Nguyên nhân dẫn đến bệnh tim mạch

Bệnh tim mạch là do các rối loạn của tim và mạch máu. Bệnh tim mạch bao gồm bệnh mạch vành (nhồi máu cơ tim), tai biến mạch máu não (đột quỵ), tăng huyết áp tăng, bệnh động mạch ngoại biên, bệnh thấp tim, bệnh tim bẩm sinh và suy tim. Bệnh lý tim mạch được xem là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu hiện nay. Chính vì vậy, trang bị cho mình một lượng kiến thức cần thiết về căn bệnh này sẽ giúp bạn phòng tránh cũng như hạn chế được những biến chứng nguy hiểm do nó gây ra.

Nguyên nhân dẫn đến bệnh tim mạch

Để phát hiện bệnh tim mạch sớm nhất cần thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1-2 lần/1 năm. Ảnh: Trọng Thụ

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong lớn nhất thế giới. Trong đó, bệnh tim thiếu máu cục bộ chiếm 16% và đột quỵ chiếm 11% số ca tử vong trên toàn cầu.

Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay, nguy cơ tử vong thường tập trung chủ yếu vào nhóm đối tượng người cao tuổi, có bệnh lý nền như: tăng huyết áp, bệnh tim mạch và các bệnh lý mạn tính khác. COVID-19 không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới hệ hô hấp mà còn gây rối loạn chức năng tim mạch.

Cũng theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới,tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở người bệnh tim mạch chiếm hơn 10%, tiếp đó là tiểu đường lớn hơn 7%. Số còn lại đứng đầu trong danh sách là người mắc bệnh hô hấp mãn tính, còn ở người bình thường là 0,9%. Điều đó cho thấy nguy cơ tử vong do COVID-19 ở người bệnh tim mạch là cao nhất và cao gấp 10 lần người bình thường.

Theo báo cáo trên tạp chí Y Khoa Hoa Kỳ, qua nghiên cứu hồ sơ của 138 bệnh nhân nhập viện vì nhiễm COVID-19 cho biết gần 17% người bị rối loạn nhịp tim và hơn 7% bị tổn thương tim cấp tính, bao gồm: ngừng tim, nhồi máu cơ tim, suy tim cấp tính và viêm cơ tim.

Nguyên ngân gây ra bệnh tim mạch

Bệnh tim mạch do nhiều nguyên nhân gây ra, đặc biệt là liên quan đến các thói quen sinh hoạt hàng ngày như: hút thuốc lá, chất Nicotine và Carbon monoxide có trong thuốc lá chính là nguyên nhân gây co thắt các mạch máu, xơ vữa động mạch; chế độ ăn uống nhiều muối, chất béo và cholesterol; ít vận động, hoạt động thể dục thể thao; thừa cân, béo phì; căng thẳng kéo dài có thể làm hỏng các động mạch và làm trầm trọng thêm các yếu tố nguy cơ khác của bệnh tim; tăng cholesterol máu gây hình thành các mảng xơ vữa động mạch.

Tăng huyết áp có thể dẫn đến xơ cứng và dày thành các động mạch, thu hẹp các mạch máu; Đái tháo đường, bệnh tim là một biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường; tuổi tác cao tăng nguy cơ hẹp động mạch, suy yếu hoặc phì đại động mạch; yếu tố gia đình (trong gia đình đã có người mắc bệnh tim).

Triệu chứng của bệnh tim mạch

Khó thở, đặc biệt là khi nằm xuống: người mắc bệnh tim thường xuất hiện triệu chứng khó thở kể cả khi không hoặc phải gắng sức. Tình trạng khó thở này xảy ra ngay khi nằm xuống hoặc đi ngủ.

Cảm giác nặng trong ngực hoặc tức ngực: những cơn đau ngực là dấu hiệu của bệnh tim. Thông thường, những người được chẩn đoán mắc bệnh tim, họ thường có cảm giác bị đè nặng lên ngực hoặc tức ngực. Người bệnh có cảm giác đau thắt ngực ở khu vực dưới xương ức, phía trước, cơn đau thường kéo dài 10 phút và hay lặp lại. Khi bị đau ngực kéo dài, người bệnh cần nghỉ ngơi tuyệt đối và phải đi khám ngay, vì đây có thể là dấu hiệu của một cơn nhồi máu cơ tim. Đau thắt ngực hoặc đau ngực nói chung thường là do các tế bào cơ tim không nhận đủ ôxy do lưu lượng máu tới tim giảm.

Hiện tượng phù: hiện tượng suy tim xuất hiện cùng lúc với hiện tượng phù, cơ thể có dấu hiệu tích nước. Nếu thấy khi ngủ dậy mặt bị căng phù, mí mắt nặng, hoặc điển hình là phù bàn chân vào thời điểm nhất định trong ngày, cảm thấy đi dép chật..., cho thấy bạn đang có những triệu chứng của suy tim.

Thường xuyên mệt mỏi hoặc kiệt sức: cơ thể cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức khi thực hiện các hoạt động thường ngày, thậm chí mệt mỏi cả sau khi ngủ dậy.

Ho dai dẳng, khò khè: tim bơm máu không đủ để cung cấp cho cơ thể, khiến máu bị ứ lại. Dịch ứ ở phổi lâu ngày gây tình trạng ho mạn tính, thở khò khè. Tình trạng ho nhiều hơn khi nằm hoặc mới dậy khỏi giường.

