Hướng dẫn chơi cùng gấu pô chiến binh hạnh phúc

Có thể nói nữ nhân vật chính trong akhàt jucar là nhân vật ảnh hưởng rất lớn đến “sự tồn tại và phát triển của cộng đồng và cũng chính cá nhân nhân vật anh hùng”. Vì vậy, hình tượng nữ nhân vật chính được các nghệ nhân xây dựng tích cách đều tương xứng với nhân vật anh hùng. Đó là những người phụ nữ xinh đẹp, đầy quyền lực và có tài phép. Họ không chỉ đẹp, là vợ của một tù trưởng giàu mạnh, có vị thế trong cộng đồng, cũng có thể là con của một vị vua ở nước láng giềng hoặc là con của thần linh đang cải quản một thế giới, một lãnh vực nào đó.

Trong ý nghĩa rộng nhất, chung nhất, tính cách của nhân vật là sự thể hiện các phẩm chất xã hội lịch sử của con người qua đặc điểm cá nhân, gắn với đặc điểm tâm sinh lý của họ. Tính cách có một hạt nhân là sự thống nhất của cá tính và cái chung của lịch sử xã hội. Như vậy, tính cách của nhân vật được hiểu như là đặc điểm của nhân vật, khuynh hướng xã hội và quy luật hành động của nhân vật. Tính cách được thể hiện trong “toàn bộ sự miêu tả nhân vật, nhưng trước hết là trong các công thức và dấu hiệu đặc điểm để nhận biết nhân vật”[1].

Biểu hiện bên ngoài tính cách nhân vật được thể hiện qua miêu tả đặc điểm hình thức nữ nhân vật. Bao giờ cũng vậy, tiêu chuẩn đầu tiên để đánh giá người phụ nữ là sắc đẹp. Thời đại akhàt jucar, người Raglai đã ý thức và tôn vinh sắc đẹp và tài năng của người phụ nữ đến từng chi tiết, cụ thể.

“...Ở một xứ nọ ở cõi phàm trần Anảq Dam cayua A-Dam ,

Có một người con gái mồ côi cha mẹ.

Nàng  có phép thần tài giỏi Ganrưh gaval  như ý do trời ban cho.

Mười lăm lớp phép nhiệm mầu ,

Biết bao nhiêu lần hoá phép mầu nhiệm…

Tài phép cải tử  hoàn sanh…

Ngày nay vẫn còn nhắc đến phép thần Ganrưh gaval AWơi Nãi Tilơr

Câu chuyện xưa cổ nàng AWơi Tilơr bắt đầu:...”

Vẻ đẹp và tài năng của nhân vật nữ chính lan truyền đến tận thế giới của các vị thần đang cai quản:

“...Nàng AWơi Tilơr có tiếng như ngân vang bay bổng

          Đến xứ sở Chúa thần.

          AWơi Tilơr lừng danh tiếng tăm đến xứ sở vua thần...

...Để xem chuyện tiếng đồn vang tới chúa thần,

          Có là thật hay không.

          Tiếng vang ở xứ thần

          Tiếng tăm của AWơi Tilơr bay bổng,

          Tiếng tăm của AWơi Tilơr chấn động...”

Tính cách của nhân vật nữ còn thể hiện bên ngoài qua trang sức:

“...Gấu cà chăn lấm chấm đen như chấm đen ở lưng cà chăn

Gấu cà chăn có chấm đen cùng màu áo,

Nhuộm viền đen giáp vòng sau lưng

Khăn vấn khăn đội nhuộm màu khoai tím

Bên tay trái reo tiếng lục lạc, bên tay phải reo tiếng vòng đồng...”

Trong akhàt jucar Raglai, tiếng tăm vẻ đẹp và tài năng của nhân vật nữ chính lan truyền khắp nơi, xuống tận thủy cung khiến vua thần biển putau Tuwaq và chúa thần mẫu Via Valìq ghen tị, sai khiến làm những điều tưởng như không thể hoàn thành được để bắt tôi:

“...Bắt nàng TiLơr tìm trầm hương to bằng đùi

Bắt nàng TiLơr tìm ngà voi cao bằng đầu...”

Vẻ đẹp khiến các hoàng tử chốn thủy cung yêu mến [akhàt jucar Udai-Ujàc] “muốn cưới làm vợ, bắt làm chồng”.

