Những bài thơ của Xuân Quỳnh

"Sóng", "Thuyền và biển", "Thơ vui về phái yếu"... thể hiện khát khao hạnh phúc, làm tròn trách nhiệm gia đình của thi sĩ.

Sóng

Xuân Quỳnh viết bài thơ năm 1967, nhân chuyến đi thực tế tại Diêm Điền (Thái Bình). Sau đó, Sóng được in trong tập Hoa dọc chiến hào.

Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể

Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ...

Qua hình tượng sóng, nhà thơ diễn tả tiếng nói của thiếu nữ đang yêu, khát khao hạnh phúc và vượt lên sự hữu hạn đời người. "Sóng" và "em" sóng đôi, soi chiếu lẫn nhau. Cảm xúc thơ vừa sôi nổi, vừa có chiều sâu của triết lý.

PSG.TS Lưu Khánh Thơ - em chồng cố thi sĩ Xuân Quỳnh - phân tích: "Tình yêu trong thơ chị đẹp và trong sáng. Dù có gian truân, tình cảm luôn trọn vẹn, đến tận cùng hạnh phúc như con sóng nhỏ đến với bờ xa. Vì lẽ đó, thơ chị đầy ắp lo âu, e ngại".

Xuân Quỳnh (áo đen, ở giữa) bên người thân.

Xuân Quỳnh (áo đen, ở giữa) bên người thân.

Thuyền và biển

Bài thơ in trong tập Chồi biếc, xuất bản năm 1963. "Thuyền" và "biển" giống như người con trai và người con gái với cách biểu hiện tình yêu, nỗi nhớ khác nhau. Ở Xuân Quỳnh, tình yêu tượng trưng cho cái đẹp, niềm khát khao tự hoàn thiện bản thân.

Em sẽ kể anh nghe
Chuyện con thuyền và biển:
"Từ ngày nào chẳng biết
Thuyền nghe lời biển khơi
Cánh hải âu, sóng biếc
Đưa thuyền đi muôn nơi

Lòng thuyền nhiều khát vọng
Và tình biển bao la
Thuyền đi hoài không mỏi
Biển vẫn xa... còn xa...

Giọng thơ nhẹ nhàng như tiếng thủ thỉ, tâm tình của nhân vật "em". Nhà phê bình văn học Vũ Nho đánh giá: "Với Xuân Quỳnh, thơ không có chỗ cho tình cảm nửa vời mà luôn đầy ắp yêu thương. Thơ bà luôn dồi dào năng lượng trong từng câu chữ".

Thuyền và biển còn được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc vào giai đoạn những năm 1980. Nhạc sĩ chỉ lấy mười hai câu đoạn cuối để phổ nhạc. Phan Huỳnh Điều từng chia sẻ: “Đó là đỉnh điểm cao trào của bài thơ. Hơn nữa, như thế vừa gọn, vừa nói lên được đầy đủ ý nghĩa chính của tác giả và cũng vừa đủ cho một ca khúc trữ tình”.

Thuyền và biển

Nghệ sĩ Quang Lý hát "Thuyền và biển".

Thơ tình cuối mùa thu

Bài thơ in trong tập Tự hát, xuất bản năm 1984. Thơ tình cuối mùa thu khẳng định tình yêu lứa đôi thủy chung, son sắt, vượt qua thời gian và tuổi tác. Dẫu thời gian đang trôi, mùa thu đã cũ nhưng cả hai vẫn đong đầy yêu thương, đi qua năm tháng bộn bề, thăng trầm.

...Tình ta như hàng cây
Đã qua mùa gió bão
Tình ta như dòng sông
Đã yên ngày thác lũ

Thời gian như là gió
Mùa đi cùng tháng năm
Tuổi theo mùa đi mãi
Chỉ còn anh và em.

Nhịp thơ nhẹ nhàng, thủ thỉ đầy trìu mến. Hình ảnh mùa thu, bông cúc vàng và thông điệp "chỉ còn anh và em" đã chạm đến cảm xúc Phan Huỳnh Điểu. Cố nhạc sĩ từng phổ nhạc cho bài thơ chỉ trong thời gian ngắn. Ca khúc để lại dư vị buồn và đẹp về sự biến đổi của không gian nhưng khẳng định sức sống mạnh mẽ của tình yêu. Bái hát gắn liền với các giọng ca Anh Thơ, Tân Nhàn, Bảo Yến...

