Đổi mới là gì tại sao Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định đổi mới toàn diện đất nước

10:21, 06/01/2020

Quyết định Đổi mới của Đảng ta năm 1986 được xem như bước ngoặt quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. 

Người dân xếp hàng mua đồ thời bao cấp.

Sau hơn 34 năm đổi mới kể từ Đại hội Đảng 6, dù phải trải qua nhiều khó khăn thách thức, tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước đã có những bước phát triển trên tất cả các lĩnh vực; đời sống nhân dân được cải thiện, nền kinh tế hội nhập sâu rộng với thế giới.

Kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng, ôn lại một chặng đường lịch sử, một cột mốc đánh dấu đổi mới trong tư duy, phương thức lãnh đạo của Đảng để rút ra những bài học thực tiễn luôn luôn cần thiết trong bất kỳ giai đoạn nào của cách mạng Việt Nam.

Đã 34 năm trôi qua nhưng đến nay nhiều người vẫn còn giữ những tờ tem phiếu, sổ gạo ngả màu ố vàng như để nhắc về quãng thời gian mà người ta quen gọi là “thời bao cấp”. Thời kỳ đó, người ta thèm cả bát cơm trắng và đủ thứ: chiếc bút trơn tru, tờ giấy trắng, chiếc lốp xe chưa vá, chiếc xích xe còn mới... Nhắc lại như vậy là để khẳng định: với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng khách quan, Đảng ta đã có quyết định mang tính cách mạng, đột phá về thực hiện đường lối Đổi mới toàn diện, sâu sắc, coi đó là “mệnh lệnh của cuộc sống”.

Ông Nguyễn Văn Bình, quận Cầu Giấy, Hà Nội nhớ lại: “Thời bao cấp là thời điểm lịch sử. Ai cũng phải lao động sản xuất tạo ra sản phẩm. Thời bao cấp không được luân chuyển, lưu chuyển, hạn chế rất nhiều. Chính vì thế xóa bỏ bao cấp đáp ứng được đời sống lao động của nhân dân”.

Trước đổi mới, nền kinh tế nước ta vô cùng khó khăn. Chúng ta bị các nước bao vây cấm vận. Liên Xô và Đông Âu bắt đầu cải cách mở cửa nên cắt giảm viện trợ. Trong nước sản xuất đình đốn, đời sống nhân dân đói nghèo đến cùng cực. Tiềm lực kinh tế vô cùng nhỏ bé. Trước tình đó, Tổng Bí thư Trường Chinh tiến hành các cuộc khảo sát thực tế và tập hợp các nhà khoa học để tư vấn. Từ đó nhận ra, đã đến lúc phải đổi mới tư duy về lý luận cũng như tư duy kinh tế. Đó là phải xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, phải có cơ chế tự hoặch toán, tự chủ tài chính, phải bắt đầu áp dụng nền kinh tế có sự quản lý của nhà nước.

Đại hội Đảng lần thứ 6 [tháng 12 năm 1986], khi đề ra đường lối đổi mới, Đảng bắt đầu từ việc đổi mới tư duy, mà “trước hết là tư duy kinh tế”. Kinh tế được điều tiết theo chuyển động thị trường - vấn đề tưởng như là nguyên lý nhưng đặt vào bối cảnh khởi động Đổi mới năm 1986 khi đất nước đang lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội, mới thấy hết giá trị mang tính mở đường, tính mới mẻ và hiện đại của những chủ trương chưa từng có trong tư duy của những người Cộng sản.

Giáo sư, Tiến sỹ Mạch Quang Thắng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, đây là những bước ngoặt lớn trong tư duy lãnh đạo. Chính đổi mới đã khơi dậy sức mạnh toàn dân, giải phóng sức lao động và đưa đến những thành công như hôm nay.

Sau 34 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt nhiều thành tựu và vị thế được nâng cao
“Đây là mốc lớn đánh dấu việc chính thức đổi mới của Đảng ta. Tôi nói chính thức bởi vì trước đó đã có những bước đổi mới từng phần, tổng kết từ trước đó cho đến Đại hội 6 vào tháng 12 năm 1986 Đảng có báo cáo chính trị, Nghị quyết Đại hội chính thức để ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Mốc Đại hội 6 cực kỳ quan trọng, nhìn thẳng vào sự thật nói rõ sự thật, nói đúng sự thật và nhấn xoáy vào điểm là đổi mới tư duy. Đổi mới tư duy khó lắm, tức là đổi mới cái đầu của mình. Tư duy ở đây trước hết là tư duy về kinh tế. Đảng ta đang đi đúng trọng tâm của nó”- GSTS Mạch Quang Thắng cho biết. 

