Thiên Chúa mặc khải cho con người bằng cách nào

SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Phần I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN

Bài 4. THIÊN CHÚA MẠC KHẢI

Mỗi người có khả năng tìm kiếm và gặp được Thiên Chúa, Ngài không xa lạ với mỗi người chúng ta” vì “trong Ngài chúng ta sống, cử động và hiện hữu” như Thánh Phaolô nói với người dân thành Athêna – Hy Lạp [Cv 17,28]. Tuy nhiên, như đã trình bày ở bài “Tìm và gặp Thiên Chúa”, vì chúng ta sử dụng lý trí cách lệch lạc và vì sự yếu đuối của ý chí nơi mỗi chúng ta, nên việc tìm kiếm này vẫn còn là dò dẫm, thường xuyên đi lạc và dẫn đến những thần tượng giả. Do đó Thiên Chúa đã chọn một cách khác. Chính Thiên Chúa đi tìm con người, tìm kiếm con người như người mục tử trong dụ ngôn con chiên lạc. Thiên Chúa đến với con người, làm cho Ngài được biết đến. Thiên Chúa mạc khải chính Ngài cho chúng ta [GLHTCG số 50].

Đức tin Kitô giáo dựa vào mạc khải: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người” [1Cr 2,9]. Mạc khải trước hết có nghĩa là Thiên Chúa làm cho Ngài được nhận biết, kế đó thông ban chính Ngài cho chúng ta. Hai khía cạnh này gắn bó chặt chẽ với nhau. Do lòng nhân lành và khôn ngoan, Thiên Chúa đã muốn mạc khải chính mình và tỏ cho biết mầu nhiệm thánh ý của Ngài; nhờ mầu nhiệm đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô – Ngôi Lời nhập thể, trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần vào bản tính Thiên Chúa [số 51].

Thiên Chúa mạc khải chính Ngài một cách tiệm tiến, qua từng giai đoạn [số 53]. Mặc dù Thiên Chúa đã thông ban cho con người tất cả những bằng chứng về sự hiện diện của Ngài qua tạo dựng [số 54], nhưng lịch sử mạc khải của Thiên Chúa bắt đầu với ơn gọi của Abraham. Thiên Chúa đã thực hiện một giao ước với ông, người sẽ trở thành cha của những người tin. Abraham sẽ là tổ phụ của dân Israel, Thiên Chúa đã trao cho ông một lời hứa [số 59]. Thiên Chúa đã chọn một người từ nhiều người, chọn một dân tộc giữa nhiều dân tộc để mạc khải mầu nhiệm ý muốn của Ngài. Giữa lòng nhân loại, dân được tuyển chọn này có nhiệm vụ đón nhận mạc khải của Thiên Chúa. Qua họ, mọi dân tộc được chúc lành và nhận biết Thiên Chúa [số 62].

Qua dòng lịch sử dân Chúa, Thiên Chúa thực hiện cuộc chọn lựa đặc biệt khác. Trong số dân Israel, Thiên Chúa chọn một người để qua người đó mạc khải quyết định vĩnh cửu của Ngài, “mầu nhiệm ý muốn của Thiên Chúa”, người đó là Đức Trinh Nữ Maria [số 488]. Qua người trinh nữ này cùng với lời xin vâng, Thiên Chúa sẽ hoàn tất mạc khải – qua Đức Giêsu.

Mạc khải đến với chúng ta trọn vẹn chỉ qua Đức Giêsu. Ngài là Con Thiên Chúa, Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa. Nơi LỜI này, Thiên Chúa nói với chúng ta tất cả những gì Ngài muốn nói. Đức Giêsu Kitô là sự viên mãn của tất cả mạc khải [số 65]. Mạc khải bao gồm không chỉ là lời và hành động, nhưng là một Ngôi vị - Đức Giêsu Kitô. Trong Đức Kitô, Thiên Chúa không chỉ thông truyền điều gì đó về chính Ngài và mầu nhiệm của Ngài nhưng thông ban chính Ngài cho chúng ta.

