Tổ tiên của người Việt Nam là ai

Tác giả bài viết: Tiến sĩ  LÊ ĐỨC HẠNH

     Thờ cúng tổ tiên là một đề tài được nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước chú ý nghiên cứu vì tính phổ biến và tầm quan trọng của nó trong tâm thức tín ngưỡng, tôn giáo của các tộc người trên đất nước. Thờ cúng tổ tiên có tính lịch sử và đã là một hiện tượng đáng chú ý ở nước ta từ sau những thập niên 80 của thế kỷ XX, với việc xây dựng lại đình, đền, nhà thờ họ, việc tu sửa lăng mộ, tìm người mất tích, viết gia phả, địa chí… Vấn đề này đã được đề cập, tìm hiểu trên nhiều khía cạnh khác nhau, như nghi lễ cúng tế trong ma chay, giỗ chạp, niềm tin vào linh hồn, văn khấn trong nghi lễ, thứ tự hành lễ,… Đây là một đề tài rộng – hẹp tuỳ theo cách tiếp cận của mỗi người ở mỗi lĩnh vực khác nhau. Thờ cúng tổ tiên đã được xác tín là lẽ tự nhiên trong đạo hiếu của người Việt Nam nói riêng, của nhiều dân tộc khác trên thế giới nói chung. Trong các chuyên luận, các thuật ngữ được đưa ra để “mổ xẻ” tranh luận sôi nổi. Từ việc tranh luận thuật ngữ “thờ” đến thuật ngữ “cúng” và cả thuật ngữ “tổ tiên” nữa. Khi hiểu tổ tiên là những người đã khuất, nếu chỉ đơn thuần là những người thân trong dòng họ, gia đình, việc thờ cúng có sự khác nhau giữa những nhóm tộc người. Khi hiểu tổ tiên là những người đã mất, bao gồm cả những người ngoài dòng tộc, như những người có công với làng, với nước, thì việc thờ cúng cũng có sự khác nhau. Mỗi tộc người, mỗi nhóm tôn giáo có những quan niệm và cách thờ cúng hay tôn kính với người đã khuất theo tư duy và quan niệm của riêng mình. Do vậy, vấn đề là rất phong phú, đa dạng.

1- Nguồn gốc của việc thờ cúng tổ tiên

     1.1- Nhiều ý kiến khoa học đồng ý với quan điểm: khi xuất hiện xã hội loài người thì xuất hiện tín ngưỡng, tôn giáo, mặc dù các hình thức tín ngưỡng, tôn giáo đó còn dưới dạng thô sơ. Trong lịch sử, người ta thấy xuất hiện tín ngưỡng Tô tem giáo gắn liền với tổ chức thị tộc. Mỗi tổ chức thị tộc có những hình thức thờ cúng riêng, với các tập tục thờ cúng vật thiêng được coi là tổ tiên của thị tộc đó. Nhiều thị tộc kiêng không ăn vật tổ của thị tộc mình. Dần về sau, khi xã hội phát triển, nhận thức về thế giới quan và vũ trụ quan của con người đã có nhiều thay đổi, người ta coi sự chết không phải là hết mà là sự tiếp nối của một cuộc sống khác, ở một nơi khác. Chết chỉ là sự mất đi của thể xác, còn linh hồn vẫn tồn tại ở thế giới bên kia, ở đó linh hồn cũng cần những nhu cầu sinh hoạt như ở thế giới người sống. Do đó, xuất hiện việc chôn theo người chết các vật dụng sinh hoạt cá nhân như khi còn sống. Nhiều tư liệu khảo cổ học ở các nước trên thế giới và cả ở Việt Nam đã tìm thấy các công cụ lao động, đồ trang sức, các vật nuôi… trong các mộ táng. Thậm chí, những người có địa vị trong xã hội còn được “chia” những nô bộc, tùy tùng… theo về thế giới bên kia. Trong xã hội cận hiện đại, việc chôn theo đồ tùy táng đã giảm dần, và mất đi ở nhiều tộc người. Mặc dù một số tộc người vẫn còn tập tục chia đồ dùng sinh hoạt cho người chết, nhưng ngày nay tục chôn người sống theo để phục vụ người chết đã được bãi bỏ. Người ta cũng không chôn theo người chết những đồ dùng thật nữa, mà thay vào đó là việc đốt các vàng mã, với những mô hình về dụng cụ sản xuất, các đồ dùng sinh hoạt bằng giấy, như tiền, vàng…, và thậm chí cả hình nhân cho người chết. Rõ ràng, trong ý niệm của người sống luôn mong người chết vẫn được tiếp tục duy trì “sinh hoạt” của họ ở thế giới bên kia. Dần dần việc thờ cúng, tưởng nhớ trở thành một tín ngưỡng – tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.

