, mà ngược lại, sự sùng bái lý trí, sùng bái sức mạnh sáng tạo tinh thần đã khiến họ tuyệt đối hóa nhân tố này của tiến bộ lịch sử, đưa đến chủ nghĩa duy tâm xã hội. Hegel thậm chí xem tôn giáo như một nấc thang đặc thù của phản tỉnh ý thức. Bên cạnh đó sự am hiểu về khoa học ở một số nhà triết học như Kant, Fichte, Schelling, Hegel đã củng cố thêm cách hiểu truyền thống về tính thống nhất của tri thức, vốn bắt đầu từ thời cổ đại và trở nên phổ biến vào thế kỷ XVII - XVIII. Hệ thống Hegel là một trong những nỗ lực cuối cùng biến triết học thành tri thức phổ quát, bao trùm, giải quyết thay về mặt lý luận các vấn đề của khoa học chuyên biệt, cụ thể.

Trên bản đồ Tây Âu từ nửa sau thế kỷ XVIII xuất hiện ba cường quốc với ba thế mạnh rõ rệt: nước Anh sau các biến cố lịch sử đang vững bước trên con đường phát triển tư bản chủ nghĩa, đó cũng là nơi phát triển khoa kinh tế chính trị học, với hai tên tuổi lớn là A. Smith và D. Ricardo; nước Pháp sục sôi các cuộc vận động chính trị - xã hội, là nơi ghi dấu những chuyển biến mang ý nghĩa toàn nhân loại, nơi phát triển mạnh các học thuyết và các trào lưu chính trị lơn, trong số đó nổi bật các nhà lý luận của chủ nghĩa cộng sản không tưởng hàng đầu như C. Saint - Simon, F. M. Fourier; nước Đức, trung tâm tri thức của châu Âu, nơi diễn ra cuộc cách mạng trên lĩnh vực lý trí, với các đại diện của triết học cổ điển Đức, từ Kant đến Hegel và Feuerbach. Ba thế mạnh ấy cũng là ba nguồn gốc lý luận của chủ nghĩa Marx.

Video liên quan

Chủ Đề