Kiểu băng số 8 là gì năm 2024

Quân Y - 1 số kiến thức cơ bản

(1/9) > >>

T_80_U: Em chào các Bác và các đồng chí! Thấy ở đây mọi người bàn chuyện súng ống và oánh nhau, mà như thế dễ bị “thương vong” lắm. Nên em xin mạn phép mở chủ đề này. Bài viết này em cũng đã 1 lần post lên ttvnol.com. Lần post này có chút chỉnh sửa và bổ sung. Rất hoan nghênh mọi ý kiến đóng góp và bàn luận, nhất là các ý kiến của các bác Cựu binh đã từng tham chiến và có cách sơ cứu trực tiếp trên chiến trường với cách chữa trị “dân gian” trong điều kiện chiến trường thực tế.

  1. Khái niệm cơ bản về băng bó và chuyển thương Đây là khái niệm rất cơ bản và tiên quyết. Mục đính chính là: + Cầm máu: Băng ép trong vết thương phần mềm có chảy máu + Bảo vệ, che chở vết thương tránh cọ xát va chạm. + Chống nhiễm khuẩn thứ phát, thấm hút dịch, máu mủ + Phối hợp với nẹp để cố định xương gãy tạm thời

1. Nguyên tắc băng vết thương. Sát khuẩn vết thương. Băng kín và không bỏ sót vết thương. Cần phải kiểm tra kĩ vết thương trước khi băng nhất là trong chiến đấu ban đêm vì có thể bỏ sót nhiều vết thương. Cuộn băng lăn sát cơ thể từ trái sang phải không để rơi băng. Nút buộc băng tránh đè lên vết thương, đầu xương, mặt trong chân tay, chỗ bị tì đè, chỗ dễ cọ xát. Băng đủ chặt, băng không quá lỏng vì sẽ gây chảy máu và tuột băng trong tải thương. Không buộc chặt quá vì sẽ gây thiếu máu cho cơ thể đoạn dưới vết thương đó. Tất nhiên khi băng bó thì phải sạch sẽ và tránh làm bẩn (chỉ tương đối thôi). Nếu vết thương được băng bó sớm và kịp thời sẽ tránh thiếu máu, giảm đau, nhiễm khuẩn từ đó giúp cho tuyến sau điều trị hiệu quả hơn. Nếu bị thương nhẹ vào phần mềm thì có thể tiếp tục chiến đấu.

2. Các kiểu băng cơ bản. a/ Băng vòng xoắn Đưa cuộn băng đi nhiều vòng từ dưới lên trên theo hình xoắn giống lò xo hay như con rắn đang quấn cây. Đặt đầu ngoài cuộn băng ở dưới vết thương (sau khi đặt gạc phủ kín miệng vết thương). Tay trái quay đầu cuộn băng, tay phải giữ cuộn băng ngửa lên trên. Đặt 2 đến 3 vòng băng đầu tiên cuốn đè lên nhau để giữ chặt đầu băng, cuộn nhiều vòng băng theo hướng từ dưới lên trên, vòng băng sau đè lên khoảng 2/3 vòng băng trước cho đến khi vết thương được phủ kín. Cuối cùng thì đầu băng được cố định cho thật chặt bằng các dùng kim băng hoặc xé đôi đầu cuộn băng sau đó buộc chặt ở phía trên vết thương. Kiểu băng này thường áp dụng để băng các vết thương ở các đoạn chi trên, chi dưới, vùng ngực, bụng. Các vòng băng phải quấn đều và xiết tương đối chặt.

b/ Băng kiểu số 8 Là kiểu băng vòng theo hình số 8, tuy hơi phức tạp nhưng thích hợp khi băng các vết thương ở các vùng vai, nách, bẹn, mông, cẳng tay, gót chân....

c/ Băng chữ Nhân Giống như băng vòng xoắn nhưng mỗi vòng đều gấp lại. Bắt đầu mối băng bằng 2 vòng tròn quanh phần cơ thể cần băng bó. Quấn 1 vòng xoáy, ngón cái tay trái đè lên chỗ định gấp giữ chặt vòng băng. Nới dài cuộn băng khoảng 15cm. Tay phải lật băng kéo xuống dưới và gấp lại. Sau đó quấn chặt chỗ băng, kết thúc với 2 vòng tròn và cố định. Ðể ý các phần lật đều nhau và khoảng cách đều nhau, không để chỗ gấp trên vết thương hay trên chỗ xương lồi. Thường áp dụng băng những chỗ thon không đều như cẳng tay, cẳng chân.

