Nguyên nhân gây sảy thai ở 3 tháng đầu

Có thể bạn quan tâm: Sảy thai ra máu trong bao lâu? Mẹ nên làm gì khi bị sảy thai?

9 nguyên nhân gây sảy thai ở mẹ bầu

Nguyên nhân gây sảy thai ở 3 tháng đầu

Hiện tượng sảy thai tháng đầu hoặc thậm chí là trong tam cá nguyệt đầu tiên (từ tuần 1 đến 13 tuần 6 ngày) thường là do các vấn đề của thai nhi, còn trong tam cá nguyệt thứ hai (từ 14 tuần đến 27 tuần 6 ngày) thường là do sức khỏe của mẹ:

  1. Vấn đề về nhiễm sắc thể: Khoảng 50% các ca sảy thai trong tam cá nguyệt đầu tiên liên quan đến nhiễm sắc thể. Nguyên do là hợp tử tạo thành từ quá trình thụ thai giữa tinh trùng và trứng có thể thiếu hoặc thừa nhiễm sắc thể khiến thai nhi không thể phát triển bình thường.
  2. Nhau thai: là cơ quan kết nối cơ thể bé với cơ thể mẹ, vận chuyển chất dinh dưỡng từ cơ thể mẹ sang thai nhi để thai nhi phát triển. Nếu nhau thai có vấn đề có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của bé.
  3. Mất cân bằng hormone: Nếu cơ thể của mẹ không có đủ progesterone, nhau thai sẽ dễ bong và dẫn đến hiện tượng sảy thai.
  4. Rối loạn miễn dịch khi hệ miễn dịch hoạt động quá mức hoặc dưới mức, có thể là nguy cơ dẫn đến sảy thai. Nói một cách đơn giản, cơ thể người mẹ xảy ra hiện tượng không chấp nhận tình trạng mang thai, xem bào thai là vật lạ xâm nhập (như virus, vi khuẩn) và đào thải.
  5. Mẹ bầu bị bệnh như tiểu đường, cao huyết áp, lupus, bệnh thận và các vấn đề với tuyến giáp… có thể làm tăng nguy cơ sảy thai do dòng máu đưa đến tử cung người mẹ bị hạn chế khiến thai nhi không thể phát triển bình thường. Ngoài ra, mẹ bầu bị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) cũng có nguy cơ sảy thai cao hơn.
  6. Mẹ mắc bệnh truyền nhiễm như rubella, lậu, giang mai và sốt rét, viêm âm đạo do vi khuẩn, HIV, nhiễm nấm, chlamydia, nhiễm virus cytomegalo… có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện các dấu hiệu sảy thai.
  7. Ngộ độc thực phẩm có thể dẫn đến sẩy thai. Ngộ độc thực phẩm xảy ra khi ăn phải thức ăn nhiễm khuẩn gây bệnh đường ruột hoặc thức ăn bị nhiễm độc. Bạn nên chú ý đến:
    • Vi khuẩn như listeria có thể có trong các sản phẩm sữa chưa tiệt trùng
    • Ký sinh trùng toxoplasma có thể có trong thịt heo, thịt cừu sống hoặc chưa được nấu chín kỹ
    • Vi khuẩn salmonella có thể được tìm thấy trong trứng sống hoặc nấu chưa chín.
  8. Cấu trúc tử cung: Các bất thường tử cung như tử cung có vách ngăn, tử cung một sừng, tử cung hai sừng… có thể gây sẩy thai. Ngoài ra, sự phát triển của u xơ tử cung (không ung thư) trong tử cung cũng có thể gây nguy hiểm cho sự phát triển của thai nhi.
  9. Hở eo cổ tử cung: Tình trạng hở eo cổ tử cung có thể dẫn đến sảy thai. Ngoài ra, nếu cổ tử cung của người mẹ quá yếu sẽ khó giữ được thai nhi.

