Kts phạm thanh truyền sinh năm bao nhiêu

Cuối tháng 5 vừa qua, có một sự kiện quan trọng đối với Công ty Cát Mộc - doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế và xây dựng, đó là khi đơn vị này cho ra đời thương hiệu mới C-HDG. Đây cũng là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam xây dựng thương hiệu chuyên nghiên cứu và thiết kế công trình y tế. Dịp này, KTS Phạm Thanh Truyền đã trao đổi với DNSG về những sản phẩm mang thương hiệu Cát Mộc Group.

* Cơ duyên nào đưa anh đến với ngành thiết kế - xây dựng, chắc hẳn đó là ước mơ từ thời thơ ấu?

- Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê Đức Phổ, Quảng Ngãi. Tuổi thơ tôi đầy ắp hình ảnh đồng lúa, nương rẫy, những buổi chăn bò và lượm củi, có thể nói là rất... nhà quê! Tuy vậy, tôi vẫn có nhiều hoài bão, khát vọng. Và cuộc sống khó khăn cũng là môi trường tốt giúp tôi rèn luyện ý chí.

Những buổi chiều thả diều trên cánh đồng vừa gặt xong còn thơm nồng mùi lúa mới, tôi hay thả hồn theo những cánh diều và mơ ước trở thành một kiến trúc sư. Thú thực lúc đó tôi cũng không biết công việc của một kiến trúc sư là gì, chỉ biết rằng đó là người thiết kế những công trình xây dựng.

Tôi học chuyên toán nhưng lại có tên trong đội học sinh đi thi giỏi văn! Cũng là người thích làm thơ và đam mê hội họa. Ngày đó đi học thiếu thốn nhiều thứ lắm, cọ vẽ làm bằng những cọng măng nhỏ đập dập, phẩm màu là thuốc đỏ, nghệ, hoa dâm bụt... thứ gì có thể dùng làm màu tôi sử dụng tất!

Hồi đó, tỷ lệ đậu vào đại học hàng năm rất thấp và việc học hành để thi đậu cũng không đơn giản chút nào. Khi đậu rồi cũng khó khăn trăm bề mới có đủ điều kiện để đi học! Mơ ước trở thành kiến trúc sư của tôi đành gác lại vì tôi thấy khả năng tài chính của gia đình không kham nổi nếu tôi thi vào Đại học Kiến trúc TP.HCM. Cuối cùng tôi buộc lòng thi vào Đại học Y Dược.

Ra trường, đang công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy tôi lại lén gia đình thi vào Đại học Kiến trúc và may mắn đã mỉm cười với tôi. Tôi lao vào học bằng tất cả niềm đam mê và kết quả là tốt nghiệp thủ khoa năm 2003, đồ án của tôi dự thi giải thưởng Loa thành toàn quốc đoạt giải nhì. Niềm vui tiếp nối khi tôi được trường giữ lại làm giảng viên. Một năm sau, tôi thành lập Công ty Cát Mộc.

Trong một chuyến công tác xã hội tại Lâm Đồng

* Vì sao ông không theo ngành y như mong muốn của gia đình mà lại thích làm KTS?

- Không hẳn là tôi không thích ngành y, nhưng được kinh doanh và sáng tạo tôi thấy thoải mái hơn. Ba má tôi theo đạo Phật nên rất trọng cái tâm, cái đức. Có lẽ việc gia đình muốn tôi theo ngành y cũng bắt nguồn từ cái tâm ấy. Thời gian công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy, tôi luôn được đánh giá là bác sĩ có y đức, có lẽ ba má tôi cũng rất hãnh diện về điều này!

* Gần bốn năm hoạt động trong lĩnh vực thiết kế và xây dựng, Cát Mộc đã gặt hái được nhiều thành quả đáng kể. Đó là nhờ nỗ lực của ông hay của tập thể?

- Tôi chưa bao giờ nghĩ nhân viên của mình là những người đi làm thuê, mà luôn xem họ là những cộng sự đắc lực. Những ngày công ty mới thành lập, việc tuyển dụng nhân viên rất khó khăn vì công ty chưa có tiếng tăm. Lúc đó tôi hiểu cần có thời gian để chứng minh năng lực của công ty, của bản thân với nhân viên.

Thời gian đầu có hôm một ngày tôi làm việc tới 20 tiếng, có lúc một mình “chiến đấu” với 5 máy tính khi nhân viên đã về hết. Tôi làm phần việc của tất cả các bộ phận trong công ty, từ kinh doanh, quảng cáo đến thiết kế, thi công... Tôi làm trước và hướng dẫn nhân viên vào sáng hôm sau. Dần dần tôi cũng gầy dựng được bộ máy hoạt động hiệu quả sau hai năm công ty ra đời.

