Luật bảo vệ môi trường năm 2022 quy định như thế nào về yêu cầu bảo vệ môi trường ô nông thôn

27/12/2021

    Với 80% diện tích toàn quốc, 67% dân số sống trên địa bàn nông thôn, nông thôn Việt Nam đóng góp một phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và BVMT. Tuy nhiên, trước áp lực phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng và chế biến nông lâm thủy sản... đang dần có xu thế chuyển dịch về nông thôn, môi trường nông thôn đang chịu nhiều tác động nghiêm trọng trong việc thu gom, xử lý chất thải [nước thải, chất thải rắn [CTR]...] phát sinh từ các hoạt động dân sinh, chế biến nông sản thực phẩm, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, làng nghề, cụm công nghiệp... trên địa bàn nông thôn.

Các chính sách liên quan đến BVMT nông thôn

    Trước đây, nội dung có liên quan đến BVMT nông thôn được quy định tại Luật BVMT năm 2014 [tại Điều 68: BVMT cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; Điều 69: BVMT trong sản xuất nông nghiệp; Điều 70: BVMT làng nghề; Điều 71: BVMT trong nuôi trồng thủy sản...], Nghị định số 19/2015/NĐ-CP, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP, Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT... và tại Luật Chăn nuôi năm 2018, Luật Thủy sản năm 2017, Luật An toàn, Vệ sinh lao động năm 2015... Tuy nhiên, chưa có quy định riêng về BVMT nông thôn.

    Cùng với việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tại Kết luận số 54/KL-TƯ ngày 7/8/2019 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa 10 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn [Nghị quyết số 26/NQ/TW ngày 5/8/2008], Nghị quyết số 100/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa IV [trong đó có nêu: Xây dựng và triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới [NTM] giai đoạn 2021 - 2025 gắn với phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân khu vực nông thôn], Bộ TN&MT đã rà soát, xây dựng và trình Quốc hội phê duyệt Luật BVMT năm 2020. Trong đó, lần đầu tiên các nội dung có liên quan đến công tác BVMT nông thôn được tích hợp thành một điều khoản riêng quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành có liên quan và UBND các cấp.

    Căn cứ vào các định hướng chiến lược về BVMT và chức năng, nhiệm vụ được giao [Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 1216/QĐ-TTg, Chiến lược quốc gia về Quản lý tổng hợp CTR đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, Nghị quyết số 09/NQ-CP], trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc từ quá trình thực hiện bộ tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn vừa qua tại các địa phương, Bộ TN&MT cũng đã nghiên cứu, đề xuất sửa đổi nội dung tiêu chí môi trường với các chỉ tiêu được định lượng và cụ thể hóa nhằm bổ sung, hoàn thiện để ban hành bộ tiêu chí quốc gia về NTM cho giai đoạn 2021 - 2025 phù hợp với tính chất đặc thù kinh tế, văn hóa, xã hội của từng vùng, miền địa phương cụ thể, trong đó, có những tiêu chí áp dụng thống nhất trên toàn quốc và những tiêu chí do địa phương quy định cụ thể dựa trên các định hướng chiến lược theo từng ngành, lĩnh vực.

