Tín ngưỡng tôn giáo khác mê tín dị đoan như thế nào

Cần phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo và mê tín dị đoan trong sinh hoạt văn hóa hiện nay

Trong sinh hoạt đời sống văn hóa hiện nay một số bộ phận dân cư còn đang bị nhầm lẫn giữa tín ngưỡng, tôn giáo và mê tín dị đoan, Để phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo và mê tín dị đoan, chúng tôi xin giới thiệu những nét đặc trưng để phân biệt như sau:

Tín ngưỡng mang tính chất là niềm tin, là lối sống, là phong tục tập quán, tình cảm của con người qua nhiều thế hệ, niềm tin của con người vào tín ngưỡng như là một nhu cầu tinh thần tốt đẹp, tín ngưỡng mang tính chất bền vững trong đời sống tinh thần của xã hộiđó còn là những giá trị đạo đức, văn hoá với tinh thần nhân đạo, hướng thiện làm trong sáng hơn tâm hồn con người. Tôn giáo là một hiện tượng xã hội ra đời rất sớm trong lịch sử nhân loại và tồn tại phổ biến ở hầu hết các cộng đồng người trong lịch sử hàng ngàn năm qua; tôn giáo là sản phẩm của con người, gắn với những điều kiện tự nhiên và lịch sử cụ thể, nó chứa đựng một số giá trị phù hợp với đạo đức, đạo lý con người, có tác dụng điều chỉnh con người như khuyên làm điều tốt, điều thiện, điều có ích, răn bỏ điều ác. Mê tín dị đoan là niềm tin cuồng vọng của con người vào các thế lực siêu nhiên đến mức mê muội, có những hành vi cực đoan, thái quá, phản văn hoá, làm cho con người trở nên mù quáng, mất đi sức mạnh ý chí, tin vào số phận vào các thế lực thần bí, không có thật... hiện tượng này làm cho con người không phát triển được, rơi vào tình trạng trì trệ, mông muội với những hủ tục bảo thủ, lạc hậu

[Miếu Đồng Vệ- xã Đại Đồng]

Tín ngưỡng, tôn giáo và mê tín dị đoan có những điểm giống nhau như: Đều là niềm tin của con người vào những hiện tượng siêu nhiên, thần bí, hư ảo và không có thực. Tôn giáo và tín ngưỡng đều tin vào những điều mà mắt mình không nhìn rõ, tai mình không nghe thấy hình hài, giọng nói của đối tượng thờ cúng. Tôn giáo, tín ngưỡng đều có tác dụng điều chỉnh hành vi ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với xã hội, với cộng đồng, giải quyết tốt các mối quan hệ trên cơ sở giáo lý tôn giáo và các loại hình sinh hoạt tín ngưỡng. Những người có tôn giáo [Phật giáo, Thiên chúa giáo, đạo Tin lành,] và có sinh hoạt tín ngưỡng dân gian như: thờ cúng tổ tiên, thờ Thành hoàng, thờ Mẫu,đều tin vào những điều mà tôn giáo đó và các loại hình tín ngưỡng đó truyền dạy, mặc dù họ không hề được trông thấy Chúa Trời, đức Phật hay cụ kỵ tổ tiên hiện hình và cũng không được nghe giọng nói của các đấng linh thiêng đó. Trong xã hội hiện nay vẫn còn những hiện tượng tự nhiên, xã hội và của con người mà khoa học chưa lý giải được, do đó, trước những sức mạnh tự phát của giới tự nhiên và xã hội mà con người vẫn chưa thể nhận thức và chế ngự được đã khiến cho một bộ phận đi tìm sự an ủi, che chở và lý giải chúng từ sức mạnh của thần bí.

[Lễ hội đền Ngòi xã Lũng Hòa]

Bên cạnh đó, trong xã hội còn có sự cách biệt khá lớn về đời sống vật chất, tinh thần giữa các nhóm dân cư. Cho nên, những yếu tố may rủi, ngẫu nhiên vẫn tác động mạnh mẽ đến con người, làm cho con người dễ trở nên thụ động với tư tưởng nhờ cậy, trông chờ, ỷ lại và cầu mong vào những lực lượng siêu nhiên, chính vì thế mà con người luôn có niềm tin vào các lực lượng siêu nhiên này để giải toả những bất trắc trong cuộc sống.