     1.2- Xã hội Việt Nam, giống với một số nước láng giềng như Trung Quốc, với đặc trưng là sản xuất nông nghiệp với hai ngành chính là trồng lúa nước và chăn nuôi cũng là một trong những đặc điểm làm phát sinh tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Khi bước vào chế độ thị tộc phụ quyền, vai trò người đàn ông trở nên quan trọng trong hoạt động kinh tế, trong mọi sinh hoạt gia đình. Người đàn ông đảm đương các công việc nặng nhọc, như săn bắn, trồng trọt để mang lại những thu nhập về vật chất duy trì sự tồn tại của gia đình. Người vợ và con cái dần phụ thuộc vào quyền lực của người đàn ông. Các dòng họ được hình thành từ những người con mang dòng họ cha. Những người con này, đặc biệt là con trai, lại kế tiếp ý thức về quyền lực của đàn ông trong gia đình mình. Người ta cũng cho rằng, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được xác lập theo dòng họ cha bắt đầu từ đấy. Khi bước vào chế độ quân chủ chuyên chế, trong nông nghiệp, thủ công gia đình, vai trò người đàn ông vẫn là chính, cộng thêm việc phu phen tạp dịch, lính tráng, người đàn ông, người cha vẫn giữ vai trò chủ đạo, vì thế quyền gia trưởng vẫn thuộc về người đàn ông. Hơn nữa, việc tiếp thu tư tưởng Nho giáo từ Trung Hoa đã có phần tác động đến tư tưởng người dân Việt trong việc đề cao chữ hiếu, nghĩa. Tư tưởng cơ bản của Nho giáo là rất mực tôn quân, đề cao chế độ quân chủ quan liêu tập quyền. Nho giáo đề cao gia đình “quyền huynh thế phụ”, người con trai cả kế nghiệp vua/cha, thừa kế tài sản, thờ cúng tổ tiên. Nho giáo, với quan niệm: trung với vua, hiếu với cha mẹ là cùng một gốc. Chữ hiếu được đề cao từ trong gia đình đến xã hội, với ý nghĩa con cái mang ơn công sinh thành, giáo dưỡng của cha mẹ. Với ý nghĩa sinh thành, giáo dưỡng, người con có nghĩa vụ báo đáp công sinh thành giáo dưỡng đó bằng hình thức phụng dưỡng cha mẹ khi còn sống và thờ [cúng] cha mẹ khi họ qua đời. Cứ như thế, đời này qua đời khác, con cái đối với cha mẹ, tiếp tục kế nhau thành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.

     Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên không chỉ ở Việt Nam, mà còn xuất hiện ở một số vùng xung quanh Việt Nam, như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản,… nhưng với những “nguyên lý” khác nhau, những cách kết hợp khác nhau. Đáng chú ý là ở đạo Bà la môn và Ấn Độ giáo, dân gian có những tục thờ cúng tổ tiên có thể coi phần nào giống với sự thờ cúng tổ tiên của người Việt. Ở đạo Bà la môn, thờ cúng tổ tiên cốt để người chết lên trời, trở thành bất tử. Người chết đứng trước hai khả năng: hoặc là lên trời, tới mặt trời để sống trên đó, hoặc là lên mặt trăng để rồi trở về mặt đất. Trong Ấn Độ giáo, tục thờ cúng tổ tiên trong dân gian được đẩy xa hơn. Một tín đồ Ấn Độ giáo bao giờ cũng nghĩ rằng mình sẽ lên trời chứ không phải xuống địa ngục. Khi chết đi, sẽ có một sự phán xét của Yama, người chết phải được con cháu nuôi và thờ cúng thì mới qua khỏi sự phán xét này. Những nghi lễ có liên quan tới người chết, là những nghi lễ quan trọng nhất của tín ngưỡng nông dân1. Thờ cúng để người chết được lên trời, đó là nguyên lý thờ cúng tổ tiên ở các tôn giáo Ấn Độ này. Ở Nhật Bản, thờ cúng tổ tiên cũng có sự khác biệt, nhưng cũng có nguồn gốc du nhập từ Trung Quốc. Ở Việt Nam, thờ cúng tổ tiên có phần được sáng tạo một cách độc lập, dần về sau vấn đề này được thể chế hóa, được quy định cả về mặt pháp luật. Có thể thấy, việc thờ cúng tổ tiên được ghi rõ qua điều 399, 400 của Quốc triều hình luật [được soạn thảo và ban hành vào thời Lê Thánh Tông, nửa đầu thế kỷ XV]2. Trong đó, quy định rất chặt chẽ về luật hương hỏa là ruộng đất được truyền từ đời này sang đời khác, dành để thờ cúng tổ tiên. Ruộng hương hỏa rất được coi trọng, cấm phân chia trái phép, dù con cháu nghèo khó cũng không được đem bán, nếu bán ghép vào tội bất hiếu. Nếu người trong họ mua ruộng đất ấy, thì mất số tiền mua, người ngoài mà mua thì phải cho chuộc, người mua không được cố giữ. Ở điều 400 còn quy định, nếu không có con trai, thì con gái có quyền thờ cúng tổ tiên. Như vậy, thờ cúng tổ tiên đã dần dần trở thành một tập tục lớn, không thể thiếu trong đời sống tinh thần và văn hóa của người Việt.

     1.3- Trong lịch sử dân tộc, vai trò của làng/xã rất ổn định. Nhiều quy định của chính quyền trung ương cũng khó có tác dụng tới làng xã. Bởi vậy mới có hiện tượng “phép vua thua lệ làng”. Trong tâm thức người Việt, khó có thể tách gia đình, làng xóm và quốc gia. Người Việt luôn tâm niệm rằng: đất nước còn, gia đình, bản thân mới còn. Do vậy, hiểu thờ cúng tổ tiên ở người Việt không chỉ theo nghĩa hẹp là thờ ông bà, cha mẹ trong gia đình, mà cần hiểu theo nghĩa rộng, là thờ cả những người có công với cộng đồng làng xã, đất nước. Người ta có thể thấy một trong những đặc điểm của xã hội phương Đông là việc suy tôn một cá nhân làm người đại diện tối cao của toàn thể cộng đồng quốc gia. Một đặc điểm nổi bật khác ở xã hội Việt Nam nói riêng, một số nước châu Á nói chung là tục thờ trời. Nhiều khi người cầm đầu ở địa phương là đại diện của vua – thần, được coi là đầu thai xuống trần để cai trị thiên hạ. Đó là sự kế thừa khái niệm về một vị thần bộ lạc mạnh nhất, chinh phục các vị thần của các bộ lạc yếu kém hơn để trở thành vị thần đỡ đầu dân tộc và cộng đồng. Thông thường, người đứng đầu cộng đồng, ông vua – thần, tuy xuất thân là người thường, nhưng lại được huyền thoại hóa để xem là dòng dõi của thần linh, qua một cuộc sinh nở thần kỳ: sao sa vào bụng mẹ, chân ướm vào vết đá lạ, hay qua một giấc mộng sinh chúa… Sự nhất thể hóa cá nhân nhà vua với thần của cộng đồng là một đặc điểm ở các xã hội phương Đông, cho dù chịu ảnh hưởng của đạo Khổng hay không. Sự hưng thịnh hay suy vong của cộng đồng, đồng thời là sự hưng thịnh hay suy vong của các ông vua thần. Do đấy, người ta thấy ở Việt Nam, dười thời quân chủ chuyên chế, hằng năm, trên một mảnh đất thiêng, nơi được coi là trung tâm của đất nước, nơi giao lưu giữa trời và trần gian bằng một sợi dây vô hình, nhà vua đích thân làm chủ lễ. Nhà vua phải tự cày luống đất tượng trưng đầu tiên, mở đầu cho một mùa sản xuất. Đặc điểm nổi bật với tục thờ trời ở Việt Nam được thể hiện đậm nét tại lễ hội thờ vua Hùng – người có công dựng nước. Người Việt Nam từ dân gian đến các quý tộc [mà chính quyền trung ương là đại biểu] đều coi vua Hùng là tổ tiên của mình3.

