Thực trạng kinh doanh quầy thuốc ở nông thôn

Nhiều ý kiến cho rằng kinh doanh nhà thuốc là một lĩnh vực khó khăn vì lời lãi chẳng bao nhiêu mà lại tất bật từ sáng tới tối muộn. Nhưng chỉ cần nắm được các vấn đề sau, việc kinh doanh nhà thuốc của sẽ diễn ra thuận lợi.

1.1 Mặt bằng và thiết kế:

Đây là yếu tố quan trọng cấu thành và quyết định sự tồn tại, phát triển của Quầy thuốc/Nhà thuốc.

Hầu như các Nhà thuốc sang nhượng lại mặt bằng thường khá là xấu, xập xệ. Thiết kế thường tối, thấp, khiến quầy thuốc luôn trong trạng thái tối tăm. Điều này khiến người tiêu dùng nhìn vào không mấy tin tưởng, không thu hút khách. Thêm nữa là vị trí Quầy thuốc nằm trong những nơi không phù hợp:

1.2 Vị trí Quầy thuốc/Nhà thuốc:

Vị trí Quầy thuốc/Nhà thuốc là khá quan trọng. Những vị trí dưới đây đặc biệt không nên chọn:

– Không mở Quầy thuốc/Nhà thuốc gần những Quầy thuốc/Nhà thuốc lâu năm, có doanh số ổn định, khách hàng thường xuyên nhiều.

– Không mở Quầy thuốc/Nhà thuốc gần bệnh viện nếu bạn có nguồn vốn thấp và không có quen biết.

– Không mở Quầy thuốc/Nhà thuốc ở những nơi tập trung ít dân số như vùng nông thôn ( đa số là dân bản địa, và khi họ trưởng thành họ sẽ đi đến thành phố lớn sinh sống ). Chúng ta hoàn toàn có thể mở Quầy thuốc/Nhà thuốc ở huyện, hoặc tuyến xã nhưng có đường lớn thông với các xã khác…

– Không mở Quầy thuốc/Nhà thuốc ở những tuyến đường có dãy phân cách, quốc lộ.

– Không mở Quầy thuốc/Nhà thuốc ở những tuyến đường một chiều.

Đó là những vấn đề chúng ta cần tránh.

Vậy chung quy lại vấn đề về mặt bằng và vị trí của Quầy thuốc/Nhà thuốc, chúng ta cần tránh những thứ tôi đã liệt kê phía trên.

Có nhiều bạn nói : Em mở Quầy thuốc/Nhà thuốc gần nhà , hoặc em có mặt bằng nhà không tốn tiền mặt bằng… 

Điều này chưa đúng! Khi kinh doanh chúng ta cần có bài toán rõ ràng về chi phí bỏ ra và lợi nhuận thu lại. Nếu cần, chúng ta phải sẵn sàng bỏ chi phí 5-15 triệu để thuê mặt bằng, lựa chọn vị trí tốt để kinh doanh ổn định. Chúng ta cần tăng thu, không phải giảm chi. Việc có mặt bằng nhà là hình thức không chi tiền, tuy nhiên doanh số lẹt đẹt thì đâu lại ra đó. Nhà thuốc cần phát triển doanh số và tăng khách hàng.

Còn việc có mặt bằng nhà, hoặc mở Nhà thuốc gần nhà ở những vùng nông thôn thì sao? Bán lai rai cho dân cư ở đó có thể đủ sống qua ngày, hoặc đôi khi không đủ trang trải chi phí.

Cần quản lý cái rủi ro về mặt bằng và vị trí Quầy thuốc/Nhà thuốc.

Vấn đề này thường gặp nhất ở những vùng tỉnh lẻ. Ngay cả thành phố vẫn có một số nơi gặp tình trạng này. Vai trò của dược sĩ nhà thuốc là cực kỳ quan trọng.

Vai trò bao gồm:

– Tư vấn bệnh, tư vấn dùng thuốc hợp lý, tư vấn khám chuyên khoa đối với những bệnh chúng ta không rõ.