Đổi mới ở nước ta xuất phát từ sự năng động của nhân dân, mà bắt đầu là từ thực tế của gần 100 cuộc “phá rào” kinh tế trước đó. Tiêu biểu như chính sách khoán của Vĩnh Phúc tạo điều kiện cho nông dân làm chủ trên đồng ruộng của mình; là mô hình phân phối thu mua ở Long An theo giá thoả thuận, hay sự bung ra của thành phố Hồ Chí Minh với việc thương nhân đứng ra thu gom những mặt hàng có thể xuất khẩu để trao đổi trực tiếp với nước ngoài…

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh thì không ai có thể phủ nhận được vai trò to lớn của Ðảng là người khởi xướng và lãnh đạo đổi mới, nhưng nếu nói đổi mới là công việc của riêng cán bộ, đảng viên mà không phải là của nhân dân ta thì dù có tài giỏi đến mấy cũng không thể thành công. Chính những ý kiến, nguyện vọng và sáng kiến của nhân dân nảy sinh từ thực tiễn là nguồn gốc hình thành đường lối đổi mới của Ðảng.

Hơn 30 năm qua, sự nghiệp đổi mới đã đạt những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng [tháng 1 năm 2016] đánh giá: “Ba mươi năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đổi mới mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Đổi mới là một quá trình cách mạng. Quá trình đó đã diễn ra trên đất nước ta từ năm 1986 và vẫn tiếp diễn. Đảng viên và nhân dân tin tưởng ở Đại hội 13 của Đảng sắp tới sẽ tạo ra động lực mới để phát triển đất nước, thực hiện mục tiêu trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng, nhắc lại dấu son Đại hội 6 của Đảng và những thành tựu “to lớn và có ý nghĩa lịch sử” qua 34 năm đổi mới để càng vững tin và kiên định vào con đường chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn./.

Theo vov.vn

[Bqp.vn] - Công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo từ 1986 đến nay đã trải qua gần 30 năm. Đó là một công trình vĩ đại của Đảng và nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ VI của Đảng diễn ra tại Hà Nội từ 15 - 18/12/1986 đã đề ra đường lối đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. [ảnh tư liệu]

Quyết tâm đổi mới

Từ cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ XX, thế giới đã diễn ra những biến đổi to lớn, sâu sắc. Nhiều nước xã hội chủ nghĩa lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng. Các nước tư bản chủ nghĩa, do điều chỉnh, thích ứng và sử dụng những thành quả của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại nên đã vượt qua được những khó khăn, kinh tế có bước tăng trưởng đáng kể. Để thoát khỏi tình trạng khủng hoảng, cải tổ, cải cách và đổi mới đã trở thành xu thế khách quan ở nhiều nước xã hội chủ nghĩa.

Ở Việt Nam, sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bên cạnh thuận lợi và những thành tựu đã đạt được trong giai đoạn đầu xây dựng đất nước, chúng ta cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới. Tư tưởng chủ quan, say sưa với thắng lợi, nóng vội muốn tiến nhanh lên chủ nghĩa xã hội trong một thời gian ngắn, việc bố trí sai cơ cấu kinh tế, cộng với những khuyết điểm của mô hình kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp bộc lộ ngày càng rõ, làm cho tình hình kinh tế - xã hội rơi vào trì trệ, khủng hoảng. Nước ta lại bị các thế lực thù địch bao vây, cấm vận; chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc gây ra… Để đưa nước ta thoát khỏi tình trạng đó, vấn đề có ý nghĩa quyết định là phải đổi mới mạnh mẽ, cơ bản cách nghĩ, cách làm. Cuối những năm 70, ở một số địa phương bước đầu có những tìm tòi, thử nghiệm cách làm ăn mới, đưa ra những lời giải đáp cho những vấn đề do thực tiễn đặt ra. Qua những thành công bước đầu đạt được trong quá trình tìm tòi, thử nghiệm đó, Đảng và nhân dân ta càng nhận thấy sự cần thiết đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy, đổi mới cách làm nhằm xây dựng chủ nghĩa xã hội một cách có hiệu quả hơn.