     Vậy thờ Hùng Vương có từ khi nào?

     Khi nghiên cứu về tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt, nhiều người đồng ý với quan điểm: ở người Việt thờ cúng tổ tiên gia đình, dòng họ gắn quyện với tổ tiên cả nước. Đó chính là nét đặc thù của sự thờ cúng tổ tiên. Nhưng với người Việt lại ít thấy gắn việc tưởng nhớ và cúng tế tổ tiên đầu tiên của mình với tục thờ Hùng Vương.

     Một trong những đặc điểm của lịch sử Việt Nam là chiến tranh liên miên với những cuộc xâm lược của nước ngoài. Thời kỳ hơn 1000 năm Bắc thuộc đã hun đúc cho người Việt ý thức về nền độc lập của mình, ý thức về nguồn gốc, về tổ tiên riêng của mình. Đến thế kỷ XIV – XV nguồn gốc người Việt được nhắc tới trong “Truyện họ Hồng Bàng”4. Các vua Hùng dần được coi là tổ tiên chung của người Việt.

     Qua các tư liệu lịch sử cho thấy, đến năm 1285, khi vua Trần sắc phong các vị thần trên lãnh thổ Đại Việt, không thấy nói tới Hùng Vương. Người ta cho rằng, đến gần cuối thế kỷ XII, truyện Hùng Vương vẫn chưa nảy nở, hay ít ra chưa phát triển trên đất Việt. Những truyện tích về Hùng Vương, nếu có, vẫn nằm trong dân gian mà chưa được “chính thống hóa”. Phải đến nửa sau thế kỷ XIV, các truyện tích Hùng Vương mới hội tụ trong sách vở như một hệ thống hoàn chỉnh, đủ cơ sở để sau đó đưa vào sử sách [phần Ngoại kỷ – Đại Việt sử ký toàn thư].

     Lê Thánh Tông ngay khi lên ngôi đã xác nhận quyền tự chủ của mình qua việc sử dụng quyền tế Giao như các vua Trung Hoa. Điểm quan trọng nhất trong tế Giao là việc thờ cúng các ông vua lập nước. Vậy là Lê Thánh Tông cho lập Ngọc phả Hùng Vương vào năm 1470. Từ đó, có thể từ chỗ là vị thần địa phương trong ký ức dân gian, Hùng Vương được chính thống hóa thành tổ tiên của người Việt, làm nền tảng tinh thần cho ý thức tự chủ, cho quyền uy sức mạnh của nhà vua trên đất Việt5.

     Như vậy, ý thức về tổ tiên của người Việt thực ra phải trải qua một thời gian rất dài, tới cuối thế kỷ XV mới được chính thức hóa qua việc thờ cúng các vua Hùng. Trải qua thời gian, trong tâm thức của người Việt, việc thờ cúng tổ tiên cả nước, qua thờ các vua Hùng, đã in sâu, đậm nét, đã song hành cùng thờ cúng tổ tiên của từng gia tộc, từng gia đình. Cả hai quyện chặt vào nhau, không những không tách rời mà lại nương tựa nhau để cùng phát triển.

