Thân mười thước cao là cao bao nhiêu?

Tiếp theo Bài 11 "TRUYỆN KIỀU DƯỚI GÓC NHÌN CON SỐ & THÀNH NGỮ SỐ DÂN GIAN" - "TRUYỆN KIỀU DƯỚI GÓC NHÌN CON SỐ & THÀNH NGỮ SỐ DÂN GIAN"

6. "QUÁ NIÊN TRẠC NGOẠI TỨ TUẦN"

Nguyễn Du đã tả Mã Giám Sinh như sau [627-628]:

Quá niên, trạc ngoại tứ tuần

Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao

Ở thế kỷ XIX, người 50 tuổi làm lễ lên lão, đầu thế kỷ XX, người xấp xỉ 50 tuổi được gọi là cụ. Ở thời kỳ lịch sử đó, từ áo quần bảnh bao thường được dùng để khen trẻ con, mà lại được Nguyễn Du dùng để khen kẻ ngoại 40 tuổi là với hàm ý khinh bỉ, chế giễu mát mẻ, kín đáo.

Việc gọi tuổi con người theo tuần bắt nguồn từ lịch pháp. Trong lịch pháp cổ, người ta lấy thập can [10 mặt trời-10 vị] phối hợp với địa chi 12 vị [Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn...] để tính năm, tháng, ngày, giờ. Việc chia thời gian ra năm là dựa theo chu kỳ Mặt trời, tháng là dựa theo chu kỳ Mặt trăng, ngày theo chu kỳ Trái đất có sáng và tối. Còn chia thời gian theo tuần là do con người sáng tạo ra chứ không phải là quan sát từ thiên nhiên sẵn có.

Chữ “Chu” 周 với nghĩa  Quay hết vòng rồi trở lại lúc khởi đầu cho khái niệm “Tuần” 旬. Một tuần lễ gọi là “nhất chu” 一週. Trung Quốc cổ đại lấy tuần là 10 ngày, chia một tháng ra 3 tuần: Thượng tuần, Trung tuần, Hạ tuần. Truyền thuyết cho rằng một năm dưới trần bằng một ngày trên trời, nên một tuần của Mặt trời [một chu kỳ] là 10 ngày bằng 10 năm dưới hạ giới. Cho nên trong "chúc thọ" quy ước 10 năm là một tuần, như “thất tuần thượng thọ”, “bát tuần thượng thọ” chỉ người thọ 70, 80 tuổi. Hết một chu kỳ [tuần] của 10 mặt trời con người được 100 tuổi.

Chu kỳ theo tuần - 10 năm của con người có những đặc trưng được Khổng Tử vạch ra trong Luận Ngữ [là sách sưu tập ghi chép lại những lời dạy của Khổng Tử] như sau:

Tam thập nhi lập

Tứ thập nhi bất hoặc

Ngũ thập nhi tri thiên mệnh;

Lục thập nhi nhĩ thuận

Thất thập nhi tòng tâm dục bất du củ.

Tam thập nhi lập: nghĩa là người ta đến 30 tuổi mới có thể tự lập, tạo dựng sự nghiệp cho mình. Theo Khổng học, điều này thường để áp dụng cho đàn ông. Tuy nhiên, ngày nay chúng ta hiểu cái tuổi 30 dù là trai hay gái cũng là tuổi có thể tự lập và có sự nghiệp vững vàng nếu được chuẩn bị từ nhỏ.

Tứ thập nhi bất hoặc: đến 40 tuổi có thể hiểu được lý lẽ trong thiên hạ, phân biệt được điều phải điều trái, tốt, xấu, và ít sai lầm

Ngũ thập nhi tri thiên mệnh: đến 50 tuổi có thể hiểu được mệnh trời hay chân lý của tạo hóa.

Lục thập nhi nhĩ thuận: đến 60 tuổi, thì kinh nghiệm trường đời chín muồi, sự hiểu biết vững vàng, có thể hiểu những gì nghe được và có thể phán đoán được mọi việc.

Thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du củ: đến 70 tuổi thì hễ nói và làm là tự nhiên thể hiện đúng chủ tâm của mình, không vượt ra ngoài khuôn khổ đạo lý hay lẽ phải.

Căn cứ theo sự giải thích của Khổng Tử, con người đến một tuần tuổi nào đó mới hiểu rõ được một số điều mà những người chưa đến tuổi đó không hiểu nổi. Muốn đạt tới mức hiểu biết ở mỗi tuần tuổi, không phải cứ ở tuổi đó là có được mà người ta còn phải chuyên tâm học hỏi liên tục mới đạt kết quả.

7. TƯỚNG MẠO TỪ HẢI QUA CON SỐ

Tả anh hùng Từ Hải trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đâu có ngờ cái cảnh người đời sau tốn quá nhiều giấy mực để bình luận mà xem ra cũng chẳng đi đến một kết quả khả quan nào [2168-2169]:

Râu hùm, hàm én, mày ngài

Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao.

Trong tướng mạo của Từ Hải, câu:

"Râu hùm, hàm én, mày ngài" vẽ nên nét oai phong lẫm liệt của vị tướng Từ Hải giống tính chất ước lệ của Tôn Quyền, Trương Phi vì có râu hùm có hàm én hoặc tương tự như Quan Công có mày ngài [mày tằm] trong tác phẩm "Tam quốc diễn nghĩa".

Tuy nhiên, câu: "Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao" là câu mà gây bao thắc mắc cho đọc giả từ xưa đến nay, bởi có lẽ Nguyễn Du là người đầu tiên tả tướng mạo con người lại thông qua con số ước lệ trong nền thơ ca Việt Nam xưa. Vì lẽ đó mà bạn đọc khó tìm thấy một hệ quy chiếu nào về ý nghĩa các con số ước lệ để hiểu câu thơ trên.

Có thể nhận thấy rất rõ việc các nhà biên khảo Truyện Kiều đã cố gắng lý giải câu này theo 2 hướng:

- Theo số đo thực của đơn vị đo lường.

- Chú giải lại từ "tấc" để cố gắng hợp lý về sự cân đối hình hài thực của Từ Hải

- Theo số đo thực của đơn vị đo lường:

Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh [Hà Nội, 1974, tr. 359] giảng một tấc là “phần mười của một thước, chiều dài bao nhiêu thì tùy từng thời; có ý kiến cho rằng thời Minh một thước chỉ ăn hai tấc.”

Nếu theo thước ta [Việt Nam] dài 44cm [có sách ghi thước mộc là 42.5cm], nên Từ Hải cao quá cỡ. Nguyễn Văn Vĩnh viết: “Nhưng chiều cao 4,4 mét thì quá đáng... nhưng chúng ta phải bỏ qua đi sự ước tính lạ lùng của các nhà nho xưa đã không có ý niệm chính xác về độ dài toán học”.

Ông Nguyễn Khắc Bảo cho biết:

"Gần đây để chứng minh là “thân mười thước cao” vẫn đúng, tác giả Nguyễn Quảng Tuân [trong sách Tìm hiểu Nguyễn Du và Truyện Kiều – NXB Khoa học xã hội, 2000] lại cho rằng: “Dưới thời nhà Chu, một thước [xích] chỉ dài có 20cm, nên trong Đế vương thế kỷ đã tả vua Văn Vương nhà Chu thân cao mười thước, tính ra như vậy nhà vua chỉ cao có 2 mét chứ không phải 3,5 mét hay 4,4 mét như phép đo lường sau này ở Trung Quốc và Việt Nam... Từ Hải mà Nguyễn Du tả “thân mười thước cao” thì cũng chỉ cao như vua Văn Vương mà thôi”.