Mô típ về nạn hồng thủy trong các câu chuyện cổ phổ biến đối với các dân tộc trên thế giới, với người Raglai cũng không ngoại lệ. Không ai là người Raglai mà không biết đến akhàt Jucar Cơi Vaxiri Mỏq Vila, một câu chuyện như “Cha Rồng - Mẹ Tiên” của người Việt. Chuyện kể về nguồn gốc của các dòng họ Raglai mang đầy tính huyền thoại. Hai anh em ruột được Cơi Vaxiri Mỏq Vila cứu sống trong một cơn đại hồng thủy nhờ trốn được trong một chiếc trống lớn. Cơi Masrĩh Mỏq Vila cho hai anh em làm lễ cúng nhang xin làm chồng làm vợ để giữ gìn giống giống con cháu dòng đời trần gian thoát khỏi tận diệt.

Bên cạnh môi trường tự nhiên là rừng núi từ bao đời nay nuôi sống, bảo bọc, che chở họ, một môi trường tuy chỉ là trầm tích từ nguồn gốc xa xưa – môi trường sông biển - của khối cư dân Nam Đảo nhưng lại rõ nét trong akhàt jucar và ảnh hưởng lớn đến tính cách của nữ nhân vật.

Từ những quan niệm và ảnh hưởng của biển như thế, tính cách của các nữ nhân vật trong akhàt jucar Raglai cũng giận dữ như con sóng lớn khi trời giông bão. Trong akhàt jucar Awơi Nãi TiLơr, nàn TiLơr nhất quyết phải hơn thua với hai nàng công chúa con vua thần Biển khơi là MaTien và Saien khi bị xúc phạm:

“…- Này Awơi MaTien, nàng Awơi Sa-ien là con của chúa chủ thần linh,

Người ta là con của Vua chủ phải được hòan thành đầu tiên việc chém vào lưỡi đao thần của Awơi Tilơr ta .

Với việc thi chém lưỡi gươm thần ta phải hứng chịu trước tiên thật đấy mà!

Bấy giờ thật là may mắn như bằng nhang cho trái chuối chín với nàng Awơi Tilơr,

Nàng Awơi Tilơr không hề kết bậy , buộc lời nói không cho người ta đâu cả

Ông vua thần Mặt trời trên cao, ông thần mặt Trăng , ông bà thần Mặt trời , ông thần các vì sao …

Người ta đã làm phép che chở ban ơn tránh né[2] cho nàng Awơi Tilơr bằng mười lần chắp tay lại cầu chúa cho tránh né bằng năm lần chắp tay lại cầu xin với chúa thần ban ơn… giúp cho nàng Awơi Tilơr bảo vệ được mạng sống…”

Khi Jahuruơi - con trai của thần trồng cây vườn chuối, trồng cau đến xứ sở Awơi TiLơr chọc ghẹo nàng và hai nàng Awơi Matien, Awơi Sa-ien liền bị nàng đánh đuổi ngay ra khỏi nhà, văng ra khỏi cửa:

“…Nàng rút cây đao bén của nàng ra, nàng quá tức giận một cách khác thường…

Lập tức làm phép màu nhiệm Ganrưh gaval, thổi nước từ miệng làm sáu phép biến hoá.

Nàng Awơi TiLơr hoá mười lăm phép nhiệm mầu…

Nàng quát:

-Bây giờ ta đá Jahuruơi, đá văng tuốt tận cửa!

Cho mầy biết ta là thế nào.

Này các nàng Vala, nàng Via Carưh,

Các người hãy xem ta đá, ta đạp văng hột mắt hắn ra, văng hột mắt tên Jahuruơi bây giờ.

Bây giờ ta đá văng người của hắn từ lối cửa văng vượt qua vòng ngoài !…”.

Tính cách các nhân vật nữ trong akhàt jucar Raglai được thể hiện rõ nét văn hóa mẫu hệ ngay ở tên của mỗi người. Theo quan niệm truyền thống của người Raglai, nhà cửa, đất đai sẽ trao truyền cho người còn gái út. Vì vậy các nhân vật nữ giàu có, quyền uy trong dòng tộc ở các cốt truyện đều được gán ghép thành tên Nãi Tiluiq [Nàng Út]. TiLơr, TuLơr, Tiluiq... đều là cách gọi trại đi những đều chung một nghĩa.

Tài năng của nhân vật nữ trong akhàt jucar Raglai không chỉ ở nữ nhân vật chính mà ngay cả nữ nhân vật phụ luôn sát cánh với nhân vật chính cũng có tài phép phi thường.