3. Cách băng vết thương ở 1 số vị trí trên cơ thể 3.1/ Băng vai và nách Áp dụng cách băng theo kiểu số 8. Băng 2 vòng đầu ở phía trên vết thương để cố định đoạn đầu của băng. Sau đó đưa cuộn băng vòng theo hình số 8, hai còng đầu luồn dưới nách và bắt chéo nhau, ở trước vùng vai bị thương, đầu còn lại cố định vào chi.

3.2/ Băng ngực Áp dụng cách băng kiểu vòng xoắn. Đặt đường băng đầu tiên đi chéo từ dưới rốn lên vai trái vòng ra sau lưng, đầu băng thừa ra 1 đoạn để buộc. Băng vòng xoắn quanh ngực từ dưới lên trên, các vòng băng xiết tương đối chặt, nhất là đối với vết thương ngực hở. Đường băng cuối cho vòng ra sau lưng vắt qua vai trước để buộc với đầu băng.

3.3/ Băng bụng Trước tiên phải đắp gạc phủ lên vết thương, nếu có phủ tạng bị lòi ra tuyệt đối không được nhét vào ổ bụng mà phải quấn thành vòng tròn hình vành khăn, sau đó úp lên vết thương. Hoặc có thể lấy bát đủ rộng úp lên. Sau khi đã úp lên vết thương, băng 2 vòng đầu đè lên nhau giữa cuộn băng. Tiếp đó băng theo kiểu số 8 1 vòng, đi trên và đi dưới vành khăn hay bát úp 1 vòng cho tới khi phủ kín vết thương rồi cố đinhk lại bằng kim băng.

3.4/ Băng bẹn, mông. Áp dụng cách băng theo kiểu số 8. Băng 2 vòng đè lên nhau ở vị trí 1/3 đùi để cố định đầu băng. Băng theo hình số 8 vòng trên cuốn lên 2 mào chậu bắt chéo trước bẹn rồi vắt ra sau đùi và cứ thể cho đến khi phủ kín vết thường và cố định đầu băng lại.

3.5/ Băng gối, gót, khuỷu tay Áp dụng cách băng theo kiểu số 8. Băng cố định 2 vòng dưới gối, gót, khuỷu rồi theo hình số 8 đưa cuộn băng vòng kên trên gối, gót, khuỷu cho đến khi kín vết thương và không quên cố định băng.

3.6/ Băng bàn chân, bàn tay Vẫn theo kiều hình số 8, vòng lên sát cổ ngón chân, tay và bắt chéo mu bàn chân hay bàn tay đầu còn lại buộc cố đinh vào bàn chân hay tay.

3.7/ Băng trán: Áp dụng cách băng theo kiểu vành khăn, băng theo hình tròn từ trán ra sau gáy sao cho đường băng nhích dần lên từ trên xuống dưới và đường băng sau gáy nhích dần lên từ dưói lên trên.

3.8/ Băng đầu Quấn băng theo kiểu quai mũ. Buộc 1 đầu băng vài vai trái (nếu thương nhẹ bảo thương binh cầm hộ 1 đầu) rồi đưa cuộn băng vắt ngang từ trái qua phải, sau đó gấp ngược trở lại xoắn vào đoạn băng chỗ mang tai, vòng qua trán, qua gáy 1 vòng. Từ đó, qua mang tai vắt lên đỉnh đầu xoắn đoạn mang tai bên đầu cố định và tiếp tục che kín vết thương và cố định đầu băng.

3.9/ Băng gáy Ta đứng ở phía sau thương binh, bắt đầu băng 2 vòng tròn quanh đầu, hướng đường băng xuống gáy. Quấn 1/2 vòng tròn quanh cổ, không xiết chặt, hướng đường băng đi lên bắt chéo với vòng trước. 1/2 vòng tròn quanh đầu và tiếp tục cho đến khi kín gáy. Kết thúc 2 vòng quanh đầu và cố định.

