Thi đánh giá năng lực ở đâu 2022

Đó là nội dung của Chương trình tư vấn trực tuyến “Thông tin mới về thi và xét tuyển bằng kỳ thi đánh giá năng lực” do Báo Thanh Niên tổ chức chiều qua 22.3, được truyền hình trực tuyến tại địa chỉ thanhnien.vn và các nền tảng Facebook, YouTube, Tik Tok của Báo Thanh Niên.

Các chuyên gia chia sẻ những thông tin mới về kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 tại buổi tư vấn của Báo Thanh Niên

Thi 2 đợt nhưng chỉ xét tuyển 1 đợt

Có mặt tại chương trình tư vấn, tiến sĩ Dương Tôn Thái Dương, Phó trưởng ban Đại học, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết vào ngày 27.3 sẽ diễn ra kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 và 22.5 sẽ diễn ra đợt 2. Tiến sĩ Dương thông tin: “Số lượng thí sinh [TS] thi và xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực tăng dần hằng năm. Nếu như năm 2018 chỉ có hơn 20.000 TS tham gia thì năm nay lên tới 82.266, với số lượng nguyện vọng đăng ký là gần 300.000. Hiện có 60 tỉnh, thành có TS đăng ký và nhiều nhất là TP.HCM với hơn 50% tổng số TS. Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo TS có cơ hội tiếp cận kỳ thi một cách tốt nhất và giảm chi phí xã hội, năm nay kỳ thi diễn ra ở 17 tỉnh thành với hơn 36 cụm thi, 80 điểm thi”.

Để làm tốt bài thi đánh giá năng lực

Theo tiến sĩ Dương Tôn Thái Dương, TS cần chuẩn bị tâm thế tốt nhất để đi thi. Đó là sức khỏe đảm bảo tối đa trước, trong và sau khi thi. Bên cạnh đó TS phải có sự hiểu biết thật rõ về kỳ thi này.

“Tất cả thông tin đã được đưa lên hệ thống website của ĐH Quốc gia TP.HCM. TS có thể tìm hiểu bài thi mẫu để biết cấu trúc, xem phổ điểm các năm trước để định vị mình đang ở khoảng nào. Các em cố gắng làm bài thi tốt nhất có thể để đạt được mức điểm phù hợp nhất với năng lực của mình. Sau khi tổ chức thi từng đợt, chúng tôi đều công bố phổ điểm”, tiến sĩ Dương lưu ý.

Theo tiến sĩ Dương, kỳ thi này nhằm đánh giá những năng lực quan trọng để TS có thể tham gia học ĐH. Vì thế, các kiến thức sẽ đánh giá 3 năng lực chính: sử dụng ngôn ngữ [tiếng Việt và tiếng Anh], toán và tư duy logic, khả năng giải quyết vấn đề trong các lĩnh vực tự nhiên và xã hội. Bài thi có 120 câu, làm trong 150 phút. Một nghiên cứu của ĐH Quốc gia TP.HCM cho thấy đánh giá tương quan giữa kết quả học ĐH và điểm thi đánh giá năng lực của TS không cách xa nhau lắm.

“Các trường trong khối ĐH Quốc gia TP.HCM dành tối thiểu 40% chỉ tiêu trên tổng số 21.000 chỉ tiêu để xét điểm thi đánh giá năng lực. Như vậy sẽ có khoảng gần 10.000 TS được xét tuyển vào ĐH Quốc gia TP.HCM thông qua kỳ thi này. Kỳ thi tổ chức làm 2 đợt nhưng chỉ xét 1 đợt khi đã có kết quả. TS nào thi đợt 1 thấy kết quả chưa được như mong muốn thì có thể thi đợt 2 và được dùng điểm cao nhất để xét tuyển”, tiến sĩ Dương chia sẻ thêm.

Mức điểm chuẩn vào các ngành của các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM bằng phương thức này hằng năm dao động từ 600 đến gần 1.000 điểm. Trong đó ngành khoa học máy tính, công nghệ thông tin ở mức tương đương 1.000 điểm; luật, kinh tế, quản lý từ 800 - 900, còn một số ngành cơ bản hoặc chưa được TS biết đến nhiều thì ở mức 700 - 800 điểm.

Thí sinh làm bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2021

ĐÀO NGỌC THẠCH

Lợi thế khi thi đánh giá năng lực để xét tuyển

Tiến sĩ Trần Thiện Lưu, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, nhìn nhận: “Nếu tham gia kỳ thi này, TS sẽ có rất nhiều lợi thế. Chẳng hạn đối với khối ngành sức khỏe như ngành y đa khoa, dược, ở phương thức xét học bạ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là học lực lớp 12 phải đạt loại giỏi hoặc điểm xét tốt nghiệp phải 8 trở lên, thì phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực chỉ cần có kết quả học lớp 12 từ khá trở lên và điểm xét tốt nghiệp là 6,5 trở lên”.