2- Cơ sở của tục thờ cúng tổ tiên ở người Việt

     Thờ cúng tổ tiên là một tín ngưỡng lâu đời của người Việt Nam, nó đã thực sự ăn sâu trong đời sống xã hội và tâm thức dân tộc. Tục thờ cúng tổ tiên của dân tộc Việt Nam đã thực sự là một nét đẹp văn hoá của những con người thiên về “trọng tình” hơn “trọng lý”, nó ngày càng được củng cố, mở rộng thêm dù cho có bị ảnh hưởng các nền văn hoá Đông, Tây du nhập vào. Người Việt xưa nay sống trong môi trường làng – làng huyết tộc – là một cơ cấu tổ chức lâu đời và đặc thù của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. “Văn hoá Việt Nam xét về bản chất là một nền văn hoá xóm làng”6. Làng Việt Nam, từ lâu đã là nơi sinh ra và bảo lưu văn hoá làng – văn hoá dân tộc. Cho đến nay, văn hoá làng vẫn tồn tại với sự ngưng kết khá đậm đặc trong lối sống, phong tục tập quán, tín ngưỡng, văn hoá dân gian… Làng Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong việc gắn kết những con người với nhau một cách chặt chẽ, bền bỉ và lâu dài trong quá trình hình thành và phát triển. Ban đầu, làng được xây dựng trên nền móng của quan hệ huyết thống, rồi được mở rộng thêm ra nhiều dòng họ. Làng cũng lớn dần trong sự phát triển của từng dòng họ. Và, thờ cúng tổ tiên đóng một vai trò không nhỏ trong việc duy trì môi trường liên kết gia tộc và môi trường làng.

     Người Việt quan niệm rằng, con người có hồn và xác, xác thì có chết nhưng hồn thì tồn tại mãi, mà hồn mới là yếu tố cao quý của một con người. Hồn và xác liên kết nhau tạo nên sinh vật hoạt động được. Linh hồn chỉ thoát ra khỏi thể xác khi thực sự đã chết7. Người Việt quan niệm, con người sau khi chết còn có một cuộc sống nơi suối vàng giống như cuộc sống nơi trần thế, với những nhu cầu tất yếu, như ăn, mặc, chi tiêu và cả tích luỹ phòng khi bất trắc. Do vậy, những người thân cần cúng giỗ để tổ tiên không bị thiếu thốn nơi chín suối. Người Việt cho rằng, “chín suối” là nơi sinh tồn của linh hồn tổ tiên sau khi thác, giống như cõi Niết bàn trong quan niệm của Phật giáo, nơi Thiên đàng của Công giáo.

     Với quan niệm như vậy, người Việt coi việc cúng giỗ là thực hiện “đạo hiếu” và họ không bao giờ bỏ cúng giỗ ông bà, cha mẹ, cúng giỗ tổ tiên của mình. Việc cúng giỗ là biểu hiện mối dây liên kết mật thiết giữa tổ tiên – những người đã khuất, với con cháu – những người còn sống. Hay chính là biểu hiện mối quan hệ giữa hai thế giới của người sống và người đã thác. Mặt khác, thờ cúng tổ tiên chính là việc con cháu thể hiện sự biết ơn của mình đối với công giáo dưỡng của các kiếp đời bề trên. Chính vì vậy, việc cúng giỗ càng chu toàn bao nhiêu thì lòng con cháu càng an tâm, thanh thản bấy nhiêu. Từ lòng tôn kính, sự mong muốn báo đáp với tổ tiên, con cháu tìm cách báo hiếu bằng việc cúng giỗ, thắp hương tưởng niệm, cẩn báo với tổ tiên mỗi dịp lễ tết, mỗi khi có việc trọng đại, như hôn nhân hay tang lễ… Đây cũng là những dịp người lớn muốn nhắc nhở cho con cháu về cội nguồn của dòng họ và ghi nhớ công lao của tiên tổ. Trong các cuộc điều tra về tôn giáo của Viện Nghiên cứu Tôn giáo, tiến hành từ 1995 đến nay, thì người Việt thực hiện việc thờ cúng tổ tiên chiếm tỷ lệ trung bình là 98%8.

