Sau khi hoàn thành cuộc cách mạng dân chủ nhân dân

Đúng một phần tư thế kỷ trước, trên đất nước Việt Nam đã diễn ra một sự kiện chấn động thế giới về ý nghĩa và tầm quan trọng của nó: thắng lợi oanh liệt của chiến dịch mang tên Bác Hồ, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Thắng lợi đã đi vào quá khứ nhưng thời gian không thể làm mờ ánh hào quang của một chiến công hiển hách, biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khí phách, trí tuệ, bản lĩnh và sức mạnh Việt Nam.

Thắng lợi đó cũng đồng thời là sự kết thúc quá trình 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc bắt đầu từ Cách mạng Tháng Tám, là kết cục huy hoàng của cuộc trường chinh nửa thế kỷ giành độc lập, thống nhất cho đất nước, ruộng đất cho dân cày.

Nét độc đáo và sự sáng tạo tuyệt vời của Đảng là dùng chiến tranh cách mạng làm phương thức cơ bản để thực hiện mục tiêu của cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân, tiếp tục tiến hành cách mạng bằng chiến tranh và ngay trong chiến tranh. Trên thực tế, cách mạng và chiến tranh cách mạng ở nước ta tuy là hai nhưng hòa quyện làm một trong một thể thống nhất biện chứng, tác động và quy định lẫn nhau, thâm nhập vào nhau và kết hợp với nhau. Vì vậy, chiến tranh Nhân dân Việt Nam rất khác với các cuộc chiến tranh thông thường, cổ điển, chỉ bằng quân đội. Đó là một cuộc chiến tranh vừa quân sự vừa chính trị, vừa có khởi nghĩa vũ trang, vừa có tiến công quân sự, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, vừa đánh giặc vừa từng bước xây dựng chế độ mới. Mục tiêu cách mạng cũng là mục đích chính trị của chiến tranh, lực lượng cách mạng là lực lượng tiến hành chiến tranh, các tổ chức cách mạng đồng thời là tổ chức kháng chiến, phương pháp cách mạng quán triệt vào nội dung của phương thức tiến hành chiến tranh.

Rõ ràng là chiến tranh Nhân dân Việt Nam không chỉ có những quy luật của chiến tranh mà còn có những quy luật của cách mạng, đồng thời tác động và chi phối lẫn nhau, trong đó quy luật của cách mạng là cơ sở cho sự vận động quy luật của chiến tranh, còn quy luật của chiến tranh giữ vai trò quyết định trực tiếp. Đảng ta đã nắm vững cả hai loại quy luật đó, gắn chặt đấu tranh quân sự với các mặt đấu tranh chính trị, kinh tế, văn hóa - tư tưởng tạo thành sức mạnh tổng hợp vô địch, sức mạnh mà không kẻ địch nào lường hết được.

Đại thắng mùa Xuân 1975 là sự toàn thắng của cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân trên cả nước và cũng đương nhiên khôi phục lại sự thống nhất nước nhà.

Lịch sử có những sự trùng hợp thú vị. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã kết thúc bằng chiến dịch Điện Biên Phủ kéo dài 55 ngày đêm và cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 trong kháng chiến chống Mỹ cũng kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh với thời gian tương tự. Đằng sau sự trùng hợp đó là một quy luật: Quyết định kết thúc thắng lợi chiến tranh là những đòn chiến lược tiêu diệt lớn quân địch bằng những binh đoàn chủ lực.

Đảng ta đã hành động theo yêu cầu của quy luật đó nên sự trùng hợp ấy về cơ bản chẳng phải là ngẫu nhiên.