Matien, Saien là hai công chúa con vua thần biển khơi bị Nãi TiLơr bắt về sau một cuộc thách đấu đã trở thành em dâu của nàng, được nàng làm đám cưới linh đình gả cho Chiyàc, ChiJaràc. Khi  Đàn voi của Awơi nãi TiLơr đánh nhau với voi của vua thần lửa putau Tumur và bắt chúng về làm việc. Hai nàng Awơi Matien, Awơi Sa-ien đến xứ sở vua thần Bão tố vua thần Gió lốc dùng mưu làm cho phép thần của hai vị thần này không linh nghiệm. Sau đó hai nàng giết chết họ. Kêu gọi mười bảy đầu chúa vua trở về xứ sở không tham gia chiến tranh với quân của TiLơr nữa.

“...Hai nàng niệm thần chú cho kiếp các chú ngựa , ngựa thần bay trở lại thành tàu lá, tàu lá văng bay…nói:

-Thổi nước miệng làm sáu phép linh của nàng Awơi Matien, Awơi Sa-ien.

Phép thần phép linh nghiệm biến hoá mười lăm tầng,

Phép thần tài cứng cỏi mười lăm lớp.

Nàu các chú ngựa, chú ngựa thần,

Chú ngựa dặm trường, chú ngựa thần bay cầm đao cán bạc.

Hãy thành lá cỏ quạt thành lá văng bay,

Này lục lạc, này chuông, này yên cương, dây cương… hãy biến trở lại như xưa…Biến!...”

Vua thần BiểnPutau Tuwaq và chúa thần mẫu Via Valìq bày trận đón Awơi nãi TiLơr và mọi người để trả thù việc bắt hai con gái của họ. Hai nàng Awơi Matien, Awơi Sa-ien hoá phép linh giúp cho đoàn quân vượt qua được phép biến hóa của chính cha 2 nàng:

“...Thổi nước miệng làm sáu phép linh biến hoá của nàng Awơi Matien, Awơi Sa-ien,

Thần phép linh nghiệm mười lăm tầng, phép thần tài cứng cỏi mười lăm lớp.

Hãy biến hoá đi cho ta.

Này mẹ của tui, cha của tui đó là vua thần Biển Putau Tuwaq, chúa thần mẫu Via Valìq,

Con dao nóng tức, cây đao sắc bén quá.

Đổ dầu trơn làm phép.

Này là dầu, là xà bông dây rừng làm nguồn làm phép

Hãy biến hoá mà rút đi, hãy dời biến mất đi cho tui.

Bây giờ tại đá tảng bôi người ta làm phép lây đổ dầu xà bông dây rừng, hãy làm phép biến mất đi.

Một nháy mắt sau đã cạn khô biến mất hết dầu trơn.

Ngựa dặm trường, ngựa thần bay, voi chúa vua ngà đi thông đi lọt qua ngõ qua lối này.

Nhường cho đoàn quân lính của Amã Ujàc,

Đón đầu cho quân giữa quân sau dẫn về từ chiến trận đánh chém từ xứ sở chúa vua,

Trở về trót lọt qua lối cửa cạm bẫy, cách xa nơi gốc chờ thần, gian trại cây me thần, nơi hội tụ thần linh…”

Tính cách của nữ nhân vật trong akhàt jucar thể hiện ngay cả trong các cuộc hôn nhân, lựa chọn hôn phu của mình; quyết đoán một cách mãnh liệt để bảo tồn đất đai, giữ gìn xứ sở, của cải tài sản của gia đình. Đó cũng chính là phẩm chất cần thiết để họ hoàn thành tốt vai trò trong cộng đồng mẫu hệ. Tính cách đa diện được thể hiện ở phần dịu dàng, giàu nữ tính, thiên chức làm vợ, làm mẹ ở hầu hết các khúc hát trong akhàt jucar Raglai.