3.10/ Băng tai Băng phần bên của mặt, không bó chặt hàm và không làm nghẹt thở. Bắt đầu bằng 2 vòng tròn quanh đầu.Hướng đường băng qua trước tai trái và đi lên thẳng cho tới trên đầu. Ðưa băng đi xuống sau tai phải và qua dưới cằm để trở lên đỉnh đầuvà tiếp tục như trên cho kín nơi cần băng. Kết thúc bằng một đường băng chéo sau ót và một vòng tròn quanh đầu và cố định.

3.11/ Băng 1 bên vú (vú trái làm ví dụ) Bắt đầu bằng 2 vòng tròn dưới vú. Ðưa đường băng ra sau lưng đi qua vai phải, hướng đường băng xuống hông trái qua hông phải. Tiếp tục trở về hông trái, lên vai phải. Các đường băng sau liên tục như trên cho đến khi băng kín vú. Kết thúc 2 vòng tròn dưới vú và cố định.

4. Cách tải thương binh Sau khi vết thương đã được băng bó thì phần tải thương binh về tuyến sau hết sức quan trọng. Trong quá trình tải thương nếu không chú ý ta có thể “thăng chức” thương binh lên liệt sỹ. Tuỳ theo địa hình, địa vật, thời tiết và tình trạng cụ thể của vết thương, khoảng cách đoạn đường chở thương binh về tuyến sau mà sử dụng phương tiện vận chuyển và tải thương cho thích hợp.

a/ Mang thương binh “bằng tay” Đây là tình huống thường gặp trong chiến đấu trực tiếp khi gặp đồng đội bị thương. Mang thương binh bằng tay chỉ áp dụng trong cự ly ngắn. Ta có thể bò chuyển thương binh bằng cách vừa bò vừa kéo thương binh. Bế hay cõng thương binh là tình huống thường gặp.

b/ Mang thương binh bằng dây đai Biện pháp này rất phù hợp ở điều kiện rừng núi. Hai tay người tải thương được tự do có thể bám, nắm.. để leo trèo. Không áp dụng cách tải thương này cho thương binh bị gãy xương cột sống, gãy xương chi dưới.

c/ Khiêng bằng cáng, võng Đây là phương pháp cũng khá phổ biến và tiện lợi, nhưng ta chú ý mấy điểm sau: + Theo dõi tình trạng toàn thân của thương binh: sắc mặt, hơi thở, huyêtt áp... đề xử lý kịp thời. + Với thương binh có garo, trong quá trình vận chuyển đừng có quên tháo nới garo đúng theo thời gian qui định không kẻo máu không đến được mà bị hoại tử phần dưới vết thương. + Với thương binh có vết thương ở vùng hàm và cổ trước: Phải đặt thương binh nằm sấp vì đề phòng máu và dịch khi nằm ngửa có thể chảy vào đường hô hấp và gây ngạt cho thương binh. + Với thương binh có vết thương ở vùng bụng: Phải đặt thương binh nằm ngửa, chân hơi co lại để tạo áp lực trong ổ bụng, giảm tránh phủ tạng lòi ra ngoài. + Với thương binh có vết thương ở vùng ngực: Đặt thương binh trong tư thế nửa nằm nửa ngồi để tạo điều kiện thương binh dẽ thở. + Với thương binh có vết thương ở cột sống, vỡ khung chậu phải đặt ở trên ván cứng. + Khi khiêng thương binh phải cho chân thương binh đi ra đằng trước. Trong vân chuyển không để thương bị rơi hay ngã, khi đặt xuống phải nhẹ nhàng. Các thao tác trên tránh gây chấn động mạnh vào vết thương.

(Còn tiếp)

T_80_U: II. Cấp cứu và sơ cứu ban đầu trong chiến đấu Ở đây ta chỉ nói đến cách xử lý do vũ khí nổ (vũ khí thông thường) vì đây là những tình huống thường gặp nhất trong chiến tranh mà ta có thể tự tay xử lý và khắc phục. 1. Vết thương kín và hở