Lịch sử cũng có những trớ trêu, nghịch cảnh. Một dân tộc tha thiết yêu chuộng hòa bình như dân tộc Việt Nam lại phải chịu đựng hàng chục cuộc chiến tranh xâm lược và đã rất nhiều lần phải cầm vũ khí phê phán bọn xâm lăng trong suốt chiều dài lịch sử của mình. Chúng ta tuyệt đối không phải là những người sùng bái bạo lực, nhưng khi cần thiết mà không dùng bạo lực chính nghĩa chống lại bạo lực phi nghĩa thì tức là đã tự đánh mất mình, biến mình thành những kẻ nô lệ. Hơn một thế kỷ qua, chủ nghĩa thực dân dù cũ hay mới đều coi bạo lực phản cách mạng, coi chiến tranh là phương tiện chủ yếu để áp đặt nền thống trị của chúng đối với Nhân dân ta. Vả lại, chủ nghĩa thực dân tự nó đã là một hành động bạo lực. Kinh nghiệm đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc chứng tỏ muốn giải phóng dân tộc, giành độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc, nhất thiết phải thông qua biện pháp cách mạng chứ không thể bằng những biện pháp cải lương. Và bước phát triển cao nhất của cuộc đấu tranh chống đế quốc thường được thực hiện bằng bạo lực cách mạng. Con đường đưa sự nghiệp giải phóng của Nhân dân ta đến thắng lợi là con đường cách mạng bạo lực.

Được chỉ đạo bởi quan điểm đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta về bạo lực cách mạng, cách mạng và chiến tranh cách mạng Việt Nam đã huy động đến mức tối đa sức mạnh vô tận của quần chúng áp đảo quân thù. Sức mạnh đó được tạo nên bởi hai lực lượng cơ bản là lực lượng chính trị của quần chúng và lực lượng vũ trang từ Nhân dân mà ra, được thực hiện bằng hai hình thức đấu tranh cơ bản: Đấu tranh chính trị, đấu tranh quân sự và sự kết hợp hai hình thức đó. Điều đáng chú ý ở đây là lực lượng chính trị chỉ trở thành một cấu tố của bạo lực cách mạng khi nó được tổ chức thành một đội quân chính trị, một lực lượng tiến công có lãnh đạo, chỉ huy được tung vào trận khi tiến hành khởi nghĩa. Và bước phát triển cao nhất của sự kết hợp hai hình thức đấu tranh nói trên là những cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt trên toàn miền Nam. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử chính là một cuộc tổng tiến công kết hợp với nổi dậy như vậy, một trận tổng hợp sức mạnh tất thắng và tài thao lược Việt Nam, sự phối hợp tuyệt đẹp về quân sự, chính trị, thể hiện sáng ngời của bạo lực cách mạng như Đảng ta quan niệm.

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 thể hiện ý chí kiên trì, quyết tâm chiến đấu vì độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội, coi mục tiêu của cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội là mục đích chính trị nhất quán, bất biến của chiến tranh cách mạng.

Trên con đường dài đi tới mục đích đó, tùy tình hình cụ thể, căn cứ vào đối tượng của cách mạng và chiến tranh, so sánh lực lượng ta, địch, Đảng ta đã thi hành một sách lược mẫu mực, có khi sử dụng những biện pháp đau đớn, có khi nhân nhượng tạm thời để trì hoãn chiến tranh, tranh thủ thời gian chuẩn bị kháng chiến, có khi dành một thời gian hưu chiến để sửa soạn lực lượng, tiếp tục cuộc chiến đấu giải phóng cả nước, khi thì tiến hành cuộc đấu tranh ngoại giao kiên trì nhiều năm vừa cương vừa nhu, thực hiện những bước đi quá độ, đẩy lùi địch từng bước, đánh thắng địch từng bước để tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn cho chiến tranh và cách mạng.

Khi vận dụng sách lược nói trên, không lấy sách lược làm chiến lược, không dao động ngả nghiêng trước mọi đe dọa, sức ép và khó khăn, không bao giờ lãng quên mục đích cơ bản, cuối cùng. Đó là điều có tính nguyên tắc mà Đảng ta đã giữ vững để thực hiện đường lối cách mạng và chiến tranh cách mạng một cách có lợi nhất, ít tổn thất nhất, đạt hiệu quả cao nhất.

