Lev tolstoy là ai

Ai cũng biết đại văn hào Lev Tolstoy, tác giả của những tác phẩm văn học vĩ đại như Chiến tranh và hòa bình, Anna Karenina,… Nhưng ít người biết những tác phẩm mang tính triết học và hoạt động xã hội của Tolstoy. để qua đó thấy tư tưởng của Tolstoy dường như còn vĩ đại hơn sự nghiệp văn chương của ông…

LỜI DẪN :

Nếu có một nhà tư tưởng vĩ đại bị chính sự nghiệp văn chương vĩ đại của mình che lấp thì đó là đại văn hào Lev Tolstoy.

Vâng, tư tưởng của Lev Tolstoy có lẽ còn vĩ đại hơn sự nghiệp văn chương của ông.

Mặc dù tư tưởng của ông đã lộ ra qua những bức tranh thời đại do ông mô tả trong các tác phẩm văn học bất hủ như Chiến tranh và Hòa bình, Anna Karenina,… nhưng chỉ đến khi ông nói lên lời « Tự Thú » [Confession] chúng ta mới có đủ « chứng cứ » để biết rõ ý nghĩ của ông về ý nghĩa đích thực của đời người.

Còn gì quan trọng hơn và có ý nghĩa hơn câu hỏi về ý nghĩa đích thực của cuộc sống ?

Nếu khả năng tự chất vấn và tự trả lời câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống là thước đo tính người trong mỗi người thì tác phẩm « Tự Thú » cho thấy Tolstoy là một trong những « người người nhất » [The most human human].

Điều đó đã được thảo luận khá kỹ trong bài Đức tin và Lý trí trên PVHg’s Home ngày 25/03/2016

Nhưng tư tưởng của Tolstoy không dừng lại ở những vấn đề triết học và tôn giáo, mà còn trải rộng ra các hoạt động xã hội. Nói cách khác, ông không chỉ là nhà lý thuyết trong tháp ngà, mà còn là một nhà thực hành tư tưởng ─ ông muốn áp dụng những tư tưởng của mình về cái Thiện và cái Đẹp vào cuộc sống, đem lại niềm vui và hạnh phúc cho mọi người. Lĩnh vực GIÁO DỤC chính là một trong những mảnh đất thích hợp nhất để ông có thể biến mong ước của mình thành hiện thực.

Để độc giả thấy rõ Tolstoy khao khát xây dựng một nền giáo dục lành mạnh và thực chất như thế nào, PVHg’s Home xin trân trọng giới thiệu một bài báo của nhà nghiên cứu Vũ Thế Khôi thuộc Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, nhan đề « Nhà giáo Lev Tolstoi với tôi ». Sau đây là nguyên văn bài báo, nhận được từ chính tác giả.

Xin chân thành cảm ơn tác giả Vũ Thế Khôi và hân hạnh giới thiệu cùng bạn đọc.

NHÀ GIÁO LEV TOLSTOI VỚI TÔI

Vũ Thế Khôi

[Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây]

Lev Tolstoi là một nhà văn vĩ đại ai cũng biết. Nhưng Lev Tolstoi là một nhà tư tưởng sư phạm lớn, thì tôi, dẫu tốt nghiệp Đại học Sư phạm quốc gia Moskva mang tên Lênin, trường đại học đầu ngành của Liên Xô cũ, cũng không biết. Đó là vì thời tôi học [1956 – 1961], nói đến học thuyết Tolstoi – tolstovctvo, tolstovshina [tiếp vĩ từ -shina trong tiếng Nga cấu tạo các từ miệt thị như: matiorshina: tệ văng tục, ugolovshina: nạn/lũ đầu trộm đuôi cướp… ; trường hợp này có thể dịch: “tà thuyết tolstoi”] dứt khoát phải thêm cả một đoạn định ngữ thường trực: “phản động, với nghĩa chính xác và sâu sắc nhất của từ đó”. Maiakovski đã viết:

Tôi với anh chẳng việc gì phải nghĩ

Nếu như các lãnh tụ nghĩ cho ta rồi!

Văn chính luận của Tolstoi, các lãnh tụ đã kết luận đanh thép là “phản động” thì bỏ, “vứt”, sờ đến làm gì, không khéo lại rách việc, “ne-ud” [không đạt, tức điểm 2] như chơi. Cứ tác phẩm văn học của ông mà nhào cho kỹ, nghĩ cho sâu, thế là “otlitshno” [xuất sắc, tức điểm 5] ngon.