  1. Vết thương kín Là 1 loại vết thương không rách da, chảy máu bên ngoài, thường có các chấn thương sau: Chấn thương ngực kín, bụng kín, gãy xương kín do sức ép của bom đạn, sập hầm, đổ cây,.... Đây là loại vết thương khá nguy hiểm. b.Vết thương hở Là loại vết thương mà ta có thể nhìn thấy được như rách nát da và các mô. 2. Vết thương phần mềm Là vết thương có tổn thương da, gân, cơ trong đó cơ là chủ yếu. Loại vết thương này có các đặc điểm là vết thương ở các bộ phận khác đều kết hợp có tổn thương phần mềm. Vết thương phần mềm nếu được xử lý tốt là cơ sở cho việc điều trị tốt đối với các tổn thương khác: Gãy xương, thần kinh.... Vết thương do mảnh phá (mảnh bom, pháo...) thường bị dập nát, nhiều ngõ ngách. + Biến chứng: Tất cả vết thương do vũ khí nổ đều bị ô nhiễm. Nhiễm khuẩn nặng hay nhẹ còn tùy thuộc vào các yếu tố sau: - Các vùng bị thương càng có nhiều khối cơ dày (mông, đùi, bắp) dễ bị nhiễm khuẩn nặng. - Sức đề kháng của bản thân cơ thể thương binh kém cũng dễ làm phát triển sự nhiễm khuẩn. - Các mô, cơ bị dập nát và hoại tử, dị vật nhiều sẽ gây nhiễm khuẩn nặng. Vết thương có nhiều ngõ ngách dễ bị uốn ván, hoại thư sinh hơi. + Sơ cứu: Từ các biến chứng trên, ta nhanh chóng băng bó vết thương nhằm bảo vệ vết thương không bị ô nhiễm thêm, cầm máu kịp thời tránh để thương binh mất máu nhiều gây choáng và ngất. Sau khi đã băng bó xong cần nhanh chóng tổ chức đưa thương binh về tuyến sau.

3. Vết thương mạch máu + Vết thương do đạn súng bộ binh hay do mảnh đạn đều có thể gây tổn thương mạch máu từ nhỏ đến dập nát, đứt lìa. + Vết thương mạch máu phần lớn có sự kết hợp với các tổn thương phần mềm, gãy xương, đứt dây thần kinh... Điều trị khá phức tạp và khó khăn. + Vết thương gẫy xương có nhiều mảnh xương vỡ sắc cạnh thường gây thủng, rách hoặc đứt mạch máu trong quá trình tải thương nếu không được cố định tốt. + Loại thường gặp nhất và nguy hiểm nhất là các tổn thương động mạch lớn hay tứ chi Biến chứng: + Choáng vì mất máu, nếu mất nhiều máu dẫn đến tử vong. + Rất dễ bị nhiễm trùng. + Chảy máu thứ phát (mất máu lần hai). Sơ cứu: Trong quá trình chiến đấu (hỏa tuyến), khi thấy vết thương ở mạch máu phải cầm máu tạm thời 1 cách nhanh chóng đúng chỉ định theo yêu cầu của vết thương và cầm máu tốt là điều rất quan trọng. Biện pháp cầm máu tạm thời phải tùy theo tính chất chảy máu, không làm bừa nhất là không được garo 1 cách tùy tiện. 4. Vết thương gãy xương Có 2 loại là gẫy hở và gẫy kín + Loại gẫy hở: Da bị rách, ổ gẫy xương bị dập nát.. có thể nhìn thấy đầu xương gẫy lòi ra hay 1 số mảnh xương vụn lòi ra theo chỗ rách. Biến dạng so với bên xương lành. + Loại gẫy kín: Không bị rách ra nhưng có thể da chỗ gẫy xương bị bầm tím. Cũng có thể thấy đầu xương gãy đội mặt da lên. Ấn vào chỗ xương gẫy có tiếng lạo xạo (kèm theo tiếng kêu la và chửi rủa của thương binh). Biến dạng so với bên xương lành. Biến chứng: Thương binh sẽ choáng hoặc ngất (nhất là vết thương gãy xương lớn như xương đùi và xương chậu). Cũng dễ bị nhiễm khuẩn nặng với vết thương hở. Sơ cứu: + Cầm máu tạm thời (nếu kèm theo đứt mạch máu). + Băng kín đối với vết thương hở. + Cố định tạm thời chỗ gẫy xương: dùng thanh tre gỗ thẳng và nhẵn nẹp vào 2 bên chỗ gẫy đối với xương chân và tay. Với xương đòn vai dùng dây đai số 8 hoặc quấn băng theo hình số 8 để cố định tạm thời. v.v.v. + Đưa thương bình về tuyến sau càng sớm càng tốt và chú ý với vết thương này thì khâu tải thương phải cẩn thận, cho thương binh nằm trên cáng cứng.