– Điều trị các triệu chứng bệnh thường gặp tại Quầy thuốc/Nhà thuốc.

– Tư vấn các sản phẩm kèm theo để cải thiện bệnh. Để tư vấn các sản phẩm kèm theo, chúng ta cần hiểu vấn đề khách hàng đang gặp phải.

– Giải quyết khiếu nại từ phía khách hàng.

Vậy như đã thấy, chúng ta có quá nhiều vai trò bên trên. Một số Quầy thuốc/Nhà thuốc không vững chuyên môn nên khi đứng trước các triệu chứng bệnh thường sẽ không điều trị hợp lý, dẫn đến không hết triệu chứng. Trong vấn đề bán hàng, Quầy thuốc/Nhà thuốc thường sử dụng từ ngữ để bán được hàng hóa thay vì tư vấn đề khách hàng hiểu rằng khách hàng cần mua ( nhu cầu của họ ).

Tôi lấy ví dụ:

  1. Anh mua lọ này về để uống ngày 1-2 lần, uống trong 1-2 tháng sẽ bớt.
  2. Vấn đề anh đang gặp là khô khớp nên phát ra tiếng kêu, đau khớp khi vận động nhiều. Anh nên nghỉ ngơi khi khớp đau, tránh vận động nhiều. Nếu triệu chứng không bớt, a cần đi khám bác sĩ cho chắc. Ngoài ra có thể bổ sung thêm sản phẩm kèm, vì uống thuốc giảm đau hoài không tốt.

Đọc 2 tình huống trên, anh chị sẽ có nhận xét cho riêng mình.

Vấn đề hay gặp nữa khá quan trọng với các loại thuốc kháng sinh, dùng sai mục đích trị liệu dẫn đến không hết bệnh. Vấn đề này nhạy cảm, nên mình sẽ không nói nhiều đến.

Vấn đề tiếp theo là không giải quyết tốt khiếu nại từ khách hàng. Trong khâu giải quyết thì lúng túng, không tự tin, dẫn đến khách hàng mất lòng tin.

GIẢI PHÁP:

Người dược sĩ cần:

– Tự tin khi thực hành chuyên môn

– Có kiến thức vững, kỹ năng nhạy bén

– Lịch sự, thấu hiểu, chia sẻ.

– Xử lý tính huống tốt, không để khách hàng phàn nàn.

Nguồn: Hapupharma

Bộ Y tế vừa thí điểm mô hình quản lý bán thuốc lẻ tại 4 tỉnh thành trong cả nước. Đây được xem như giải pháp tối ưu để giải quyết những bất cập, như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói trong hội nghị ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý bán thuốc lẻ mới đây: Việt Nam là một trong những nước quản lý buôn bán thuốc lẻ lỏng lẻo bậc nhất thế giới. Đây cũng là tình trạng chung tại Quảng Nam: việc quản lý mua bán thuốc vẫn còn rất mơ hồ.

Thực trạng kinh doanh quầy thuốc ở nông thôn
Một số cơ sở bán thuốc và dịch vụ y tế ở đường Nguyễn Du, TP. Tam Kỳ.Ảnh: N.DƯƠNG

MA TRẬN CỦA THUỐC

Khi bị bệnh lặt vặt, người bệnh đa số chọn giải pháp tìm đến các quầy thuốc tây để nhờ tư vấn lẫn lấy thuốc trị bệnh. Từ đó nảy sinh tình trạng bán thuốc không cần đến toa (đơn thuốc của bác sĩ), uống thuốc kháng sinh không đủ liều; thuốc tăng liều lượng bất kỳ mà không quan tâm đến có chỉ định của các bác sĩ hay không...

