Nên mua sách thần thoại Hy Lạp nào

Thần thoại Hy Lạp rất quen thuộc không chỉ với độc giả Việt Nam, mà còn phổ biến trên toàn thế giới. Những câu chuyện xoay quanh sự hình thành thế giới, nguồn gốc các vị thần và thời đại các anh hùng trong thần thoại Hy Lạp đã đi sâu vào văn hóa đại chúng thông qua những bộ phim, những nhãn hiệu thời trang, và cả trong từng cuộc trò chuyện bình thường diễn ra hàng ngày.

Tuy nhiên, chúng ta không nên chỉ dừng lại ở việc đọc những câu chuyện và tiếp thu nội dung trực tiếp phản ánh từ câu chuyện đó. Mỗi câu chuyện trong thần thoại Hy Lạp đều mang một “mã” để người đọc giải đáp. Đó có thể là “mã” văn hóa sinh hoạt của người nguyên thủy, cũng có thể là “mã” tôn giáo sơ khai của Hy Lạp thuở ban đầu. Những câu chuyện mang theo “mã” đó cũng góp phần phản ánh cuộc sống sinh hoạt, văn hóa và thế giới quan của con người Hy Lạp cổ xưa.

Chính vì thế, mỗi khi đọc thần thoại Hy Lạp, chúng ta còn cần “đọc” cả nội dung đằng sau từng câu chuyện. Thần thoại là một tập con của văn hóa dân gian. Tiếp cận thần thoại Hy Lạp, chính là tiếp cận cội rễ của nền văn hóa đang ảnh hưởng lên toàn bộ thế giới phương Tây ngày nay.

Trong bài viết lần này, chúng tôi giới thiệu đến các bạn những cuốn sách nền tảng cần đọc khi đến với thần thoại Hy Lạp. Các cuốn sách được chia thành hai nhóm:

Nhóm 1: Những cuốn sách ghi chép lại thần thoại Hy Lạp.

Nhóm 2: Những cuốn sách giúp ta hiểu thêm về thần thoại Hy Lạp.

Cụ thể như sau:

Nhóm 1: Những cuốn sách ghi chép lại thần thoại Hy Lạp

Nên mua sách thần thoại Hy Lạp nào

Cuốn sách đầu tiên có thể kể đến là Iliad và Odyssey của Homer. Trong đó, Iliad kể về cuộc chiến thành Troy, tập trung vào cuộc cãi vã giữa vua Agamemnon và Achilles kéo dài một vài tuần trong năm cuối cùng của cuộc chiến; còn Odyssey kể về hành trình của Odysseus, vua của Ithaca, trong khoảng 20 năm sau sự sụp đổ của thành Troy.

Nên mua sách thần thoại Hy Lạp nào

Cuốn sách quan trọng tiếp theo là TheogonyWorks and Days của Hesiod (khoảng 750-765 TCN). Trong đó, Theogony bao gồm những câu chuyện sáng tạo thế giới, nguồn gốc của các vị thần, titan, giants, phả hệ, các truyện dân gian và thần thoại nguyên thủy; còn Works and Days kể về cuộc sống nông nghiệp của người Hy Lạp, câu chuyện về  Prometheus, Pandora và năm thời đại của loài người.

Nên mua sách thần thoại Hy Lạp nào

Một nguồn nữa cũng hay được trích dẫn khi đề cập đến thần thoại Hy Lạp là Bibliotheca của Pseudo-Apollodorus. Đây là một bản tóm tắt về những câu chuyện thần thoại và huyền thoại về các anh hùng, được cho là viết vào thế kỉ I hoặc thế kỉ II SCN. Pseudo-Apollodorus cũng là một nhân vật mà hiện này không có nhiều thông tin rõ ràng. Có ý kiến cho rằng Bibliotheca là sản phẩm của tập hợp những thầy tu trong các đền thờ Apollo. Điều này cũng không phải là không có khả năng.