Chán ăn, buồn nôn: một trong những dấu hiệu chính của bệnh suy tim sung huyết là người bệnh lúc nào cũng có cảm giác no. Do sự tích tụ của dịch trong gan, hệ thống tiêu hóa khiến người bệnh chán ăn và buồn nôn. Nếu có thêm triệu chứng mệt mỏi đến mức không muốn ăn, người bệnh cần đi khám ngay.

Đi tiểu đêm: đi tiểu ban đêm thường xuyên là một dấu hiệu quan trọng của bệnh suy tim, do sự chuyển dịch lượng nước tích tụ trong cơ thể gây phù ở nhiều bộ phận đến thận thông qua các mạch máu.

Nhịp tim nhanh, mạch không đều: nguyên nhân khiến tim đập nhanh là tim đập nhiều hơn để bù cho khả năng suy giảm chức năng bơm máu. Các biểu hiện hồi hộp bất thường, nghe rõ tim đập như đánh trống ngực với tốc độ nhanh.

Lo lắng: Bệnh nhân thường có biểu hiện như thở nhanh, nhịp tim bất thường và lòng bàn tay đổ mồ hôi; nhiều người thường nhầm lẫn với các dấu hiệu như lo lắng hay căng thẳng.

Chóng mặt, ngất xỉu: là triệu chứng thường gặp khi người bệnh bị rối loạn nhịp tim, máu đến não bị gián đoạn.

 Phòng bệnh tim mạch:

Cần có chế độ ăn uống hợp lý. Nên ăn dưới 5gram muối mỗi ngày (tương đương với 1 thìa cà phê), không nên ăn mặn. Lựa chọn thực phẩm có lợi cho sức khỏe như ăn nhiều rau và hoa quả, đây được coi là biện pháp phòng chống bệnh tim mạch có hiệu quả. Vì trong rau xanh và hoa quả có nhiều vitamin, chất khoáng, chúng cung cấp rất ít calo. Hạn chế ăn mỡ động vật nên ăn dầu ăn thực vật sẽ giúp cho trái tim khỏe mạnh. Với một chế độ ăn uống có ít mỡ, ít chất béo và ít cholesterol sẽ giúp duy trì được cân nặng một cách hợp lý, duy trì huyết áp bình thường từ đó giúp giảm các biến cố về tim mạch. Ngoài ra, các loại thức ăn nhiều chất xơ và tinh bột như lúa mì, yến mạch, hạt ngũ cốc, gạo nếp vàng, bột mì…cũng là biện pháp phòng chống bệnh tim mạch rất tốt và cả đột quỵ. Chúng có thể làm giảm cholesterol máu, chất xơ khiến cơ thể cảm thấy nhanh no, do đó giúp giảm cân tốt hơn. Cần tránh ăn uống quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn hay các loại thức ăn nhanh vì các thức ăn này có hàm lượng muối cao, giàu chất béo... có thể gây tăng huyết áp và gây nên các bệnh lý tim mạch.

Nên tập thể dục thường xuyên: Mỗi người nên tập thể dục từ 30 phút - 60 phút mỗi ngày góp phần phòng chống các bệnh lý tim mạch. Tập thể dục sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, trái tim và thành mạch máu thêm dẻo dai. Tùy vào tình trạng sức khỏe, mỗi người sẽ lựa chọn cho mình một môn thể dục phù hợp. Rèn luyện đi bộ, chạy, đạp xe, bơi lội… là những môn thể thao nhiều người lựa chọn và ưa chuộng.

Không hút thuốc lá, thuốc lào: vì hút thuốc lá, thuốc lào là nguyên nhân trực tiếp gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ và nhiều bệnh lý tim mạch khác. Thống kê cho thấy thuốc lá gây rất nhiều nguy hiểm đến tim mạch, người hút thuốc có tỷ lệ bị bệnh tim mạch cao hơn hai lần người không hút và người hít khói của người hút cũng có nguy cơ mắc bệnh tim mạch hơn người thường. Vì thế, không hút thuốc là hiệu quả cho biện pháp phòng chống bệnh tim mạch nhất là ở nam giới.

Duy trì cân nặng hợp lý: Duy trì cân nặng hợp lý vì thừa cân, béo phì sẽ có nguy cơ tăng huyết áp. Cần kiểm tra cân nặng thường xuyên để kiểm soát được trọng lượng cơ thể. Cần giảm cân bằng các biện pháp như điều chỉnh chế độ ăn hợp lý, giảm ăn để giảm lượng calo đưa vào cơ thể. Đồng thời, tăng cường luyện tập thể dục để tiêu hao bớt lượng ca lo dư thừa.

Khám sức khỏe định kỳ: Nên khám sức khỏe định kỳ để biết được chỉ số huyết áp động mạch, hàm lượng Cholesterol, hàm lượng đường trong máu, chỉ số vòng eo và vòng mông trên cơ thể. Nếu biết mình có nhiều yếu tố nguy cơ thì càng cần phải có kế hoạch thực hiện lối sống lành mạnh một cách tích cực hơn để cải thiện sức khỏe.

Hạn chế uống rượu, bia: Vì uống nhiều rượu, bia làm huyết áp tăng và làm tăng trọng lượng cơ thể. Khi trọng lượng cơ thể tăng lại là yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp. Bên cạnh đó, cần tránh căng thẳng, lo âu quá mức, cùng nhau xây dựng một môi trường xã hội đoàn kết, lành mạnh để góp phần phòng chống tăng huyết áp và tai biến mạch máu não hiệu quả.

Để phát hiện bệnh tim mạch sớm nhất cần thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1-2 lần/1 năm. Với mục tiêu “Vì một trái tim khỏe” mỗi người cần thực hiện lối sống lành mạnh nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và những tai biến do bệnh tim mạch gây ra.

  Bảo An