     Thờ cúng tổ tiên mang tính chất phổ quát nhưng đồng thời cũng mang tính khu biệt trong các hình thức thể hiện với từng nhóm xã hội – tôn giáo cụ thể. Chính những đặc tính khu biệt này đã tạo nên sự phong phú, đa dạng của việc thờ cúng tổ tiên. Điểm đầu tiên tạo nên sự khu biệt đặc thù ở các tôn giáo và các nhóm xã hội là quan niệm về hồn và nơi ở của hồn sau khi chết. Người vô thần thì không tin có linh hồn và cuộc sống sau khi chết, họ quan niệm “chết là hết”. Người Phật tử thì quan niệm đời sống con người gắn chặt với kiếp. Sau khi chết nếu hồn chưa thoát được nghiệp chướng sẽ vẫn còn bị vướng vào vòng luân hồi để quay trở lại một kiếp nào đó tương xứng với những gì mình đã làm trong kiếp trước. Do vậy, Phật giáo chủ trương không sát sinh vì có thể động vật ấy là một sinh linh đầu thai từ kiếp trước. Với quan niệm này, việc báo hiếu tổ tiên được thực hiện bằng những nghi lễ cầu siêu theo phương thức nhà Phật, nhà có tang ma sẽ mời sư thầy đến tụng kinh cho người chết mau siêu độ; đến ngày lễ Vu lan, con cháu đến chùa dâng lễ cúng Phật cầu cho cha mẹ. Lễ Vu lan theo quan niệm Phật giáo là ngày Phật đại xá, những việc lành con cháu làm trong ngày này thì cha mẹ được hưởng phúc.

     Mối quan hệ qua lại giữa người sống với các bậc tổ tiên chính là cơ sở niềm tin của sự chuyển giao công trạng. Người sống thờ kính những người đã khuất để bày tỏ lòng biết ơn của mình với họ, vì những gì họ đã làm cho con cháu khi còn sống và cả những điều họ sẽ chia sẻ, chở che cho con cháu sau khi chết. Kết quả điều tra xã hội học của Viện Nghiên cứu Tôn giáo cho thấy mục đích của việc thờ kính tổ tiên là để tỏ lòng biết ơn với tổ tiên chiếm 90,5%9.

     Cho dù quan niệm như thế nào, thì việc giỗ chạp trước hết là một cách thức để báo hiếu tổ tiên. Dù muốn dù không, mỗi người đều phải thừa nhận những gì mà chúng ta đang thừa hưởng là do tổ tiên để lại.

     Việc thờ cúng tổ tiên giữ vai trò thắt chặt những mối liên hệ trong gia đình, dòng họ, làm cho những mối liên hệ ấy ngày càng bền vững hơn qua những nghi lễ cúng giỗ tổ tiên, vì mỗi khi nhớ về cội nguồn tiên tổ, người ta cảm thấy tự tin hơn trong cuộc sống. Mặt khác, khi nhớ đến tổ tiên cũng là nhớ đến những gương sáng mà tiền nhân để lại, nhớ đến những giá trị truyền thống của cha ông. Tuy nhiên, dù quan niệm về tổ tiên ở các nhóm xã hội có thể khác nhau, dẫn đến những hình thức khác nhau qua việc thờ kính/thờ cúng hay tôn kính tổ tiên, thì về cơ bản các nhóm xã hội vẫn có điểm giống nhau trên cơ sở kính trọng, hiếu lễ với tổ tiên. Thờ cúng tổ tiên nghiễm nhiên trở thành một tập quán không thể thiếu được của người Việt Nam, nó trở thành đặc điểm văn hoá Việt Nam. Điều đặc biệt chú trọng trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt là đạo hiếu được người Việt cố định ở một chiều sâu tâm thức không phai nhạt. Ở người Việt, sự khẳng định con người cá nhân không hề đoạn tuyệt với dòng giống, dù trên phạm vi cả dân tộc hay ở phạm vi gia đình. Trong khi hướng về tương lai, người Việt không quên quá khứ. Chỉ xét riêng về mặt đạo lý cũng thấy được thờ cúng tổ tiên của người Việt là một cái gì máu mủ, cho dù môi trường xã hội có thay đổi. Có thể khẳng định rằng, thờ cúng tổ tiên trên nền của đạo hiếu đã và đang làm cho nó trở thành một nét sâu đậm trong đời sống tâm linh người Việt./.