Dược sĩ kiêm… bác sĩ

Một tình trạng chung hiện nay rất dễ nhận thấy là việc mua bán thuốc chủ yếu dựa theo cảm quan và nhu cầu của người mua. Thông thường, khi bị những bệnh lặt vặt như: cảm sốt, nhức đầu, ngay cả những bệnh kinh niên như khớp, tim mạch… thì nhiều người bệnh tìm đến các quầy thuốc để được tư vấn, thậm chí khám chữa bệnh thay cho cả bác sĩ. Thông qua các triệu chứng người bệnh kể, người bán thuốc dựa vào đó để chẩn đoán bệnh rồi tự ý bốc thuốc. “Những bệnh thông thường như cảm sốt, nhức đầu thì cũng chừng đó loại thuốc nên chúng tôi có thể bán theo từng triệu chứng của người bệnh. Ví dụ nhức đầu, kèm theo sổ mũi hay đau cổ họng thì chủ yếu là thuốc Panadol chuyên trị đau đầu, kèm theo đó là một số thuốc bổ trợ cho những chứng bệnh khác…” - chị N.T.H., chủ một quầy thuốc ở Tam Kỳ cho biết.

Theo quy định của Bộ Y tế, có những loại thuốc khi bán cần phải có chỉ định hoặc đơn thuốc, nghĩa là ngoài những loại thuốc đặc dụng, đặc trị thì các loại thuốc kháng sinh bắt buộc phải có đơn của bác sĩ. Tuy nhiên, việc này không được chấp hành nghiêm tại các quầy thuốc trên địa bàn. Trong gần 10 hiệu thuốc tây mà chúng tôi khảo sát, thì tất thảy đều bán thuốc mà không cần bất cứ một loại giấy tờ nào liên quan đến chỉ định của bác sĩ. Ngay cả những loại thuốc kháng sinh như penicillin, cephalexin, amoxicillin… đều được bán một cách thoải mái mà không có thắc mắc gì thêm. Khi đến những quầy thuốc tây này, chúng tôi nói triệu chứng bệnh của mình là bị viêm họng, ho có đờm và đề nghị bán cho một trong những loại kháng sinh này thì được nhân viên ở quầy thuốc M.A (TP.Tam Kỳ) lấy từ tủ thuốc “có kê đơn” một vỉ cephalexin 500mg với hướng dẫn: uống ngày 3 viên sau khi ăn. Hay khi chúng tôi đến một quầy thuốc tây ở đường Nguyễn Thái Học (TP.Tam Kỳ), sau khi nói với nhân viên bán thuốc ở đây các triệu chứng của viêm khớp cấp, chân bị sưng phù nề, có sốt nhẹ thì nhận được câu hỏi: “Đã đi khám bác sĩ chưa?”. Chúng tôi trả lời rằng đây là bệnh từ lâu, thuốc cũng chừng đó và đưa ra một loạt thuốc tự ghi trên mảnh giấy, nhân viên ở đây cũng chỉ nhìn vào đó để lấy thuốc kèm theo câu hỏi: “muốn uống trong mấy ngày?”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Đoan - Chuyên viên phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân (Sở Y tế), nếu muốn dùng thuốc kháng sinh thì phải có kháng sinh đồ, hoặc có chỉ định cụ thể của bác sĩ mới có thể bán thuốc. “Tuy nhiên, những quầy thuốc tư nhân hiện nay vẫn chưa chấp hành tốt điều này. Cái này cũng xuất phát từ nhu cầu của chính người dân đi mua thuốc. Họ vẫn chưa hiểu biết về việc uống thuốc thế nào cho đúng. Chỉ cần khỏi bệnh là chấp nhận” - ông Đoan cho hay.

Bán thuốc theo yêu cầu

Việc người dân chưa hiểu biết về việc dùng thuốc thế nào cho khoa học cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến cho việc mua bán thuốc lẻ hiện nay rất phức tạp. Chúng tôi đã không ít lần chứng kiến việc mua bán thuốc như thể đang mua một món hàng ở ngoài chợ. Rất dễ. Sau khi nói các chứng bệnh của mình (hoặc người thân của mình cần dùng thuốc), các nhân viên bán thuốc bao giờ cũng kèm theo câu hỏi: “lấy thuốc uống trong bao nhiêu ngày?”. Sau đó thì tùy theo nhu cầu của người mua mà bán thuốc.