Nghĩa là theo Nguyễn Quảng Tuân thì Từ Hải cũng chỉ cao 2 mét. Chưa rõ thông tin “dưới thời nhà Chu một thước chỉ dài có 20cm” Nguyễn Quảng Tuân dẫn theo tài liệu nào, nhưng nó hoàn toàn mâu thuẫn và vô lý vì ngay sau đó chính Nguyễn Quảng Tuân lại dẫn thơ chữ Hán của Nguyễn Du có câu thơ cho biết tầm vóc của thi hào là:

Bách niên cùng tử văn chương lý,

Lục xích phù sinh thiên địa tung

[Cuộc đời trăm năm chết xác trong chốn văn chương

Cái thân sáu thước sống nổi trôi giữa vòng trời đất].

Và ông Tuân cho rằng: “Như vậy thì Nguyễn Du cũng chỉ có tầm vóc trung bình cao khoảng 1,60m hoặc trên 1,60m một chút”.

Không rõ ông Nguyễn Quảng Tuân tính toán thế nào mà chiều cao của Nguyễn Du là “thân sáu thước” lại ra “khoảng 1,60m hoặc trên 1,60m một chút”. Vì theo đúng tư liệu mà Nguyễn Quảng Tuân dẫn ra “một thước chỉ dài có 20cm” thì Nguyễn Du chỉ cao có: 20cm x 6 = 1,20m thôi ư! [?]. Vậy thì cách giải thích của ông Nguyễn Quảng Tuân đã tự mâu thuẫn và không có tính thuyết phục."

[Trích trong bài: Đi tìm tầm vóc đích thực của

Từ Hải của Nguyễn Khắc Bảo. Nguồn Cand.com]

Theo dịch giả Lê Anh Minh cho biết:

"Bối cảnh Truyện Kiều là năm Gia Tĩnh đời Minh. Theo Website Sử Trung Quốc đời Minh của Viện Đại học Cambridge [Kiếm Kiều Trung Quốc Minh đại sử], trong chế độ đo lường đời Minh [Minh đại độ lượng hành chế] thì hệ thống đo chiều dài [trường độ] đời Minh như sau:

1 xích = 10 thốn = 12,3 Anh thốn [inch]

1 bộ  = 5 xích 

1 trượng = 10 xích 

1 lý  = 1/3 Anh lý  [mile] = 1/3 x 1,609km

Theo đó, 1 thước [xích] = 10 tấc [thốn] = 12,3 inches = 12,3 x 2,54cm = 31,242cm.

Tức là 1 thước [xích] = khoảng 1/3m; 1 tấc [thốn] = khoảng 3cm.

Do đó vóc dáng Từ Hải có thể tính như sau:

“Vai năm tấc rộng” = khoảng 15cm;

“Thân mười thước cao” = khoảng 3m.

Vóc dáng như vậy là không bình thường, thậm chí phi lý.

Theo hệ thống đo lường trên đây, "Từ điển Truyện Kiều" của Đào Duy Anh nói “Có ý kiến cho rằng thời Minh một thước chỉ ăn hai tấc” tất nhiên là sai; còn giảng “một tấc là phần mười của một thước” thì đúng".

[Theo nguồn: www.sggp.org.vn ]

Như vậy, có thể khẳng định với bất kỳ một số đo theo các thời kỳ lịch sử nào về thước, tấc của cả Trung Quốc lẫn Việt Nam thì hình thể của Từ Hải nếu tính theo số đo thực đều phi lý.

- Chú giải lại từ "tấc" để cố gắng hợp lý về sự cân đối hình hài thực của Từ Hải.

Các bản Liễu Văn Đường in năm 1916, 1919, 1924, câu này được sửa lại là:

Vai năm gang rộng, thân mười thước cao.

5 gang là khoảng [5x20cm] 110cm, 10 thước là 440cm, đó là một tỷ lệ khá ổn về hình thể con người. Tuy nhiên, cao 440 cm lại là quá phóng đại.