• Xử trí gãy xương đòn: Gãy xương đòn là loại gãy xương thường gặp trong công tác huấn luyện chiến sĩ, vì xương đòn mảnh lại cong như chữ S dễ gãy trong chấn thương trực tiếp cũng như gián tiếp khi độ cong đó tăng lên quá mức và thường gãy ở đoạn giữa chỗ xương cong vòng ra trước. Nguyên nhân trực tiếp do va chạm thẳng vào xương đòn.Trong chiến tranh do đạn thẳng hoặc mảnh phá gây nên gãy hở; do chấn thương gián tiếp như ngã đập xuống đất, xương đòn bị tăng độ cong quá mức và bị gãy, thường là gãy kín (có khi gãy hở vì mảnh nhọn xương chọc thủng da…). Đau là triệu chứng đầu tiên, nạn nhân phải lấy tay lành đỡ lấy khuỷu tay đau, đầu nghiêng về bên gãy, không cử động khớp vai. Có thể nhìn thấy sưng tại ổ gãy, có khi đầu xương chọc ra ngoài hoặc máu và dịch tủy chảy ra; sờ ổ gãy, bệnh nhân đau chói, có khi có cảm giác lạo xạo xương. So với bên lành, vai ở bên gãy xương đòn ngắn và thấp hơn. Xử trí tình huống này ta cần cố định tạm thời bằng băng số 8 hoặc dùng các nẹp như: Nẹp gỗ, nẹp Cramer (Nẹp này có thể uốn cong theo các khuỷu thường dùng để cố định gãy xương cánh tay, cẳng tay và cẳng chân.), Nẹp Thomas - giá Thomas (Loại này dùng cho trường hợp gãy xương đùi) tiêm thuốc giảm đau (nếu có), nếu gãy hở phải băng bó vết thương bằng băng vô khuẩn. Kiểm tra, băng bó cố định, có thể tiêm giảm đau, rồi chuyển về tuyến sau. Về tuyến sau có thể tiến hành nắn chỉnh cố định (những trường hợp bị thương dễ nắn) trường hợp gãy di lệch phức tạp, gãy hở chuyển về tuyến bệnh viện, cần có chuyên khoa để điều trị. Gãy xương đòn là loại gãy xương dễ liền, đa số không để lại di chứng gì về cơ năng đáng kể dù hai đoạn có chồng lên nhau, thậm chí có trường hợp không nắn, không cố định vẫn liền xương. Thời gian liền xương đòn khoảng 3-4 tuần. Tuy nhiên, nếu không điều trị hoặc điều trị không tốt có thể dẫn tới các biến chứng sau: Mảnh xương chọc phải bó mạch thần kinh dưới đòn, chọc phải đỉnh phổi… Những biến chứng này cần phải phẫu thuật, cấp cứu khẩn cấp.