Theo bác sĩ Nguyễn Đình Thoại - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Quảng Nam, việc dùng thuốc theo nhu cầu của người dân hiện nay rất nguy hiểm. “Thông thường, một liều kháng sinh cần phải dùng từ 5 - 7 ngày mới đủ liều lượng và đảm bảo không bị lờn thuốc (kháng thuốc). Tuy nhiên, nhiều người chỉ lấy 3 hay thậm chí 1 ngày uống. Cứ bớt bệnh là họ dừng dùng thuốc mà không hề biết rằng, dùng thuốc như thế sẽ dẫn đến kháng thuốc sau này, rất khó chữa bệnh vì bệnh nhân sẽ kháng với tất cả loại thuốc khác” - bác sĩ Thoại nói.

Ông Nguyễn Ngọc Đoan - Chuyên viên phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân (Sở Y tế) cho biết, hiện nay ở Việt Nam tỷ lệ kháng thuốc thuộc dạng cao so với các nước trên thế giới. Đây đều xuất phát từ thói quen dùng thuốc không đúng với chỉ định của bác sĩ, trong khi đó, những nhân viên bán thuốc lại chưa đủ trình độ để tư vấn cho người mua thuốc dùng sao cho hợp lý. “Thuốc kháng sinh thì để diệt chủng vi rút gram âm, gram dương. Tuy nhiên, vì không có kháng sinh đồ của bác sĩ nên người bán thuốc sẽ không biết được trong người bệnh đang có gram âm hay dương. Vì vậy, họ chọn một loại kháng sinh khác, cao hơn có thể diệt được cả hai loại này. Nên có những người từ dùng kháng sinh loại một thì chuyển qua dùng kháng sinh loại hai khi nào không hay. Chính vì vậy, tỷ lệ kháng thuốc sau này cũng cao hơn” - ông Đoan nói.

Khi trao đổi về vấn đề dùng thuốc với chúng tôi, bà Võ Hạ Th. (56 tuổi, trú xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh) cho biết, bà đang có mẹ già mắc bệnh mạn tính như: khớp, tim mạch… “Chúng tôi đưa bà cụ đi khám một lần, rồi cứ thế cầm toa thuốc cũ của các bác sĩ đã cho từ lần khám đó để mua thuốc. Thấy lần nào uống thuốc cũng có tác dụng nên cũng không đưa đi khám lại. Nói thật, cứ mỗi lần đau lại đưa lên bệnh viện làm đủ thứ xét nghiệm rồi mới lấy thuốc thì tốn thời gian, tiền bạc lắm, trong khi bệnh người già quanh đi quẩn lại cũng chừng đó thôi” - bà Th. nói.

Còn chị V.T.A. (chủ tiệm thuốc M.A TP.Tam Kỳ) cho rằng, nếu thực hiện đúng theo quy định, bán thuốc cần phải có đơn thuốc thì rất khó. “Thực lòng, chúng tôi cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều nếu người mua có cầm theo đơn của bác sĩ. Khi đó, chúng tôi sẽ đỡ phải chịu trách nhiệm với những loại thuốc mình bán ra mà không có kê đơn. Nhưng tâm lý của người dân mình là vậy, nhiều khi họ đến, nói rõ loại thuốc gì cần mua, uống bao nhiêu ngày thì mình cũng phải bán thôi” - chị A. tâm sự.

NGƯỜI DÂN CẦN TỰ BẢO VỆ MÌNH

Việc bán thuốc lẻ hiện nay được ví như một ma trận. Cả người tiêu dùng lẫn người bán thuốc bị cuốn vào vóng xoáy đó. Nhiều người biết là sẽ có nhiều tác hại nhưng vẫn cố tình bất chấp. Và để chấn chỉnh tình trạng này, xem ra phải mất rất nhiều thời gian.