Mặc dù là xã hội theo chế độ mẫu hệ, con trai lấy vợ ở nhà vợ. nhưng trong các nhân vật nam anh hùng của akhàt jucar Raglai hầu hết cưới vợ xong lại đưa về nhà mình cùng sinh sống và đánh giặc: Ujàc cưới con gái vua Thuỷ tề đưa về palơi của mình [akhàt jucar Udai-Ujàc], ChiSa cưới con một vị quan cận thần của chúa Mặt trời là Putau Ingdai Tacai Langỉq là nàng Via Pitih [Chúa tinh khiết thanh bạch] [akhàt jucar Amã ChiSa], Chàng Cuvau cưới nàng Chrỉt Ranỉt  là con gái vua Cur Jawa [akhàt jucar Amã Cuvau VongCơi], các chiến binh Raglai của họ cũng như thế. Tuy nhiên, các cô gái Raglai sau khi cưới chồng lại bắt chồng về ở nhà mình [Nàng Via em gái Cuvau cưới hoàng tử Chăm, nàng Tilơr cưới chàng Jihia con của thần Mương máng, Sấm sét, Tahla cưới hoàng tử con vua Thủy Tề,…]. Và đặc biệt các nhân vật nam, nữ anh hùng kiệt xuất trong akhàt jucar Raglai đều kết hôn với con cái thần linh, [con thần biển Tuwaq, thần Lửa Tumur, thần Mương máng, thần Chân trời chiến trận…] hay ít nhất cũng là con cái của các tù trưởng, vua chúa lân bang [con trai con gái vua Chăm], thậm chí là con gái của kẻ xâm lược xứ sở của mình [vua Cur, chúa Jawa[3]].

Nhân vật chính là nữ có nguồn gốc từ biển trong akhàt jucar Raglai theo thống kê chúng tôi khảo sát có tỷ lệ đến 4/10 truyện. Nhân vật nữ có thể là nàng công chúa con của Vua Thủy tề như Nãi Vala Via Carưh xinh đẹp và tài giỏi, nàng đã cùng chồng của mình là Ujàc vượt qua muôn ngàn nguy khốn để gìn giữ buôn làng trong akhàt jucar Udai – Ujàc ; là Nãi Matien và Nãi Sa-ien, hai nàng con gái vua Thần biển khơi Putau Tuwàq và thần mẫu Via Valìq trong akhàt jucar Awơi Nãi TiLơr. Matien và Sa-ien dù tài giỏi và có nhiều phép thuật nhưng không thể vượt qua được cuộc thách đấu với TiLơr. Thua cuộc, hai nàng công chúa này phải trở về trần gian để làm con tin của TiLơr và đã được nàng làm lễ cưới trang trọng nhất của người Raglai [Huaqvu] với hai dũng sĩ Raglai của mình. Trong cuộc chiến tranh với quân xâm lược Cur, Jawa và mười bảy đầu chúa tại xứ sở đầm lầy có « cây gỗ thần trôi nỗi », tại « cây cau thần một bụi » hai nàng đã giúp nàng Tilơr rất nhiều bằng tài phép thần thông của mình, kể cả việc giải phép thiêng của vua cha để giúp đoàn quân TiLơr và Ujàc bình an trở về palơi sau cuộc chiến.

Via Pitih là con gái của Vua Chân trời góc biển, vì ham giỡn với chú chim Catrơu có màu lông sặc sỡ trên sóng biển mà trở thành vợ của chàng ChiSa, một dũng sĩ Raglai thuộc dòng dõi rắn dưới nước, dòng dõi đại bàng trên cao trong akhàt jucar Amã ChiSa.

Cũng bị chàng trai Raglai bắt về làm vợ và giúp chồng chống lại quân xâm lược Cur, Jawa bằng tài phép của mình như nàng Via Pitih, nhưng Nãi Tulơr - con gái vua Thủy tề - trong akhàt jucar Raglai Jihia – Nãi Tulơr rơi vào tay chàng Jihia khi đang hóa thân thành chú cá bống xinh đẹp.

 Kiểu nhân vật nữ có nguồn gốc từ núi rừng nhưng cuộc đời liên quan đến biển lớn sông to, đến những hòn đảo ngoài khơi xa « tiếng hú không vọng đến »…trong akhàt jucar Raglai rất phong phú với các mô típ khác nhau.

Về kiểu nhân vật này, đầu tiên phải kể đến là Awơi Nãi TiLơr trong akhàt jucar Raglai cùng tên. Awơi Nãi TiLơr là một cô gái sớm mồ côi cha mẹ nhưng được mọi người yêu mến và kính phục tôn làm pu/po palơi [chúa làng] bởi đạo đức, tài năng và sự xinh đẹp của nàng. Awơi Nãi TiLơr sinh ra và lớn lên cùng với núi rừng bạt ngàn, hùng vĩ. Tài sắc được mọi người yêu mến nhưng cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến vua thần Biển khơi putau Tuwàq và chúa mẫu Via Valìq sai thuộc hạ đến bắt nàng phải làm những công việc tưởng chừng như không thể. Nếu không thực thi theo lệnh, vua thần Biển sẽ dâng nước làm ngập tràn xứ sở, « làm chết con trai dòng đời, muôn loài tận diệt ».  Sau những trận chiến với các thế lực hung tàn, trên đường trở về xứ sở, vua thần Biển khơi và chúa mẫu Valìq lại tiếp tục dâng nước ngập làng, làm đường trơn trượt gây khó dễ Awơi Nãi TiLơr và các dũng sĩ Raglai để trả thù nàng đã bắt hai cô con gái của mình về làm  “con chiêng, con đồ”.