Kể từ Đảng ta ra đời cho đến đại thắng mùa Xuân năm 1975, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng, Nhân dân ta đã phải tiến hành một cuộc tổng khởi nghĩa và hai cuộc kháng chiến mới hoàn thành được sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân trên cả nước. Điều đó, đủ cho thấy rằng: Độc lập tự do cho Tổ quốc, dân chủ cho Nhân dân, thu giang sơn gấm vóc về một mối là ý chí sắt đá, là nguyện vọng thiêng liêng cháy bỏng của những người cộng sản và toàn dân Việt Nam mà dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng quyết tâm đạt cho bằng được.

Mọi người đều biết, Đường cách mệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh là độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Đó là cốt lõi, nội dung chủ yếu của tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó cũng là con đường mà Nhân dân ta đã lựa chọn.

Thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh đã mở ra một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên của độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội. Và khi ở nước ta giai cấp công nhân giữ vai trò lãnh đạo thì thắng lợi của cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân trên cả nước cũng là sự bắt đầu của cách mạng xã hội chủ nghĩa, sự bắt đầu của thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Từ những điều nói trên có thể thấy một bài học lớn, cơ bản nhất, xuyên suốt quá trình cách mạng nước ta là kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Hiện nay, trong bối cảnh chủ nghĩa xã hội đang tạm thời lâm vào thoái trào, đã thấy có những biểu hiện mơ hồ, dao động về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Thực tiễn đã chứng tỏ bất cứ một con đường nào khác con đường mà dân tộc ta đã lựa chọn tất yếu cũng sẽ rơi vào quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản đế quốc, rút cuộc sẽ đánh mất độc lập tự do, đánh mất tất cả các thành quả cách mạng mà bao thế hệ người Việt Nam đã đổ xương máu và chịu đựng những hy sinh không kể xiết mới giành được.

Đất nước chuyển sang thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa thực hiện một cuộc biến đổi quan trọng nhất trong lịch sử dân tộc ta. Phát huy trí thông minh, sáng tạo và chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến tranh vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong hòa bình, điều cốt tử trong xây dựng đất nước là giữ vững quyền độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bồi dưỡng, động viên và dựa vào sức mạnh của toàn dân.

Trong mấy nghìn năm tồn tại và phát triển của dân tộc ta, một quy luật đã được rút ra là dựng nước đi đôi với giữ nước. Sau Cách mạng Tháng Tám, quy luật này đã biểu hiện dưới yêu cầu xây dựng chế độ mới phải gắn liền với bảo vệ chế độ mới và ngược lại. Tuân theo yêu cầu đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra chủ trương đầy sáng tạo vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Vận dụng bài học đó, chúng ta phải gắn chặt nhiệm vụ xây dựng đất nước với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên tất cả các lĩnh vực, đạt tới mỗi bước phát triển kinh tế - xã hội là một bước tăng cường và củng cố tiềm lực quốc phòng, bảo đảm an ninh tối đa cho quốc gia.

Nếu trước đây, Nhân dân Việt Nam được lịch sử giao phó sứ mệnh làm người chiến sĩ xung kích trong cuộc chiến đấu chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, thì trong thời đại ngày nay, lịch sử lại giao phó cho chúng ta một sứ mệnh mới: Xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, chứng minh rằng chủ nghĩa xã hội nhất định sẽ thay thế chủ nghĩa tư bản và ảo tưởng chôn vùi chủ nghĩa xã hội của ai đó sẽ chỉ là một ảo mộng.

Chúng ta nhất định sẽ làm tròn sứ mệnh đó như đã từng làm trong thế kỷ XX. Chúng ta sẽ quyết làm theo di huấn của ông cha:

Thái bình nên gắng sức.

Non nước vững ngàn thu.

* Đầu đề của Tạp chí Dân vận

Video liên quan

Chủ Đề