     Chú thích:

     1- Theo Nguyễn Vinh Phúc, Nguyễn Duy Hinh, Thần tích Hà Nội và tín ngưỡng thị dân, Nxb. H, Tr. 99 – 134.

     2- Viện Sử học, Quốc triều hình luật, điều 399, 400, Nxb. Pháp lý, 1991.

     3- Đặng Nghiêm Vạn, Dân tộc, văn hóa, tôn giáo, Nxb. Khoa học xã hội, H, 2001, Tr. 886 – 906.

     4- Truyện họ Hồng Bàng được sách Lĩnh Nam chích quái ghi lại. Đây là một trong những sách đầu tiên ghi lại các chuyện dã sử dân gian, do những bậc tài cao học rộng thời Trần soạn thảo và đến đời nhà Lê thì được nhuận sắc.

     5- Dẫn theo Nguyễn Kiến Giang “Thờ cúng tổ tiên trong đời sống tâm linh người Việt”, Tạp chí Xưa và Nay, số 23, tháng 1/1996, Tr. 17.

     6- Trần Quốc Vượng, Văn hoá Việt Nam – Tìm tòi và suy ngẫm, Nxb. Văn hóa Thông tin, 2003, Tr. 18

     7- Về vấn đề liên quan đến hồn và xác xem thêm Chương V trong “Những bí ẩn sau cõi chết”, tác giả Đoàn Văn Thông, Nguồn sống xuất bản năm 1994, các Chương III, V và VIII.

     8- Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Kết qủa điều tra xã hội học tôn giáo năm 1995, 1998, 2001, 2003, 2005, 2007 – Tư liệu Viện Nghiên cứu Tôn giáo.

     9- Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Kết qủa điều tra xã hội học tôn giáo năm 1995, 1998, 2001, 2003, 2005, 2007 – Tư liệu Viện Nghiên cứu Tôn giáo [Cuộc điều tra tiến hành tại Hà Nội, Hà Tây, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Huế, thành phố Hồ Chí Minh].

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1- Đào Duy Anh, Việt Nam văn hoá sử cương, Nxb. Hội Nhà văn, H, 2000.

2- Toan Ánh, Tín ngưỡng Việt Nam, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1990.

3- Toan Ánh, Tục thờ cúng trong gia đình Việt Nam, Nxb. Đồng Tháp, 1995.

4- Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nxb. Đồng Tháp, 1990.

5- Cadière, Về văn hoá và tín ngưỡng truyền thống người Việt, Nxb. Văn hoá Thông tin, H, 1997.

6- Nguyễn Kiến Giang, “Thờ cúng tổ tiên trong đời sống tâm linh người Việt”, Tạp chí Xưa và Nay, 1996.

7- Lê Văn Hưu…, Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học xã hội, 1993.

8- Nguyễn Vinh Phúc, Nguyễn Duy Hinh, Thần tích Hà Nội và tín ngưỡng thị dân, Nxb. H, 2004.

9- Đoàn Văn Thông, “Những bí ẩn sau cõi chết”, Sdd, Nguồn sống…, 1994.

10- Đặng Nghiêm Vạn [chủ biên], Về tôn giáo, tín ngưỡng Việt Nam hiện nay, Nxb. Khoa học xã hội, H, 1996.

11- Đặng Nghiêm Vạn, Dân tộc, văn hóa, tôn giáo, Nxb. Khoa học xã hội, H, 2001.

12- Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Kết quả điều tra xã hội học các năm 1995, 1998, 2003, 2005, 2007.

13- Viện Sử học, Quốc triều hình luật, Nxb. Pháp lý, H, 1991.

14- Trần Quốc Vượng, Văn hoá Việt Nam – Tìm tòi và suy ngẫm. Nxb. Khoa học xã hội, H, 2003.

Nguồn: Di sản văn hóa phi vật thể, Số 3 [44] – 2013

Thánh Địa Việt Nam Học
[//thanhdiavietnamhoc.com]

Video liên quan

Chủ Đề