5. Bỏng Bỏng trong chiến tranh thường do các loại vũ khí gây cháy gây ra như súng phun lửa, bom napal.... Bỏng nặng hay nhẹ ta căn cứ vào diện tích và độ sâu của vết bỏng (bỏng 10% cơ thể trở lên là bỏng nặng) Sơ cứu: + Khi thấy người bốc cháy nhanh chóng dập lửa bằng nước, chăn, vải, cát.... Nếu bị dính phải lửa do bom Napan thì quẳng thương binh xuống nước và ngâm thì mới dập tắt được. + Bỏng do các chất lân tinh phải dùng các cách sau: dùng băng ướt tẩm sunfat đồng 5% hay thuốc tím 3% hoặc nước vôi 5% đắp lên vết bỏng. Không được bôi thuốc mỡ lên vết bỏng trước khi băng. + Khi băng các vết bỏng thì tránh làm vỡ các chỗ bị phồng rộp, băng hơi ép chặt để tránh thoát huyết tương. Tất nhiên phải dùng băng vô khuẩn (trong chiến đấu thì sạch là tốt rồi) và tuyệt đối không bôi bất kì 1 thứ thuốc gì trên vết bỏng trừ bỏng do lân như ở trên. + Nếu vết bỏng quá rộng, băng không đủ thì ta dùng vải, chăn, màn sạch phủ lên vết bỏng. + Cho dùng thuốc giảm đau, cho uống hỗn hợp nước muối và Nabica (1 lít nước + 1 thìa muối ăn + ½ thìa Natribicarbonat). Chỉ cho uống từng ngụm 1, nếu bị nôn thì ngừng cho uống. Hết nôn lại cho uống tiếp và ủ ấm nhẹ nhàng chở về tuyến sau (nhớ tráng làm bợt da thương binh). 6. Bị vùi lấp Tình huống tạo ra vết thương này thường do bị bom, đạn pháo ... làm nổ sập hầm, hào, công sự... hoặc thường thấy hàng ngày do mưa lũ, bão làm sập nhà cửa hay cây cối đè lên..... Khi bị vùi lấp, nguy cơ trước mắt là bị ngạt do thiếu oxi, tiếp theo sẽ bị suy thận cấp gây tử vong. Ngoài ra còn kèm theo các chân thương gẫy xương, sọ não, cột sống... Hội chứng đè ép: + Thời kì đầu: Trong 10-12 giờ đầu sau khi người bị vùi lấp được bới ra có khi ta chưa thấy dấu hiệu gì đặc biệt ngoài cảm giác có kiến bò ở vùng cơ thể bị đè ép. Hoặc có thế thấy viêm tấy, phù nề nhẹ tại vùng bị vùi lấp. + Thời kì toàn phát: Trong 10-12 giờ đầu sau khi người bị vùi lấp được bới ra nạn nhận có dấu hiệu rõ ràng và nặng dần lên. Ở vùng bị đè ép thì phù nề lan rộng, căng to biến dạng, đau nhức, khó cử động, da nhợt nhạt và lạnh xám. + Triệu chứng choáng sẽ xuất hiện, mạch đập nhỏ và nhanh, huyết áp tụt nhanh, nước tiểu giảm sau là không tiểu được báo hiệu suy thận cấp. Xử trí: + Nhanh chóng đào bới và lôi nạn nhân ra. Nhưng phải bình tĩnh quan sát khu vực bị sập đổ và nếu có thể quan sát được tư thế nạn nhân đang bị đè thì chọn cách đào bới thích hợp để tránh bị vùi lấp thêm hay gây các chấn động làm chèn ép nạn nhân hay cuốc nhầm vào người nạn nhân. 1 điều cần cảnh giác khi đào bới là còn có các bom mìn ...chưa nổ hay nổ chậm nếu chạm cuốc xèng thì bản thân người cứu cũng hi sinh. + Khi bới được phần đầu, cổ, ngực thì phải lấy sạch các dị vật, đất cát... trong mũi, miệng rồi thổi ngạt nếu nạn nhân không thở được. + Đồng thời khẩn trương đào bới tiếp các phần còn lại nhưng không vội vàng mà làm nạn nhân thêm choáng. + Chống biến chứng của hội chứng đè ép. Khi cơ thể bị đè ép, đừng nóng vội lôi nạn nhân ra ngay mà đặt 1 garo sát trên chỗ bị đè ép với áp lực vừa đủ để máu chảy chậm lại. + Đặt nạn nhân trên nền đất phẳng hay lên cáng và chống ngạt cho nạn nhân đến khi tự thở được. Quá trình chống ngạt phải kiên trì và liên tục, có khi 2-3h sau mới có kết quả. + Chống nóng hay lạnh cho nạn nhân và kiểm tra các tổn thương khác trên cơ thể. Nếu nạn nhân khát nước thì nên cho uống nước nhưng vừa đủ (kiểu này là sống rồi. không biết có bố nào vừa tỉnh đòi làm cốc Rượu không nhỉ )

