Nguyên nhân gây áp xe gan

Áp xe gan không phải là một bệnh lý phổ biến trong cộng đồng. Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh khá thấp, chúng ta cũng không nên chủ quan xem thường. Nếu không được điều trị thích hợp, người bệnh thậm chí có thể tử vong. Và để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, hãy cùng nhau đến với bài viết: “áp-xe gan: chúng ta cần biết gì?”

Nội dung bài viết

  • 1. Áp xe gan là gì?
  • 2. Nguyên nhân nào gây ra bệnh?
  • 3. Biểu hiện bệnh như thế nào?
  • 4. Bệnh có nguy hiểm không?
  • 5. Làm thế nào để chẩn đoán bệnh?
  • 6. Áp xe gan được điều trị như thế nào?

1. Áp xe gan là gì?

Áp xe gan là một khối chứa đầy mủ ở trong gan. Chúng có thể phát triển từ một chấn thương hoặc một ổ nhiễm trùng trong ổ bụng và có nguồn gốc từ tĩnh mạch cửa. Phần lớn các áp xe này gây ra bởi vi trùng hoặc amip. Số còn lại có thể do ký sinh và nấm.

Nguyên nhân gây áp xe gan
Ổ áp xe là một khối chứa đầy mủ

>>>Có thể bạn quan tâm: 

Áp xe răng (hay áp xe quanh chóp răng) là một trong những bệnh lý nha khoa thường gặp. Tình trạng này không chỉ khiến người bệnh đau và khó chịu, mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng nếu không được điều trị đúng và kịp thời. Vậy áp xe răng là gì, cách nhận biết và điều trị như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết: “Áp xe răng: Bệnh lý nha khoa bạn cần cẩn thận!

2. Nguyên nhân nào gây ra bệnh?

2.1 Áp xe gan do vi trùng

Viêm ruột thừa từng là lý do chính khiến người ta bị áp xe gan. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã giảm xuống dưới 10% kể từ khi chẩn đoán và điều trị bệnh tốt hơn.

Ngày nay, các bệnh lý đường mật (như sỏi đường mật, hẹp, ác tính,..) mới là nguyên nhân chính của áp xe gan do vi trùng. Một nửa số trường hợp này gây ra bởi tình trạng viêm của đường mật.

Các nguyên nhân ít gặp hơn có thể kể đến như:

  • Nhiễm khuẩn động mạch gan, nhiễm khuẩn tĩnh mạch cửa.
  • Viêm túi thừa.
  • Viêm túi mật.
  • Chấn thương xuyên thấu….

Về tác nhân gây bệnh, người ta thường gặp E.coli, Klebsiella, Streptococcus, Staphylococcus và các vi khuẩn kỵ khí. 

2.2 Áp xe gan do amip

Tác nhân phổ biến nhất là Entamoeba histolytica.

Chúng gây ra áp xe bằng cách:

  • Đầu tiên, xâm nhập vào cơ thể thông qua nguồn thức ăn bị nhiễm.
  • Sau đó, chúng xuống đến đại tràng và gây viêm ở đây.
  • Cuối cùng, xâm nhập vào hệ thống tĩnh mạch cửa, di chuyển đến gan và gây áp xe.

>>>Xem thêm: “Áp xe não: Nguyên nhân là gì và chẩn đoán như thế nào?

3. Biểu hiện bệnh như thế nào?

Người bệnh có thể phàn nàn về các triệu chứng như:

  • Sốt (có thể kèm ớn lạnh): xuất hiện ở 90% trường hợp.
  • Đau hạ sườn phải (50-75% người bệnh), đôi khi đau vai phải (do kích thích cơ hoành)
  • Vàng da
  • Buồn nôn hoặc nôn
  • Khó chịu, đổ mồ hôi đêm,
  • Ho, khó thở,
  • Chán ăn hoặc sụt cân không giải thích được.
  • Nước tiểu sẫm màu
Nguyên nhân gây áp xe gan
Đau vùng dưới sườn phải có thể là một biểu hiện của bệnh áp xe gan

Khi thăm khám, có thể thấy gan to và ấn đau. Các nghiệm pháp rung gan, ấn kẽ sườn cũng có thể dương tính. 

4. Bệnh có nguy hiểm không?

Nếu không được điều trị, áp xe gan có thể vỡ, gây viêm phúc mạc và sốc.

Các biến chứng cũng có thể xảy ra sau khi dẫn lưu, bao gồm:

  • Suy gan hoặc suy thận
  • Tổn thương trong ổ bụng
  • Nhiễm trùng hoặc áp xe gan tái phát.
  • Áp xe dưới cơ hoành
  • Hình thành đường rò đến các cơ quan gần đó (như phổi-màng phổi,…)
  • Viêm tụy cấp
  • Huyết khối tĩnh mạch gan.