Ngót ba chục năm làm công tác giảng dạy, được giao biên soạn các chương trình, giáo trình ngoại ngữ, tôi đọc không ít công trình lý thuyết về tâm lý giáo dục học và giáo học pháp của Nga, của cả Anh, Mỹ, Pháp, nhưng không hề một lần nghĩ đến đọc các tác phẩm giáo dục học của Tolstoi. Cho đến khi Bộ trưởng Bộ Đại học và THCN Trần Hồng Quân phát động công cuộc đổi mới mục tiêu, nội dung và phương pháp giáo dục đại học [1987 – 1990]… Ông lại đề xuất việc bầu hiệu trưởng và trưởng khoa, thế là năm 1988 tôi bị bầu làm Trưởng Khoa phiên dịch Nga – Anh – Pháp – Trung [do biết cả 4 thứ tiếng đó, ở mức độ khác nhau, chứ chẳng phải TS hay GS gì]. Vì là trưởng khoa nên năm 1989, khi Bộ thực hiện kế hoạch đổi mới ngành ngoại ngữ, tôi lại bị chọn làm thành viên Hội đồng liên ngành ngoại ngữ kiêm Phó chủ tịch Hội đồng ngành tiếng Nga của Bộ. Có lẽ do từng mầy mò làm chương trình, giáo trình nên Thường trực hội đồng giao cho tôi dự thảo, rồi chấp bút Khung chương trình giai đoạn đào tạo đại cương cho khối ngành ngoại ngữ. Đó là chuỗi sự việc dẫn đến vụ lần đầu tiên kể từ khi tốt nghiệp đại học sư phạm, tôi sực nhớ giáo sư của tôi có nhắc lướt qua những cải cách giáo dục gây chấn động của văn hào-tác giả Chiến tranh và hòa bình, Anna Karenina. Tôi đến thư viện lục lọi, tìm được Tuyển tập tác phẩm giáo dục học của Tolstoi.

Đọc bài Bút ký về ngôi trường Jasnaia Poliana Lev Tolstoi sáng lập và trực tiếp giảng dạy cho con em nông dân trong điền trang của ông, tôi thực sự kinh ngạc về phương pháp lên lớp cấp tiến, có thể nói là hoàn toàn phá cách của nhà giáo Tolstoi. Việc tạo không khí thoải mái, vui vẻ ở trường, thì ở ta cha đẻ của “công nghệ giáo dục” GS Hồ Ngọc Đại đã nêu thành nguyên lý “đi học là hạnh phúc”, “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” và có thực hiện được ở Trường thực nghiệm Giảng Võ, rồi đã triển khai hiệu quả ở 43 tỉnh thành, một thời gian. Nhưng … tạo không khí thoải mái đến mức: muốn đến lớp thì đến, không muốn thì thôi; đến lúc nào tùy ý, ngồi đâu tùy thích: trên ghế, trên bàn, dưới sàn lớp hay trên bậu cửa sổ; cùng ngồi trong một lớp mà học gì tùy chọn : đứa học đánh vần, đứa tập viết, đứa học tính, đứa tập đọc truyện hay hí hoáy vẽ – thì còn gì là nội quy học đường, trật tự giờ lên lớp để mà học với chả hành! Giáo giới chính thống đương thời la lối: “Một cái hội làng !”, “Một bầy Zigan !”. Tuy nhiên, điều lạ lùng là lãnh tụ phái Dân chủ-Cách mạng Nikolai Tshernytsevski lại nhiệt liệt hoan nghênh: “Tuyệt vời! Tuyệt vời! Lạy Chúa sao cho ngày thêm nhiều trường thiết lập được cái sự “mất trật tự” nhân hậu và hữu ích như vậy… Và theo chúng tôi, phải nói đơn giản là “rất trật tự” , bởi lẽ ở đây có thấy sự mất trật tự nào đâu, khi mà tất cả đều học hành chăm chỉ chừng nào chúng còn đủ sức…”. Đáng khâm phục hơn, theo ghi nhận của một người đương thời khác, là sau vài ba tháng những đứa trẻ nông dân mù chữ đã đọc thông viết thạo!