* Cấp cứu khi bị rắn cắn: Trong chiến tranh thì quá trình hành quân, trinh sát, hoặc nghỉ ngơi .....trong môi trường rừng rẩm trong đếm tối và nhất là vào mùa mưa thì chuyện bị Rắn cắn là thường gặp. Khi bị Rắn cắn phải thật bình tĩnh, nhanh chóng làm các việc dưới đây: Cố gắng xác định sơ bộ xem đó là rắn lành hay rắn độc. Nếu tại vết cắn thấy cả hai hàm răng với nhiều vết chấm hình vòng cung, không thấy vết răng nanh là rắn lành. Còn nếu tại nơi bị cắn có hai vết răng nanh cách nhau 5mm và một số vết răng nhỏ là rắn độc. Nếu đúng là bị rắn độc cắn hoặc không xác định được chắc chắn là rắn lành hay rắn độc, cần ngồi yên, tuyệt đối không cử động phần cơ thể (chân, tay…) bị rắn cắn vì cử động sẽ làm cho chất độc lan nhanh trong cơ thể. Nếu bị cắn ở chân, nạn nhân không được đi, hay chạy. Sơ cứu: Nhanh chóng Garo lại (đủ chặt) để ngăn chất độc phán tán sâu vào cơ thể. Rửa sạch vết rắn cắn bằng xà phòng và nước sạch. Dùng dao sạch (đã khử khuẩn bằng cách hơ trên ngọn lửa) rạch một đường dài khoảng 10mm, sâu độ 3mm tại vết răng nanh, sau đó nặn ra ít máu. Sát khuẩn vết rạch bằng cồn 70o hoặc thuốc tím 0,1%, nước oxy già 12 thể tích, nước muối 9‰, rồi băng vết thương bằng gạc vô khuẩn. Có thể áp dụng biện pháp cố định chi bị cắn bằng băng ép đủ chặt cho nạn nhân bị rắn hổ mang cắn, nhưng không áp dụng cho rắn lục vì làm tăng thêm nguy hiểm, do nọc gây hoại tử tại chỗ. Điều cần lưu ý: Nếu vết cắn đã bị hoại tử hoặc rắn đã cắn nửa giờ thì không nên rạch da vì không có tác dụng. Nạn nhân và những người có mặt không được sờ vào miệng rắn cho dù rắn đã bị đánh chết hoặc đầu rắn đã bị chặt rời khỏi thân. Sơ cứu xong, cần bất động chi bị cắn, chuyển nạn nhân về tuyến sau ngay. Nên chuyển nạn nhân bằng cáng, hoặc ô tô (nếu có thể vì đang hành quân bằng cơ giới), không nên chở bằng xe đạp, xe máy nhất là khi nạn nhân có dấu hiệu bị sốc hoặc liệt phần chi bị rắn cắn. Theo dõi sát mạch, huyết áp, nhịp thở của nạn nhân. Chú ý phát hiện sớm các dấu hiệu suy hô hấp, truỵ tim mạch để có cách xử trí kịp thời. Nếu do rắn hổ (hổ mang, cạp nong, cạp nia…) cắn, sẽ có dấu hiệu viêm nhiễm rất sớm, thường chỉ sau 5 phút đến 1-2 giờ, nạn nhân thấy đau buốt tại chỗ, người mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, khó há miệng, sụp mi, giãn đồng tử, mạch nhanh, huyết áp tụt, rồi ngừng tim, ngừng thở và tử vong. Nếu do rắn lục cắn, nơi bị cắn sưng tấy nhanh, chỉ sau 6 giờ toàn chi bị cắn sẽ sưng to, tím tái, sau 12 giờ vết cắn bắt đầu hoại tử, nạn nhân bị truỵ tim mạch, viêm thận, suy thận cấp. Những sai lầm thường gặp trong việc sơ cứu rắn cắn là: - Thắt băng garro quá chặt gây đau, sưng nề, tắc nghẽn gây hoại tử. - Nuốt thảo dược có thể gây nôn. - Đổ dầu vào đường hô hấp dẫn đến viêm phổi do xâm nhập, co thắt phế quản, vỡ màng nhĩ. - Cắt rạch, dùng bàn là nóng chà lên vết thương, ngâm trong dịch lỏng sôi, hơ trên ngọn lửa làm tổn thương, hủy hoại toàn bộ phần cơ thể.

OldBuff: Buff tôi cứ tưởng đồng chí là lính thiết giáp!

daibangden: Là trùm bảo kê quán nước đã nghỉ hưu bác ạ ;D.

haanh: Chủ đề này hay và cần thiết đấy , cố lên đồng chí ơi !

Navigation

[0] Message Index

[#] Next page