Yếu tố biển trong câu chuyện luôn đi cùng Awơi Nãi TiLơr trong các cuộc chiến tranh với mười bảy đầu chúa và các thần linh tại gốc biển chân trời; trong các cuộc lễ, hội của làng qua hình ảnh hai nàng công chúa MaTien và Sa-ien, con gái vua Biển khơi. Bằng những tài phép thần thông chỉ riêng có của biển, hai nàng đã giúp Awơi Nãi TiLơr và các dũng sĩ Raglai chiến thắng vua Lửa và các đầu chúa. Awơi Nãi TiLơr là một akhàt jucar Raglai duy nhất mang tên của nữ thần mà chúng tôi sưu tầm được.

Ngày nay, trong đời sống hàng ngày của mình, Tilơr đã trở thành tiêu chí để người Raglai so sánh: « Tài giỏi  như Tilơr », « hay như Tilơr »  chỉ người nào đó giỏi trong việc săn bắn, làm nương rẫy hay xử luật tục đúng, phù hợp lòng dân. Tên của vị nữ thần này còn được đặt cho một số làn điệu cho mã la, sáo talẽq, chapi, đàn đá…. 

Nãi Tiluiq, nhân vật nữ chính trong akhàt jucar Di Jùq Lang Jùq – Nãi Tiluiq [Nguyễn Thế Sang 2001: 96-133] là tiên trên trời, bị chàng trai Raglai Di Jùq Lang Jùq bắt ưng làm vợ sau khi giấu đôi cánh của nàng khi đi tắm ở con sông Dadưng thần. Khi chuẩn bị làm lễ cưới trang trọng Huaq vu nàng tìm được đôi cánh của mình để bay về nhà với cha mẹ trên trời. Trên đường về, Tiluiq lại bị hai chàng Chơi Bùq, Chơi Vra bắt cóc giấu dưới lòng biển sâu cùng với một cô gái khác. Di Jùq Lang Jùq dùng tài phép của mình xuống biển cứu thoát và đưa hai nàng về làm vợ.

Cũng giống như Awơi Nãi TiLơr, tuy không phải là một po palơi nhưng hai nhân vật chính trong akhàt jucar Raglai Vumãu Jin – Vumãu Ja [Nguyễn Thế Sang 2001: 135-284] là Nãi Ladiaq và Nãi Tiluiq đều là những cô gái Raglai xinh đẹp và đảm đang việc nương rẫy. Trong một dịp đi tắm nước ở cửa biển, hai chị em đã hái được hai chiếc nấm mối lớn do hai chàng trai Raglai có tài phép hóa thành. Hai nàng kết duyên cùng với hai chàng trai lột xác từ hai chiếc nấm: Vumãu Jin và Vumãu Ja.

Cũng vì muốn đi tắm nước trên con sông ngưng thần ở cửa biển, hai chị em Ladiaq và Tiluiq khiến người chồng bực tức bỏ đi, từ đó xảy ra biết bao trắc trở trên đường đi tìm hai người chồng. Tiluiq bị quỷ Ốc bươu Chacruah đẩy xuống biển may mắn được vua Thủy tề cứu sống và muốn nàng cưới con trai của mình là Chi Cõng. Tiluiq một mực chung thủy với chồng chứ không chịu làm con dâu của Thủy tề. Không vì thế mà tức giận, Hai hoàng tử con vua Thủy tề là Chi Cõng và Nai Chi Long Mã giúp nàng trở về sum họp với Vumãu Ja.

Trong akhàt Jucar Raglai Putau Tlat su Nãi Tiluiq [Nguyễn Thế Sang 2001: 285-416] thì nhân vật chính nữ ở đây có cuộc đời gian truân hơn các nhân vật chính cũng tên đã nêu ở trên.  Nãi Tiluiq đã phải ưng thuận làm vợ một con trăn – Putau Tlat, do vua loài trăn hóa thành - để trả ơn cứu mạng cha mẹ của mình trong một buổi hai ông bà từ trên nương rẫy về nhà.