Tôi tự nhủ: phải tìm hiểu kỹ hơn về quan điểm giáo dục của cái ông bá tước, “địa chủ Cơ đốc giáo cuồng tín” này. Tôi nghiền hết Tuyển tập tác phẩm giáo dục học của Tolstoi, đọc suốt lượt các bài Về giáo dục quốc dân, Về giáo dục và đào tạo [O vospitanii i obrazovanii – tháng 5 / 1862], Về các phương pháp dạy đánh vần, Sự tiến bộ và định nghĩa giáo dục, Ai học ai cách viết văn: trẻ em nông dân học chúng ta, hay chúng ta học ở chúng, Những chỉ dẫn chung cho giáo viên, Về giáo dục tự do v.v… Đặc biệt, tôi đọc đi đọc lại hai bài luận chiến lớn của Tolstoi: Về giáo dục quốc dân và Về giáo dục và đào tạo. Hai bài này đã gây nên những tranh luận dữ dội đương thời và suốt thời Xô Viết, tuy được công nhận có không ít phát kiến độc đáo, song về cơ bản vẫn bị phê phán là “những sai lầm sâu sắc” của Tolstoi về giáo dục. Vậy Lev Tolstoi phát biểu những quan điểm “sai lầm sâu sắc”[?] gì trong hai bài luận chiến đó, để ngày nay trên khắp thế giới, cả ở phương Tây, ngay tại những nước có nền giáo dục tiên tiến như Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Anh, Mỹ, lẫn phương Đông như Nhật Bản, và từ sau năm 1991 thì ở cả ở Liên bang Nga, người ta lại cho là tiên tiến, đi trước thời đại ; người ta lập các “trường Tolstoi” [Đức, Thụy Sĩ, Nga] “đại học Tolstoi” [Mỹ, Nhật, Nga] để nghiên cứu và áp dụng?

Để hiểu tư tưởng sư phạm của Tolstoi, phải xem xét nó từ lập trường đạo lý toàn nhân loại chứ không phải từ quyền lợi vị kỷ của một giai tầng nào. Như việc đánh giá Truyện Kiều ở ta vậy. Từ lập trường của phái Duy tân yêu nước, trong điều kiện đương thời còn phải khai Dân trí – chấn Dân khí để cứu nước, thì dưới con mắt của cụ Nghè Ngô Đức Kế, người từng được chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng gọi là chiến sĩ tiên phong có “Á phách, Âu hồn”, Truyện Kiều là “dâm thư”, cô Kiều phải bán mình chuộc cha, rồi trôi dạt vào chốn lầu xanh là “con đĩ”. Nhưng ngày nay, UNESCO từ lập trường nhân đạo của toàn nhân loại, đã đánh giá tiểu thuyết của thi hào Nguyễn Du là tác phẩm nhân văn vĩ đại, cô Kiều là hình mẫu người phụ nữ phương Đông, xinh đẹp và đoan trang ngay cả trong hành vi bán mình của cô, và công nhận Nguyễn Du là Danh nhân Văn hóa thế giới.

Theo sự lĩnh hội của tôi, chung quy học thuyết sư phạm của Lev Tolstoi có hai tư tưởng căn bản là :

