Nguyên nhân củahiện tượng đổ lỗi cho nạn nhân

Bằng một giọng điệu mỉa mai, Metzger viết trên Facebook - hiện bài viết đã bị xóa: “Tôi hiểu, vì những người phụ nữ đã nói như thế, đó là tất cả thứ tôi cần! TẤT CẢ phụ nữ đều đáng tin như quyển Kinh Thánh của tôi vậy! Một quyển sách mà, y như những người phụ nữ, không thể nào lại giả dối được!”. Anh ta có vẻ như phê phán việc những nạn nhân không đến trình báo cảnh sát mà lại đăng đàn tố cáo, viết thêm “Nếu chúng ta yêu cầu họ [ý nói những nạn nhân] dù chỉ là cung cấp thêm vài chứng cứ mơ hồ trước khi ta vội tin những điều đó, chẳng khác nào bắt họ bị xâm phạm thêm lần nữa!”

Chủ của Metzger, đồng thời cũng là nhà phát ngôn cho nữ quyền - Amy Schumer, đã bị lôi vào cơn bão tranh luận ngay sau đó. Schumer đã công khai phản đối bình luận của Metzger: “Tôi cảm thấy rất buồn và thất vọng về Kurt Metzger. Anh ấy là bạn tôi và cũng là một tác giả tiềm năng, thế nhưng tôi không thể nào chấp nhận được lập luận này của anh ta.”

Đổ lỗi cho nạn nhân có rất nhiều hình thức, thông thường sẽ là vô ý và khó nhận dạng hơn những đăng tải của Metzger. Đổ lỗi cho nạn nhân có thể xuất hiện ở nạn xâm phạm tình dục, cũng có thể ở những loại tội phạm nhẹ hơn, như móc túi. Bấy giờ thì nạn nhân sẽ bị quở trách vì đã hớ hênh khi để ví mình trong túi quần sau. Mỗi khi có người cho rằng nạn nhân có thể làm gì đó khác đi để không xảy ra phạm tội, thì họ - theo từng mức độ - đã góp phần tham gia vào vấn nạn đổ lỗi cho nạn nhân.

Đổ lỗi cho nạn nhân không hoàn toàn xuất phát từ bản chất tự nhiên của con người [trải nghiệm thực tiễn, môi trường sống, văn hóa của một số người giúp họ thông cảm cho các nạn nhân], mà đó là phản ứng tâm lý tự nhiên của mọi người trước các loại phạm tội. Không phải tất cả mọi người khi tham gia vào quá trình tâm lý này đều đưa ra cáo buộc rõ ràng đối với các nạn nhân. Thực tế, nó thường xảy ra một cách vô ý, ngay cả bản thân chúng ta cũng khó lòng nhận ra. Ví dụ đơn giản như khi ta nghe về một tội phạm nào đó, ta thầm nghĩ rằng nếu là nạn nhân thì ta sẽ cẩn thận và khéo léo hơn để kẻ gian không thể làm hại mình; đó là chính một dạng nhẹ của “căn bệnh” đổ lỗi cho nạn nhân.

“Tôi nghĩ yếu tố to lớn dẫn đến vấn nạn đổ lỗi cho nạn nhân là vì một lý thuyết tên là Thế giới công bằng”, phát biểu bởi Sherry Hamby, giáo sư tâm lý học tại Đại học miền Nam và là chủ biên soạn tập báo Tâm lý học về bạo lực của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ. “Lý thuyết trên cho rằng mọi người xứng đáng gánh chịu những gì xảy ra với họ. Vô cùng công bằng, mọi người đều trải qua mọi thứ dựa trên những hành động mà người đó làm.”

Hamby giải thích rằng, khát vọng về sự công bằng càng mạnh mẽ hơn đối với người Mỹ, khi họ được nuôi dưỡng trong nền văn hóa khuyến khích phát triển những ước mơ và niềm tin rằng chính chúng ta là người điều khiển vận mệnh của mình.