Để giải thích từ tấc: ông Nguyễn Quảng Tuân lại chú giải rằng “Vai năm tấc rộng” là “bề dày của vai chứ không phải là bề dài của hai vai”. Cách hiểu này cũng không thuyết phục được bạn đọc vì "rộng" không thể hiểu là "dày".

Trong bản Qn1 [Truyện Kiều quốc ngữ cổ nhất của Trương Vĩnh Ký, in năm 1875], câu này là:

Vai năm vừng rộng, thân mười thước cao.

Từ điển "Đại Nam quốc âm tự vị" của Huỳnh Tịnh Của năm 1896 đã giải thích: “Vừng: là một khối lớn, một bậc lớn. Ví dụ: Hình cao một trượng lưng lớn ba vừng - cao lớn lắm”.

Theo sưu tầm của ông Nguyễn Khắc Bảo:

"Ở câu thơ này xuất hiện từ cổ “vừng” chỉ kích thước mà ngày nay không còn thấy dùng, nhưng trong văn chương cổ bằng chữ Nôm lại rất hay dùng. Thiên Nam minh giám tả Lý Ông Trọng có câu thơ: Cao hơn mười trượng, lớn hơn mười vừng. "Hồng Đức Quốc âm thi tập" của Lê Thánh Tông tả Bà Triệu cũng viết: Cao một trượng, cả mười vừng.

...

Như vậy “Vai năm vừng rộng” là một số từ phiếm chỉ tả được sự to lớn đậm chắc của Từ Hải tương xứng với “thân mười thước cao” cũng là số từ phiếm chỉ."

[Trích trong bài: Đi tìm tầm vóc đích thực của Từ Hải của Nguyễn Khắc Bảo. Nguồn Cand.com]

Trong văn chương cổ, vừng đúng như Huỳnh Tịnh Của giải thích là một khối lớn, là một vùng lớn chỉ để mô tả một hình khối. Nếu để tả người thì chỉ tả với toàn bộ hình khối con người đó để ước lệ sự to lớn, vững chắc hoặc mô tả hào quang của con người đó thì dùng từ vừng là thích hợp. Nên trong trường hợp đặc tả cái vai thì dùng từ vừng lại là bất cập. Chỉ có thể tả phía sau vai là lưng có vừng lớn hào quang chứ khó có thể hình dung đôi vai là một vừng rộng lớn chông chênh trên đôi chân.

Trở lại với câu thơ của Nguyễn Du:

Vai năm tấc rộng thân mười thước cao.

Vấn đề mấu chốt của câu thơ này là ý nghĩa ước lệ của cái vai, cái thân cao và ý nghĩa của con số ước lệ theo vai và thân là số 5 và số 10. Còn đơn vị đo chiều dài - thước, chiều rộng - tấc chỉ là những phiếm từ chỉ số đo. Điều này thì các chú thích Truyện Kiều có lẽ chưa đề cập đến.

Theo ý kiến chúng tôi thì:

Thân cao: hàm ý con người bao quát được hết thiên hạ, cao lớn hơn người, đồng thời sức lực, tầm nhìn cũng hơn người.

Vai: vai rộng thể hiện sức vóc con người, thể hiện khả năng gánh vác, đảm đương công việc và che chở kẻ hèn yếu.

Để dùng số để miêu tả hình tướng con người về thân cao thì văn học Trung Quốc và giai thoại, truyện cổ Việt Nam cũng từng đề cập đến. Việc Nguyễn Du mô tả thân cao mười thước thì chẳng có gì lạ.

Nếu Nguyễn Du không mô tả cái vai năm tấc rộng thì chúng tôi tin chắc rằng sẽ không có gì khó hiểu đến ngày hôm nay. Do đó nên hiểu vai rộng năm tấc cũng chỉ là cách nói ước lệ mà thôi.