Trong đêm tân hôn, chàng Tlat lột xác thành một chiến binh Raglai tài ba, dũng cảm và xinh đẹp, hai vợ chồng sống với nhau hạnh phúc trước ngày Tlat lên đường ra chiến trận. Ghen tức hạnh phúc của em gái, Chacruah đã lập mưu đẩy Tiluiq xuống biển để thay nàng làm vợ Tlat. Nãi Tiluiq được các loài cá dưới biển sâu giúp đỡ, đưa nàng lên sống trên một đảo hoang đợi đến ngày người chồng đón về với núi rừng, làng buôn.

Bên cạnh các nhân vật nữ chính, một số nhân vật nữ phụ trong các akhàt jucar Raglai liên quan đến yếu tố biển mức độ đậm nhạt khác nhau tùy mối liên hệ huyết thống nhân vật đó với các nhân vật chính như thế nào: Từ công chúa Chăm Nãi Via, mẹ của hai anh em Ujàc – Nãi Tahla đến nàng  Nãi Vala Via Carưh- công chúa thủy tề, vợ của Ujàc [Udai – Ujàc] ; Via Valìq chúa thần mẫu biển khơi đến hai người con gái của mình là MaTien, Sa-ien ; nàng Makia, vợ của Ujàc, anh trai họ của Tilơr với Awơi Chrỉq và Awơi Ranỉq-pariaq con gái của vua thần Lửa TuMur, hai công chúa con thần Mặt trăng Nãi Chumaràq và Nãi Tiluiq Hamĩq Vara [Awơi Nãi TiLơr].

Khác hẳn với các nhân vật nữ, hầu hết các nhân vật chính nam trong các akhàt jucar Raglai hầu như không có nguồn gốc từ biển : Udai [kiếp trước], Ujàc [kiếp sau] trong Udai – Ujàc, Amã ChiSa [akhàt jucar Raglai Amã ChiSa], Cuvau VongCơi [akhàt jucar Raglai Amã Cuvau VongCơi], Di Jùq Lang Jùq [Di jùq lang Jùq su Nãi Tiluiq], Vumãu Jin và Vumãu Ja [Vumãu Jin su Vumãu Ja], Chĩp Catrơu [Chĩp Catrơu su Nãi Tiluiq], Tlat [Putau Tlat su Nãi Tiluiq]… nhưng cuộc đời các nhân vật này xuyên suốt câu chuyện luôn gắn với một nhân vật nữ có nguồn gốc từ biển, liên quan đến biển hay đã có một giai đoạn cuộc đời gắn bó với biển: Ujàc cưới công chúa Thủy tề Nãi Vala Via Carưh làm vợ ; ChiSa bắt cóc con gái vua Chân trời góc biển trên bờ con sông ngưng Thần; Chàng trai Amã Jihia mồ côi bắt công chúa Nãi Tulơr con gái vua Thần biển dưới lốt cá bống sắc sỡ về làm vợ [Akhàt jucar Jihia su Nãi Tulơr] ; Vua Trăn Tlat sau trận chiến phải vượt biển ra đảo hoang tìm vợ là nàng Nãi Tiluiq đang trốn tránh người chị Chucruah độc ác [Putau Tlat su Nãi Tiluiq]…

Bên cạnh các nhân vật chính là người một số akhàt jucar Raglai có nhân vật trung tâm lại mang lốt trâu [Amã Cuvau VongCơi], lốt Chim [Amã ChiSa], trăn [Putau Tlat su nãi Tiluiq]… Sau đó phải nhờ đến biển lớn sông to để hóa thành người.

So với nhân vật nam chính, nhân vật nam phụ có nguồn gốc từ biển hoặc liên quan đến biển hơn hẳn về số lượng. Trong akhàt Jucar Raglai Udai –Ujàc hay Awơi Nãi TiLơr bên cạnh  Ujàc còn thấy Chàng Jihia - Hoàng tử thủy tề - chồng của Nãi Tahla, em gái Ujàc đã giúp rất nhiều Ujàc trong các cuộc chiến; Chàng Jiphác, con trai của thần biển Putau Tuwàq, nhiều lần mang binh tướng thủy tộc đến giúp các dũng sĩ Raglai chống lại vua thần Lửa, ông Voi thần bảy ngà, bà Voi hiếm tám đuôi, vua Quỷ Ốc Bươu và các thần linh thuộc hạ giúp Ujàc. Hai chàng Jihia [chồng Tilơr] và Chital [chồng Vala và Via Carưh, em gái Ujàc] đều là con trai thần Chân trời gốc biển, luôn kề vai sát cánh cùng buôn làng đánh bại Jahuruơi và 17 đầu vua chúa trong akhàt jucar Raglai Awơi Nãi TiLơr…        

Bên cạnh các nhân vật trung tâm của các tác phẩm akhàt jucar Raglai đã được công bố, một hệ thống nhân vật có vai trò quan trọng và không bao giờ thiếu trong  câu chuyện: Nhân vật thần linh.