Vợ chồng thi sĩ Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ.

Vợ chồng thi sĩ Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ.

Tự hát

Bài thơ in trong tập thơ cùng tên, xuất bản năm 1984. Phụ nữ trong Tự hát rất trân trọng và khao khát tình yêu giữa kiếp người bé nhỏ. Bởi vậy, bài thơ đầy ắp lo âu, e ngại.

...Em trở về đúng nghĩa trái tim
Biết làm sống những hồng cầu đã chết
Biết lấy lại những gì đã mất
Biết rút gần khoảng cách của yêu tin

Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Biết khao khát những điều anh mơ ước
Biết xúc động qua nhiều nhận thức
Biết yêu anh và biết được anh yêu.

Giọng thơ nhiều xao động và trăn trở. Thơ Xuân Quỳnh giàu cung bậc cảm xúc, lúc say đắm hạnh phúc, lúc day dứt suy tư. Thế nhưng, xuyên suốt sáng tác của bà là tình yêu sâu nặng không nhạt phai. Tình yêu bền vững, vượt qua ngoài giới hạn thường tình của lẽ sinh tử.

Không đề 2

Xuân Quỳnh viết Không đề 2 dành tặng Lưu Quang Vũ - chồng bà. Trước khi đến với nhau, cả hai từng qua một lần đổ vỡ hôn nhân. Mất mát trong tình yêu khiến nỗi băn khoăn, trăn trở trong bà thường trực.

Mắt anh nâu một vùng đất phù sa
Vùng đất của nơi nào trong trí nhớ
Em chiếm đoạt rồi em hoảng sợ
Giữa vô cùng hoang vắng giữa cô đơn.

Mấy năm rồi, thơ em buồn hơn
Áo em rộng, lòng em tan nát
Những bài hát ngày xưa em vẫn hát
"Cây trúc xinh, quán dốc... gốc đa làng..."
Câu thơ anh em vẫn đọc thầm
Cả lúc nghĩ: "... biết bao giờ trở lại"

Mái tôn dột. Sao mà mưa mãi
Anh ra đi
Phố vắng
Đầu trần.

Bài thơ như lời tự vấn, khắc khoải muộn phiền của thi sĩ. Nỗi lo sợ ùa đến với người đàn bà luôn ý thức về tình yêu, vươn lên làm chủ số phận và sở hữu điều viên mãn.

Bàn tay em

Bài thơ in trong tập Tự hát, xuất bản năm 1984. Bàn tay em nói về tâm tình phái nữ, lấy cảm hứng từ những việc làm, lo toan, tình thương của người mẹ, vợ trong gia đình.

Gia tài em chỉ có bàn tay
Em trao tặng cho anh từ ngày ấy
Những năm tháng cùng nhau anh chỉ thấy
Quá khứ dài là mái tóc em đen
Vui, buồn trong tiếng nói, nụ cười em
Qua gương mặt anh hiểu điều lo lắng
Qua ánh mắt anh hiểu điều mong ngóng
Anh nghĩ gì khi nhìn xuống bàn tay?

Bàn tay em ngón chẳng thon dài
Vết chai cũ, đường gân xanh vất vả
Em đánh chắt chơi chuyền thuở nhỏ
Hái rau rền rau rệu nấu canh
Tập vá may, tết tóc một mình
Rồi úp mặt lên bàn tay khóc mẹ...

"Bàn tay em" không phải bàn tay ngọc ngà với những ngón búp măng mà là bàn tay lao động với đường gân và vệt chai. Bài thơ giống lời tâm tình "để anh hiểu em" của nữ thi sĩ với người thân, đặc biệt là chồng bà.

