Đánh giá học sinh nghèo vượt khó

[HNM] - Đọc trên báo, xem trên ti vi hẳn nhiều HS đã biết đến những tấm gương thủ khoa xuất thân từ gia đình nghèo, hoàn cảnh khó khăn. HS nghèo vượt khó, học giỏi là một điều đáng quý. Nhưng không phải HS con nhà giàu không biết vượt "khó" để phấn đấu học tập. Chúng ta hãy lắng nghe ý kiến của các em và các bậc phụ huynh về vấn đề này nhé!

Em Đinh Lan Hương [lớp 11, Trường THPT Nguyễn Trãi]:
- Em thấy hình như mọi người luôn có sự phân biệt giữa con nhà nghèo và con nhà giàu. Đâu phải chỉ con nhà nghèo mới biết vượt lên khó khăn để học tốt, còn con nhà giàu đồng nghĩa với học dốt. Ở trường em, không hiếm những bạn HS con nhà giàu, không chịu học hành, chỉ biết lao vào các cuộc vui chơi. Nhưng cũng có những bạn học rất giỏi. Tuy nhiên, không phải lúc nào những cố gắng của các bạn cũng được mọi người nhìn nhận. Vẫn xảy ra tình huống các bạn ấy được điểm cao là nhiều bạn khác trong lớp lại "xì xào" nhờ nhà giàu có tiền đi học thêm, hoặc được thầy cô giáo "thiên vị"… Cuối năm tổng kết, những bạn học sinh nghèo vượt khó, học giỏi luôn được nhà trường đề cao, khen thưởng. Theo em các bạn nhà giàu "vượt khó học giỏi" cũng xứng đáng được như vậy.

Em Nguyễn Mỹ Linh, [lớp 9 Trường Marie Curie]:
- Mang tiếng là "con nhà giàu", em phải chịu rất nhiều áp lực. Bố mẹ em luôn kỳ vọng con phải học giỏi, làm rạng danh gia đình, họ hàng. Cả tuần, em cũng phải vất vả chạy theo những "ca" học thêm kín mít. Bố mẹ em cũng ít khi ở nhà nên có nhiều chuyện em không thể tâm sự với ai cả. Ở lớp em, các bạn con nhà giàu - nhà nghèo thường bị phân chia. Nhóm các bạn thuộc những gia đình khá giả thường tụ tập chơi bời, việc đến lớp chỉ là chống chế. Em luôn bị các bạn lôi kéo vào những trò ăn chơi… Với những cám dỗ như vậy, các bạn con nhà giàu muốn vượt "khó" luôn phải cố gắng không ngừng.

Cô Tạ Bích Vân [giáo viên dạy Văn, Trường DL Đinh Tiên Hoàng]:
- Giảng dạy tại một ngôi trường dành cho các "cậu ấm, cô chiêu", tôi hiểu rất rõ nguyên nhân dẫn đến sự hư hỏng của các em HS "con nhà giàu". Như bao ông bố bà mẹ khác, những doanh nhân giàu có cũng muốn con cái mình học giỏi để nối nghiệp gia đình. Thế nhưng họ quá bận rộn với công việc kinh doanh để có thể lo cho con. Ở hầu hết gia đình giàu có, việc giao tiếp giữa cha mẹ và con cái chính là "tiền". Bố mẹ chỉ biết dùng tiền để đáp ứng các nhu cầu của con cái. Vì vậy dẫn đến một thực tế là con nhà giàu không biết quý trọng sức lao động mà tiêu xài hoang phí, không chăm lo học tập, chỉ biết dựa vào cha mẹ. Chính sự thiếu quan tâm của bố mẹ, áp lực học hành cũng đẩy các em đến gần hơn với những cám dỗ ngoài xã hội.

Song không phải những đứa trẻ "con nhà giàu" nào cũng hư hỏng, ăn chơi. Nhiều gia đình mặc dù rất bận rộn với việc kinh doanh vẫn thực hiện trách nhiệm chăm sóc dạy dỗ con cái một cách nghiêm khắc. Họ luôn dạy con biết quý trọng giá trị đồng tiền và phải có tính tự lập ngay từ nhỏ, nhờ đó con họ giỏi một cách toàn diện. Và đây là điều rất đáng hoan nghênh.

LTS: Phản ánh thực tế thời gian gần đây, số lượng học sinh nghèo, vùng khó khăn có thành tích học tập cao ngày càng nhiều, thầy giáo Sông Trà chỉ ra một số lý do khiến các em thành công trong học tập và cuộc sống.

Đồng thời, thầy cũng nhắn nhủ các học sinh ở thành phố lớn cần biết "vượt sướng" ngay từ bậc tiểu học để tự mình khẳng định được bản thân.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Cuối tháng 5, các trường phổ thông trong cả nước khép lại năm học bằng Lễ tổng kết đầy ý nghĩa.