Các nhân vật thần linh trong akhàt jucar Raglai cũng được xây dựng như một người trần gian, biết hỷ, nộ, ái, ố… các vị thần có thể giúp cho nhân vật chính trong các cuộc chiến hoặc nhân vật phản diện tạo ra những cuộc chiến tranh đẫm máu với nhân vật chính. Cũng có thể thần linh lúc vui thì giúp, lúc giận hờn lại tìm cách gây khó dễ các nhân vật chính trong akhàt jucar. Khảo sát các akhàt jucar Raglai đã công bố và các tài liệu bản thảo chúng tôi đã sưu tầm, biên dịch[4], lấy nhân vật chính câu chuyện làm trung tâm, các nhân vật thần linh có thể chia làm hai nhóm:  chống đối, gây chiến tranh và nhóm hỗ trợ, giúp đỡ.

Nhóm thần linh thứ nhất – chống đối, gây chiến tranh: Bao gồm các nhân vật có nguồn gốc từ núi rừng, như thần Rừng thiêng nước độc [Putau Salah vlah riya], vua thần Lửa Long ca, Tổ thần lửa  [Putau Lõngca Inã Gadhir], thần độc ó Malai [putau Camlai majin], thần Chân trời chiến trận [Pu Ingdai Tacai Langỉq], vua Ốc Bươu kì dị [Putau Chacruah chacring aring avau], ông vua thần Đất nung, bà thần đá tảng [Putau Vhòq Mỏq tili], vua thần độc Rắn tinh, Hổ tinh [Putau cơi rảc mỏq rảc], vua thần Gió lốc [Putau Rivùq putau Agal], … Các vị thần này có thể riêng lẻ một mình [akhàt jucar Amã Cuvau VongCơi, amã ChiSa, Chĩp Catrơu, Putau Tlat su Nãi Tiluiq, Vumãu Jin- Vumãu Ja] để gây khó khăn, hãm hại hay tập hợp lại thành một lực lượng hùng hậu quyết tâm tiêu diệt nhân vật chính [Awơi Nãi TiLơr, Udai- Ujàc, Amã Chetili].

Nhóm thần linh thứ hai: Đối trọng với nhóm thứ nhất và luôn giúp đỡ, sát cánh bên nhân vật chính. Đó là các vị thần mang có nguồn gốc từ sông to biển lớn như:  Vua Thủy tề Tổ yểm, vua Thủy tề Tổ biến [Putau Li-ia Inã vròc putau Li-ia Inã chai], vua thần biển khơi [putau Tuwaq], vua thần rồng [Putau Samagrãh Samagrỉq rìq digơi], thần Mương máng trên trời cao, ao đầm dưới đất bằng [Pu Vanữq dlòc ruvòc rađàq]…để khẳng định sự tin yêu và nhiệt tình của mình, các vị thần linh này cho phép nhân vật chính được làm con dâu, con rể của mình hoặc cho con của mình mang quân tướng thủy tộc giúp đỡ, giải vây cho nhân vật chính [Udai-Ujàc, Awơi Nãi TiLơr]. Không những thế, còn cứu sống nhân vật nữ chính khi bị quỷ Chacruah đẩy xuống biển, làm phép linh cho nàng sống được dưới nước trong khi đợi chồng đang bận đánh trận ở núi xa [Vumãu Jin – Vumãu Ja] ; nuôi dưỡng, chăm sóc nhân vật chính trở thành chàng trai Raglai có nhiều tài phép biến hóa, dũng cảm [Amã ChiSa]… Thống kê cho thấy có 5/10 akhàt jucar đã công bố[5] có hai vị thần thường xuất hiện  những lúc nguy nan nhất của nhân vật chính, đó là ông bà Tổ mẫu Cơi Masrĩh Mỏq Vila. Hai vị thần này ngày đêm canh giữ nơi gốc biển chân trời giúp cho con cháu trần gian không bị sạch bóng từ làng, sạch bóng từ núi vì nước biển dâng.