Đến giờ, Cát Mộc rất tự hào có lực lượng cán bộ kỹ thuật trẻ, năng động, nhạy bén, đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của công việc. Hiện nay, công ty đã có chiến lược hẳn hoi trong việc đầu tư vào lĩnh vực nhân sự. Hằng năm chúng tôi đều tài trợ học bổng và phần thưởng cho các trường đại học, có chính sách hỗ trợ những sinh viên nghèo học giỏi và mời họ về công ty làm việc sau khi tốt nghiệp.

Ngoài nỗ lực của bản thân tôi, Cát Mộc có được thành công như ngày nay là nhờ công sức đóng góp của tất cả các thành viên trong công ty.

Giao lưu cùng MC Quỳnh Hoa và nhạc sĩ Vũ Hoàng

* Ông có thể cho biết vì sao Cát Mộc lại ra mắt thương hiệu mới C-HDG?

- Tôi ấp ủ một thương hiệu chuyên sâu về lĩnh vực thiết kế bệnh viện từ ba năm trước, khi tôi đoạt giải nhất cuộc thi Thiết kế Trung tâm chẩn đoán Y khoa kỹ thuật cao Bệnh viện Bưu điện II. Thú thực, mới ra trường, tôi không mấy tự tin khi lần đầu tiên tham dự một cuộc thi lớn như vậy.

Những kiến thức tích lũy được trong thời gian làm việc ở ngành y cũng giúp tôi vững vàng hơn khi đặt bút thiết kế bệnh viện. Thế nhưng, càng đi sâu nghiên cứu thể loại công trình này lại càng thấy mình còn thiếu quá nhiều thứ, nhất là những thông tin mới về trang thiết bị y khoa và sự đồng bộ khi làm việc theo nhóm.

Khi đi tham quan một số đơn vị thiết kế bệnh viện tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore, tôi thấy họ rất chuyên nghiệp. Bây giờ, chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng, gia nhập WTO là một vinh hạnh nhưng cũng là thách thức lớn đối với chúng ta. Tôi trăn trở nhiều và ngày càng bị thôi thúc phải hình thành một thương hiệu chuyên nghiệp trong lĩnh vực thiết kế bệnh viện để đón lấy vận hội mới của đất nước.

Khi tôi tâm sự điều này với bạn bè, đồng nghiệp, với những người thầy, những chuyên gia... họ đều cho đó là ý tưởng tốt và đều động viên tôi. Vì vậy, sau thời gian chuẩn bị những việc cần thiết như nhân sự, cơ sở vật chất, liên lạc với các công ty chuyên về thiết kế bệnh viện ở Mỹ, Singapore, mời các chuyên gia cố vấn, ngày 24/5 vừa qua tại White Palace, chúng tôi đã chính thức ra mắt thương hiệu C-HDG.

Trong cuộc hội thảo “Những thách thức về thiết kế bệnh viện” được tổ chức tại Đại học Kiến trúc TP.HCM vừa qua, KTS Mỹ John C. Hoelscher đã có lời khuyên chân tình dành cho các KTS Việt Nam: “Hãy tham gia tích cực vào các dự án thiết kế bệnh viện tại Việt Nam để các bạn có thể tự hào đó là những công trình mang đậm dấu ấn văn hóa Việt, bởi không ai thể hiện văn hóa Việt tốt bằng người Việt”.

Khi nghe câu nói như lời tâm sự ấy của John C. Hoelscher, tôi đã mạnh dạn ngỏ lời đề nghị Công ty RTA đỡ đầu cho C-HDG về chuyên môn. Ông không những đồng ý mà còn rất nhiệt tình giúp đỡ. Trong kế hoạch hằng năm, Cát Mộc sẽ gởi KTS sang Mỹ học tập. Song song đó, tôi cũng nhận được sự cố vấn của PGS. TS. KTS Trần Văn Khải, TS. BS Nguyễn Hoàng Bắc, chuyên gia Ahn Jang Kyun cùng sự tham mưu của các đối tác như Công ty Kovina [Hàn Quốc], Bệnh viện Raffles [Singapore]. Có thể nói bước đầu đã có nhiều thuận lợi.