“Ở những nền văn hóa khác, nơi mà đôi khi phải trải qua chiến tranh, nghèo đói, hay đơn giản chỉ là người ở nơi đó tin vào định mệnh; sẽ dễ dàng hơn để công nhận rằng việc xấu có thể xảy đến với một người tốt,” cô ấy nói, “nhưng đối với người Mỹ, khi hệ tư tưởng của họ từ lâu đã như thế, sẽ rất khó để công nhận một điều rằng việc xấu xảy ra với người tốt.”

Quy trách nhiệm cho nạn nhân thay vì tin rằng do nạn nhân thiếu may mắn cũng là một cách để chúng ta né tránh việc thừa nhận một điều “không tưởng” có thể xảy đến với bản thân mình - thậm chí khi chúng ta đã làm “đúng”.

Mặc dù thường xuất hiện cùng những loại tội phạm như cưỡng hiếp và bạo lực gia đình, đổ lỗi cho nạn nhân thực chất xảy ra trên tất cả các tội phạm - giải thích bởi Barbara Gilin, giáo sư công tác xã hội tại đại học Widener. Giết người, cướp của, bắt cóc - bất kể là tội phạm nào, mọi người có xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân. Gilin lưu ý rằng, trong khi mọi người có thể chấp nhận rằng có những tai họa không lường trước được; thì đa số họ tin là bản thân có năng lực kiểm soát tốt hơn, phòng vệ kỹ lưỡng giúp họ không là nạn nhân của tội phạm. Vì vậy, những người này khó lòng thừa nhận rằng nạn nhân trong những vụ phạm tội không hề góp phần [hay phải một phần trách nhiệm] cho sự kém may mắn của mình, cũng như tiếp tay cho tên tội phạm.

“Theo kinh nghiệm từng làm việc với nạn nhân và những người xung quanh họ, những người xung quanh đổ lỗi cho các nạn nhân vì điều đó giúp họ cảm thấy an toàn hơn”, Gilin giải thích, “Tôi nghĩ việc đổ lỗi làm họ tin rằng điều xấu sẽ không đến với họ, vì thế họ có thể tiếp tục an toàn. Khi đứa trẻ nhà hàng xóm bị xâm hại, thì họ chắc chắn rằng đứa trẻ ở nhà mình sẽ không bị như thế, bởi họ tin là hàng xóm đã bất cẩn - theo cách nào đó.”

Hamby cũng nói thêm rằng thậm chí cả những người hiểu biết sâu rộng thi thoảng vẫn góp phần vào việc đổ lỗi cho nạn nhân, ví dụ như các bác sĩ trị liệu trong chương trình cảnh giác, nơi mà phụ nữ được khuyến khích làm sao để cẩn trọng hơn và không trở thành nạn nhân của tội phạm.

“Điều khiến bạn an toàn nhất đó là không bao giờ rời khỏi nhà, chỉ có như thế mới giúp bạn tránh khỏi những tiêu cực bên ngoài”, cô nói, “Tôi không nghĩ mọi người sẽ đúng nếu suy nghĩ và hành động như trên, khi liên tục thách thức những trách nhiệm để phòng tránh bị phạm tội.”

Laura Niemi, chuyên gia nghiên cứu tâm lý tại đại học Harvard và Liane Young, tiến sĩ tâm lý học tại trường cao đẳng Boston, cả hai đã và đang thực hiện cuộc nghiên cứu với hy vọng có thể giải thích rõ hiện tượng đổ lỗi cho nạn nhân. Hè năm nay, họ đã công bố những nghiên cứu của mình trong tập san Tâm lý cá nhân và tâm lý xã hội.

Cuộc nghiên cứu của họ, bao gồm 994 người tham gia và bao gồm 4 phần, chỉ ra hàng loạt những điều quan trọng. Đầu tiên, họ chú ý thấy các tư tưởng đạo đức có vai trò to lớn đến khả năng một người có đổ lỗi cho nạn nhân hay không, như là đánh giá nạn nhân “bất cẩn” thay vì “bị làm tổn hại”, và vì vậy, những người này góp phần bêu xấu nạn nhân khi kém may mắn trở thành đối tượng của tội phạm. Niemi và Young khám phá ra 2 trường phái cơ bản của tư tưởng đạo đức: ràng buộc theo số đông hoặc cá nhân hóa. Mọi người đa phần đều thừa hưởng sự trộn lẫn của 2 tư tưởng trên; thế nhưng người nào thiên về trường phái ràng buộc theo số đông thường có xu hướng đặt lợi ích chung lên trên hết; còn người thiên về trường phái cá nhân hóa thì chú trọng sự công bằng cũng như phản đối những tổn hại xảy ra với bất kỳ cá nhân nào.