Đây là kịp để thầy và trò đánh giá, nhìn nhận lại chặng đường vất vả, nhọc nhằn đã qua.

Đồng thời, vinh danh, biểu dương những tập thể, học sinh đạt được nhiều thành tích xuất sắc, nổi bật, nhất là các em nhà nghèo, hoàn cảnh khó khăn có nhiều cố gắng, nỗ lực, phấn đấu… trong học tập và rèn luyện. 

Điều đáng mừng, số học sinh loại giỏi, số em đạt giải cao trong kỳ thi chọn học sinh giỏi, thi khoa học kỹ thuật các cấp… thuộc diện con em nhà nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, đến từ các vùng thôn quê, trường huyện, tỉnh lẻ, bây giờ có xu hướng nổi trội, nhiều hơn học sinh ở các thành phố lớn, con em gia đình khá giả… 

Thầy Lê Văn Linh với học sinh Trường chuyên Lê Khiết, Quảng Ngãi cùng nhau nỗ lực cho kì thi sắp tới. [Ảnh do tác giả cung cấp]

Kể cả, tới thời điểm công bố kết quả điểm thi tốt nghiệp và đại học hằng năm, mọi người không khỏi xúc động và cảm phục trước những kết quả, thành tích học tập, thi cử xuất sắc của nhiều cô, cậu học trò nhà nghèo, từ các vùng nông thôn, tỉnh lẻ còn gian khó. 

Vậy đâu là những lý do để các em nhà nghèo, địa phương khó khăn có sự bức phá, ngoạn mục đến thế?  

Do điều kiện cuộc sống và học tập còn khó khăn, thiếu thốn nên nhiều con trẻ, học sinh ở tỉnh lẻ, vùng nông thôn có tính tự lập và vượt khó rất cao. 

Các em luôn có động lực phấn đấu, rèn luyện bản thân để thoát nghèo, thoát khổ, để đỡ đần, phụ giúp gia đình. 

Mặt khác, ở thôn quê, tỉnh lẻ, học sinh ít bị ảnh hưởng từ nhiều mối quan tâm khác như các em ở các thành phố lớn, chẳng hạn học thêm tiếng Anh, tin học, tham gia các hoạt động vui chơi giải trí…

Các em cũng ít bị tiêm nhiễm những thói hư, thật xấu, tệ nạn của xã hội hơn. 

Những năm gần đây, cách ra đề kiểm tra của nhà trường, đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo có điều chỉnh, đổi mới theo hướng không đánh đố, bám sát chuẩn kiến thức - kỹ năng, có sự phân loại.

Cho nên nhiều con em ở nông thôn, tỉnh lẻ với bản tính thông minh, chịu khó, chỉ cần chăm chỉ, siêng năng tự học và bám sát chương trình, sách giáo khoa ở các môn thuộc khối mình thi là có cơ hội học tốt, đỗ đạt cao, thậm chí đỗ thủ khoa. 

Hơn nữa, nhiều tỉnh lẻ, bây giờ điều kiện sống không quá khó khăn, lạc hậu, những dịch vụ internet, báo chí, sách vở ... cũng phát triển khá mạnh, giúp các em tiếp cận, học hỏi ngày càng tốt hơn.

Ở một góc nhìn khác tôi cho rằng, yếu tố cha mẹ, gia đình hiện nay có tầm ảnh hưởng rất quan trọng đến việc hình thành nhân cách, ý chí, ý thức của học sinh, đặc biệt các con trẻ ở gia đình có mức sống khá, nơi có điều kiện sống tốt, các thành phố lớn. 

Các bậc phụ huynh thường chiều chuộng, con muốn gì được nấy, tạo tâm lý dựa dẫm, ỷ lại, thích hưởng thụ, được bảo bọc quá mức ở con trẻ. 

Nhiều con trẻ nhà giàu, thành phố lớn đang phải “vượt sướng” mới mong theo kịp con trẻ nhà nghèo, vùng nông thôn từng ngày “vượt khó” đã, đang khẳng định mình trong học tập và cuộc sống tương lai. 

Trong điều kiện cuộc sống càng đầy đủ, tốt hơn, quy mô gia đình ít con, từ 1 đến 2 đứa, các bậc cha mẹ nên thay đổi nếp nghĩ.

Cha mẹ đừng bảo bọc, làm mọi thứ cho con mà hãy luôn xây dựng, hình thành, thổi vào con cái của mình tính tự lập và biết “vượt sướng” ngay từ các lớp tiểu học. 

Sông Trà

Chủ Đề