Đó là lý do tại sao Công đồng Vaticanô II nói: Mạc khải đã được hoàn tất với Đức Kitô, và không còn cần chờ đợi một mạc khải công nào mới trước khi Đức Giêsu Kitô – Chúa chúng ta – tỏ lộ trong vinh quang [số 66]. Chúng ta sẽ không bao giờ múc cạn sự phong phú nơi Đức Kitô, Ngài sẽ không bao giờ bị vượt qua. Những điều được gọi là “mạc khải tư” giả định rằng không bao giờ nó đem đến điều gì mới mà lại không có sẵn trong mạc khải của Đức Kitô [số 67]. Tuy nhiên, mạc khải tư có thể đóng góp là khơi gợi đức tin của chúng ta vào Đức Kitô, nhóm lên tình yêu của chúng ta đối với Đức Kitô như trong trường hợp Thánh Tâm Chúa Giêsu mạc khải cho thánh nữ Magarita Maria Alacoque.

Thiên Chúa mạc khải cho con người điều gì?

Với lòng nhân hậu và sự khôn ngoan, Thiên Chúa tự mạc khải chính mình cho con người. Qua các hành động và lời nói, Thiên Chúa tự mạc khải chính Ngài cũng như ý định của lòng nhân hậu, mà Ngài đã hoạch định tự muôn đời trong Đức Kitô. Ý định này nhằm đón nhận tất cả mọi người trở thành nghĩa tử trong Người Con duy nhất của Ngài nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần và cho họ tham dự vào sự sống của Thiên Chúa.


Giai đoạn Mạc khải trọn vẹn và dứt khoát của Thiên Chúa là gì ?

Giai đoạn Mạc khải trọn vẹn và dứt khoát của Thiên Chúa được thực hiện nơi Ngôi Lời nhập thể, là Đức Giêsu Kitô, Đấng là trung gian và là viên mãn của Mạc khải. Chúa Giêsu, Con duy nhất của Thiên Chúa, đã làm người, là Lời hoàn hảo và dứt khoát của Chúa Cha. Mạc khải đã được hoàn tất cách trọn vẹn qua việc Thiên Chúa Cha sai Con Ngài và ban tặng Thánh Thần, mặc dù đức tin của Hội thánh phải dần dần trải qua bao thế kỷ mới nhận biết ý nghĩa đầy đủ của Mạc khải.

 “Từ khi Thiên Chúa ban cho chúng ta Con Ngài, Đấng là Lời duy nhất và dứt khoát của Ngài, Thiên Chúa đã nói với  chúng ta một lần duy nhất trong Lời này và Ngài không còn gì để nói thêm nữa” [Thánh Gioan Thánh Giá].

 [ Trích giáo lý Toát yếu – Giáo phận Vĩnh Long ]

5275

 I. Dẫn Nhập

Được nhận biết và hiệp thông với Thiên Chúa là khát vọng thâm sâu của con người. Tuy nhiên giữa Thiên Chúa và con người lại có một khoảng cách thật xa vời. Chính vì thế, Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã muốn Mặc khải chính mình và tỏ cho loài người biết mầu nhiệm thánh ý Ngài.[i] Ngài đã dùng nhiều phương thế, qua nhiều giai đoạn Mặc khải để con người có thể từ từ nhận biết và yêu mến Ngài. Đó là việc Thiên Chúa dùng ngôn ngữ loài người, đi vào trong lịch sử nhân loại để thực hiện chương trình của Ngài. Như thế, ý định của Thiên Chúa là tự truyền thông chính mình cho nhân loại và mời gọi họ đi vào trong mối hiệp thông với Ngài. Đó là việc Thiên Chúa tự vén mở tình yêu và sự săn sóc của Ngài đối với con người và thế giới. Việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình được diễn ra cách tiệm tiến trong lịch sử, khởi đầu với công trình sáng tạo và đạt đến đỉnh cao nơi biến cố Đức Kitô. Như thế, Đức Kitô là viên mãn của Mặc khải. Nơi Đức Kitô bản chất Mặc khải của Thiên Chúa được tỏ hiện rõ nét nhất, và qua Ngài chúng ta tìm được lẽ sống và nguồn hy vọng đích thực cho mình.