    Quy định về BVMT nông thôn nhằm mục tiêu ngăn chặn mức độ gia tăng ô nhiễm tại khu vực nông thôn; đảm bảo chất lượng môi trường nông thôn được giữ gìn, bảo vệ; cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống; từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân nông thôn so với giai đoạn trước và tuân thủ các nguyên tắc phát triển bền vững theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Quy định này đã giúp định hướng những nhiệm vụ cần phải thực hiện trong thời gian tới như tăng tỷ lệ CTR, nước thải sinh hoạt, bao gói thuốc BVTV được phân loại, thu gom và xử lý; thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư các khu xử lý chất thải tập trung quy mô liên huyện, liên tỉnh; khuyến khích phát triển các mô hình xử lý nước thải sinh hoạt quy mô hộ gia đình, cấp thôn trong cộng đồng dân cư; phát triển, nhân rộng các mô hình phân loại rác tại nguồn; chú trọng xử lý các nguồn thải phân tán từ hoạt động kinh tế và xã hội; tận dụng, tái sử dụng có hiệu quả các loại chất thải phát sinh từ chăn nuôi, trồng trọt, chế biến... theo nguyên lý “kinh tế tuần hoàn” để quay vòng, tái đầu tư cho các mục đích nông nghiệp khác, hạn chế phát thải gây ô nhiễm môi trường; khôi phục, duy trì cảnh quan và hệ sinh thái nông thôn; tìm kiếm các mô hình sản xuất sạch, thân thiện môi trường, cải thiện sinh kế; đẩy mạnh xử lý môi trường tại những nơi đang và có nguy cơ gây ô nhiễm nghiêm trọng [làng nghề, bãi chôn lấp tập trung...].

    Trước bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội trong xu thế hội nhập quốc tế như hiện nay, việc quy định những chính sách trên mang tính tổng thể nhằm hình thành nền nông nghiệp hữu cơ, tiếp cận các nguyên lý của hệ sinh thái tuần hoàn [hay kinh tế tuần hoàn], sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên [đặc biệt là tài nguyên đất, nước, hệ sinh thái nông nghiệp], đáp ứng những nhu cầu tất yếu khách quan của đời sống xã hội khu vực nông thôn, đảm bảo mục tiêu ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống; giúp chuyển dịch trong ý thức hệ của người dân nông thôn từ coi nhẹ môi trường sang coi BVMT, xây dựng cảnh quan, giữ gìn vệ sinh là nhu cầu tất yếu. Đồng thời, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường cũng mang lại giá trị kinh tế thứ cấp nhờ thu hút đầu tư cho các hoạt động kinh tế xã hội khác, đặc biệt là du lịch sinh thái khu vực nông thôn.

Nhân dân xã Đồng Cốc [Lục Ngạn - Bắc Giang] tham gia vệ sinh môi trường

Một số điểm cần chú ý của Luật BVMT năm 2020 liên quan đến công tác BVMT nông thôn

    Lần đầu tiên các nội dung có liên quan đến công tác BVMT nông thôn được tích hợp thành một điều khoản riêng trong Luật BVMT năm 2020 [Điều 58 BVMT nông thôn], trong đó quy định các nội dung như sau:

Thứ nhất, các yêu cầu về BVMT nông thôn

    Luật BVMT năm 2020 đã lấy chất lượng môi trường nông thôn là nền tảng, là mục tiêu để bảo vệ [nhằm duy trì điều kiện sống cho người dân nông thôn, bảo đảm an ninh lương thực] trên cơ sở điều tiết các hoạt động dân sinh, kinh tế [như hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, chế biến, hoạt động chăn nuôi...] có tác động đến chất lượng môi trường nông thôn thông qua công tác kiểm kê, thống kê, theo dõi và quản lý bằng các công cụ phù hợp [như quy hoạch vùng sản xuất tập trung và đầu tư hạ tầng phù hợp; thực hành sản xuất sạch và an toàn; tận thu, tái sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp làm nguyên liệu sản xuất hoặc thu gom, tái sử dụng, xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu về BVMT...]; cảnh quan, cây xanh, ao hồ, hệ sinh thái nước mặt, các nguồn nước phải được giữ gìn, bảo vệ, phục hồi và cải tạo; các khu vực ô nhiễm được xác định, khoanh vùng, xử lý, cải tạo, phục hồi và nâng cao chất lượng môi trường.