Vua thần biển khơi [putau Tuwaq] trong các akhàt jucar Raglai ban đầu luôn làm khó dễ các nhân vật chính trong câu chuyện: Hợp quân cùng với Hulơu Valàc để đánh chàng trai Raglai Ujàc [akhàt jucar Raglai Udai-Ujàc], bắt nàng Tilơr cống nạp trầm hương bằng đùi, ngà voi cao bằng đầu [akhàt jucar Raglai Awơi Nãi Tilơr] để khẳng định sức mạnh của mình. Nhưng chính sau này putau Tuwaq lại giúp cho họ đánh thắng quân xâm lược Cur, Jawa, tiêu diệt kẻ thù hung ác và các thế lực thù địch của người Raglai. Để bày tỏ sự thân thiện, muốn gắn bó với người Raglai, thần Biển cho con trai của mình [Jiphàc trong Udai-Ujàc], công chúa của mình là hai nàng Sa-ien, Matien [Awơi Nãi TiLơr]  cưới những các cô gái xinh đẹp, các chiến binh Raglai dũng cảm tài ba. Ngày nay, trong dân gian Raglai còn tương truyền rằng vợ của putau Tuwaq cũng chính là vị nữ thần Via Valìq dạy cho người Raglai biết đập bông dệt vải làm ra áo, khố, cà chăn.

Các nhân vật trong akhàt jucar Raglai có nguồn gốc từ biển hoặc liên quan đến biển trong cuộc đời của mình luôn là nhân vật chính hoặc là những nhân vật phụ nhưng liên quan mật thiết đến nhân vật chính. Thường những nhân vật này có ảnh hưởng lớn đến sự thất bại hay chiến thắng trong các cuộc chiến tranh tranh giành người đẹp, tranh giành đất đai, lãnh thổ. Họ không bao giờ chết trong các trận chiến, kể cả những lúc tưởng như không còn lối thoát mà chỉ tự mình đi vào cõi vĩnh hằng để con cháu đời đời khấn bái. Khi cuộc chiến kết thúc, đến lúc này những vị thần ác không còn, các vị thần biển, vua Thủy tề trở về biển khơi, ông bà Tổ mẫu Cơi Masrĩh Mỏq Vila quay về chân trời gốc biển chỉ còn lại con cháu của họ tiếp tục sống với núi rừng bạt ngàn.

Sử thi akhàt jucar của người Raglai đều có chung những đặc điểm như các sử thi các dân tộc Tây Nguyên khác. Đó là sự diễn đạt qua các nhân vật mà chủ yếu là nhân vật anh hùng. “Tất cả mọi nội dung bao gồm xu hướng của lịch sử, ước nguyện của nhân dân, của cộng đồng, lý tưởng của xã hội, các phong tục, tập quán, sinh hoạt thường nhật… đều được nhân vật hoá.”[6]

Với tư cách là một thể loại tự sự, Akhàt jucar của người Raglai có hệ thống nhân vật đa dạng và phong phú. Trong đó, sự diễn đạt qua các nhân vật mà chủ yếu là nhân vật anh hùng, xuất hiện nhiều và giữ vai trò then chốt của cố truyện. “Tất cả mọi nội dung bao gồm xu hướng của lịch sử, ước nguyện của nhân dân, của cộng đồng, lý tưởng của xã hội, các phong tục, tập quán, sinh hoạt thường nhật… đều được nhân vật hoá.”[Phan Đăng Nhật 1999: 124].

Được các nhà khoa học xếp vào thể loại sử thi, những tác phẩm akhàt jucar Raglai đã được công bố mang là những tác phẩm dài hơi: Sử thi akhàt jucar Udai Ujàc 14.180 dòng, akhàt jucar Amã ChiSa, Amã dam Cuvau VongCơi  trên dưới 4500 dòng, akhàt jucar Awơi Nãi Tilơr hơn 36.000 dòng. So với Mahabharata [của Ấn Độ] 110.000 sloka [câu thơ đôi], Iliade [Hy Lạp] 15.996 câu thơ hexamètre thì akhàt jucar Raglai rất khiêm tốn, nhưng so với khan Đăm San 2070 dòng, khan Dăm Di [Êđê] 2465 dòng, Mo Đẻ Đất Đẻ Nước của  người Mường 3456 câu... độ dài của các akhàt jucar của người Raglai cũng không phải là ngắn. 

[còn tiếp]

Trần Kiêm Hoàng

Chủ Đề