Ngoài các tác phẩm ghi chép cụ thể về thế giới thần thoại kể trên, chúng ta cũng có thể tìm hiểu thần thoại Hy Lạp thông qua các vở bi kịch cổ đại của Aeschylus, Sophocles, và Euripides (Thế kỷ VI – V TCN). Những vở bi kịch này thường cung cấp câu chuyện về thời đại anh hùng trong cuộc chiến thành Troy (Agamemnon và lũ trẻ, Oedipus, Jason, Medea).

Bên cạnh nguồn văn chương, các nhà sử học Herodotus (TK V TCN) và Diodorus Siculus (TK I TCN), và các nhà địa lý học Pausanias (TK II SCN) và Strabo (cuối TK I TCN, đầu TK I SCN) đã đi khắp thế giới Hy Lạp và ghi lại những câu chuyện họ nghe được, gồm những thần thoại và truyền thuyết địa phương. Những ghi chép của họ đã cung cấp nhiều huyền thoại và truyền thuyết địa phương, và đó thường là những câu chuyện ít được biết đến hơn. (theo Klatt-Brazouski, Ancient Greek and Roman Mythology, xii)

Sau khi tìm kiếm ở rất nhiều các nền văn hóa khác nhau, sử gia Herodotus đã tìm ra nguồn gốc lịch sử và thần thoại trong sự đối đầu giữa Hy Lạp và phương đông. (theo P. Cartledge, The Spartans, 60, and The Greeks, 22). Ông cũng cố gắng hòa hợp phần nguyên gốc và phần pha trộn của các khái niệm văn hóa khác biệt lại với nhau.

Đến thời đế chế La Mã, bạn đọc có thể tìm thấy một vài câu chuyện về thần thoại Hy Lạp trong các bài thơ của các nhà thơ Hy – La cổ đại như Pindar, Bacchylides và Simonides, Ovid, Statins, Seneca, Cicero,…

Đến thời đế chế Byzantine, một số tác giả Hy Lạp cũng cung cấp một số chi tiết quan trọng của thần thoại (nhưng đến nay thì không còn).

Từ góc độ đạo đức Kito giáo, có một số người bảo tồn thần thoại: Arnobius, Hesychius, John Tzetze và Eustathius (Theo Pasiphae, Encyclopedia: Greek Gods, Spirits, Monsters)

Như vậy, có rất nhiều nguồn để chúng ta tìm đọc các câu chuyện thần thoại Hy Lạp. Ngoài những cuốn sách kể trên, ta còn có thể tìm đọc thần thoại Hy Lạp thông qua ghi chép của từng giáo phái khác nhau, ví dụ như giáo phái Orphism, hoặc Eleusian Mysteries,… Những thành viên tham gia các giáo phái này đều có ghi chép lại những câu chuyện thần thoại; tuy nhiên, nhưng câu chuyện này thường ít phổ biến hơn và có những giả thuyết khác với phần lớn các ghi chép mà tôi đề cập ở trên.

Nhóm 2: Những cuốn sách giúp ta hiểu thêm về thần thoại Hy Lạp

Đối với người Việt Nam, có lẽ không thể không kể đến cuốn Thần thoại Hy Lạp do Nguyễn Văn Khỏa biên soạn. Đây là công trình nổi tiếng nhất và cũng tương đối đầy đủ về thần thoại Hy Lạp. Nguyễn Văn Khỏa tập hợp các câu chuyện từ Iliad, Odyssey và Theogony, Works and Days lại, tập trung vào việc kể lại câu chuyện thần thoại, đan xen một vài bình luận về nhân vật, sự kiện hoặc đưa ra một vài thông tin về văn hóa, sinh hoạt của cư dân Hy Lạp bấy giờ. Có thể coi Thần thoại Hy Lạp là cuốn sách nhập môn dành cho những ai muốn tìm hiểu về thần thoại Hy Lạp. Tuy nhiên, do quá nghiêng về các câu chuyện nên Thần thoại Hy Lạp thiếu đi những kiến thức về lịch sử, văn hóa, xã hội,… Hy Lạp mà người đọc cũng cần biết khi tiếp cận những thần thoại này.