Có thể bạn quan tâm: Dọa sảy thai là gì? Tư thế nằm khi bị dọa sảy thai

Các yếu tố làm tăng nguy cơ sẩy thai

Nguyên nhân gây sảy thai ở 3 tháng đầu

1. Tuổi của thai phụ

Mang thai khi đã cao tuổi khiến bạn có nguy cơ gặp phải hiện tượng sảy thai tự nhiên cao hơn. Theo Hiệp hội Thai sản Hoa Kỳ, nguy cơ ở từng độ tuổi là:

  • Phụ nữ dưới 35 tuổi có nguy cơ sảy thai khoảng 15%
  • Phụ nữ từ 35-45 tuổi có nguy cơ sảy thai từ 20 – 35%
  • Phụ nữ trên 45 tuổi có nguy cơ sảy thai lên đến 50%.

2. Có vấn đề về cân nặng

Tình trạng béo phì hay nhẹ cân khi mang thai đều có thể khiến mẹ bầu phải đối mặt với nguy cơ sảy thai. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Sản phụ khoa quốc tế (International Obstetrics and Gynecology) cho thấy phụ nữ thiếu cân có 72% nguy cơ gặp phải dấu hiệu sảy thai trong ba tháng đầu thai kỳ.

3. Hút thuốc và uống rượu

Phụ nữ từng hút thuốc hoặc đang hút thuốc và uống rượu khi mang thai có nguy cơ không giữ được em bé cao hơn so với những phụ nữ không bao giờ hút thuốc và uống rượu. Nghiên cứu cho thấy những cặp vợ chồng tiêu thụ một lượng rượu lớn xung quanh thời điểm thụ thai có thể làm gia tăng nguy cơ sảy thai.

4. Sử dụng thuốc

Hãy cẩn thận trong việc uống thuốc khi mang thai. Bạn chỉ nên sử dụng thuốc khi có sự chỉ định của bác sĩ. Việc sử dụng thuốc bừa bãi có thể khiến thai nhi bị ảnh hưởng, dẫn đến các dấu hiệu sảy thai.

Bạn nên lưu ý một số loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ sảy thai như misoprostol và methotrexate (để điều trị viêm khớp dạng thấp), retinoids (để điều trị bệnh chàm và mụn trứng cá) và các loại thuốc của thuốc không steroid chống viêm (NSAIDs) như ibuprofen (để điều trị đau và viêm).

5. Từng bị sẩy thai

Những phụ nữ từng không giữ được em bé, nhất là bị sẩy thai từ 2 lần trở lên có nguy cơ sảy thai cao hơn so với những phụ nữ chưa bao giờ gặp vấn đề này.

6. Thiếu hụt các vitamin thiết yếu cho thai kỳ

Nghiên cứu cho thấy việc mẹ bầu thiếu vitamin D và vitamin B trong cơ thể cũng có thể làm tăng nguy cơ có các dấu hiệu sảy thai. Vì vậy, bạn nên có chế độ ăn đa dạng để cơ thể có được các vitamin thiết yếu. Ngoài ra, hãy trao đổi với bác sĩ để được bổ sung các vitamin cần thiết trước khi mang thai và trong khi mang thai.

Có thể bạn quan tâm: Ăn gì dễ bị sảy thai nhất? Top những thực phẩm gây sảy thai cần lưu ý!

Cách phòng tránh sẩy thai tự nhiên

Nguyên nhân gây sảy thai ở 3 tháng đầu

Để có một thai kỳ khỏe mạnh trong tương lai, bạn nên:

  • Tránh xa hoặc hạn chế tiếp xúc với khói thuốc lá, rượu bia, các chất kích thích, chất thải, chất độc hại trong môi trường.
  • Duy trì cân nặng vừa phải trước và trong khi mang thai.
  • Bổ sung các vitamin cần thiết khi mang thai để đảm bảo rằng thai nhi đang phát triển có đủ chất dinh dưỡng.
  • Xây dựng chế độ ăn cân bằng, lành mạnh với nhiều trái cây và rau quả.
  • Tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc các huấn luyện viên thể dục khi có ý định tập luyện khi trong thai kỳ để giảm nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi. Việc tập thể dục hợp lý khi mang thai có thể giảm stress, đau nhức, nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ và tăng sức chịu đựng khi mẹ bầu chuyển dạ.
  • Tránh dùng một số loại thuốc như misoprostol, retinoids, methotrexate và thuốc kháng viêm không steroid như ibuprofen. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.