Do đó, theo dõi bệnh nhân sau khi điều trị là cực kỳ quan trọng để ngăn ngừa và phát hiện sớm các biến chứng này.

5. Làm thế nào để chẩn đoán bệnh?

5.1 Xét nghiệm máu

Để đánh giá một cách tổng quát, người ta thường sử dụng các xét nghiệm như:

  • Công thức máu toàn phần, CRP (Protein phản ứng C), tốc độ máu lắng.
  • Men gan (AST, ALT thường tăng trong một nửa trường hợp)
  • Chức năng tổng hợp gan (Prealbumin và INR)
  • Phosphatase kiềm (tăng khoảng 90%)
  • Cấy máu để loại trừ nhiễm khuẩn huyết.

5.2 Hình ảnh học

Phương tiện đánh giá đầu tay là siêu âm bụng bởi tính phổ biến, an toàn, nhanh chóng nhưng độ nhạy cao. Nếu vẫn chưa chẩn đoán được, chụp cắt lớp vi tính (CT) với thuốc cản quang sẽ là lựa chọn tiếp theo. Kỹ thuật này có khả năng phát hiện bệnh cao hơn so với siêu âm. Tuy nhiên, do nguy cơ phơi nhiễm với tia xạ mà CT thường không được sử dụng rộng rãi.

Nguyên nhân gây áp xe gan
Dưới hướng dẫn của siêu âm và CT, còn có thể tiến hành chọc hút dịch trong ổ áp xe gan

5.3 Xét nghiệm vi sinh

Bệnh phẩm chọc hút nên được soi và cấy để tìm tác nhân.

Nếu nghi ngờ áp xe do vi trùng, cần chú ý phát hiện sự có mặt của cả chủng hiếu khí và chủng kỵ khí. Nếu nghi ngờ áp xe do amib, nên xét nghiệm phân hoặc huyết thanh học cho Entamoeba histolytica. Đôi khi, có thể cần đến môi trường nuôi cấy đặc biệt để phát hiện các tác nhân như nấm, Mycobacterium và ký sinh trùng.  

6. Áp xe gan được điều trị như thế nào?

Dẫn lưu ổ áp xe và điều trị bằng kháng sinh là nền tảng của phương pháp điều trị

6.1 Dẫn lưu ổ áp xe

Đây là bước vô cùng quan trọng và được thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm hoặc CT. Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị sao cho phù hợp, như:

  • Có thể chỉ cần chọc hút bằng kim (lặp đi lặp lại) đối với áp xe dưới 5 cm.
  • Dẫn lưu xuyên qua da đối với áp xe lớn hơn 5 cm.
  • Phẫu thuật nên được thực hiện cho các trường hợp viêm phúc mạc, áp xe thành dày, áp xe vỡ, nhiều áp xe lớn và dẫn lưu thất bại.

6.2 Sử dụng kháng sinh

Đối với bệnh nhân ổn định, kháng sinh được sử dụng sau khi đã dẫn lưu (để làm tăng khả năng nuôi cấy thành công). Nếu bệnh nhân quá suy kiệt không thể dẫn lưu, có thể chỉ dùng một mình kháng sinh để điều trị. Tuy nhiên, đây không phải là một lựa chọn tốt.

Về lựa chọn kháng sinh, ban đầu sẽ dựa vào kinh nghiệm. Sau đó, khi đã biết chính xác tác nhân gây bệnh, điều trị có thể thay đổi nếu như cơ thể người bệnh đáp ứng không tốt. Ngược lại, nếu người bệnh đã cải thiện, điều trị vẫn được tiếp tục như cũ. Quá trình này thường kéo dài từ hai đến sáu tuần.

Về đường dùng, đầu tiên thuốc sẽ được sử dụng bằng đường tĩnh mạch. Sau đó người bệnh có thể đổi sang dạng uống khi được sự cho phép của bác sĩ.

Áp xe gan không phải là một bệnh lý phổ biến ở nước ta. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện sớm và điều trị thích hợp, có thể dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng cho người bệnh.

Bệnh thường biểu hiện với sốt, đau hạ sườn, mệt mỏi, chán ăn,… Khi có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào, hãy nhanh chóng tìm đến bác sĩ để được siêu âm và thực hiện các xét nghiệm cần thiết khác trước khi bắt đầu quá trình điều trị bạn nhé!

Bác sĩ : Nguyễn Hồ Thanh A