Nên mua sách thần thoại Hy Lạp nào

Trên thế giới, cuốn sách về thần thoại Hy Lạp nổi tiếng nhất có thể kể đến là Mythology: Timeless Tales of Gods and Heroes (1942) của Edith Hamilton. Đây là tuyển tập nổi tiếng nhất về thần thoại, đặc biệt là thần thoại Hy Lạp, bao gồm những câu chuyện kéo dài từ thời khởi nguồn thế giới cho đến hết cuộc chiến thành Troy. Ngoài ra, cuốn sách còn cung cấp thông tin về thần thoại La Mã và thần thoại Bắc Âu. Mythology: Timeless Tales of Gods and Heroes có nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, bao gồm những kiến giải đơn giản của tác giả về một vài nhân vật, sự kiện thần thoại.

Nên mua sách thần thoại Hy Lạp nào

Để hiểu thêm về thần thoại Hy Lạp, độc giả nên tìm đọc thêm The Greek Myths của Robert Graves. Cuốn sách là một tuyển tập những câu chuyện thần thoại Hy Lạp được R. Graves ghi chép lại. Mỗi câu chuyện đều đi kèm với sự giải thích của Graves về nguồn gốc và ý nghĩa sâu sắc hơn của nó, qua đó mang đến cho người đọc một cái nhìn sâu sắc vô song về phong tục và sự phát triển của thế giới Hy Lạp.

Nên mua sách thần thoại Hy Lạp nào

Nếu muốn tìm hiểu kĩ hơn về thần thoại Hy Lạp, bạn đọc có thể tìm đến A Handbook of Greek Mythology 6th Edition của H. J. Rose. Tác giả cung cấp nguồn gốc, sự phát triển và ý nghĩa của thần thoại Hy Lạp thông qua việc khảo sát thần thoại Hy Lạp, phân tích bối cảnh văn hóa và thái độ của mình với thần thoại; đề cập đến sử thi và các nguồn thơ khác nhau của thần thoại, các hình thức văn xuôi thần thoại khác nhau; sự tiến hóa và truyền thống của thần thoại Hy Lạp; xem xét mối quan hệ giữa các thần thoại khác nhau và thời đại anh hùng, các bảng phả hệ, từ đó cho thấy các huyền thoại của các gia đình riêng lẻ và các địa điểm riêng biệt kết hợp với nhau như thế nào để tạo thành một mô hình lịch sử thống nhất khác.

Nên mua sách thần thoại Hy Lạp nào

Tìm hiểu thần thoại Hy Lạp ở khía cạnh tiến trình phát triển của văn học, bạn đọc có thể đọc Classical Mythology in English Literature: A Critical Anthology của Geoffrey Miles. Trong cuốn sách này, tác giả cung cấp các thần thoại cổ điển trong văn học tiếng Anh, cùng với một loạt các phiên bản tiếng Anh của ba huyền thoại cổ điển, cho phép người đọc khám phá những cách mà thần thoại đã được giải thích và sáng tạo lại bởi các nhà văn trong suốt lịch sử. Cuốn sách bao gồm hợp tuyển về thần thoại Orpheus, nhạc sĩ vĩ đại và nhiệm vụ giải thoát vợ Eurydice khỏi cái chết; Venus và Adonis, nữ thần tình yêu và người đẹp tuổi trẻ cô yêu; Pygmalion, nhà điêu khắc bậc thầy đã yêu thích sáng tạo của mình. Mỗi phần bắt đầu với các nguồn cổ điển và kết thúc bằng các phiên bản đương đại, cho thấy mỗi huyền thoại đã được sử dụng hoặc biến đổi như thế nào kể từ nguồn gốc của nó

Nên mua sách thần thoại Hy Lạp nào

Để có cái nhìn đa dạng và nhiều chiều hơn, hãy tìm đọc Greek and Egyptian Mythologies của Yves Bonnefoy và Wendy Doniger. Cuốn sách là một tuyển tập các bài viết ở nhiều khía cạnh khác nhau, tiếp cận thần thoại Hy Lạp trong cái nhìn lịch sử, địa lý, tôn giáo, thần thoại, triết học,… Trong đó, vấn đề vũ trụ luận, nhân chủng học, nghi lễ và tôn giáo của người Ai Cập cổ đại liên kết với thần thoại Hy Lạp cũng được đưa ra thảo luận. 