Thứ hai, trách nhiệm về BVMT nông thôn

    Luật BVMT năm 2020 quy định rõ trách nhiệm trong việc thu gom, xử lý các loại chất thải, nước thải của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cụm dân cư nông thôn trong các hoạt động dân sinh, kinh tế. Bên cạnh đó, trách nhiệm của UBND các cấp [xã, huyện, tỉnh], Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT cũng được phân định và quy định chi tiết, cụ thể [tại Khoản 2 Điều 58]. Đặc biệt, Bộ NN&PTNT có trách nhiệm hướng dẫn việc thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp tái sử dụng cho các mục đích khác.

    Với mục tiêu hướng đến là người dân được sống trong môi trường trong lành, Luật BVMT năm 2020 đã có một số điểm mới và nổi bật, cụ thể như: Quy định rõ trách nhiệm của hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn trong việc giảm thiểu, phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn, thu gom và vận chuyển CTR sinh hoạt được phân loại đến đúng nơi quy định [Khoản 1 Điều 60]; quy định CTR sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại thành CTR có khả năng tái chế, tái sử dụng, chất thải thực phẩm và CTR sinh hoạt khác; đồng thời quy định cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị - xã hội có trách nhiệm giám sát việc phân loại CTR sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân [Điều 75].

    Bên cạnh đó, quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân phải phù hợp với quy định của pháp luật về giá và dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại [Điều 79]. Việc thu phí xử lý CTR sinh hoạt được tính theo khối lượng là dựa trên quan điểm: Người gây ô nhiễm phải trả tiền; người nào xả nhiều rác sẽ phải trả nhiều tiền nhằm phân loại rác thải tại nguồn, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

    Quy định về BVMT trong sản xuất nông nghiệp trong Luật BVMT năm 2020 [Điều 61] đã hướng đến nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ, an toàn môi trường khi quy định rõ các phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom để sản xuất ra sản phẩm hàng hóa, sử dụng làm nguyên nhiên liệu, sản xuất phân bón, sản xuất năng lượng hoặc phải được xử lý theo quy định.

    Luật cũng giao trách nhiệm cụ thể cho các Bộ, ngành và từng địa phương liên quan đến công tác này. Trong đó, giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT rà soát, sửa đổi các cơ chế, chính sách về BVMT nông thôn [trên cơ sở xây dựng và trình ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BVMT sửa đổi [Nghị định và Thông tư, các văn bản về cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ...] nhằm đẩy mạnh xã hội hóa công tác BVMT, thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng các mô hình xử lý chất thải sinh hoạt quy mô tập trung [cấp huyện và liên huyện], ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường và cung cấp dịch vụ xử lý CTR sinh hoạt; hướng dẫn mô hình xử lý CTR sinh hoạt nông thôn; phát triển, nhân rộng các mô hình phân loại chất thải tại nguồn... [Điều 78]; hướng dẫn về công nghệ, kỹ thuật xử lý nước thải sinh hoạt tại chỗ [Điều 86].

    Xác định rõ vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội như Hội phụ nữ, Hội Nông dân, Liên minh Hợp tác xã, Đoàn Thanh niên... [Khoản 7 Điều 75, Điều 157, Điều 158] trong giai đoạn tới, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động xây dựng NTM được thực hiện tích cực trong giai đoạn vừa qua, các tổ chức cần tập trung đi sâu vào công tác tổ chức, triển khai thực hiện và phát huy vai trò tư vấn, phản biện, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BVMT nói chung và BVMT nông thôn nói riêng.

    Đồng thời, Luật tăng cường vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp [Điều 53, Khoản 2 Điều 141] trong công tác trong công tác BVMT như thu gom, xử lý CTR và nước thải sinh hoạt, chất thải nông nghiệp, chất thải chăn nuôi... thông qua các quy định về yêu cầu BVMT và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ trong lĩnh vực BVMT.