Ở đây, chúng tôi không hy vọng giải bài toán này, mà chỉ đưa thêm thông số để bạn đọc chiêm nghiệm và lý giải theo cách riêng của mình vì rằng khi giải thích tính ước lệ của con số thì khó có thể xác quyết vấn đề vì quan niệm con số hay ấn tượng con số mỗi thời kỳ lịch sử cũng đã khác nhau, thêm nữa trong từng vấn đề cuộc sống quan niệm số cũng khác nhau. Mặt khác, trong dân gian Việt Nam ít có văn bản để khẳng định ý nghĩa con số một cách chính xác mà chỉ dựa trên cơ sở ấn tượng số nhất định.

Trong văn hóa Trung Quốc, để nói về thân cao của các nhân vật lịch sử có thể ví dụ như sau:

- Vua Văn Vương cao mười thước, có 100 con được lý giải là sinh dần từ nhiều bà vợ.

Nếu đứng dưới góc độ con số, số 10 là số thập toàn, là toàn vẹn. Mặt khác, số 10 và 100 là tượng số của Trời. [quan niệm xưa có 10 Mặt trời - Thập Can, và 100 là một chu kỳ vận động của 10 Mặt trời. Nên hiểu vua Văn Vương là do Trời định, là hiện thân của Trời.

Trong tiểu thuyết "Tam Quốc diễn nghĩa" của La Quán Trung:

- Quan Vũ: cao chín thước, mặt đỏ như gấc, mắt phượng mày tằm, râu dài hai thước, oai phong lẫm liệt.

Đối với quan niệm con số của người Trung Quốc. Số 9 được gán gép cho hoàng đế và ngôi vị hoàng đế. Nên trong văn hóa Trung Quốc, số 9 thuộc về vua, chỉ vua mới được dùng. Cho nên, thân cao 9 thước của Quan Vũ hàm ý ông là người trung thần, ông thuộc về người của triều đình.

Quan Vũ có sức ảnh hưởng lớn tới lịch sử cũng như đời sống dân gian Trung Quốc và Việt Nam.

"Tại Trung Quốc:

Quan Vũ được thờ phụng ở nhiều nơi, tôn lên nhiều danh hiệu cao quý. Sau khi mất, ông được truy tặng chức Tráng Mậu hầu. Thời nhà Tống, Tống Huy Tông truy tôn ông là Trung Huệ Công; Tống Cao Tông tôn ông làm Tráng Mậu Vũ An vương. Đến thời Minh Thần Tông, ông được tôn làm Quan Đế. Vua nhà Minh coi ông là vị thần hộ quốc. Đời Thanh, Càn Long tôn ông làm Trung Nghĩa Vũ Thần đại đế. Năm 1856, người ta cho rằng ông đã hiển linh giúp quân Thanh thắng giặc nên binh lính nhà Thanh thường treo ảnh ông trong doanh trại và đeo tượng ông, coi như bùa hộ mệnh. Cũng vì sự việc này, vua Hàm Phong đã tôn ông lên ngang hàng với Khổng Tử, gọi là Quan Phu Tử. Ông là người thứ hai sau Khổng Tử được tôn xưng là Phu Tử.

Tôn thờ:

Tào Tháo được xem là người đầu tiên dựng am thờ Quan Vũ, ngay tại quận Tiêu, nước Bái quê mình - am Linh Thố.

...

Việc thờ Quan Vũ có ảnh hưởng sâu rộng trong dân gian. Ông được nhân dân thờ như Thần độ mạng; giới thương nhân coi ông như thần tài; giới nho sĩ coi ông như thần văn học [tượng Quan Vũ trên 1 tay có cầm Kinh Xuân Thu]; giới quân sự coi ông như vị thần bảo vệ bản mệnh. Người ta giải thích rằng sở dĩ ông có cả ảnh hưởng tới giới thương nhân vì hồi còn hàn vi ông từng làm nghề bán đậu phụ. Các đao phủ thường giấu đao trong đền thờ ông vì họ cho rằng uy linh của ông sẽ ngăn trở oan hồn về báo oán.

Tại Việt Nam:

Việc thờ Quan Vũ ở Việt Nam có từ nhiều thế kỷ, từ Bắc đến Nam. Người Việt Nam thờ ông trong nhiều chùa, thờ chung với Phật. Người Việt gọi là Hán Thọ Đình Hầu - hay phổ biến là Quan Thánh Đế Quân. Trong dân gian tôn là thần Trung Nghĩa. Bàn thờ thường đặt trong điện Quan Đế."

Theo: nguồn Quan Vũ. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

- Trương Phi: được mô tả cao tám thước, đầu báo, mắt tròn, râu hùm, hàm én

Vì số 9 là số dương lớn nhất đại diện cho Trời, cho ngôi vị hoàng đế, cho quốc gia và thuộc về vua, chỉ vua mới được dùng. Số 8 là số âm lớn nhất nên đối lập với trời, vua, quốc gia, thuộc về vua thì số 8 đại diện cho dân, thuộc về dân, về xã hội.

[Ta có thể hiểu tại sao Trung Quốc chọn Olimpic tại Bắc Kinh vào 8h ngày 8/8/2008.]

Do đó, thân cao 8 thước của Trương Phi hàm ý ông là vị tướng của nhân dân, thuộc về dân. Cho nên, hình ảnh Trương Phi khác hẳn Quan Vũ trong dân gian. Ông chỉ ảnh hưởng khá sâu đậm, là một trong những danh tướng được dân chúng truyền tụng và yêu mến.

Còn ở Việt Nam, cái thân cao của các bậc anh hùng lịch sử như Thánh Gióng vươn vai một cái bỗng biến thành một tráng sĩ mình cao hơn trượng, oai phong lẫm liệt. Bà Triệu  cao một trượng...cũng chỉ hàm ý cao lớn không thể hình dung, đó là cái cao thập toàn của bậc thánh [1 trượng = 10 thước] không phải người thường.

Như vậy, theo quan điểm số dân gian Việt Nam, chiều cao của Từ Hải là chiều cao của một anh hùng, trí dũng hơn người và vẹn toàn. [Không phải giống thân cao 10 xích và 100 người con của vua Văn Vương Trung Quốc liên quan tượng số của Trời.]

Còn vấn đề vai năm tấc của Từ Hải, ta có thể lý giải theo quan điểm số dân gian việt Nam như sau:

Số 5 là số sinh - theo quan niệm sinh, lão, bệnh, tử, sinh [5] lão, bệnh, tử...

Đứng về mặt số, số 5 là số sinh các số, là trung tâm của các số.

1, 2, 3, 4 là số quan sát thấy. Số 5 phải đếm mới biết. Từ đó, để triển khai các số tiếp theo thì 5+1=6; 5+2=7; 5+3=8, 5+4=9; 5+5=10

Đứng về mặt hình số:

Nếu ta cộng tổng các đường dọc, ngang và các đường chéo hình màu xám thì tổng của chúng đều bằng 15.

Điều đó có nghĩa là thông qua số 5, các số tìm được ý nghĩa quân bình chung.

Và ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong nhận thức số 5 của dân gian Việt Nam:

Vì số 3 mới là số, nên số 3 là số ước lệ cho sự đủ tối thiểu [của bất cứ vấn đề, nội dung]. Số 4 là sự đủ có thể nhìn thấy [trong cách nói số dân gian Việt Nam, số 4 thường đi với số 3 để nhấn mạnh sự đủ nhìn thấy], số 5 là sự đủ căn bản [phải đếm, tính toán] và số 10 là sự đầy đủ hoàn toàn, toàn vẹn.