Niemi giải thích rằng khi phần lớn mọi người mang tư tưởng ràng buộc theo số đông, ta có thể dự đoán được những thái độ chỉ trích của cộng đồng đối với các nạn nhân - kể cả đối với tội phạm liên quan đến tình dục, hoặc không. Họ sẽ cho rằng nạn nhân cũng đáng trách, thay vì đồng cảm với nạn nhân như những người mang tư tưởng cá nhân hóa.

Trong một cuộc nghiên cứu khác, Niemi và Young đưa cho người tham gia những đoạn văn ngắn miêu tả một tội phạm [trên cơ sở giả thuyết], ví dụ như: “Lisa được tiếp cận bởi Dan tại buổi tiệc. Dan mời Lisa một ly thức uống pha sẵn Rohypnol [một dạng thuốc ngủ]. Đêm đó, Lasa bị Dan cưỡng hiếp.” Người tham gia được hỏi phải thay đổi sự kiện trên như thế nào để có một kết thúc khác.

Không có gì bất ngờ, những người mang tư tưởng bị ràng buộc theo số đông thường quy trách nhiệm về nạn nhân, cũng như thay đổi những yếu tố - mà nạn nhân có thể làm khác đi, để có một kết thúc tích cực hơn. Dĩ nhiên những người có tư tưởng cá nhân hóa sẽ làm điều ngược lại. Tuy nhiên, khi người thực hiện nghiên cứu thay đổi cách dùng từ và đưa ra ngữ cảnh, họ nhận thấy có phần thú vị.

Niemi và Young thay đổi cấu trúc của các câu văn, bằng cách chọn chủ từ trong câu: nạn nhân hay kẻ thủ ác [có thể hiểu là đặt câu dưới dạng bị động hoặc chủ động]. Một nhóm người tham gia được phát đoạn văn, trong đó chủ từ trong câu là nạn nhân [câu bị động] [ví dụ: Lisa được tiếp cận bởi Dan]; nhóm khác thì được phát đoạn văn chứa các câu có chủ từ là tên tội phạm [câu chủ động][ví dụ: Dan tiếp cận Lisa].

Khi chủ từ trong câu là tên tội phạm [Dan tiếp cận Lisa], “số người đổ lỗi và quy trách nhiệm cho nạn nhân giảm một cách ngoạn mục”, Niemi nói, “và khi chúng tôi hỏi người tham gia làm thế nào lại có kết quả khác biệt như thế; sau đó đưa cho họ một tờ giấy để họ ghi vào bất cứ điều gì họ muốn trình bày suy nghĩ thật sự của họ về hành động của nạn nhân - như kiểu, ‘biết đâu cô ta cũng có ý gọi mời’- thì thấy những suy nghĩ như thế đã giảm đi. Người tham gia thật sự đã chú tâm vào việc nạn nhân đã phải trải qua những gì, thay vì chú tâm vào những điều mà nạn nhân nên làm để không xảy ra kết cục này. Từ đây chúng ta thấy được rằng cách trình bày vụ việc bằng câu chữ có thể thay đổi cách nhìn của mọi người đối với nạn nhân.”

Gilin cũng nói thêm rằng người ta sẽ cảm thông với những nạn nhân mà họ biết rõ và thân quen, việc đọc các bài báo về tội phạm tệ nạn có xu hướng làm gia tăng đổ lỗi cho nạn nhân. Khi đọc những bài báo đó, nạn nhân thường thường là những người hoàn toàn xa lạ với người đọc; điều này dẫn đến sự sai lệch trong suy nghĩ của đọc giả, khi họ phải chọn lựa giữa niềm tin mãnh liệt rằng thế giới công bằng và bằng chứng thực tế rằng thế giới không hoàn toàn công bằng. Hơn nữa, việc nội dung bài báo chú trọng đề cập đến câu chuyện ở khía cạnh nạn nhân - kể cả là được trình bày một cách cảm thông - sẽ làm gia tăng số người đọc có xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân. Ngược lại, nếu nội dung bài báo tập trung vào tên tội phạm thì sẽ không vấp phải phản ứng trên.