Bàn tay em thể hiện tình yêu làm vợ, làm mẹ của thi sĩ. Bà yêu gia đình đến đam mê, quên bản thân. PGS.TS Lưu Khánh Thơ từng chia sẻ: "Tôi nhớ có một thời gian dài, chị Quỳnh không bao giờ ăn cơm trước chồng, kể cả anh Vũ về muộn đến mấy. Chị cho các con ăn sớm để học bài, còn chị đợi đến khi anh về. Có lần, anh Vũ về muộn, nói 'Anh gặp bạn, anh ăn cơm rồi', chị Quỳnh đậy mâm cơm lại và đi ngủ, không ăn. Đấy như biểu hiện sự hờn dỗi, quá mức yêu chồng".

Thơ vui về phái yếu

Bài thơ ra đời năm 1986, nói về vai trò phụ nữ trong việc xây dựng tổ ấm. Bằng giọng điệu hóm hỉnh, Xuân Quỳnh khắc họa tự nhiên sự tận tụy, hy sinh của họ.

...Chúng tôi chỉ là những người đàn bà bình thường không tên tuổi
Quen việc nhỏ nhoi bếp núc hàng ngày
Cuộc sống ngặt nghèo phải tính sao đây
Gạo, bánh, củi dầu chia thế nào cho đủ
Đầu óc linh tinh toàn nghĩ về chợ búa
Những quả cà, mớ tép, rau dưa
Đối với Nít và Kăng, những siêu nhân nay và xưa
Xin thú thực: chúng tôi thờ ơ hạng nhất

Chúng tôi còn phải xếp hàng mua thịt
Sắm cho con đôi dép tới trường
Chúng tôi quan tâm đến xà phòng, đến thuốc đánh răng
Lo đan áo cho chồng con khỏi rét...

Trong bài, Xuân Quỳnh tạo ra sự đối trọng giữa vai trò của đàn ông với phụ nữ. Nếu đàn ông làm những công việc nặng nhọc như lái tàu ngầm, tên lửa, chinh phục đại dương, phụ nữ cũng không kém cạnh khi đảm nhận việc giữ gìn tổ ấm. Người vợ sắp xếp nhà cửa, chăm sóc con cái, chợ búa, cơm nước, ứng xử với họ hàng bên nội, bên ngoại, hàng xóm láng giềng... để người chồng yên tâm công tác.

Thơ vui về phải yếu cho thấy trong tình yêu hay công việc gia đình, Xuân Quỳnh luôn tận tậm và sống hết mình. Bà nhìn cuộc sống với tất cả sự tràn đầy của một tấm lòng giàu thương yêu.

Mẹ của anh

Bài thơ nói về mối quan hệ giữa mẹ chồng, nàng dâu. Xuân Quỳnh có cảm nhận sâu sắc, chân thành về đức hy sinh của mẹ chồng. Mẹ của anh thể hiện lòng hiếu thảo, biết ơn của thi sĩ dành cho mẹ Lưu Quang Vũ.

Phải đâu mẹ của riêng anh
Mẹ là mẹ của chúng mình đây thôi
Mẹ tuy không đẻ không nuôi
Mà em ơn mẹ suốt đời, chưa xong
Ngày xưa má mẹ cũng hồng
Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau
Bây giờ tóc mẹ trắng phau
Ðể cho mái tóc trên đầu anh đen
Ðâu con dốc nắng đường quen
Chợ xa gánh nặng mẹ lên mấy lần
Thương anh thương cả bước chân
Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao...

Xuân Quỳnh bộc lộ quan hệ tình cảm mới. Đó là tình cảm của con dâu với mẹ chồng. Xuân Quỳnh thiếu thốn cảm xúc từ nhỏ nên bà thương mẹ chồng như mẹ ruột. Nhà thơ trân trọng và đón nhận tình cảm của bố mẹ, anh chị em nhà chồng dành cho mình.

Xuân Quỳnh (1942 - 1988) là một trong những nữ nhà thơ nổi tiếng của thi ca hiện đại Việt Nam. Năm 1988, vợ chồng Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ cùng con trai út qua đời trong vụ tai nạn xe ở Hải Dương. Năm 2017, bà được truy tặng giải thưởng Nhà nước và Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Trọng Trường