Làm việc với Ban lãnh đạo Bệnh viện Raffles – Singapore

* Khẩu hiệu của Cát Mộc là “Sáng tạo vì sức khỏe cộng đồng” và theo ông, sáng tạo là sự nối tiếp không ngừng. Với lực lượng kiến trúc sư trẻ tại Đại học Kiến trúc TP.HCM, nơi ông đang giảng dạy và tại Cát Mộc, nơi ông đang làm việc, hẳn ông đã có kế hoạch đào tạo thế hệ kế thừa này?

- Đào tạo một thế hệ trẻ kế thừa luôn là chiến lược, tôi luôn coi trọng yếu tố con người. Những giải thưởng trao cho các KTS trẻ hàng năm, những học bổng trao cho các sinh viên nghèo vượt khó thể hiện sự trân trọng của tôi đối với những trí thức trẻ. Hằng năm, các sinh viên tốt nghiệp thủ khoa, á khoa các đại học Kiến trúc, Bách khoa, Kinh tế đều được tôi “chăm sóc” rất kỹ!

Tôi hy vọng trong tương lai không xa, Cát Mộc Group sẽ có một lực lượng cán bộ trẻ và năng động, giỏi nghề và sẵn sàng cống hiến. Kế hoạch đưa các KTS của công ty đi đào tạo ngắn hạn và dài hạn tại nước ngoài cũng là chiến lược lâu dài về nhân sự. Tôi muốn tạo điều kiện tối đa cho tất cả cộng sự của mình chủ động đón lấy kiến thức mới.

Song song đó, tôi cũng đã phối hợp với Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, Trung tâm đào tạo công nghệ thông tin Ispace thuộc Nguyễn Hoàng Group, các giảng viên của Đại học Kiến trúc TP.HCM mở lớp đào tạo họa viên chất lượng cao đầu tiên tại Việt Nam.

Tôi muốn áp dụng mô hình đào tạo chuyên nghiệp của một số nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc... và luôn có khát vọng đào tạo được một lớp họa viên chuyên nghiệp đáp ứng được nhu cầu cao trong công việc hiện nay của ngành thiết kế, nhất là cung cấp cho các công ty nước ngoài những họa viên có đẳng cấp cao.

* Con cái luôn được xem là vốn quí của gia đình, ông quan niệm thế nào về việc giáo dục con, liệu các con ông có kế tục sự nghiệp của cha - một doanh nhân và KTS?

- Hiện thời tôi mới chỉ có một con trai, năm nay cháu lên lớp 8, rất hiếu kỳ và năng động, thích vẽ, đá bóng và mê vi tính. Tôi và con gần gũi như hai người bạn, vì vậy tôi cũng muốn để cháu phát triển một cách tự nhiên, không gò ép theo một khuôn mẫu nào, nhất là không bắt cháu theo nghề nghiệp của mình.

Tôi tạo điều kiện tối đa cho cháu phát huy hết khả năng. Khuyến khích cháu tham gia các cuộc thi trên báo, truyền hình, tự lên Internet tìm học bổng du học. Tôi muốn cháu đi theo sở thích của mình để có thể phát huy hết mọi năng khiếu.

* Quan niệm sống và hưởng thụ của ông là gì?

- Tôi rất thích câu nói: “Khi bạn chào đời, bạn khóc mọi người cười; hãy sống sao cho đến khi bạn chết đi thì mọi người khóc và bạn cười vì mãn nguyện”. Cuộc sống ngày nay vốn dĩ phức tạp và hối hả, cuộc sống của tôi cũng vậy. Tôi luôn lấy sự đơn giản hóa cuộc sống làm nền tảng để giải quyết mọi vấn đề. Tôi thích làm giàu để có điều kiện làm từ thiện. Chia sẻ với những người bất hạnh cũng làm mình hạnh phúc.

Cát Mộc hôm nay đã trưởng thành với bốn thương hiệu: C-Home chuyên thiết kế và thi công nhà ở; C-HDG chuyên thiết kế bệnh viện, C-Media chuyên về quảng cáo và C-Education chuyên về giáo dục đào tạo. Vì sự phát triển của cả bốn thương hiệu nên tôi làm việc không ngưng nghỉ, một ngày tôi chỉ ngủ khoảng năm, sáu tiếng.

Mặc dù tôi cũng dành thời gian để chơi thể thao và học hành nhưng mọi người xung quanh vẫn khuyên tôi hãy bớt làm việc lại. Tôi chỉ cười và trả lời bằng việc tiếp tục lao vào công việc, vì với tôi được làm việc và làm đúng sở thích của mình là một niềm vui.

Chủ Đề