Thực trạng kinh doanh quầy thuốc ở nông thôn
Việc quản lý bán thuốc lẻ hiện nay vẫn còn rất nhiều bất cập. Để quản lý, kiểm soát được vấn đề này đòi hỏi phải có sự vào cuộc của tất cả ban ngành liên quan.Ảnh: N.DƯƠNG

Hậu quả khó lường

Theo chị Nguyễn Thị Hòa (trú tại thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình), ngoài những khi con bị bệnh nặng thì mới đưa đến cơ sở y tế để khám chữa bệnh, còn lại đa số vẫn ra các quầy thuốc tây để tự mua thuốc. “Như ho, sổ mũi, cảm sốt nhẹ thì mình thường ra quầy thuốc tây, nói các triệu chứng của trẻ, thông báo độ tuổi, cân nặng bao nhiều rồi họ bán cho mình. Về dùng thấy bớt nên cũng không để ý lắm” - chị Hòa bộc bạch.

Theo bác sĩ Dương Ngọc Vinh - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, việc dùng thuốc kháng sinh tràn lan như hiện nay tiềm ẩn mối nguy hiểm rất cao. “Khi dùng kháng sinh không theo chỉ định của bác sĩ thì nguy cơ kháng thuốc rất cao. Khi vi trùng kháng thuốc đến mức độ không còn thuốc nào có thể chữa được nữa thì rất nguy hiểm. Điều này là do thói quen dùng thuốc cũng như bán thuốc không có đơn của bác sĩ mà thành. Với một người bị bệnh cảm cúm chẳng hạn chỉ cần uống thuốc đúng liều đúng số ngày là khỏi, nhưng vì mỗi lúc dùng một loại kháng sinh khác nhau nên kháng thuốc, dẫn đến có thể rất nhiều ngày vẫn chưa khỏi” - bác sĩ Vinh cho biết.

Bác sĩ Nguyễn Đình Thoại – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Quảng Nam cho biết, hiện nay có rất nhiều trẻ em đến bệnh viện với các triệu chứng bệnh nhẹ, phổ biến nhưng lại khó điều trị, lâu lành. “Đó là do việc tự ý cho con em uống kháng sinh mà không theo chỉ định của bác sĩ dẫn đến việc kháng thuốc. Hơn nữa, việc cho thuốc theo nhu cầu của người mua cũng cần phải được chấn chỉnh. Thuốc kháng sinh nếu không dùng đủ liều lượng thì dễ dẫn đến việc kháng thuốc. Liệu trình đầy đủ của nó là 5 - 7 ngày mà người ta dùng được 2 - 3 ngày thấy bớt bệnh thì ngưng dùng thuốc. Đây là một thói quen rất phổ biến hiện nay của các bậc phụ huynh. Nếu tiếp tục kéo dài thì tình trạng sẽ trở nên cực kỳ nguy hiểm cho trẻ” - bác sĩ Thoại cho hay.

Cần có biện pháp lâu dài

Theo ông Huỳnh Thế Vịnh - Phó Giám đốc Sở Y tế, nguyên nhân của việc bán thuốc không có đơn của bác sĩ là vì người dân chưa nhận thức đầy đủ về sự nguy hại trong việc tự ý dùng thuốc. Đồng thời chủ các cơ sở bán lẻ muốn tối đa doanh thu, không tư vấn đầy đủ cho người mua thuốc. Các chế tài xử phạt vi phạm trong việc thực hiện quy chế kê đơn và bán thuốc kê đơn hiện nay vẫn còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe đối với các cơ sở kinh doanh thuốc. “Nhất là tình trạng lạm dụng kháng sinh, vitamin, kê quá nhiều thuốc cho một đơn thuốc hay ghi nội dung hướng dẫn trong đơn thuốc sử dụng cho bệnh nhân vẫn còn sai sót, chưa đầy đủ về hàm lượng, liều dùng, đường dùng… vẫn đang diễn ra tràn lan” - ông Vịnh thông tin.