II. Đức Kitô tuyệt đỉnh của Mặc khải Thiên Chúa

1.   Đức Kitô là viên mãn của Mặc Khải

Mặc khải trước hết là một đề nghị hiệp thông và hiệp nhất với Thiên Chúa; đó là một cuộc gặp gỡ liên vị, qua đó Thiên Chúa tự bày tỏ chính mình và kêu gọi con người đi vào mối tương quan liên vị đó bằng đức tin. Mặc khải là một sáng kiến của Thiên Chúa, sáng kiến đó được khởi đi từ tình yêu đời đời của Ngài, được diễn tiến trong tiến trình của lịch sử và đạt đến đỉnh điểm [thời viên mãn] nơi Đức Kitô. Như vậy, Mặc khải có tính lịch sử, mang chiều kích thời gian và không gian, phù hợp với kinh nghiệm con người. Trong suốt dòng lịch sử nhân loại, Thiên Chúa đã Mặc khải chính mình qua công trình tạo dựng.[ii] Ngài còn muốn cho loài người hiểu biết sâu xa hơn bản tính của mình và cho họ được thông dự vào đời sống thần linh của Ngài, nên Ngài đã tỏ mình cho tổ tông loài người. Sau khi tổ tông sa ngã, Ngài đã hứa ban Đấng Cứu Thế. Để thực hiện lời hứa cứu độ, Thiên Chúa đã chọn Apraham và qua ông Ngài thiết lập một dân tộc chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế đến. Ngài đã tỏ mình, đã bước vào trong lịch sử của Israel bằng Lời và Hành Động qua việc giải phóng dân khỏi ách nô lệ Ai cập, ký Giao ước với họ tại núi Xinai và đưa họ về đất hứa. Lần lượt trong các triều đại hưng thịnh cũng như suy đồi của Israel, Thiên Chúa đã nói với dân Ngài qua các biến cố trong cuộc sống, qua các tổ phụ, các Ngôn sứ để chuẩn bị họ đón nhận Đấng Cứu Thế, mà Người đã hứa ban cho toàn thể nhân loại. Như thế, Cựu Ước đã diễn tả sự giao tiếp giữa Thiên Chúa với thụ tạo ngay từ buổi đầu tạo dựng và tiếp tục trong lịch sử. Tuy nhiên sự giao tiếp này còn tiềm ẩn. Hiến chế Mặc Khải Dei Verbum viết: “ Thiên Chúa Đấng tạo dựng và bảo tồn mọi sự nhờ Ngôi Lời, không ngừng làm chứng về Mình trước mặt loài người qua các tạo vật. Và vì muốn mở đường cứu rỗi cao trọng, nên từ đầu Ngài còn tỏ mình ra cho tổ tông chúng ta. Sau khi tổ tông sa ngã, qua lời hứa ban ơn cứu chuộc, Ngài đã nâng đỡ họ trong niềm hy vọng cứu rỗi… Khi đến giờ đã định, Ngài gọi Apraham để qua ông, Ngài tạo lập một dân tộc lớn mạnh, một dân tộc mà sau thời các tổ phụ, Ngài đã dùng Maisen và các ngôn sứ dạy dỗ họ để họ nhận ra Ngài là Thiên Chúa duy nhất, hằng sống và chân thật, là Cha quan phòng, là thẩm phán chí công, để họ trông đợi Đấng Cứu Thế được hứa ban…”[DV3]. Đó là đường lối sư phạm tuyệt hảo của Thiên Chúa, để qua đó, Thiên Chúa làm quen với con người [Iréne], để con người có thể sẵn sàng đón nhận Đức Kitô, Con Một Thiên Chúa là Mặc khải trọn vẹn.