  1. Cái quan niệm về giáo dục từ thời Trung Cổ đến đương đại với ông, cả ở Tây Âu lẫn trong đế chế Nga hoàng, coi giáo dục là quyền của một số người này được tùy tiện nhào nặn một số người khác theo những khuôn mẫu của mình, áp đặt cho họ những điều mình cho là duy nhất đúng, là “thiên kinh địa nghĩa” bất di bất dịch, trong khi cái mình cho là duy nhất đúng ấy không còn đáp ứng những nhu cầu thiết yếu với cuộc sống của quảng đại quần chúng nhân dân – đó là một quan niệm sai lầm, trái với bản tính tự nhiên của con người là biết suy nghĩ và yêu thương [tôi liên hệ với câu “nhân chi sơ / Tính bản thiện” trong sách Tam tự kinh được đọc từ nhỏ]. Tolstoi gọi đó là giáo dục áp chế [nasilstvennoie vospitanie]. Ông chỉ ra những hậu quả tai hại của nền giáo dục ấy là: về mặt đạo đức, đã tập cho học sinh, sinh viên quen những thói dối trá, đạo đức giả, háo danh, học chỉ cốt lấy điểm cao vì thế vô tình tạo cơ hội cho các vị giáo sư lộng hành, chỉ cốt giật cái bằng để kiếm địa vị trong xã hội; về mặt học vấn, thì càng học lên cao càng ít thiết thực cho cuộc sống, lên đến đại học thì toàn là một mớ thông thái vô tích sự; vào đời thì kém xa một nông dân thông minh, một thợ thủ công khéo tay, một người buôn bán tháo vát, vì thế các ông chủ sẵn sàng mời họ làm quản lý và trả cho 300 – 500 rup/tháng, trong khi không thèm trả cho sinh viên tốt nghiệp đại học chỉ 200 rup để làm phòng thí nghiệm hoặc nghiên cứu tự nhiên.
  2. Đối lập với giáo dục áp chế, Tolstoi đề xuất nguyên lý giáo dục tự do [svobodnoie vospitanie]. Để lập luận nguyên lý giáo dục này Tolstoi nêu một quan sát cụ thể của ông về hai đứa trẻ cùng sinh ra trong một trang trại: con trai của nhà nông phu và quý tử gia đình ông chủ. Đứa không được học ở trường, lớn lên tự nhiên với việc đồng áng thì khỏe mạnh và lanh lợi, tỏ ra tự tin, biết làm nhiều việc trong môi trường nông dân của mình, biết gì là biết chắc do tự tìm hiểu và tự tay làm; sống chất phác và thành thật. Đứa kia từ nhỏ đã có gia sư, đến trường học đủ loại thầy bà, được nhồi nhét đủ các môn khoa học mà nó chỉ tiếp nhận qua lời giảng, không bao giờ thực hành; lớn lên lại thành ra ẻo lả, lờ đờ và vụng về, mọi thứ chỉ biết lơ mơ, hỏi dến thì trả lời lắp ba lắp bắp như con vẹt; sớm nhiễm thói dối trá: dối cha mẹ để moi tiền ăn chơi, luồn lọt và dối thầy cô để lên lớp; đạo đức giả: nghĩ một đằng, nói một nẻo và nói một đằng, làm một nẻo. Hai đứa trẻ ấy là kết quả của hai quy trình giáo dục đối lập nhau: tự do và áp chế. Như vậy có thể hiểu rằng Tolstoi quan niệm giáo dục tự do không theo nghĩa tự do chủ nghĩa mà theo nghĩa phát triển tự nhiên các năng lực trí tuệ và tinh thần của đứa trẻ, theo tinh thần của triết gia và nhà giáo dục học Khai sáng Jean-Jacques Rousseau. Tolstoi cho rằng mục tiêu của giáo dục không phải là bản thân kiến thức, vốn chỉ là phương tiện, cho nên kiến thức không phù hợp phải thay đổi ngay, như ông đã bỏ không dạy tiếp truyện ngắn Chủ hiệu đòn đám ma của Pushkin khi trẻ em chưa thể hiểu nên không thích. Mục tiêu của giáo dục là bằng kiến thức phù hợp thức tỉnh bản tính nhân ái tiềm tàng trong mỗi đứa trẻ, giúp nó phát triển hài hòa các năng lực trí tuệ và tinh thần phục vụ cho cuộc sống thực của nó trong cộng đồng. Để đạt được mực tiêu đó thì nội dung của quy trình giáo dục cũng phải tự do, theo nghĩa học sinh được tự do lựa chọn học những kiến thức và kỹ năng phù hợp với hứng thú nhận thức của chúng; giáo viên được tự do thay đổi nội dung kiến thức khi thấy thứ mình chọn hóa ra không phù hợp với đối tượng. Phương pháp giáo dục tự do có nghĩa là tôn trọng sự khác biệt của học sinh, tạo mọi điều kiện để từng học sinh thấy thoải mái trong hoạt động học tập trên lớp, sử dụng mọi biện pháp để gợi mở cho mỗi học sinh tự tìm hiểu vấn đề, chủ động hỏi, tranh luận, học qua làm.

Tolstoi không hề cố chấp. Cuối đời ông công khai thừa nhận sai lầm khi đối lập cực đoan giáo dục=áp chế và đào tạo=hình thành tự nhiên. Ông từng viết trên tờ báo Jasnaja Poliana của mình là đưa quan điểm ra để mọi người tranh luận, phản bác, miễn là có thiện chí, không miệt thị, xúc phạm nhau. Về phương pháp tư duy, Tolstoi ưa thủ pháp suy luận đến cùng kỳ lý, đẩy vấn đề đến hai thái cực đối lập để lột trần bản chất.

Một điều nhà giáo dục học Tolstoi dứt khoát khẳng định, đó là: “Thực ra con người phải được đào tạo để chuẩn bị cho cuộc sống, cho lao động, mỗi kiểu lao động ngoài kỹ năng cho nó còn đòi hỏi một quy trình, một sự chuẩn xác và điều quan trọng là kỹ năng sống và ứng xử với mọi người” [VTK nhấn mạnh]. Ông đã đi trước thời đại hơn một trăm năm: đến những thập niên cuối thế kỷ XX Chủ tịch Hội đồng Giáo dục quốc tế của UNESCO Jacques Delors mới đề xuất 4 cột trụ [Four Pillar] nổi tiếng cho nền giáo dục của thế kỷ XXI, là: 1] Học để hiểu biết, 2] Học để làm việc, 3] Học để làm người và 4] Học để biết cách chung sống.

[Hà Nội vào đông, 1 – 12 – 2010]

*Đăng Báo Tia Sáng, 6 – 12 – 2010 [tải lại lên các website: 360.com; Baomoi.com; Sachhay.com] ; Bee.net.vn ngày 9 – 12 – 2010 [các website: news.ndthuan.com; phaply.net.vn] ; vanvn.net ; doctin.vn ; báo Văn Nghệ Trẻ, số 50 [736], ra ngày 12 – 12 – 2010.

Video liên quan

Chủ Đề