Những điểm khác nhau của tín ngưỡng, tôn giáo và mê tín dị đoan: Về tín ngưỡng, tôn giáo nó mang tính chất là niềm tin, là lối sống, là phong tục tập quán và tình cảm của con người. Hiện nay, tín ngưỡng đó được thể hiện qua một số nét phong tục lưu truyền bao đời nay đó là tục thờ cúng tổ tiên, giỗ chạp, thờ thành hoàng, thờ mẫuở trong mỗi gia đình người Việt đều lập một bàn thờ, thờ cúng tổ tiên, thờ cúng những người thân đã khuất để thể hiện sự hiếu lễ với người đã khuất, sự biết ơn của con cháu với tổ tiên, nhằm giáo dục các giá trị truyền thống gia phong của mỗi gia đình. Ngoài ra, vào các ngày rằm, mùng một nhiều người còn đến đền, chùa, đình, miếu để cầu phúc, cầu bình an cho bản thân và gia đình, nó thể hiện nét đẹp trong sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của cộng đồng.Xét về mục đích, nếu sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo có mục đích là thể hiện nhu cầu của đời sống tinh thần, đời sống tâm linh, thì ngược lại người hoạt động mê tín dị đoan lợi dụng vào tôn giáo, tín ngưỡng và các đối tượng mê muội, mất niềm tin vào chính họ và cuộc sống của họ để nhằm mục đích kiếm tiền, đem lại thu nhập cho gia đình và bản thân họ là chính. Nếu sinh hoạt tín ngưỡng có cơ sở thờ tự riêng như: chùa, đình, từ đường, miếu,, thì những người hoạt động mê tín dị đoan thường phải lợi dụng một không gian nào đó của những cơ sở thờ tự để hành nghề hoặc hành nghề tại gia đình của họ. Những người có sinh hoạt tín ngưỡng thường sinh hoạt định kỳ tại cơ sở thờ tự [vào các ngày mùng một, ngày rằm hàng tháng tại đình, chùa, đền miếu, ngày giỗ tổ tiên, ông bà, bố mẹ,người thân đã khuất] thì những người hoạt động mê tín dị đoan thường hoạt động không có định kỳ, vì người đi xem bói chỉ gặp thầy bói khi có những việc bất thường xảy ra như: mất của, sinh con đẻ cái, chết, ốm đau, hỏa hoạn, tai nạn và bế tắc trong cuộc sống,.. Nếu sinh hoạt tín ngưỡng được pháp luật cho phép, được xã hội thừa nhận tạo điều kiện cho thực hành, thì hoạt động mê tín dị đoan bị xã hội lên án, phê phán, bài trừ.


[Đình Phúc Lập ngoài xã Tam Phúc]

Mối quan hệ giữa tôn giáo, tín ngưỡng và mê tín dị đoan: Tín ngưỡng với mê tín dị đoan có một số điểm khác biệt nhưng cũng có một số điểm tương đồng. Chính từ những điểm tương đồng này khiến chúng có mối quan hệ với nhau, mối quan hệ này thể hiện: Các nhà truyền giáo của các tôn giáo phải dựa vào tín ngưỡng bản địa để truyền bá và thực hành vào trong giáo hội, tôn giáo của mình. Về phía cộng đồng có đời sống tín ngưỡng cũng học hỏi được một số điểm phù hợp của một số tôn giáo về nghi thức hành lễ, về phẩm phục, về cách bài trí nơi thờ tự,..; đối với hoạt động mê tín dị đoan, do không có cơ sở thờ tự chính thức, những người hành nghề đã mượn cơ sở thờ tự của tôn giáo và cơ sở thờ tự của tín ngưỡng dân gian để hành nghề. Cũng do hành nghề tại các cơ sở thờ tự tôn giáo và tín ngưỡng dân gian mà trong một mức độ nào đó, độ tin cậy của những người mê tín dị đoan có thể được nâng cao; một số tôn giáo và tín ngưỡng dân gian [tín ngưỡng thờ Mẫu, tín ngưỡng thờ Thành hoàng] dựa vào sự thiếu hiểu biết của một bộ phận dân cư đã sử dụng một số thủ thuật của mê tín dị đoan để tăng thêm sự thần bí của một số lễ thức ngoài tôn giáo và tín ngưỡng như: xin âm dương, rút thẻ, bói quẻmà tôn giáo, tín ngưỡng nào đó đã vay mượn.

Tóm lại, tôn giáo, tín ngưỡng và mê tín dị đoan có những điểm giống và khác nhau, chúng có mối quan hệ qua lại với nhau, mối quan hệ này được tạo ra bởi những người trực tiếp hoạt động trên những lĩnh vực đó. Phân biệt được sự giống, khác nhau và mối quan hệ giữa chúng sẽ giúp chúng ta có cơ sở để góp phần phát huy mặt tích cực của tôn giáo, tín ngưỡng và khắc phục mặt tiêu cực của của chúng và bài trừ được mê tín dị đoan.

Để góp phần quản lý, hướng dẫn tổ chức hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng theo đúng quy định của pháp luật, đề nghị các cấp, các ngành tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu và thực hiện tốt Pháp lệnh tôn giáo, tín ngưỡng thực hiện quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo và tự do không tín ngưỡng tôn giáo.Vận động, hướng dẫn các tôn giáo thực hiện hành đạo theo đúng quy định của pháp luật, đoàn kết giữa các tôn giáo, phát huy những giá trị văn hóa đạo đức của tôn giáo phù hợp với giai đoạn mới theo phương châm sống Tốt đời, đẹp đạo, Sống phúc âm giữa lòng dân tộc và tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, nhân đạo.Bảo tồn, phát huy và trao truyền các giá trị truyền thống về văn hóa đạo đức, văn hóa ứng xử, lối sống lành mạnh, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Nâng cao trình độ dân trí và hướng dẫn sâu rộng trong nhân dân về sự khác nhau của tín ngưỡng, tôn giáo và mê tín dị đoan, tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, đẩy lùi và có những biện pháp xử phạt nghiêm minh với những đối tượng hành nghề mê tín dị đoan, tàng trữ mua bán các tài liệu liên quan đến hoạt động mê tín dị đoan. Ngành Công an và văn hóa thông tin cần phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành liên quan làm tốt công tác quản lý nhà nước để giảm thiểu các hoạt động mê tín dị đoan, ngoài ra ngành văn hóa thông tin cần có trách nhiệm xây dựng và hướng dẫn nhân dân những nghi thức phù hợp trong tôn giáo, tín ngưỡng.Nêu cao vai trò làm chủ và ý thức tự giác của nhân dân, đẩy mạnh phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng dân cư trong đó chú trọng bài trừ các tệ nạn mê tín dị đoan.

Lê Văn Thắng

Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin

Video liên quan

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề