Những khó khăn khi dạy luyện từ và câu ở tiểu học

Sáng kiến kinh nghiệm: Một số biện pháp nâng cao chất lượng giảng dạy Luyện từ và câu cho học sinh lớp 4

Sáng kiến kinh nghiệm:Một số biện pháp nâng cao chất lượng giảng dạy Luyện từ và câu cho học sinh lớp 4
Đọc bài Lưu

A. ĐẶT VẤN ĐỀ

I. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI:

Tiểu học là cấp học đặt cơ sở ban đầu cho việc hình thành và phát triển nhân cách con người, đặt nền tảng cho giáo dục phổ thông và các cấp học trên. Để giúp học sinh có vốn kiến thức đó, nhiệm vụ của môn Tiếng Việt có vị trí đặc biệt quan trọng. Nó đặt nền tảng cơ sở giúp học sinh học tập tất cả các môn học khác.

Tôi nhận thấy hầu như tất cả giáo viên đều rất coi trọng môn Tiếng Việt, dành rất nhiều thời gian cho môn học nhưng chất lượng môn Tiếng Việt vẫn chưa đạt như mong muốn. Một trong những nguyên nhân đó là do chất lượng dạy và học môn Luyện từ và câu chưa cao bởi Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam.

Nhiệm vụ của phân môn luyện từ và câu là: Mở rộng và hệ thống hóa vốn từ trang bị cho học sinh một số hiểu biết sơ giản về từ và câu. Rèn cho học sinh kĩ năng dùng từ và câu, sử dụng dấu câu. Bồi dưỡng học sinh thói quen dùng từ đúng, nói và viết thành câu. Có ý thức sử dụng Tiếng Việt trong văn hóa giao tiếp.

Qua thực tế giảng dạy, tôi nhận thấy các em thường không thích môn học này. Vì vậy, nếu người giáo viên có phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực, tổ chức hướng dẫn các hoạt động một cách linh hoạt, nhẹ nhàng, thì các em sẽ rất hứng thú, chủ động nắm chắc kiến thức. Ngược lại, nếu giáo viên tổ chức bài dạy đơn điệu, phương pháp áp đặt thì học sinh sẽ khó tiếp thu, sợ học, nhất là những em chưa hoàn thành.

BẢNG SỐ LIỆU KHẢO SÁT VỐN TỪ CỦA HỌC SINH KHỐI 4

Trường Tiểu học Liên Mạc A- Mê Linh- Hà Nội

Thời gian khảo sát : tháng 9 năm 2019

Lớp

Sĩ số

HTT

HT

CHT

SL

TL%

SL

TL

SL

TL

4A

37

3

8,1

15

40,5

19

51,4

4B

36

5

13,9

18

48,6

13

36,1

4C

35

5

14,3

15

42,8

15

42,8

4D

41

10

25,0

20

50,0

10

25,0

Vậy làm thế nào để dạy học tốt phân môn luyện từ và câu góp phần nâng cao chất lượng của môn Tiếng Việt ?

Là giáo viên trực tiếp đứng lớp, tôi luôn cố gắng tìm tòi nghiên cứu các biện pháp dạy học thích hợp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy. Từ những lí do khách quan và chủ quan đã nêu trên, tôi xin phép được mạnh dạn trình bày một vài kinh nghiệm để: Nâng cao chất lượng giảng dạy phân môn luyện từ và câu lớp 4 mà tôi đã rút ra trong quá trình dạy học.

II. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU:

- Góp phần nâng cao chất lượng học Tiếng Việt nói chung và phân môn luyện từ và câu lớp 4 nói riêng.

- Rèn kĩ năng nói đúng, nói hay, sử dụng đúng từ ngữ trong nói và viết qua đó giáo dục cho học sinh lòng tự hào, yêu quý và ý thức giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt.

III. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU:

- Các phương pháp dạy học Tiếng Việt.

- Một số dạng bài tiêu biểu trong phân môn luyện từ và câu ở lớp 4.

IV. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU :

- Một số biên pháp nâng cao chất lượng giảng dạy luyện từ và câu cho học sinh lớp 4.

V. ĐỐI TƯỢNG KHẢO SÁT, THỰC NGHIỆM

Để thực hiện đề tài này tôi đã khảo sát, điều tra, thực nghiệm ở học sinh cả 4 lớp 4 trường tôi để so sánh, phát hiện tình trạng, tìm ra biện pháp khắc phục.

VI. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU.

a.Phương pháp quan sát:

Qua khảo sát thực tế, thực trạng về quá trình học tập, chất lượng học tập của học sinh lớp 4D.

b. Phương pháp điều tra:

- Điều tra trực tiếp với hình thức kiểm tra học sinh bằng phiếu bài tập để đánh giá khả năng nhận thức của học sinh.

- Điều tra phỏng vấn thu nhập thông tin số liệu, chất lượng học sinh qua các kì.

c.Phương pháp phân tích:

- Phân tích thực trạng học Tiếng Việt của khối lớp 4 trong trường

d.Phương pháp nghiên cứu tài liệu:

- Tham khảo các tài liệu, sách báo, giáo trình liên quan đến môn Tiếng Việt lớp 4 của nhiều tác giả.

e.Phương pháp thực nghiệm:

- Soạn giáo án, xây dựng kế hoạch dạy tại lớp 4D

VII. KẾ HOẠCH NGHIÊN CỨU:
- Nghiên cứu tài liệu, học hỏi kinh nghiệm, dự giờ thăm lớp từ các đồng nghiệp trong các năm học trước.

VIII. PHẠM VI NGHIÊN CỨU :

  1. Về không gian:

Biện pháp nâng cao hiệu quả học phân môn Luyện từ và câu cho học sinh lớp 4D.

  1. Về thời gian: Tôi nghiên cứu và làm đề tài này bắt từ năm 2019 đến cuối năm 2020.

B. NỘI DUNG ĐỀ TÀI

CHƯƠNG I: CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

  1. Cơ sở lí luận:

Nói đến dạy Luyện từ và câu ở Tiểu học, người ta thường nói tới ba nhiệm vụ chủ yếu là giúp học sinh phong phú hoá vốn từ, chính xác hoá vốn từ và tích cực hoá vốn từ. Trong ba nhiệm vụ cơ bản đó, nhiệm vụ phong phú hoá vốn từ, phát triển, mở rộng vốn từ được coi là trọng tâm. Bởi vì, đối với học sinh tiểu học, từ ngữ được cung cấp trong phân môn Luyện từ và câu giúp các em hiểu được các phát ngôn khi nghe - đọc.

Như vậy, có thể nói phân môn Luyện từ và câu có vai trò quan trọng trong việc phát triển ngôn ngữ cho học sinh, giúp học sinh có vốn từ phong phú và biết nói câu hoàn chỉnh để phục vụ giao tiếp hàng ngày.

Ngoài ra, ở một chừng mực nào đó, phân môn Luyện từ và câu ở Tiểu học còn có nhiệm vụ cung cấp cho học sinh một số khái niệm có tính chất sơ giản ban đầu về cấu tạo từ và nghĩa của từ Tiếng Việt.

  1. Cơ sở thực tiễn:
    1. Khái quát về nhà trường

Trường TH Liên Mạc A được thành lập năm 1963 của thế kỷ trước- một ngôi trường có bề dày truyền thống. Tháng 4/2006, Trường được UBND Tỉnh Vĩnh Phúc công nhận trường TH đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1. Đến tháng 9/2010, thực hiện đề án xây dựng thí điểm nông thôn mới xã Liên Mạc Huyện Mê Linh Thành phố Hà Nội- là một trong hai xã đầu tiên của thành phố Hà Nội thí điểm xây dựng nông thôn mới. Chính vì vậy nhà trường được xây dựng mới và trang bị nội thất của một số hạng mục công trình như nhà Hiệu bộ, nhà giáo dục thể chất và các phòng chức năng [ Nhạc, họa, tin học, Tiếng anh].Trong 3 năm học gần đây nhà trường liên tục được công nhận Trường tiên tiến cấp Huyện. Đặc biệt, khung cảnh sư phạm ở đây thật tốt, đảm bảo xanh, sạch, đẹp với những bồn hoa, cây cổ thụ quanh năm xanh mát, thắm tươi. Năm học 2019- 2020, trường có 715 học sinh với 18 lớp và 39 cán bộ GV- NV.

Đội ngũ giáo viên đoàn kết, thân ái, nhiệt tình, có lòng yêu nghề, mến trẻ, tận tụy trong công việc. Trình độ giáo viên đều đạt chuẩn và trên chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng, BGH, và các đoàn thể trong nhà trường, các hoạt động của nhà trường luôn được phối hợp nhịp nhàng, có sự chỉ đạo sát sao, kịp thời và đúng đắn.

Học sinh chủ yếu là con em nông thôn trong xã có đạo đức tốt, cần cù trong học tập. Phụ huynh luôn quan tâm đến học tập của con em, luôn ủng hộ mọi hoạt động của nhà trường.

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, nhà trường luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đạt nhiều thành tích cao, góp phần vào thành tích chung của huyện nhà.

2.2.Thực trạng dạy học Tiếng Việt trong trường Tiểu học

a. Thuận lợi:

  • Nhà trường thường xuyên tổ chức hội giảng, dự giờ chuyên đề trường, tổ chức triển khai học tập nghiêm túc các chuyên đề huyện về đổi mới phương pháp dạy học giúp giáo viên học tập, trao đổi rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy.
  • Nhà trường tổ chức học hai buổi trên ngày nên giáo viên có thời gian rèn thêm vào buổi chiều.
  • Các em có đủ sách giáo khoa, sách vở bài tập, đồ dùng học tập.
  • Nhà trường trang bị phương tiện dạy học đầy đủ cho các lớp: máy chiếu, máy tính,..
  • Được sự quan tâm ủng hộ nhiệt tình của các bậc phụ huynh.
  • Bản thân giáo viên luôn cố gắng trao dồi kiến thức, rèn kĩ năng nghiệp vụ, nhiệt tình, chú ý học hỏi, tích lũy các kinh nghiệm của bản thân và đồng nghiệp, thích nghiên cứu và dạy Luyện từ và câu có hiệu quả.

b. Khó khăn:

  • Trình độ tiếp thu của HS trong lớp không đồng đều. Một số em chưa thích học phân môn luyện từ và câu.
  • Mạch kiến thức về vốn từ, cấu tạo từ, từ loại, thành phần câu,là mạch kiến thức mới, lên lớp 4 các con mới bắt đầu làm quen nên khá khó với học sinh.
  • Một số giáo viên chưa kích thích được sự ham muốn, yêu thích môn học này của học sinh.

CHƯƠNG 2: NỘI DUNG

I. Nội dung chương trình, yêu cầu kiến thức, kĩ năng của phân môn luyện từ và câu lớp 4.

* Nội dung:

Gồm 62 tiết ở học kỳ I và 32 tiết ở học kỳ II bao gồm các từ thuần Việt, Hán Việt, thành ngữ, tục ngữ phù hợp với các chủ điểm học tập.

* Yêu cầu kiến thức:

- Mở rộng và hệ thống hóa vốn từ.

- Trang bị các kiến thức giảng dạy về từ và câu: Từ, cấu tạo từ, từ loại.

- Các kiểu câu: Câu hỏi, câu kể, câu khiến, câu cảm.

- Thêm trạng ngữ trong câu: Trạng ngữ chỉ thời gian, nơi chốn, nguyên nhân, mục đích, phương tiện.

- Các dấu câu: dấu hỏi, dấu chấm, dấu ngoặc kép, dấu gạch ngang, dấu hai chấm.

* Yêu cầu về kĩ năng:

- Từ: Nhận biết được cấu tạo của tiếng, từ, từ loại, đặt câu với những từ đã cho.

- Câu: Nhận biết các kiểu câu, các trạng ngữ, tác dụng của dấu câu, đặt câu theo mẫu. Viết đoạn văn với dấu câu thích hợp.

II. Những phương pháp dạy học chung:

Biện pháp1: Giúp học sinh lĩnh hội kiến thức bài học nhẹ nhàng, tự nhiên, phát huy được tính tích cực của học sinh.

Để phát huy được tính tích cực của học sinh, tôi thấy cần tạo cơ hội để cho tất cả các em có cơ hội được suy nghĩ, được viết ra những gì mình nghĩ, được trao đổi, lắng nghe và trình bày ý kiến cá nhân mình với bạn bè.

VD: Bài Mở rộng vốn từ Nhân hậu- Đoàn kết [ trang 17]

Bài 1: Tìm các từ ngữ:

a, Thể hiện lòng nhân hậu, tình cảm yêu thương đồng loại.

b, Trái nghĩa với nhân hậu hoặc yêu thương.

c, Thể hiện tinh thần đùm bọc hoặc giúp đỡ đồng loại.

d, Trái nghĩa với đùm bọc hoặc giúp đỡ.

Trong bài tập này, tôi sử dụng kĩ thuật thảo luận nhóm chuyên sâu, kĩ thuật mảnh ghép để học sinh tự tìm tòi, phát hiện kiến thức. Tôi chia lớp thành các nhóm, mỗi nhóm 4 học sinh, trên bàn mỗi nhóm có các tấm thẻ với 4 màu khác nhau. Trong mỗi tấm thẻ có ghi từng yêu cầu cụ thể ứng với từng phần a,b,c,d.

Tôi giao nhiệm vụ cho mỗi học sinh chọn một tấm thẻ màu mình thích, rồi di chuyển về các nhóm có biển nhóm được dán màu cùng với màu tấm thẻ mình vừa chọn, tạo thành nhóm mới [ nhóm chuyên sâu]. Tại đây học sinh có cùng thẻ màu giống nhau sẽ cùng yêu cầu thảo luận như nhau, tôi giao nhiệm vụ cho các nhóm thảo luận trong thời gian khoảng 3-5 phút. Sau khi thảo luận, mỗi cá nhân sẽ viết kết quả thảo luận vào tấm thẻ của mình. Hết thời gian thảo luận, yêu cầu các học sinh trở về nhóm cũ, tạo thành nhóm Mảnh ghép.

Tại nhóm Mảnh ghép, từng học sinh sẽ chia sẻ cho các bạn trong nhóm về kết quả thảo luận ở nhóm chuyên sâu, cả nhóm sẽ hoàn thành 1 phiếu học tập chung gồm đầy đủ nội dung bài tập.

Mẫu phiếu học tập như sau:

Tìm các từ ngữ:

Thể hiện lòng nhân hậu, yêu thương đồng loại

Trái nghĩa với nhân hậu - yêu thương

Thể hiện tinh thần đùm bọc hoặc giúp đỡ đồng loại.

Trái nghĩa với đùm bọc hoặc giúp đỡ.

.

.

Sau thời gian làm việc nhóm Mảnh ghép khoảng 7-8 phút, học sinh đại diện một số nhóm sẽ lên trình bày kết quả thảo luận, các nhóm còn lại bổ sung, tương tác, yêu cầu giải nghĩa từ, đặt câu có từ vừa tìm được.

Với hình thức tổ chức này, học sinh làm việc rất tích cực, thảo luận nhóm hiệu quả, học sinh nào cũng phải làm việc và chia sẻ trong nhóm, phát huy tốt năng lực của mỗi em, giúp các em tự tin bày tỏ ý kiến trước nhóm cũng như trước lớp. Đặc biệt vốn từ rất phong phú, không những tìm được từ ngữ mà học sinh còn hiểu được nghĩa của một số từ khó và vận dụng vào ngữ cảnh phù hợp qua việc đặt câu có từ ngữ đó

Biện pháp 2: Cuốn hút học sinh vào các hoạt động học tập một cách chủ động tích cực thông qua các hình thức dạy học.

Giáo viên sử dụng các hình thức tổ chức dạy học như; Học sinh thảo luận nhóm, đàm thoại, sắm vai, trò chơiQua đó học sinh lĩnh hội kiến thức, tích cực tự giác, Học mà chơi chơi mà học. Không khí học tập thoải mái khiến học sinh mạnh dạn tự tin, lớp học sôi nổi, học sinh hứng thú tiếp thu bài.

VD: Khi dạy các tiết Danh từ, tôi tổ chức cho học sinh như sau:

- Cho học sinh thảo luận nhóm để tìm từ đúng với yêu cầu đề bài.

- Tổ chức cho học sinh chơi trò chơi gắn thẻ theo nhóm từ[ gồm các nhóm: Từ chỉ người, từ chỉ vật, từ chỉ hiện tượng thiên nhiên, từ chỉ đơn vị.] Chia thành 2 đội chơi, mỗi đội khoảng 4-5 em, sau thời gian khoảng 3 phút, hai đội cùng tham gia chơi gắn thẻ theo nhóm từ, đội nào gắn nhanh và đúng thì đội đó thắng cuộc.

Với các bài động từ - tính từ tôi cũng hướng dẫn học sinh tương tự.

Như vậy trong một tiết học, việc giáo viên vận dụng linh hoạt các hình thức dạy học trong dạy luyện từ và câu là nhiệm vụ cần thiết. Với cách làm này đã thu hút học sinh hào hứng tham gia vào bài học, các con chủ động tiếp thu kiến thức,vận dụng làm bài tốt mà giờ học vẫn nhẹ nhàng.

Biện pháp 3: Phối hợp với các hoạt động ngoài giờ lên lớp.

Các hoạt động ngoài giờ lên lớp giúp học sinh có những hiểu biết ngoài kiến thức được học trong chương trình chính khóa. Do đó việc phối kết hợp các hoạt động ngoài giờ lên lớp là rất cần thiết. Giáo viên giảng dạy cần có sự kết hợp với giáo viên tổng phụ trách, thông qua các buổi chào cờ, các buổi hoạt động ngoại khóa như: Tổ chức các cuộc thi: Búp măng xinh, hội vui học tập, giao lưu học sinh giỏi.

Ví dụ: Vào buổi sinh hoạt đầu tuần, trường tôi thường tổ chức các hoạt động ngoại khóa theo từng khối lớp, mỗi tuần một khối lớp, các khối lựa chọn hình thức tổ chức khác nhau. Đến khối 4, tôi tổ chức cho học sinh tham gia trò chơi Rung chuông vàng, tôi mở rộng vốn từ cho HS về chủ điểm «Thương người như thể thương thân»: Yêu cầu HS viết ra bảng các từ có chứa tiếng nhân có nghĩa là lòng thương người. Sau thời gian quy định, học sinh nào viết được 3 từ trở lên thì được chơi tiếp, học sinh nào viết dưới 3 từ sẽ bị loại cuộc chơi. Học sinh nào được ở lại « Sàn thi đấu» sau cùng thì được thưởng.

Với cách tổ chức hoạt động ngoại khóa này, học sinh sẽ rất hào hứng và có sự chuẩn bị tốt cho cuộc chơi [vì chủ đề được GV thông báo trước], vừa giúp các em mở rộng vốn từ, vừa hứng thú với môn học.

Biện pháp 4: Gắn kiến thức bài học với thực tế:

Kiến thức tiếng Việt vốn bắt nguồn từ đời sống thực tế, nếu trong khi dạy, giáo viên liên hệ thực tế để học sinh tìm kiến thức thì các em làm bài tập tốt hơn, hứng thú hơn. Ngược lại sau mỗi hoạt động hoặc mỗi bài, giáo viên cần liên hệ thực tế để giáo dục các em vận dụng những điều đã học vào cuộc sống. Có như vậy, các em mới cảm thấy kiến thức bài học thật gần gũi, yêu thích môn học hơn.

VD: Mở rộng vốn từ: Ý chí- Nghị lực [ tuần 13]

Bài 3: Viết một đoạn văn ngắn nói về một người do có ý chí, nghị lực nên đã vượt qua nhiều thử thách, đạt được thành công.

Với bài tập này, tôi yêu cầu HS có thể liên hệ ngoài việc viết về những nhân vật mà các em được học, được xem trên báo, đài các em có thể viết về những bạn trong lớp, trong trường hoặc chính người thân của em. Và thực tế khi dạy bài này, khá nhiều học sinh trong lớp tôi đã chọn viết bạn trong lớp và người thân của mình. Khi mời đọc bài, sửa trước lớp, các em rất ngạc nhiên, thích thú. Tôi đã chọn bài làm tốt kể về những người gần gũi xung quanh để giáo dục, nêu gương trước lớp. Vì những nhân vật đó chính là con người cụ thể mà các em được biết, được thấy, như vậy sẽ có tính giáo dục tốt hơn.

VD: Hoa là con út trong một gia đình khá đông con. Gia đình bạn rất nghèo. Bố mẹ bạn ấy đã già yếu. Quãng đường từ nhà đến trường khá xa, lại phải đi học bằng chiếc xe đạp cũ, thường xuyên bị hỏng. Đã vậy, Hoa còn mắc chứng bệnh đau khớp nên bạn rất khổ sở về mùa lạnh. Khó khăn như vậy nhưng chưa lúc nào bạn lùi bước. Nhờ cả lớp và cô giáo động viên, bạn càng quyết tâm học tập. Thành tích học tập của bạn rất cao, luôn là một học sinh giỏi đứng đầu lớp. Bạn Phạm Hồng Hoa lớp em đúng là một tấm gương về ý chí, nghị lực đáng học tập.

Như vậy từ thực tiễn cuộc sống, các con đã gắn vào với bài học một cách nhẹ nhàng. Rất nhiều học sinh trong lớp có bài viết hay, cảm động với lời kể chân thành mộc mạc.

III. Phương pháp dạy một số dạng bài tiêu biểu:

Sau khi tìm hiểu kĩ về nội dung chương trình phân môn Luyện từ và câu lớp 4, tôi tập trung nghiên cứu một số nội dung sau:

1.Cấu tạo từ:

- Từ đơn

- Từ phức:

+ Từ ghép: [ Từ ghép có nghĩa tổng hợp, từ ghép có nghĩa phân loại]

+ Từ láy: [Láy vần, láy âm, láy cả âm và vần, láy tiếng]

2. Từ loại:

- Danh từ [Cụm DT]

- Động từ [Cụm ĐT]

- Tính từ [Cụm TT]

Dạng 1: CẤU TẠO TỪ

1.1. Hướng dẫn và tổng hợp cho học sinh ghi nhớ nội dung kiến thức:

Khi giảng dạy, tôi luôn cố gắng rèn học sinh trong các giờ học. Tổng hợp cho học sinh hiểu và ghi nhớ những kiến thức trọng tâm. Cụ thể tôi giúp học sinh hiểu:

Từ: là đơn vị nhỏ nhất có nghĩa dùng để đặt câu. Từ có hai loại :

- Từ do một tiếng có nghĩa tạo thành gọi là từ đơn.

- Từ do hai hoặc nhiều tiếng ghép lại tạo thành nghĩa chung gọi là từ phức.

Có hai cách chính để tạo từ phức:

- Cách 1: Ghép những tiếng có nghĩa lại với nhau. Đó là các từ ghép .

- Cách 2: Phối hợp những tiếng có âm đầu hay vần [ hoặc cả âm đầu và vần ] giống nhau. Đó là các từ láy.

a. Từ ghép: Là từ do hai hoặc nhiều tiếng có nghĩa ghép lại tạo thành nghĩa chung. Từ ghép được chia thành hai kiểu :

Từ ghép có nghĩa tổng hợp: Là từ ghép mà nghĩa của nó biểu thị những loại rộng hơn, lớn hơn, khái quát hơn so với nghĩa các tiếng trong từ.

Từ ghép có nghĩa phân loại: Thường gồm có hai tiếng, trong đó có một tiếng chỉ loại lớn và một tiếng có tác dụng chia loại lớn đó thành loại nhỏ hơn.

b] Từ láy[ TL]: Là từ gồm hai hay nhiều tiếng láy nhau. Các tiếng láy có thể có một phần hay toàn bộ âm thanh được lặp lại.

Căn cứ vào bộ phận được lặp lại, người ta chia từ láy thành bốn kiểu: Láy tiếng, láy vần, láy âm, láy cả âm và vần.

Căn cứ vào số lượng tiếng được lặp lại, người ta chia thành ba dạng từ láy: láy đôi, láy ba, láy tư.

1.2. Hướng dẫn học sinh cách phân định ranh giới từ.

Để giúp học sinh làm tốt các bài tập phân định ranh giới từ tôi đặc biệt chú ý phân loại đối tượng và rèn học sinh trong các giờ học Tiếng Việt. Tôi cung cấp cho học sinh một số cách phân biệt từ như sau:

Để xác định được từ nào đó là một từ [ từ phức] hay hai từ đơn bằng cách xem xét tổ hợp ấy về hai mặt: kết cấu và nghĩa.

* Về mặt kết cấu, tôi hướng dẫn học sinh như sau:

Cách 1: Dùng thao tác chêm, xen:

VD 1: tung cánh Tung đôi cánh

lướt nhanh Lướt rất nhanh

- Tôi yêu cầu học sinh so sánh từ tung cánh với từ tung đôi cánh có gì khác nhau ?

- Quan hệ giữa các tiếng trong từ như thế nào ?

Sau đó tôi chốt cho học sinh hiểu nếu quan hệ giữa các tiếng trong từ mà lỏng lẻo, dễ tách rời, có thể chêm, xen một tiếng khác từ bên ngoài vào mà nghĩa của từ về cơ bản vẫn không thay đổi thì đó là hai từ đơn.

VD 2: chuồn chuồn nước và chuồn chuồn sống ở nước

- Yêu cầu học sinh nhận xét nghĩa và cấu trúc của chuồn chuồn nước và chuồn chuồn sống ở nước

Khi đó, tôi chốt cho học sinh hiểu khi ta chêm thêm tiếng sống vào, cấu trúc và nghĩa của tổ hợp trên đã bị phá vỡ, do đó chuồn chuồn nước là một từ phức]

* Về mặt nghĩa:

- Nếu tổ hợp đó gọi tên một sự vật hiện tượng trong thế giới khách quan hay biểu đạt một khái niệm về sự vật, hiện tượng thì tổ hợp ấy là một từ ghép.

VD: Mặt hồ, sóng thần, bánh rán.

- Tôi hướng dẫn để học sinh hiểu một số từ gọi tên hai hay nhiều sự vật hiện tượng trong thế giới khách quan hay biểu đạt nhiều khái niệm về sự vật, hiện tượng thì từ ấy là kết hợp của hai hay nhiều từ đơn.

VD: trải rộng, chạy đi,.

1.3. Hướng dẫn học sinh hiểu nghĩa của từ láy:

Khi dạy học sinh những bài về từ láy, tôi giúp học sinh hiểu:

*Nghĩa của từ láy: Rất phong phú, cũng như từ ghép, chúng có cả nghĩa khái quát, tổng hợp và nghĩa phân loại .

VD: làm lụng, máy móc, chim chóc, ...[ nghĩa tổng hợp ];

nhỏ nhen, nhỏ nhắn, xấu xa, xấu xí ,...[ nghĩa phân loại ].

* Tuy nhiên ,khi dạy học sinh tôi lưu ý học sinh mấy dạng cơ bản sau :

- Diễn tả sự giảm nhẹ của tính chất[ so với nghĩa của từ hay tiếng gốc].

VD : đo đỏ < đỏ

Nhè nhẹ < nhẹ

- Diễn tả sự tăng lên, mạnh lên của tính chất:

VD : cỏn con > con

sạch sành sanh > sạch

- Diễn tả sự lặp đi lặp lại các động tác, khiến cho từ láy có giá trị gợi hình cụ thể

VD :gật gật, rung rung, cười cười nói nói, ...

- Diễn tả sự đứt đoạn, không liên tục nhưng tuần hoàn.

VD: lấp ló, lập loè, bập bùng, nhấp nhô, phập phồng,...

- Diễn tả tính chất đạt đến mức độ chuẩn mực, không chê được.

VD: nhỏ nhắn, xinh xắn, tươi tắn, ngay ngắn, vuông vắn , tròn trịa,..

1.4. Hướng dẫn học sinh các cách phân biệt từ ghép và từ láy dễ lẫn lộn.

Trong quá trình học, việc phân biệt từ ghép, từ láy là nội dung khá khó với học sinh. Qua thực tế dạy học, tôi thấy phần lớn học sinh phân biệt từ sai là do các con chưa hiểu rõ nghĩa của từ. Để giúp các con làm tốt các bài tập phân biệt từ ghép và từ láy tôi giúp học sinh hiểu và ghi nhớ từ theo từng nhóm sau:

- Nếu các tiếng trong từ có cả quan hệ về nghĩa và quan hệ về âm [âm thanh] thì ta xếp vào nhóm từ ghép.

VD: thúng mủng, tươi tốt, đi đứng, mặt mũi, phẳng lặng, mơ mộng,...

- Nếu các từ chỉ còn một tiếng có nghĩa, còn một tiếng đã mất nghĩa nhưng hai tiếng không có quan hệ về âm thì ta xếp vào nhóm từ ghép.

VD: Xe cộ, tre pheo, gà qué, chợ búa,...

- Nếu các từ chỉ còn một tiếng có nghĩa, còn một tiếng đã mất nghĩa nhưng hai tiếng có quan hệ về âm thì ta xếp vào nhóm từ láy.

VD: chim chóc, đất đai, tuổi tác, thịt thà, cây cối ,máy móc,...

* Tôi giúp học sinh hiểu: Những từ này nếu nhấn mạnh vào đặc trưng ngữ nghĩa của chúng thì có thể coi đây là những từ ghép. Nhưng nhấn mạnh vào mối quan hệ ngữ âm giữa hai tiếng, thì có thể coi đây là những từ láy.Tuy nhiên khi dạy những từ này tôi hướng dẫn học sinh xếp vào từ láy để dễ phân biệt.

- Các từ không xác định được hình vị gốc [tiếng gốc ] nhưng có quan hệ về âm thì đều xếp vào lớp từ láy.

VD: nhí nhảnh, bâng khuâng, dí dỏm, ...

- Các từ có một tiếng có nghĩa và một tiếng không có nghĩa nhưng các tiếng trong từ được biểu hiện trên chữ viết không có phụ âm đầu thì cũng xếp vào nhóm từ láy [láy vắng khuyết phụ âm đầu ].

VD: ồn ào, ầm ĩ, ấm áp, im ắng, ao ước ,yếu ớt,...

- Các từ có một tiếng có nghĩa và một tiếng không có nghĩa có phụ âm đầu được ghi bằng những con chữ khác nhau nhưng có cùng cách đọc [ c/k/q ; ng/ngh;g/gh ] cũng được xếp vào nhóm từ láy.

VD: cuống quýt, cũ kĩ, ngốc nghếch, gồ ghề,...

* Tôi lưu ý học sinh: Trong thực tế, có nhiều từ ghép [ gốc Hán ] có hình thức ngữ âm giống từ láy, song thực tế các tiếng đều có nghĩa rất khó phân biệt, tôi liệt kê ra một số từ cho HS ghi nhớ .

VD :bình minh, cần mẫn, tham lam, bảo bối, ban bố, căn cơ, hoan hỉ, chuyên chính, chính chuyên, chân chất, chân chính, hảo hạng, khắc khổ, thành thực,....]

- Ngoài ra, những từ không có cả quan hệ về âm và về nghĩa [ từ thuần Việt ] như: tắc kè, bồ hóng, bồ kết, bù nhìn, ễnh ương, mồ hôi,... hay các từ vay mượn như: mì chính, cà phê, xà phòng, mít tinhTôi giải thích cho học sinh đây là loại từ ghép đặc biệt, các em sẽ được học sau.

DẠNG 2 TỪ LOẠI

    1. .Hướng dẫn và tổng hợp cho học sinh những kiến thức cần ghi nhớ về danh từ, động từ, tính từ.

Trong giảng dạy tôi đặc biệt giảng cho học sinh hiểu thế nào là từ loại, gồm những từ loại cơ bản nào, chốt cho học sinh những kiến thức cần ghi nhớ về từ loại cụ thể:

Dựa vào sự giống nhau về đặc điểm ngữ pháp, các từ được phân ra thành từng loại, gọi là từ loại.

+ Từ loại là các loại từ có chung đặc điểm ngữ pháp và ý nghĩa khái quát.

+ Các từ loại cơ bản của Tiếng Việt lớp 4 gồm: Danh từ, động từ, tính từ,

A. Danh từ: là những từ dùng chỉ sự vật; người, vật, hiện tượng, khái niệm, đơn vị,... Có hai loại danh từ đó là danh từ chung và danh từ riêng.

* Danh từ chung:Dùng để gọi chung tên của các sự vật

VD:Tôi yêu cầu học sinh cho ví dụ cụ thể cho mỗi loại danh từ.

- Danh từ chỉ người: bố, mẹ, học sinh, bộ đội,...

- Danh từ chỉ vật: bàn ghế, sách vở, sông, suối, cây cối,...

- Danh từ chỉ hiện tượng: nắng, mưa, gió, bão, động đất,...

- Danh từ chỉ đơn vị: [ghép được với số đếm].

+ Danh từ chỉ loại: cái, con, chiếc, tấm, cục, mẩu,...

+ Danh từ chỉ thời gian: ngày, tháng, năm, giờ, phút,...

+ Danh từ chỉ đơn vị đo lường: mét, cân, khối, sải tay,...

+ Danh từ chỉ đơn vị hành chính: thôn, xã, trường, lớp,...

+ Danh từ chỉ tập thể: cặp, đoàn, đội, bó, dãy, đàn,...

* Danh từ chỉ khái niệm:Là các khái niệm trừu tượng tồn tại trong nhận thức của người, không nhìn được bằng mắt. Không cảm nhận được bằng các giác quan.

VD:đạo đức, kinh nghiệm, cách mạng, tư tưởng, tinh thần, hạnh phúc, cuộc sống, lịch sử, tình yêu, niềm vui,...

* Danh từ riêng:Dùng chỉ các tên riêng của người hoặc địa danh.

VD:

- Chỉ tên người: Phạm Đức Hải Huy, Thu Hiền,...

- Từ dùng với ý nghĩa đặc biệt: Người, Bác Hồ,...

- Từ chỉ sự vật được nhân hoá: Cún, Dế Mèn, Lúa,...

- Từ chỉ tên địa phương: Hà Nội, Sa Pa, Vũng Tàu,...

- Từ chỉ địa danh: Hồ Tây, Nhà Thờ Lớn, Suối Tiên,...

- Từ chỉ tên sông, núi, cầu, cống: sông Hồng, núi Ba Vì,cầu Nhật Tân, cống Trắng, đường Hồ Chí Minh, ngã tư Môi,...

* Sau khi học sinh nắm chắc các khái niệm về danh từ, tôi hướng dẫn cho học sinh hiểu thế nào là cụm danh từ :

- Danh từ có thể kết hợp với các từ chỉ số lượng ở phía trước, các từ chỉ định ở phía sau và một số từ ngữ khác để lập thành cụm danh từ. Cụm danh từ là loại tổ hợp từ do danh từ và một số từ ngữ phụ thuộc nó tạo thành.

- Trong cụm danh từ, các phụ ngữ ở phần trước bổ sung cho danh từ các ý nghĩa về số và lượng. Các phụ ngữ ở phần sau nêu lên đặc điểm của sự vật mà danh từ biểu thị hoặc xác định vị trí của sự vật ấy trong không gian hay thời gian.

B. Động từ : Động từ là những từ chỉ hoạt động, trạng thái của sự vật.

VD : - Đi, chạy ,nhảy,... [ĐT chỉ hoạt động ]

- Vui, buồn, giận, ... [ĐT chỉ trạng thái ]

* Khi dạy những bài về động từ, tôi lưu ý học sinh mấy lưu ý về động từ chỉ trạng thái :

- Đặc điểm ngữ pháp nổi bật nhất của động từ chỉ trạng thái là :

+ Động từ chỉ hoạt động có thể kết hợp với từ xong ở phía sau [ăn xong, đọc xong ,]

+ Động từ chỉ trạng thái không kết hợp với xong ở phía sau [không nói : còn xong, hết xong, ghét xong, ].

- Trong Tiếng Việt có một số loại động từ chỉ trạng thái sau:

+ ĐT chỉ trạng thái tồn tại [hoặc trạng thái không tồn tại]:còn, hết,có,

+ ĐT chỉ trạng thái biến hoá : thành, hoá,

+ ĐT chỉ trạng thái tiếp thụ : được, bị, phải, chịu,

+ ĐT chỉ trạng thái so sánh : bằng, thua, hơn, là,

- Một số động từ sau đây cũng được coi là động từ chỉ trạng thái: nằm, ngồi, ngủ, thức, nghỉ ngơi, suy nghĩ, đi ,đứng , lăn, lê, vui, buồn , hồi hộp, băn khoăn, lo lắng,Các từ này có một số đặc điểm sau:

+ Một số từ vừa được coi là động từ chỉ hành động, lại vừa được coi là động từ chỉ trạng thái.

+ Một số từ chuyển nghĩa thì được coi là động từ chỉ trạng thái [trạng thái tồn tại.]

VD: Bác đã đi rồi sao Bác ơi ! [Tố Hữu ]

Anh ấy đứng tuổi rồi .

+ Một số từ mang đặc điểm ngữ pháp của tính từ [ kết hợp được với các từ chỉ mức độ ]

- Các động từ sau đây cũng được coi là động từ chỉ trạng thái [ trạng thái tâm lí ]: yêu, ghét , kính trọng, chán, thèm,, hiểu,Các từ này mang đặc điểm ngữ pháp của tính từ, có tính chất trung gian giữa động từ và tính từ.

- Có một số ĐT chỉ hành động được sử dụng như một ĐT chỉ trạng thái.

VD: Trên tường treo một bức tranh.

Dưới gốc cây có buộc một con ngựa .

- Động từ chỉ trạng thái mang một số đặc điểm về ngữ pháp và ngữ nghĩa giống như tính từ. Vì vậy, chúng có thể làm vị ngữ trong câu kể: Ai thế nào ?

* Sau khi học sinh nắm chắc các khái niệm về động từ, tôi hướng dẫn cho học sinh hiểu thế nào là cụm động từ:

- ĐT thường kết hợp với các phụ từ mệnh lệnh [ở phía trước ]và một số từ ngữ khác để tạo thành cụm động từ. Cụm động từ là loại tổ hợp từ do động từ với một số từ ngữ phụ thuộc nó tạo thành. Nhiều động từ phải có các từ ngữ phụ thuộc đi kèm, tạo thành cụm động từ mới trọn nghĩa.

- Trong cụm động từ, các phụ ngữ ở phần trước bổ sung cho động từ các ý nghĩa: quan hệ thời gian; sự tiếp diễn tương tự; sự khuyến khích hoặc ngăn cản hành động; sự khẳng định hoặc phủ định hành động,Các phụ ngữ ở phần sau bổ sung cho động từ các chi tiết về đối tượng, hướng, địa điểm, thời gian, mục đích, nguyên nhân, phương tiện và cách thức hành động.

C. Tính từ : Tính từ là những từ miêu tả đặc điểm hoặc tính chất của sự vật, hoạt động, trạng thái,

*Tôi chốt cho học sinh có hai loại tính từ đáng chú ý là:

- Tính từ chỉ tính chất chung không có mức độ [ xanh, tím, sâu, vắng, ]

- Tính từ chỉ tính chất có xác định mức độ - mức độ cao nhất: [xanh lè, tím ngắt, sâu hoắm, vắng tanh,].

* Sau khi học sinh nắm chắc các khái niệm về tính từ, tôi hướng dẫn cho học sinh hiểu thế nào là cụm TT:

- Tính từ có thể kết hợp với các từ chỉ mức độ như: rất, hơi, lắm, quá, cực kì, vô cùng, để tạo tạo thành cụm tính từ [ khả năng kết hợp với các phụ từ mệnh lệnh [ như động từ ] ngay trước nó là rất hạn chế ]

Trong cụm Tính từ, các phụ ngữ ở phần trước có thể biểu thị quan hệ thời gian; sự tiếp diễn tương tự, mức độ của đặc điểm, tính chất, sự khẳng định hay phủ định.Các phụ ngữ ở phần sau có thể biểu thị vị trí, sự so sánh, mức độ, phạm vi hay nguyên nhân của đặc điểm, tính chất.

2.2.Hướng dẫn học sinh phân biệt từ chỉ đặc điểm, từ chỉ tính chất, từ chỉ trạng thái .

t trạng thái là khá khó với học sinh. Khi làm các dạng bài này,các con thường sai do chưa phân biệt được đặc điểm riêng của mỗi loại từ. Trong quá trình giảng dạy, tôi đặc biệt lưu ý chốt sâu kiến thức cho học sinh về:

- Từ chỉ đặc điểm: Đặc điểm là nét riêng biệt, là vẻ riêng của một một sự vật nào đó [có thể là người, con vật, đồ vật, cây cối,...]. Đặc điểm của một vật chủ yếu là đặc điểm bên ngoài [ngoại hình ] mà ta có thể nhận biết trực tiếp qua mắt nhìn, tai nghe, tay sờ, mũi ngửi,... Đó là các nét riêng, vẻ riêng về màu sắc, hình khối, hình dáng, âm thanh,...của sự vật. Đặc điểm của một vật cũng có thể là đặc điểm bên trong mà qua quan sát, suy luận, khái quát,...ta mới có thể nhận biết được. Đó là các đặc điểm về tính tình, tâm lí, tính cách của một người, độ bền, giá trị của một đồ vật...

Từ chỉ đặc điểm là từ biểu thị các đặc điểm của sự vật, hiện tượng như đã nêu ở trên.

VD: + Từ chỉ đặc điểm bên ngoài: cao, thấp, rộng , hẹp, xanh, đỏ,...

+ Từ chỉ đặc điểm bên trong: tốt ,ngoan, chăm chỉ, bền bỉ,...

- Từ chỉ tính chất : Tính chất cũng là đặc điểm riêng của sự vật, hiện tượng [bao gồm cả những hiện tượng xã hội, những hiện tượng trong cuộc sống,...], nhưng thiên về đặc điểm bên trong, ta không quan sát trực tiếp được, mà phải qua quá trình quan sát, suy luận, phân tích, tổng hợp ta mới có thể nhân biết được. Do đó, từ chỉ tính chất cũng là từ biểu thị những đặc điểm bên trong của sự vật, hiện tượng.

VD: Tốt, xấu, ngoan, hư, nặng ,nhẹ, sâu sắc, nông cạn, suôn sẻ, hiệu quả, thiết thực,...

Như vậy, khi dạy HS phân biệt [ một cách tương đối] từ chỉ đặc điểm và từ chỉ tính chất, tôi định hướng cho học sinh: Từ chỉ đặc điểm thiên về nêu các đặc điểm bên ngoài , còn từ chỉ tính chất thiên về nêu các đặc điểm bên trong của sự vật, hiện tượng. Một quy ước mang tính sư phạm như vậy được coi là hợp lí và giúp HS tránh được những thắc mắc không cần thiết trong quá trình học tập.

- Từ chỉ trạng thái : Tôi hướng dẫn cho học sinh hiểu Trạng thái là tình trạng của một sự vật hoặc một con người, tồn tại trong một thời gian nào đó. Từ chỉ trạng thái là từ chỉ trạng thái tồn tại của sự vật, hiện tượng trong thực tế khách quan.

VD: Trời đang đứng gió .

Người bệnh đang hôn mê.

Cảnh vật yên tĩnh quá.

Mặt trời toả ánh nắng rực rỡ.

Xét về mặt từ loại, từ chỉ trạng thái có thể là động từ, có thể là tính từ hoặc mang đặc điểm của cả động từ và tính từ [ từ trung gian ], song theo như định hướng trong nội dung chương trình SGK ở cấp tiểu học, tôi hướng dẫn học sinh xếp chúng vào nhóm động từ.

2.3.Hướng dẫn học sinh cách phân biệt các danh từ, động từ, tính từ dễ lẫn lộn :

Khi dạy học, tôi chú trọng dạy học sinh cách phân biệt các danh từ, động từ, tính từ dễ lẫn lộn, tôi đưa ra những quy ước giúp học sinh hiểu nội dung và cách phân biệt cụ thể:

Tôi lưu ý học sinh: Để phân biệt các danh từ, động từ, tính từ dễ lẫn lộn, ta thường dùng các phép liên kết [ kết hợp ] với các phụ từ.

*Danh từ:

- Có khả năng kết hợp với các từ chỉ số lượng như: mọi, một, hai, ba, những, các,... ở phía trước; những tình cảm, những khái niệm, những lúc, những nỗi đau,...

- Danh từ kết hợp được với các từ chỉ định: này, kia, ấy, nọ ,đó,... ở phía sau hôm ấy, trận đấu này, tư tưởng đó,...

- Danh từ có khả năng tạo câu hỏi với từ nghi vấn nào đi sau ; lợi ích nào ? chỗ nào? khi nào?...

- Các động từ và tính từ đi kèm: sự, cuộc, nỗi, niềm, cái,... ở phía trước thì tạo thành một danh từ mới; sự hi sinh, cuộc đấu tranh, nỗi nhớ, niềm vui,...

- Chức năng ngữ pháp thay đổi cũng cũng dẫn đến sự thay đổi về thể loại:

VD: Sạch sẽ là mẹ sức khoẻ.

sạch sẽ [tính từ] đã trở thành danh từ.

* Động từ:

- Có khả năng kết hợp với các phụ từ mệnh lệnh: hãy, đừng, chớ,...ở phía trước ; hãy nhớ, đừng băn khoăn, chớ hồi hộp,...

- Có thể tạo câu hỏi bằng cách đặt sau chúng từ bao giờ hoặc bao lâu [tính từ không có khả năng này ] đến bao giờ? chờ bao lâu?...

*Tính từ :

- Có khả năng kết hợp được với các từ chỉ mức độ như: rất , hơi, lắm, quá, cực kì, vô cùng,... rất tốt, đẹp lắm,...

* Tôi lưu ý với HS:

Các động từ chỉ cảm xúc [ trạng thái ] như : yêu, ghét, xúc động,... cũng kết hợp được với các từ: rất, hơi, lắm,.... Vì vậy,khi còn băn khoăn một từ nào đó là động từ hay tính từ thì nên cho thử kết hợp với hãy, đừng, chớ,...Nếu kết hợp được thì đó là động từ.

KẾT LUẬN

I. KẾT QUẢ :

Khi áp dụng những biện pháp trên vào việc giảng dạy phân môn Luyện từ và câu, tôi thu nhận được một số kết quả sau :

* Về kiến thức: 98,6 % Học sinh được;

- Mở rộng và hệ thống hóa vốn từ.

- Trang bị các kiến thức giảng dạy về từ và câu; từ, cấu tạo từ, từ loại.

* Về kĩ năng: 98,6% Học sinh có khả năng;

- Nhận biết được cấu tạo của tiếng, từ, từ loại, biết đặt câu với những từ đã cho.

* Về thái độ:

- 98,6% các em yêu thích học phần mở rộng vốn từ.

- Tự tin, mạnh dạn hơn trong học tập và giao tiếp

- Tỉ lệ học sinh dùng từ chính xác, từ hay tăng lên, kĩ năng viết văn có tiến bộ rất nhiều.

BẢNG SỐ LIỆU KHẢO SÁT VỐN TỪ CỦA HỌC SINH KHỐI 4

Trường Tiểu học Liên Mạc A- Mê Linh- Hà Nội

Thời gian khảo sát : tháng 5 năm 2020

Lớp

Sĩ số

HTT

HT

CHT

SL

TL%

SL

TL

SL

TL

4A

37

10

27,0

26

70,3

1

2,7

4B

36

12

33,3

23

68,9

1

2,8

4C

35

15

42,8

20

57.2

0

0

4D

41

25

60,8

16

39,2

0

0

2. KẾT LUẬN KHUYẾN NGHỊ:

Để nâng cao chất lượng môn Tiếng Việt, trước hết mỗi giáo viên không được xem nhẹ một phân môn nào trong môn Tiếng Việt, cũng như một mảng kiến thức nào, lập kế hoạch bài học chú ý phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực để thu hút học sinh chủ động nắm kiến thức. Phải luôn nghiêm túc thực hiện giáo dục, giảng dạy theo nguyên tắc từ đơn giản đến phức tạp, quan tâm bồi dưỡng đối với tất cả các đối tượng học sinh. Bên cạnh đó, không ngừng học tập nâng cao trình độ kiến thức, tích lũy kinh nghiệm, học hỏi đồng nghiệp,tích cực tìm tòi cái mới áp dụng vào công việc dạy học nhằm đạt kết quả cao nhất.

Với cương vị là một giáo viên trẻ, qua thực tế giảng dạy, dự giờ đồng nghiệp, tôi đưa ra một số dạng tiêu biểu trong phạm vi kiến thức luyện từ và câu ở lớp 4, phù hợp với nhận thức của các em. Còn rất nhiều dạng bài hay mà tôi chưa đề cập đến trong đề tài này.

Tôi tha thiết mong các cấp lãnh đạo thường xuyên tổ chức các chuyên đề bồi dưỡng học sinh để tôi được giao lưu học hỏi với những sáng kiến hay, những kinh nghiệm quý báu của đồng nghiệp giúp cho việc dạy luyện từ và câu tốt hơn, đáp ứng được với sự phát triển của xã hội vì sự kì vọng của cha mẹ học sinh và nhà trường .

Trên đây là những kinh nghiệm mà tôi đã rút ra được trong quá trình nghiên cứu, rất mong được sự đóng góp ý kiến của các bạn đồng nghiệp.

Xin chân thành cảm ơn!

Tập tin đính kèm

Trình duyệt không hỗ trợ iframe.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Video liên quan

Chủ Đề