Để chấn chỉnh tình trạng này, Sở Y tế đã có kế hoạch triển khai đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2018 – 2020 với mục tiêu: đến cuối năm 2020 tỷ lệ bán thuốc kháng sinh phải có đơn tại các cơ sở bán thuốc là 100%. Các cơ sở khi bán thuốc kháng sinh bắt buộc phải lưu đơn thuốc tại quầy thuốc, nhà thuốc. “Hiện nay, Bộ Y tế thí điểm mô hình quản lý việc bán thuốc qua phần mềm quản lý thuốc kê đơn hay quản lý hoạt động kinh doanh thuốc. Chúng tôi cũng đã có kế hoạch nhờ các nhà mạng như Mobifone hay Viettel thiết kế phần mềm này để ứng dụng” - ông Vịnh nói thêm.

Ông Đặng Công Thu - Phó Chánh thanh tra Sở Y tế cho rằng, nếu ứng dụng quản lý bán thuốc bằng công nghệ thì sẽ rất thuận tiện cho việc thanh tra, kiểm tra. “Thay vì phải đi đến từng quầy, từng nhà thuốc để kiểm tra từng cuốn sổ nhật ký của họ thì chúng tôi có thể quản lý trên hệ thống. Qua đó kiểm soát được việc cơ sở bán ra loại thuốc gì, bao nhiêu, có đơn hay không… Và như thế thì việc bán thuốc không kê đơn, lạm dụng kháng sinh như hiện nay sẽ được hạn chế đi rất nhiều”-  ông Thu nói.

MẤT KIỂM SOÁT

Để tìm hiểu việc bán thuốc lẻ hiện nay trên địa bàn, chúng tôi đã có cuộc khảo sát hơn 10 quầy thuốc tây ở thành phố và các địa phương nông thôn. Kết quả là hầu hết đều rất lỏng lẻo. Tuy nhiên, các ngành chức năng vẫn rất bối rối trong việc quản lý.

Thực trạng kinh doanh quầy thuốc ở nông thôn
Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý bán lẻ thuốc hy vọng sẽ chấn chỉnh tình trạng mất kiểm soát lâu nay.

Tại cả đôi bên

Ở tất cả quầy thuốc mà chúng tôi đã khảo sát, việc mua bán thuốc vẫn theo thói quen lâu nay: người mua yêu cầu bán thuốc gì thì nhà thuốc bán thứ đó. Tại một quầy thuốc khá lớn tại thị trấn Hà Lam (huyện Thăng Bình), việc mua bán diễn ra khá tấp nập. Ai mua thuốc gì cũng có, kể cả những loại thuốc kháng sinh mà theo quy định là phải có đơn của bác sĩ. Theo chị chủ quầy thuốc ở đây: “Trong 10 người thì may ra chỉ có 1 - 2 người cầm theo đơn thuốc, còn lại vẫn là theo nhu cầu của chính họ. Nếu cứ bắt buộc phải có đơn mới bán thuốc thì biết bán cho ai đây? Cũng rất khó cho chúng tôi. Nếu không bán họ sẵn sàng đi chỗ khác để mua, và mua được. Lúc đó thì lấy cái gì chúng tôi sống?”.

Cũng chính vì từ sức ép cạnh tranh, nhiều nhà thuốc buộc phải cố ý làm ngơ quy định để bán thuốc. Tuy nhiên, để quản lý điều này là một việc hết sức khó khăn đối với các ngành chức năng. Ông Dương Đạt - Chánh thanh tra Sở Y tế cho biết, hiện nay trên địa bàn có 1.117 cơ sở kinh doanh thuốc tư nhân. Mỗi năm, thanh tra Sở Y tế sẽ tiến hành 2 cuộc tổng kiểm tra những quầy thuốc tây này để ghi nhận tình hình. Tuy nhiên, theo ông Đạt thì do lực lượng quá mỏng nên việc này trở nên rất khó khăn. “Nhân sự của phòng chỉ có 3 người, trong khi đó số quầy thuốc trên địa bàn lại ngày càng nhiều. Nếu muốn tổng kiểm tra tất cả quầy thuốc này thì chúng tôi phải đi tất thảy các ngày trong năm cũng chưa chắc đã có thể kiểm tra hết. Bởi vì không đơn thuần chỉ là kiểm tra về mặt thuốc, hóa đơn mà còn lục lại từng trang sổ ghi chép của mỗi quầy để xem ngày đó bán đi bao nhiêu, bán những loại thuốc nào, có xuất hóa đơn hay không…” - ông Đạt nói.