Thời hiện thực hóa mọi lời hứa ấy đã đến. Với biến cố “Con Thiên Chúa làm người”, Mặc khải của Thiên Chúa đã đạt tới đỉnh điểm. Với tư cách là Con Thiên Chúa, nơi Đức Giêsu Nazaret, Thiên Chúa đã thực sự viếng thăm dân Người theo một cách thế vượt quá mọi mong đợi: Ngài gửi Thánh Tử của Ngài cho nhân loại, nghĩa là Thiên Chúa đã muốn làm cho con người biết chính mình Ngài.[iii] Thiên Chúa vô hình đã trở nên hữu hình nơi Con Một của Ngài. Tác giả thư Do thái viết: “Thuở xưa nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các Ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Người phán dạy chúng ta qua Thánh Tử”[ Dt1,1-2]. Nơi Đức Kitô, Đấng Emmanuel đã ứng nghiệm mọi lời ngôn sứ, và Ngài thực hiện trọn vẹn lời hứa, Lời giao ước. Đức Kitô chính là Lời tạo dựng của Thiên Chúa “Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời[…]. Ngôi lời đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta” [Ga1,1-14]. Đồng thời Ngài cũng chính là Lề Luật, là Giao ước Vĩnh cữu mà Thiên Chúa ký kết với nhân loại, là ‘Vị ngôn sứ vĩ đại’ đã xuất hiện giữa chúng ta để giải phóng ta khỏi ách nô lệ tội lỗi. Mặc khải nơi Đức Kitô là Mặc khải dứt khoát, đạt tới tận chóp đỉnh để “Ai tin thì được cứu độ” [Mc16,16]. Thật vậy, với biến cố Tử nạn và Phục sinh, Đức Kitô đã Mặc khải tình yêu cứu độ của Thiên Chúa cách sung mãn. Đức Kitô là Lời tròn đầy, sung mãn và duy nhất của Chúa Cha đối với nhân loại, vì thế sẽ không còn gì vượt trên sự viên mãn đó nữa.[iv] Kể từ đây chúng ta không còn trông mong một Mặc khải nào nữa. Sách Giáo lý Công giáo dạy: “Một khi đã ban cho chúng ta Chúa Con, là Lời của Người, Thiên Chúa không còn lời nào khác để ban cho ta. Người đã nói hết trong một lần và cùng một trật, trong Lời duy nhất đó, và không còn gì để nói nữa. Những gì Người chỉ nói từng phần với các Ngôn sứ, thì Người đã nói hết trọn vẹn trong Con của Người bằng cách ban cho chúng ta điều trọn vẹn ấy là Con của Người…”[GLCG 65].[v] Hiến chế tín lý về Mặc khải viết: “Nhiệm cuộc Kitô giáo sẽ không bao giờ mai một, vì là giao ước mới và vĩnh viễn. Chúng ta không phải chờ đợi một Mặc khải công cộng nào nữa trước khi Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta hiện đến trong vinh quang”[DV4].[vi]

Nơi Đức Kitô, niềm khao khát của Israel về một giao ước trọn vẹn, chung cuộc đã nên hiện thực; nơi đó, Thiên Chúa đã bộc lộ tất cả lòng thương xót, cứu độ của Ngài; nơi đó, mọi người có thể nhận được ơn hòa giải, thứ tha. Nơi Đức Kitô, mọi lời Ngôn sứ nói trong Cựu ước được nên trọn. “Này đây, một Trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên là Emmanuel”[Is 7,14b].

2.     Nhờ Đức Kitô, con người hiểu hơn bản chất của Mặc khải

Ý định muôn đời của Thiên Chúa là tỏ cho con người biết chính Ngài để từ đó con người có thể đi vào trong sự hiệp thông với Ngài và được cứu độ. Với tư cách là Đấng Mặc Khải cũng là Đấng Cứu Độ phổ quát, Đức Kitô đã cho con người thấy bản chất của Mặc Khải và giúp con người tìm ra con đường đến với Chúa Cha. Trong bản tính nhân loại được tôn vinh, Đức Kitô sẽ là phương thế để những kẻ được chúc phúc biết Chúa Ba Ngôi và tận hưởng sự sung mãn của ơn cứu độ.[vii] Biến cố nhập thể của Đức Kitô đã bày tỏ Mặc Khải khôn tả của Thiên Chúa, của cuộc sống yêu thương, của sự mở rộng tình thương Thiên Chúa đối với toàn thế giới và nhân loại. Nhờ việc nhập thể, Con Thiên Chúa đã cách nào đó hợp nhất chính mình với mọi người. Ngài đã đi vào lịch sử để trở nên một thường dân và nên tâm điểm của vũ trụ, nhờ đó con người biết Thiên Chúa. Tác giả thư Do thái viết: “Vì là Con Thiên Chúa, Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thức của bản thể Thiên Chúa”[Dt 1,3]. Thần học gia Congra cũng nói: “ Việc Ngôi Lời đi vào trong xác thịt của chúng ta, việc Thiên Chúa chấp nhận thân phận tôi tớ, việc rửa chân cho các môn đệ, tình yêu vâng phục cho đến chết trên thập giá - tất cả đều có ý nghĩa một Mặc khải và là một Mặc khải của Thiên Chúa.”[viii] Đức Kitô đã cất đi bức màn ngăn cách người Do thái không chiêm ngắm được vinh quang Thiên Chúa. Giờ đây, nơi Đức Kitô, vị Thiên Chúa vô hình đã biểu lộ dung mạo của Người. “Không ai có thể nhìn thấy Thiên Chúa bao giờ, nhưng Con Một là Đấng ở trong cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” [Ga 1,18]. Bản chất và mục đích của Mặc Khải là để cứu độ con người. Qua Đức Kitô, ta thấy tình yêu Thiên Chúa dành cho con người được lột tả đậm nét nhất. Đó là một tình yêu trao hiến, tình yêu hy sinh, tình yêu cứu độ. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một để những ai tin vào Con của Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời” [Ga 3,16]. Thiên Chúa nơi Đức Kitô không phải là một Thiên Chúa đàn áp, trừng phạt, … nhưng là một Thiên Chúa tốt lành, nhân từ và quan phòng; là vị Thiên Chúa tình yêu. Đức Kitô là dấu chỉ để cho con người nhận biết tình yêu Thiên Chúa. Biết Ngài là biết tình yêu Thiên Chúa đối với con người; Tin vào Đức Kitô là tin vào Thiên Chúa tình yêu và giữ lời Đức Kitô thì Thiên Chúa ở trong kẻ ấy và tình yêu Thiên Chúa cũng sẽ ở trong người ấy. Thiên Chúa Mặc khải ý định của Người và vạch cho loài người con đường cứu rỗi.[ix] Đó là tin vào Đức Kitô “Ai tin và chịu phép rửa thì được cứu độ”. Đức Kitô là con đường dẫn chúng ta đến với Chúa Cha. “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”[Ga 14,6].