Đại hội VI [1986] của Đảng đánh dấu một bước ngoặt rất cơ bản và có ý nghĩa quyết định trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, với việc đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước - từ đổi mới tư duy đến đổi mới tổ chức, cán bộ, phương thức lãnh đạo và phong cách của Đảng; từ đổi mới kinh tế đến đổi mới chính trị và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Đại hội VI khẳng định: Đối với nước ta, đổi mới là yêu cầu bức thiết của sự nghiệp cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Đại hội VI đã đem lại luồng sinh khí mới trong xã hội, làm xoay chuyển tình hình, đưa đất nước tiến lên. Đại hội rút ra bốn bài học kinh nghiệm lớn trong toàn bộ hoạt động của mình: [1] Đảng phải quán triệt tư tưởng dân là gốc, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; [2] Đảng phải luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan; [3] Phải biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại trong điều kiện mới; [4] Phải xây dựng Đảng ngang tầm nhiệm vụ chính trị của một đảng cầm quyền lãnh đạo nhân dân tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Hình thành hệ thống quan điểm lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta

Qua 30 năm đổi mới, Đảng ta đã hình thành được một hệ thống quan điểm lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, làm cơ sở khoa học cho hoạch định đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước để đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, chủ động hội nhập quốc tế, phát triển nhanh, bền vững đất nước, thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, góp phần bổ sung và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Một là, về hệ mục tiêu của đổi mới, của chủ nghĩa xã hội Việt Nam

Hệ mục tiêu của đổi mới được hình thành và phát triển trong thực tiễn đổi mới, được Đảng ta nhận thức, bổ sung, phát triển qua các kỳ Đại hội Đảng, từ Đại hội VI [1986] đến Đại hội XI [2011].

Bước vào đổi mới, tại Đại hội VI, Đảng ta đã xác định đổi mới vì dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội [Cương lĩnh năm 1991] đã bổ sung một mục tiêu rất quan trọng là "công bằng". Đây vừa là một giá trị xã hội thể hiện bản chất của chủ nghĩa xã hội, từng bước xây dựng, vừa là định hướng chính trị - xã hội rất căn bản khi đi vào kinh tế thị trường. "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh". Nhờ định hướng chỉ đạo của hệ mục tiêu đó, Đảng và nhân dân ta đã nỗ lực giải quyết thành công cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng vào những năm 80 của thế kỷ XX.

Trải qua thực tiễn 15 năm đổi mới [1986 - 2001], trên cơ sở thực tiễn dân chủ hóa toàn diện các lĩnh vực của đời sống - một tư tưởng lớn được đề ra từ Đại hội VI, tạo động lực giải phóng lực lượng sản xuất và mọi tiềm năng xã hội để phát triển, Đại hội IX của Đảng [2001] đã nhấn mạnh và bổ sung vào hệ mục tiêu một mục tiêu quan trọng khác là dân chủ thành "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".

Hệ mục tiêu đó không chỉ có tác dụng định hướng chỉ đạo công cuộc đổi mới nói chung, đặc biệt là đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị mà còn đóng vai trò động lực thúc đẩy đổi mới các lĩnh vực khác, xây dựng và phát triển văn hóa và con người, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, xây dựng cơ cấu xã hội mới phù hợp và tương thích với biến đổi cơ cấu kinh tế khi phát triển mạnh mẽ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa và hội nhập quốc tế…

Đến Đại hội XI [2011], Đảng ta đã phát triển nhận thức về mối quan hệ giữa các mục tiêu, vị trí, vai trò của các mục tiêu với tư cách là những thuộc tính giá trị của phát triển, của đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đại hội xác định mục tiêu: "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Nhận thức lý luận của Đảng ta tại Đại hội XI về hệ mục tiêu của đổi mới có hai điểm nhấn quan trọng:

Thứ nhất, khẳng định vị trí, vai trò của dân chủ, tác dụng to lớn của dân chủ đối với các mục tiêu khác "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Xây dựng xã hội ta thành một xã hội dân chủ với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là những điểm cốt yếu, quan trọng của chủ nghĩa xã hội Việt Nam.

Thứ hai, xác định hệ giá trị mục tiêu của đổi mới là đặc trưng tổng quát của chủ nghĩa xã hội Việt Nam. Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng dưới sự lãnh đạo của Đảng là một xã hội "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Như vậy, việc xác định và hoàn thiện hệ mục tiêu đổi mới đã rõ ràng, phù hợp với thực tiễn, với mong muốn của toàn dân và được cộng đồng quốc tế đồng tình, ủng hộ. Quan niệm về xã hội xã hội chủ nghĩa như vậy thể hiện rõ tính dân tộc và tính nhân dân, chú trọng lợi ích quốc gia - dân tộc là cốt lõi, là mục tiêu hàng đầu của phát triển đất nước, phù hợp với xu hướng chung của sự phát triển thế giới. Quan niệm về xã hội xã hội chủ nghĩa như vậy vừa đúng quy luật, vừa thuận lòng dân, ý dân lại vừa hợp với xu thế thời đại.

