Làm quá là gì

Bản chất ban đầu của câu chuyện làm quà chỉ là những chuyện vô tư, tếu táo, vô thưởng vô phạt, miễn sao người nói mang lại cảm giác vui vẻ, hài lòng cho người nghe là được. Thế nên câu chuyện làm quà ở đây mang hàm ý như một món quà bồi bổ niềm vui, tinh thần cho người nghe.

Tuy nhiên, câu chuyện làm quà thời nay không còn nguyên nghĩa khởi thủy của nó, mà dần biến tướng muôn hình vạn trạng, nhất là đối với dân công sở. Dân công sở ở đây là những người làm việc trong bộ máy công quyền các cấp. Một chủ quán cà phê có lần chia sẻ rằng, khi vào quán, mấy anh mặc trang phục công sở vừa nhâm nhi ly cà phê Ban Mê, vừa kháo nhau rằng, ông A phải nháo nhào chạy vạy mới được lên chức; anh B phải khôn khéo lách qua cửa hẹp mới có được chức danh chuyên viên chính; cậu C cũng phải nhờ vả vào bóng ông to, bà lớn mới được quy hoạch vào vị trí trưởng phòng Còn mấy chị ở cơ quan nọ miệng vừa lép nhép cắn hạt hướng dương, vừa kể hành, kể tỏi mấy đồng nghiệp khác. Nào là cái con mụ phó phòng người thì xấu như ma cấu, thế mà lúc nào cũng dẩu môi lên để chỉ tay năm ngón cấp dưới. Nào là ông thủ phó cơ quan trông bề ngoài thì rõ đạo mạo, đàng hoàng, luôn lên mặt dạy đời cấp dưới phải tu thân tích đức, thế mà vẫn lén lút vợ con để thỉnh thoảng đi đêm với bồ nhí, đúng là cái loại khẩu Phật, tâm xà!...

Chưa dừng lại ở đó, có lần mấy nam nhân viên cấp dưới mời sếp của mình vào một quán nhậu. Trong lúc say sưa chén anh, chén chú hứng khởi, sếp đã lấy lòng cấp dưới bằng cách kể tất tần tật nội dung cuộc họp cấp ủy nhận xét, đánh giá cán bộ để quy hoạch nguồn lãnh đạo cơ quan vừa tổ chức tuần trước. Nào là ông X tưởng sẽ kế nhiệm thủ trưởng cơ quan sắp nghỉ hưu, nhưng mất tới non nửa số phiếu bầu trong cấp ủy. Còn chị Y lúc đầu đang ở nguồn kế tiếp, bỗng dưng lại được cấp ủy giới thiệu vào nguồn kế cận. Nhưng đáng tiếc nhất là anh Z, một người được học hành bài bản, có năng lực, trình độ, triển vọng được cất nhắc vào vị trí cấp phó trong tầm tay, nhưng chẳng hiểu tại sao lại bị gạt ra bên lề, thế vào đó là một nhân vật lạ hoắc ở nơi khác sắp chuyển về Bất chợt, một nhân viên hỏi lại: Không nằm trong cấp ủy, sếp nghe ở đâu mà rõ chuyện mười mươi như vậy?. Sếp nói đầy tự tin: "Là anh cũng nhờ một cuộc nhậu với một anh đồng niên làm việc ở phòng tổ chức đấy"!.

Đằng sau những câu chuyện làm quà ở quán cà phê, nhà hàng, quán nhậu được phát ra từ miệng dân công sở, mới thấy một bộ phận người nhà nước hiện nay không những đơn giản trong suy nghĩ, tùy tiện trong nói năng, mà còn bộc lộ ý thức vô tổ chức về kỷ luật phát ngôn. Bởi có những câu chuyện làm quà chỉ nghe hơi nồi chõ, tức là chỉ nghe người khác nói, không lấy gì làm chắc chắn, nhưng vẫn thông tin, truyền đạt cho người khác sẽ làm nhiễu nhương dư luận. Không những vậy, những câu chuyện làm quà lại xoay quanh việc đánh giá người này, nhận xét người khác, thậm chí chỉ thích nói xấu cấp trên, đồng nghiệp khiến cho hình ảnh cán bộ, nhân viên trong cơ quan bị méo mó. Đấy là chưa kể câu chuyện làm quà thiên về bàn tán chuyện ai lên, ai chuyển, ai vào, ai ra của cơ quan đã vô hình trung làm lộ bí mật về công tác nhân sự nội bộ.

Đối với dân công sở, gặp gỡ, mào đầu với nhau bằng những câu chuyện làm quà với việc kể lể, bàn tán đủ thứ chuyện nội bộ cơ quan, đơn vị, thì đừng quên lời nhắc nhớ của ông cha: Sảy chân gượng lại còn vừa/ Sảy miệng còn biết đá đưa đường nào, và cũng đừng bỏ qua điều răn dạy chí lý của người xưa: Bệnh tòng khẩu nhập, họa tòng khẩu xuất, nghĩa là Vạ ở miệng ra, bệnh qua miệng vào!

LÝ XUYÊN

Video liên quan

Chủ Đề