 Nhờ Đức Kitô, con người nhận ra Thiên Chúa đến với họ trong những điều kiện, môi sinh của mình và nhận ra phẩm giá cao quý của mình. Nơi Đức Kitô, con người nhận ra Thiên Chúa đã không khép kín mình ở chốn trời cao để nhìn trộm xuống con người, nhưng đã Ngài đích thân tới tìm chúng ta, mở lòng lắng nghe chúng ta, nhìn ngắm chúng ta, trò chuyện với chúng ta, ký kết giao ước với chúng ta, và trên hết là một Thiên Chúa có khả năng yêu.[x] Thiên Chúa tỏ mình cho con người không chỉ qua ngôn ngữ văn hóa của con người, nhưng còn tỏ ra nơi những con người cụ thể và tiếp nhận con người vào với Thiên Chúa, tức là tỏ lộ cho con người thấy ơn gọi cao quý của mình. Hiến Chế Vui Mừng Và Hy Vọng số 22 viết: “ Đức Kitô không những Mặc Khải Thiên Chúa cho con người mà còn Mặc Khải con người cho con người nữa”.

Bằng tất cả bản thể của mình, bằng lời giảng dạy, bằng các dấu lạ, bằng sự chết, sống lại, lên trời và bằng việc sai Chúa Thánh Thần đến, Chúa Giêsu Kitô không những cho ta biết, mà còn thực hiện chương trình cứu rỗi của Chúa Cha, tức là giải thoát ta khỏi tội lỗi, sự chết và ban cho ta sự sống đời đời.[xi]