Năm nay Trường ĐH Nguyễn Tất thành dự kiến dành từ 5 - 7% chỉ tiêu ở gần 50 ngành học cho phương thức này. Ngoài ra, trường xét bằng điểm học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT...

Thí sinh phải khai báo y tế 48 giờ trước kỳ thi

Kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức sẽ diễn ra vào cuối tuần này tại 17 địa phương: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đắk Lắk, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo [ĐH Quốc gia TP.HCM], cho biết để đảm bảo an toàn phòng dịch, tất cả TS phải thực hiện khai báo y tế trong vòng 48 giờ trước giờ thi trên ứng dụng PC-Covid. “Trong đó việc khai báo y tế sẽ có yêu cầu khác nhau với TS có và không di chuyển đến địa phương khác trong vòng 14 ngày”, tiến sĩ Chính nói thêm.

Diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh, kỳ thi này có những quy định đặc biệt nhằm đảm bảo an toàn cho người tham gia kỳ thi. Theo đó, TS không được tham dự kỳ thi nếu thuộc các trường hợp F0, bệnh nghi ngờ và đang trong thời gian cách ly chữa bệnh theo yêu cầu của cơ quan y tế; TS đang bị sốt, ho, khó thở, đau họng, mất vị giác, mất khứu giác hoặc có các triệu chứng khác liên quan đến Covid-19.

Theo tiến sĩ Chính, TS không thể tham dự kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 vì những lý do trên sẽ được tạo điều kiện dự thi đợt 2 mà không phải đóng lệ phí dự thi.

Kết quả bài thi này được sử dụng để xét tuyển trực tiếp vào hơn 80 trường ĐH, CĐ trong năm nay.

Hà Ánh

Tiến sĩ Lê Đình Phong, Trưởng khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Hoa Sen, cũng cho rằng kỳ thi sẽ giúp TS giảm áp lực cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. “Bài thi đánh giá những kỹ năng rất quan trọng cho việc học ĐH cũng như công việc sau này. Chính vì những ưu điểm đó mà Trường ĐH Hoa Sen cũng sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển bên cạnh phương thức xét học bạ, xét tuyển riêng cho yêu cầu từng ngành và xét điểm thi THPT. Năm 2021, điểm xét tuyển vào trường theo kết quả thi đánh giá năng lực là 600. Năm nay chúng tôi khuyến khích các em nhập học sớm sẽ được ưu đãi học phí. Các em còn có cơ hội nhận học bổng trong quỹ học bổng 40 tỉ đồng của trường”, tiến sĩ Phong cho biết.

Trong khi đó, thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, nhìn nhận TS sẽ không thể học tủ khi tham gia thi đánh giá năng lực. “Đây là một kỳ thi giúp TS có kiến thức tổng quan nhất về ngành nghề, giúp các em tiệm cận với ngành nghề hơn, có cơ hội trúng tuyển vào các ngành, các trường phù hợp. Năm 2021, điểm nhận hồ sơ [đảm bảo chất lượng đầu vào] của Trường ĐH Kinh tế - tài chính TP.HCM là 650, điểm trúng tuyển đợt 1 là 650 đến hơn 700, đợt bổ sung có ngành lên tới 800 điểm. Năm nay trường cũng dành 5 - 7% chỉ tiêu cho phương thức này”, thạc sĩ Nguyên thông tin.

Tin liên quan

Đến thời điểm này, một số trường ĐH đang chuẩn bị kế hoạch tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực cho năm 2022. Trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài trong vài năm gần đây, các trường đang tính những phương án nhằm tạo thuận lợi hơn cho thí sinh [TS] tham dự.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo [ĐH Quốc gia TP.HCM], cho biết kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 hiện đã chốt thời gian tổ chức đợt 1 vào chủ nhật cuối cùng của tháng 3 [dự kiến ngày 27.3 - PV]. Nhưng thời gian tổ chức đợt 2 kỳ thi này đang được lấy ý kiến rộng rãi để điều chỉnh phù hợp hơn, có thể vào cuối tháng 5 thay vì đầu tháng 7 như các năm trước.

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM đợt 1 năm 2021

“Một điểm mới thứ hai, kỳ thi này có thể được tổ chức ở nhiều địa phương hơn nhằm hạn chế việc TS phải di chuyển nhiều trong điều kiện dịch bệnh hiện nay. Ngoài 7 địa phương của năm trước đó [TP.HCM, Bến Tre, An Giang, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bạc Liêu, Đắk Lắk] thì kỳ thi này có thể diễn ra thêm một số địa phương khác”, tiến sĩ Chính cho hay.

Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM dù chưa diễn ra trong năm 2021 do dịch Covid-19, nhưng dự kiến sẽ có nhiều điểm mới trong năm 2022. Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng trường này, cho biết theo kế hoạch kỳ thi này có thể được tổ chức 3 - 4 đợt trong năm 2022 và đợt thi đầu tiên dự kiến diễn ra ngay tháng 2 sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Theo vị Phó hiệu trưởng này, TS có thể dự thi nhiều đợt trong năm và sử dụng kết quả lần thi tốt nhất để xét tuyển. Kết quả kỳ thi này cũng được bảo lưu trong thời gian 2 năm, TS lớp 11 cũng có thể dự thi nếu có nguyện vọng. Thêm một điểm mới khác là trường có thể sẽ tổ chức thêm điểm thi khác ngoài TP.HCM. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, điều này là cần thiết để hạn chế việc TS phải di chuyển xa. Bởi dù TS làm bài thi trên máy tính nhưng vẫn cần tập trung tại phòng máy ở địa điểm thi do trường tổ chức.

“Mục đích chính của kỳ thi là phục vụ tuyển sinh của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Năm 2022, trường sẽ tăng tỷ lệ chỉ tiêu cho phương thức có sử dụng kết quả kỳ thi này vào trường [năm 2021 dự kiến 20% chỉ tiêu một số ngành]. Tuy nhiên, với kết quả thi từng môn riêng lẻ gắn với các môn học truyền thống trong chương trình THPT, kết quả kỳ thi này hướng tới mục tiêu xa hơn là phục vụ xét tuyển các trường ĐH, CĐ khác theo tổ hợp truyền thống”, thạc sĩ Trung chia sẻ.

Thí sinh làm thủ tục vào phòng thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2021

Các kỳ thi này kiểm tra kiến thức gì ?

Theo thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM dự kiến có nhiều phương thức xét tuyển, trong đó có 1 phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi đánh giá năng lực chuyên biệt trong năm tới. Điểm xét tuyển phương thức này gồm điểm 1 môn TS tham dự kỳ thi năng lực [nhân hệ số 2] và điểm trung bình học bạ 6 học kỳ THPT của 2 môn khác [theo tổ hợp truyền thống]. TS có thể lựa chọn đăng ký các môn riêng biệt do trường tổ chức gồm: toán, lý, hóa, sinh, văn, tiếng Anh.

TS làm bài thi trên máy tính theo hình thức trắc nghiệm và tự luận tùy theo môn. Cụ thể các môn toán, lý, hóa, sinh là bài thi 50 câu hỏi, thời gian làm bài 90 phút. Trong đó 35 câu trắc nghiệm 4 lựa chọn và 15 câu hỏi dạng trả lời ngắn, TS phải sử dụng năng lực của mình để giải quyết và điền kết quả vào ô trống. Cũng diễn ra trong 90 phút nhưng bài thi môn văn TS sẽ thi cả hai hình thức trắc nghiệm và tự luận. Trong đó, 20 câu hỏi trắc nghiệm 4 lựa chọn và 1 bài văn nghị luận xã hội với khoảng 600 từ [chủ đề bài văn nghị luận xã hội sẽ được ra theo hướng mở]. Riêng bài thi môn tiếng Anh, TS làm trong 180 phút, gồm 4 phần tương ứng với đủ cả 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Bài thi sử dụng dạng thức đánh giá năng lực tiếng Anh từ bậc 3 đến bậc 5 theo khung tham chiếu 6 bậc dành cho VN.

“Mỗi môn thi đều gắn với môn học trong chương trình THPT nên thuận lợi cho TS trong việc chuẩn bị. TS không cần luyện thi, chỉ cần học tốt chương trình học hiện hành. Nội dung câu hỏi sẽ bám sát kiến thức trong chương trình THPT, trong đó 70 - 80% chương trình lớp 12, còn lại thuộc lớp 11 và rất ít phần thuộc lớp 10. Tất nhiên, đề sẽ có những câu hỏi yêu cầu năng lực suy luận, phân tích, vận dụng với mức độ cao hơn để phân loại TS”, thạc sĩ Trung lưu ý.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính cũng khẳng định bài thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức được giữ ổn định về cách thức và nội dung kiến thức. Theo đó, TS làm một bài thi duy nhất gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn trong thời gian 150 phút.

Bài thi này có cấu trúc 3 phần, mỗi phần kiểm tra những khối kiến thức cụ thể khác nhau. Phần 1 sử dụng ngôn ngữ với 40 câu gồm tiếng Việt và tiếng Anh. Phần 2 với 30 câu sẽ kiểm tra khả năng áp dụng kiến thức toán học, khả năng tư duy logic, diễn giải và so sánh phân tích số liệu của TS. Phần 3 giải quyết vấn đề gồm 50 câu hỏi, TS giải quyết các vấn đề cụ thể thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên [vật lý, hóa học, sinh học] và lĩnh vực khoa học xã hội [địa lý, lịch sử] dựa trên những kiến thức giáo khoa cơ bản.

Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, cũng thông tin trường dự kiến tổ chức kỳ thi riêng phục vụ tuyển sinh vào tháng 5.2022. Theo đó, cách thức và nội dung kiểm tra cơ bản được giữ ổn định như các năm trước đó. Cũng theo vị Phó hiệu trưởng này, kết quả kỳ thi này dự kiến được sử dụng để xét TS vào trường đến khoảng 70% vào năm 2022.

Tin liên quan

Video liên quan

Chủ Đề