Nên mua sách thần thoại Hy Lạp nào

Cuốn sách The Complete World of Greek Mythology của Richard Buxton kể lại các thần thoại Hy Lạp (nguồn gốc thế giới, các vị thần, thời đại anh hùng, bi kịch dòng họ, thảm họa của các anh hùng…), cung cấp nguồn gốc, sự liên quan của thần thoại Hy Lạp với tôn giáo và xã hội Hy Lạp, và mối quan hệ với khung cảnh Hy Lạp (huyền thoại và thực tế), cuối cùng là sự sống của thần thoại Hy Lạp từ Hy Lạp, La Mã, đến thời Phục Hưng, và đến cả thế kỉ XXI. Cuốn sách cũng bao gồm các minh họa, bảng phả hệ,… Tất cả đều tập trung nhấn mạnh vào bối cảnh lịch sử và địa lý của thần thoại Hy Lạp.

Nên mua sách thần thoại Hy Lạp nào

Và để có cái nhìn toàn diện hơn về thần thoại Hy Lạp, không thể không kể đến cuốn sách Greek Religion: Archaic and Classical của Walter Burkert. Trong cuốn sách này, Walter Burkert, nhà sử học sống nổi tiếng nhất về tôn giáo Hy Lạp cổ đại, đã dựa trên những khám phá khảo cổ học, những hiểu biết sâu sắc từ các chuyên ngành khác và những dòng chữ trong Linear B để tái hiện các tập quán và tín ngưỡng của thời đại Minoan-Mycenaean.

Phần chính của cuốn sách là tập quán, tín ngưỡng trong thời đại cổ xưa và cổ điển. Ông mô tả các nghi thức khác nhau và giải thích niềm tin của người Hy Lạp về sự thanh lọc. Ông nghiên cứu nguồn cảm hứng đằng sau những ngôi đền lớn tại Olympia, Delphi, Delos và Acropi – thảo luận về chức tư tế, thánh đường và nhà tiên tri – sự chú ý đáng kể được dành cho các vị thần cá nhân, vị trí của các anh hùng và niềm tin về thế giới bên kia. Các lễ hội khác nhau được sử dụng để chiếu sáng vị trí của tôn giáo trong xã hội của nhà nước hoặc của thành phố. Các giáo phái bí ẩn, tại Eleusis và trong số những người theo Bacchus và Orpheus, cũng được đặt trong bối cảnh đó.

Cuối cùng, để có được những thông tin chung nhất về thần thoại Hy Lạp, bạn đọc có thể tra trong các bách khoa thư, mà hiện tại bách khoa thư có khối lượng thông tin đồ sộ nhất, có phiên bản online là Bách khoa thư Britannica.

Do có nhiều bản ghi chép khác nhau nên khi đọc, chúng ta cần đối chiếu giữa các sách đọc được với nhau và truy nguyên về nguồn gốc của thần thoại đó (đối chiếu qua các văn bản Hi Lạp cổ đại và qua tư liệu khảo cổ); đồng thời cũng nên đọc thêm về các nền văn hóa hình thành nên Hi Lạp cổ đại (Cycladic, Ageans, Minoan, Myceanean, Estrucans,…).

Trên đây là những cuốn sách nền tảng về thần thoại Hy Lạp. Hy vọng danh sách trên có thể giúp ích cho các bạn đang có ý định tìm hiểu về thần thoại của nền văn minh này.

Nguyễn Hoàng Dương