Hai là, về đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Trải qua thực tiễn đổi mới, nhận thức lý luận của Đảng ta về các đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa được phát triển qua các nhiệm kỳ đại hội, nhất là trong Cương lĩnh năm 1991 và Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được thông qua tại Đại hội VII [1991] xác định: Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội do nhân dân lao động làm chủ; có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân; các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; có mối quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới.

Từ sáu đặc trưng được nêu trong Cương lĩnh năm 1991, Đảng ta đã bổ sung, phát triển thành tám đặc trưng ở Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011: Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.

Xác định quyền làm chủ của nhân dân là đặc trưng nổi bật, thể hiện rõ mục tiêu, bản chất của chủ nghĩa xã hội. Bản chất của chủ nghĩa xã hội Việt Nam được thể hiện ở quyền làm chủ về kinh tế của nhân dân [bản chất kinh tế], ở xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa [bản chất chính trị], ở xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc [bản chất văn hóa]; bản chất, mục tiêu của chủ nghĩa xã hội Việt Nam còn hướng tới con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.

Xác định Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là một đặc trưng quan trọng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng, đáp ứng yêu cầu phát triển dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân, thông qua sự ủy quyền và kiểm soát quyền lực của nhân dân.

Những bổ sung, phát triển nổi bật của Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 có ý nghĩa là những bước tiến của nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội của Đảng ta được thể hiện ở những điểm sau đây:

- Nhân dân làm chủ.

- Quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.

- Quan hệ dân tộc trong quốc gia đa dân tộc là quan hệ bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển.

- Quan hệ quốc gia - dân tộc với cộng đồng quốc tế trong hội nhập là quan hệ hữu nghị, hợp tác.

- Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Tám đặc trưng được xác định trong Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 vừa phản ánh quan niệm tổng quát về chủ nghĩa xã hội vừa làm rõ nội dung các lĩnh vực của đời sống xã hội phải thực hiện. Tám đặc trưng đó trải qua xây dựng sẽ từng bước hình thành, từ định hướng tới định hình, bảo đảm yêu cầu phát triển hài hòa, bền vững chủ nghĩa xã hội Việt Nam.

Đặc biệt quan trọng là vai trò lãnh đạo của Đảng với tư cách là lực lượng tiên phong, lãnh đạo và cầm quyền được khẳng định chẳng những trong các văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới mà còn được hiến định trong Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013.

Ba là, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Tám phương hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội ghi trong Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 có những phát triển mới so với Cương lĩnh năm 1991.

Đặt lên hàng đầu là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường. Thực hiện phương hướng này vừa phản ánh đặc điểm nước ta quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, vừa tính đến xu thế phát triển của thế giới đương đại.

Các phương hướng tiếp theo bao quát các mặt, các lĩnh vực của mô hình chủ nghĩa xã hội ở nước ta: Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; đảm bảo vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường và mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Thực hiện tám phương hướng cơ bản tạo cơ sở để đạt được tám đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đây là quan hệ giữa định hướng xã hội chủ nghĩa với định hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, được thực hiện trong một quá trình lâu dài, phản ánh đúng đặc điểm, yêu cầu của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Đó là những tất yếu có tính quy luật đối với nước ta.

Bốn là, nhận thức đúng và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn trong phát triển

Phát hiện ra tám mối quan hệ lớn từ tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội [1991 - 2011] và nhìn lại những chặng đường của 25 năm đổi mới [1986 - 2011] là một bước tiến mới, quan trọng về lý luận của Đảng ta. Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 xác định: Trong quá trình thực hiện các phương hướng cơ bản đó, phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn: Quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ;... Không phiến diện, cực đoan, duy ý chí.

Tám đặc trưng xã hội xã hội chủ nghĩa, tám phương hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội, tám mối quan hệ lớn tạo thành hệ thống quan điểm lý luận chủ nghĩa xã hội Việt Nam, phản ánh quy luật và những tính quy luật của đổi mới - phát triển - công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong điều kiện bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, trong bối cảnh thời đại và thế giới đương đại.

PGS, TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương [nguồn: TTXVN]

Video liên quan

Chủ Đề