Ông Đoàn Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Sở Công Thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường cho biết, từ đầu năm đến nay chi cục đã kiểm tra 90 cơ sở kinh doanh nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền. Qua đó, đã xử phạt 40 cơ sở với số tiền gần 63 triệu đồng. “Những lỗi cơ bản mà chúng tôi ghi nhận được từ các cơ sở này là kinh doanh không đúng địa điểm trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không niêm yết giá hoặc niêm yết giá không rõ ràng, bán thuốc không có đơn của bác sĩ và đặc biệt là người bán thuốc không có bằng cấp chuyên môn” - ông Sơn cho biết.

Có dấu hiệu trốn thuế

Cũng theo ông Sơn, qua những đợt kiểm tra từ đầu năm cũng như trong thời gian trước đó đã phát hiện rất nhiều trường hợp người bán thuốc không đủ bằng cấp chuyên môn. “Theo quy định đối với các nhà thuốc lớn, thuộc địa phận của thành phố, thị trấn thì phải có bằng đại học, còn với những vùng nông thôn, miền núi thì bằng trung cấp. Tuy nhiên, hiện nay tính ra chẳng có được bao nhiêu người có bằng đại học về dược. Những cơ sở lớn đa số đều nhờ người đứng tên để kinh doanh mà thôi” - ông Sơn cho hay.

Giải thích về điều này, ông Nguyễn Ngọc Đoan - Chuyên viên phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân (Sở Y tế) cho biết, việc thẩm định cấp phép kinh doanh quầy thuốc tây được làm từ dưới lên. Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị có đầy đủ những điều kiện hợp lệ, phòng y tế cấp huyện sẽ tham mưu cho chính quyền địa phương đề nghị Sở Y tế cấp phép. Sở Y tế sẽ tiến hành kiểm tra các loại thuốc phù hợp hay không, có được phép bán hay không, nguồn gốc xuất xứ, sản xuất ra sao… Nếu đáp ứng được những điều này thì mới tiến hành cấp phép. “Còn đối với việc nhờ người có đủ bằng cấp đứng tên hộ kinh doanh thì chúng tôi chỉ căn cứ theo hồ sơ ghi. Trong quy định nêu rõ, nếu chủ cơ sở bán thuốc bận việc, không trực tiếp bán thuốc thì có giấy ủy quyền cho những nhân viên ở đó thay mình. Nhưng mức độ tới đâu thì chúng tôi vẫn chưa kiểm tra vấn đề này” - ông Đoan nói.

Còn theo ông Đoàn Ngọc Sơn, ngoài việc nhờ người đứng tên để đủ điều kiện kinh doanh ra, rất nhiều quầy thuốc tây bán thuốc mà không cung cấp hóa đơn cho khách hàng hoặc các hóa đơn, chứng từ liên quan đến giao dịch. “Theo quy định thì mỗi lần bán thuốc từ 400 nghìn đồng trở lên thì cơ sở đó phải xuất hóa đơn, qua đó phải nộp thuế đối với những lần giao dịch này. Tuy nhiên, không ai có thể túc trực cả ngày để kiểm chứng việc này cả. Vì vậy, việc thất thu thuế là có” - ông Sơn thông tin thêm.

Thực hiện chuyên đề: NGUYỄN DƯƠNG