“Đây quả là một phát hiện thú vị. Chúng ta cũng muốn đứng về phía nạn nhân và thấu cảm cho họ, thế nhưng việc đọc thông tin liên quan đến nạn nhân vô tình khiến chúng ta tập trung thái quá vào nạn nhân và những điều họ có thể làm để ngăn chặn tội phạm xảy ra; trong khi thực tế chúng ta nên chỉ trích kẻ thủ ác vì đã làm điều sai trái thay vì làm việc đúng”, Niemi nói.

Cốt lõi của chứng đổ lỗi cho nạn nhân xuất phát từ thất bại trong việc thông cảm cho người bị hại và từ phản ứng sợ hãi để phòng vệ của con người. Phản ứng sợ hãi này đặc biệt khó điều khiển ở một số người. Tuy nhiên chúng ta có thể thay đổi nó, dù chẳng dễ dàng gì. Hamby và Gilin đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rèn giũa lòng trắc ẩn cũng như mở rộng thế giới quan [hay ít nhất cũng cố gắng để thế giới quan không eo hẹp], đặt bản thân và vị trí của người khác; chỉ có như thế cũng ta mới không bị trói buộc trong những suy nghĩ áp đặt đối với nạn nhân, với những điều họ nên làm để tránh bị hại.

Bởi vì, chỉ khi sự việc đã rồi, ta mới có thể mạnh miệng nói rằng: “Như bạn [nạn nhân] thấy đó, hắn ta rõ ràng là kẻ mà bạn nên tránh xa từ sớm”; còn khi sự việc chưa xảy ra, sẽ thật vô lý để một người bình thường có thể tiên đoán trước tương lai mà hành động hợp lý”, Hamby nói.

Niemi đề nghị mỗi người hãy xem xét đến cốt lõi của cả câu chuyện, như thế ta sẽ có cái nhìn khách quan về tội phạm và nạn nhân, đặc biệt đối với những trường hợp tội phạm cưỡng hiếp.

“Đối với nạn cưỡng hiếp, vì tính chất và cách nó xảy ra, bất kỳ ai cũng có khả năng là kẻ cưỡng hiếp”, cô giải thích, “đó là một nỗi kinh hoàng khi chính những nạn nhân không tài nào biết được anh em hay những người họ tin yêu lại có thể trở thành tội phạm.”

Niemi giải thích rằng những người thân của tên tội phạm có xu hướng không tin rằng người mà họ cho là tốt đẹp lại dính dáng đến một vụ án hình sự như thế. Trong vài trường hợp, có thể dẫn đến việc cảm thông thái quá cho tên tội phạm khi chỉ tập trung vào những thành tựu và đóng góp mà người đó đã làm. Ví dụ như vụ cưỡng hiếp Stanford, Brock Turner được miêu tả như một siêu sao bơi lội thay vì một tên tội phạm cưỡng hiếp. Đó là một cách biểu hiện khác của sự thiên vị, dẫn tới việc người phạm tội phủ nhận hoặc nói giảm bớt tội trạng của mình đi để không phải đối diện với quá trình khó khăn là chấp nhận rằng bản thân mình đã sai.

Dù chúng ta có muốn tin hay không, thế giới vẫn là nơi không công bằng. Và vì thế chúng ta cần có những kiến thức sâu rộng để chấp nhận rằng chuyện xấu có thể xảy đến với bất kỳ ai, kể cả người tốt; hơn nữa bất cứ ai cũng có khả năng trở thành tội phạm.

--

Tác giả: Kayleigh Roberts

Link bài gốc: The Psychology of Victim-Blaming

Dịch giả: Phương Hạnh - ToMo - Learn Something New

[*] Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Huỳnh Phương Hạnh- Nguồn: ToMo - Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

[**] Follow Facebook ToMo - Learn Something New để đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày.

[***] Trở thành Tình nguyện viên, Thực tập sinh Part-time tại ToMo để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại:

Chủ Đề