Ví dụ: để nói sự căn bản, rõ ràng, thành ngữ Việt Nam có câu như sau:

Ba, năm rõ mười.

Ba là sự rõ tối thiểu, 5 là sự rõ căn bản, 10 là sự rõ hoàn toàn.

Sau này xuất hiện thêm cách nói từ chưa rõ đến rõ căn bản và rõ hoàn toàn:

Hai, năm rõ mười.

Chính vì thế mà trong Triết học phương Đông hay dân gian Việt Nam với bất cứ một nội dung nào người ta cũng chia 5 yếu tố để nói lên một nội dung căn bản của một vấn đề, của một học thuật, của một khái niệm.

Vì thế mà trời đất có Ngũ hành [Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ]; người quân tử có ngũ đức [Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín]; cuộc sống có ngũ phúc [Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh]; phép dùng binh có ngũ sự [Đạo, Thiên, Địa, Tướng, Pháp], trong âm nhạc thì có "ngũ âm", trong cơ thể con người thì có "ngũ quan", "ngũ tạng".

Trong Dân gian Việt Nam thì những ngày lễ, ngày tết, ngày cúng giỗ tổ tiên bao giờ cũng có mâm "ngũ quả", trong các lễ hội dân gian bao giờ cũng có cờ "ngũ hành"...

Như vậy:

Vai năm tấc rộng thân mười thước cao.

Là Từ Hải có hình tướng với thân hình cao lớn của một bậc anh hùng phi thường, xuất chúng, toàn tài. [mười thước = một trượng là thông số thân cao tượng trưng của anh hùng, thánh nhân trong dân gian].

Và để có thể chuyển tải cái phẩm chất, năng lực, sức mạnh anh hùng hơn người đó, nên Nguyễn Du đã đặc tả tiếp cái vai rộng là một trong những điểm nhấn quan trọng của hình tướng con người. Vai rộng là hình ảnh tả thực về thân thể, vóc dáng của những người khoẻ mạnh. Đồng thời, còn tiềm ẩn một ý nghĩa biểu trưng là con người có khả năng đảm đương, gánh vác được những công việc nặng nhọc, che chở kẻ hèn yếu.

Cho nên, vai năm tấc rộng cho thấy sự khỏe mạnh, cường tráng, một cách rõ ràng, hiển nhiên, không thể nghi ngờ. [Nội dung in nghiêng là đặc trưng số 5]

Như vậy: vai năm tấc rộng hàm ý vai rõ ràng rộng, căn bản rộng, thực rộng.

Một ý nghĩa số 5 khác mà bạn đọc có thể tham khảo, tuy nhiên vần đề này chưa thấy có tài liệu xác quyết nào trong dân gian Việt Nam về ý nghĩa chiến tranh và quân sự:

Một ý nghĩa khác của số 5 [ấn tượng số 5] trên thế giới về mặt quân sự như pitagor cho rằng số 5 là đại diện cho lửa; chòm sao Vê-nuyt có 5 góc - ngôi sao tượng trưng cho chiến tranh, các pháo đài cổ bao giờ cũng được xây thành 5 góc cũng như bộ chiến tranh - lầu năm góc của Mỹ. Ở Việt Nam, vua chúa nhà Nguyễn sau khi thắng nhà Tây Sơn và chọn Huế làm kinh đô đã chia các khu vực giáp ranh làm 5 vùng - Ngũ Quảng [Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi] để tạo thế phát triển vững mạnh. Hà Nội có nhiều cửa ô, nhưng bài hát "Tiến về Hà Nội" của cố nhạc sĩ Văn Cao  với câu: "Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về" vang lên, náo nức lòng người những ngày thu giải phóng Hà Nội. Mặt khác, câu thơ gợi cho ta cảm giác 5 cửa ô đó là là 5 cửa ô quân sự của Hà Nội được 5 mũi tiến công chặt chẽ, tiến về giải phóng Thủ đô.

Chủ Đề