3.    Đức Kitô đem lại cho chúng ta lẽ sống và nguồn hy vọng đích thực

Đức Kitô là quà tặng tình yêu mà Thiên Chúa ban cho con người, là bảo đảm cho những người tin vào Ngài rằng họ được Thiên Chúa yêu thương, và Thiên Chúa là gia nghiệp của họ. nhìn vào Đức Kitô, cuộc sống, cái chết và sự Phục sinh của Ngài, con người tìm ra lẽ sống cho mình ngay cả trong những biến cố bi đát nhất của cuộc đời. Lẽ sống của chúng ta là hoàn toàn tin tưởng, phó thác và vâng phục thánh ý Thiên Chúa theo gương Đức Kitô. “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta sẽ được sự sống đời đời”[Ga 11,25]. Theo thần học gia Karl Rahner, “Điểm đặc trưng của con người là khát vọng hướng tới hoàn tất, khả năng siêu vượt chính mình, mở ra với vô hạn. Chính Đức Kitô là Đấng có thể lấp đầy khao khát vô hạn đó.”[xii]  Thật vậy, Thiên Chúa là Đấng lấp đầy khát vọng của dân Israel khỏi ách nô lệ Ai cập, cho họ được cư ngụ ở miền đất hứa… , nơi Đức Kitô đã lấp đầy khát vọng chiêm ngắm Thiên Chúa, khát vọng thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi. Chính vì thế, Mặc Khải nơi Đức Kitô chính là “Miền đất hứa” cho con người. Cái chết và sự Phục sinh của Đức Kitô đem lại cho con người niềm hy vọng mới ‘cùng được phục sinh với Người’. Vinh quang Phục sinh đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, nhưng ánh sáng đó phải chiếu dọi tới mọi miền âm u, tới số phận còn lầm lũi trong bóng tối. Mặc Khải nơi Đức Kitô đã hoàn tất thiên ý nhiệm mầu. Tuy nhiên đó mới chỉ là khởi đầu của hoàn tất chứ chưa phải là hoàn tất viên mãn.[xiii] Phải chờ đến ngày quang lâm mọi sự mới được tỏ lộ cho con người biết. “Nếu Ta đi và dọn chỗ cho các ngươi, thì Ta sẽ lại đến và đem các ngươi đi theo Ta, để Ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó với Ta” [Ga 14,3]. Như vậy, chính niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô đang hiện diện là nền tảng vững chắc cho niềm hy vọng, Ngài đến trong vinh quang. Có thể nói, nơi Đức Kitô, Đấng hoàn tất Mặc khải đem lại nền tảng, ý nghĩa cũng như định hướng cho tương lai con người. Tương lai đó là được “Mặt giáp mặt với Thiên Chúa”, được biết hết như Thiên Chúa biết con người; là một trời mới đất mới, nơi không còn sự chết cũng chẳng còn tang tóc, kêu than, đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất [Kh 21,1-5].

III. Kết luận

Lịch sử Mặc Khải là một chuyện tình giữa Thiên Chúa với con người. Lịch sử đó thuật trình về việc Thiên Chúa, Đấng đã hé mở mình từ từ cho con người, Đấng đã làm cho con người biết chính Ngài, biết dung mạo của mình. Lịch sử đó diễn ra cách tiệm tiến và liên tục, và đã trở thành viên mãn nơi Đức Kitô. Nơi Đức Kitô chúng ta nhận biết một Thiên Chúa đã đi đến tận cùng của tình yêu: Ngài trao ban chính mình cho con người. Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Ngài vừa là tình yêu, vừa là phương tiện diễn đạt tình yêu Thiên Chúa.

Mặc Khải là việc Thiên Chúa tự biểu lộ tình yêu. Con người nhận ra và đáp trả Mặc Khải không những bằng việc tin vào những điều được Mặc Khải, mà chính yếu là tin vào Đấng Mặc Khải. Nhìn vào Đức Kitô, tuyệt đỉnh của Mặc Khải chúng ta có thể nhận ra Thiên Chúa yêu con người vô cùng. Và qua đó, con người tìm được lẽ sống và hy vọng đích thực cho chính mình. Con người chỉ biết tin tưởng và phó thác đời sống trong tình yêu Thiên Chúa. Mặc khải là mặc khải của tình yêu và mặc khải để con người được sống trong tình yêu.

Giuse Trương Văn Hân, K.11

Trích: Nội San Đức Tin Và Văn Hóa, Số 2

[ii] Học viện Đa minh,Những nền tảng đức tin Công giáo, 2008, lưu hành nội bộ, p7

[iii] http//www. Lamhong.net/chiem­ngamdungmaothienchuanoiduckito, cập nhật ngày 14/5/2013.

[iv] Học viện Đaminh, Những nền tảng đức tin Công giáo, p 8.

[vi] Học viện Pio X Đà Lạt, Công Đồng Vaticano II, Đà lạt 1972, p

[vii] Gerard O’ Collins, S,J. Thần học căn bản, Lm. Dom. Nguyễn Đức Thông, C. Ss. R, dịch, Nxb Tôn giáo 2011, p229.

[viii] Avery Dulles, S.J. Các mẫu thức Mặc khải, Lê Công Đức chuyển ngữ, Tôn giáo 2009, p 321.

[ix] Điển ngữ thần học Thánh Kinh, Học viện Pio X Đà lạt 1974, 24.

[x] http//www. Lamhong.net/chiem­ngamdungmaothienchuanoiduckito, cập nhật ngày 14/5/2013

[xi] Norberto Nguyễn Văn Khanh, O.P, Giáo hội với kho tàng Mặc khải, 2011, p 8.

[xii] Thần học căn bản, ĐCV Vinh thanh 2009- 2010, p139.

[xiii] Thần học căn bản, ĐCV Vinh thanh 2009- 2010, p 141.

Video liên quan

Chủ Đề