Định hướng công tác BVMT nông thôn giai đoạn tới

    Có thể nói, trong thời gian qua, công tác BVMT nông thôn nói chung và nội dung xây dựng NTM nói riêng đã và đang được quan tâm, cụ thể hóa bằng các văn bản, chính sách cụ thể. Tuy nhiên, hiện nay, bên cạnh việc còn thiếu các quy định về việc quản lý, xử lý nước thải, CTR, thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường áp dụng cho khu vực nông thôn, thiếu quy định về trách nhiệm và phân cấp trong quản lý môi trường nông thôn; thì vẫn còn thiếu các cơ chế, chính sách cấp Trung ương về huy động nguồn lực cho BVMT nông thôn cũng như là phát triển dịch vụ môi trường cung cấp cho khu vực nông thôn hay vấn đề về thu phí và lệ phí trong quản lý chất thải nông nghiệp, làng nghề...

    Trong thời gian tới, công tác BVMT nông thôn sẽ tiếp tục được quan tâm và chú trọng thực hiện, trong đó lấy chất lượng môi trường nông thôn là nền tảng, là mục tiêu để bảo vệ [nhằm duy trì điều kiện sống cho người dân nông thôn, bảo đảm an ninh lương thực] trên cơ sở điều tiết các hoạt động dân sinh, kinh tế có tác động đến chất lượng môi trường nông thôn thông qua công tác kiểm kê, thống kê, theo dõi và quản lý bằng các công cụ phù hợp [như quy hoạch vùng sản xuất tập trung và đầu tư hạ tầng phù hợp; thực hành sản xuất sạch và an toàn; tận thu quay vòng tái sử dụng các sản phẩm phụ, chất thải...]; các khu vực có nguy cơ bị ô nhiễm [đặc biệt là các nguồn nước] được theo dõi, ngăn chặn ô nhiễm, cải thiện và phục hồi chất lượng môi trường.

    Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, đó là: “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy BVMT sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.

    Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ [cụ thể như Nghị quyết số 09/NQ-CP; Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp CTR đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 5/9//2020 phê duyệt Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030...].

    Đưa các quy định của pháp luật về BVMT, đặc biệt là Luật BVMT năm 2020 và các văn bản dưới Luật đi vào thực tiễn cuộc sống, góp phần đẩy mạnh công tác BVMT, nâng cao chất lượng môi trường nông thôn, cụ thể:

    Đẩy mạnh công tác phân loại, thu gom, xử lý CTR mà điểm mấu chốt quan trọng nhất la thực hiện phân loại CTR tại nguồn;

    Quy hoạch và đầu tư [hoặc kêu gọi đầu tư] các khu xử lý chất thải tập trung, hỗ trợ việc hình thành các cơ sở tái chế chất thải quy mô lớn có sự tham gia của doanh nghiệp [tái chế nhựa, giấy, phân hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp, thủy tinh, phế thải xây dựng...] ưu tiên áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường;

    Tăng cường quản lý các nguồn nước thải phát sinh trên địa bàn nông thôn, đặc biệt là các nguồn phát sinh từ hoạt động sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản; từng bước áp dụng biện pháp công nghệ kỹ thuật phù hợp để xử lý nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, chế biến, nuôi trồng thủy sản... [bằng hình thức tập trung hoặc phân tán];

    Củng cố, hoàn thiện hạ tầng BVMT cho sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nhiệp theo hướng bền vững, sinh thái, an toàn, thân thiện với môi trường; tăng cường quản lý các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn nông thôn;

    Thống kê, khoanh vùng, xử lý các khu vực hiện đang bị ô nhiễm, đặc biệt là các khu vực ô nhiễm tồn lưu do chôn lấp chất thải gây ra;

    Cải thiện và không ngừng nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân, thay đổi tư duy và tập quán chăn nuôi, sinh hoạt; trao quyền và trách nhiệm cho người dân trong xây dựng và giữ gìn cảnh quan nông thôn truyền thống; sáng - xanh - sạch - đẹp - văn minh - an toàn.

Nguyễn Hoàng Ánh - Phó Vụ trưởng

Vụ Quản lý chất lượng môi trường, Tổng cục Môi trường

[Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2021]

Video liên quan

Chủ Đề