Đặc điểm có nghĩa là gì năm 2024

Trong giao tiếp, chúng ta thường sử dụng rất nhiều các từ ngữ mô tả đặc điểm của sự vật, hiện tượng. Các từ ngữ đó được gọi là từ chỉ đặc điểm, nó là một bộ phận quan trọng của tiếng Việt. Nhận thức rõ điều đó, từ chỉ đặc điểm đã được đưa vào lớp 2 và trở thành nội dung trọng tâm trong chương trình Tiếng Việt. Tuy nhiên, khi giáo viên cho học sinh làm bài tập tìm từ chỉ đặc điểm, câu nêu đặc điểm lại nhận thấy nhiều học sinh lớp 2 gặp khó khăn. Nguyên nhân là do các em không biết từ đặc điểm là gì. Do từ chỉ đặc điểm mang tính trừu tượng, không rõ ràng, không nhìn thấy hay cầm nắm được như sự vật mà chủ yếu dựa trên nền tảng về sự hiểu biết vốn có của trẻ. Vì thế các em dễ nhầm với các từ khác, không nhận ra trong quá trình luyện tập và rất dễ sai. Mặt khác, chữ viết Tiếng Việt rất phong phú, vốn từ vựng của các em chưa nhiều, vì vậy các em khó nhận ra chữ viết trong quá trình luyện tập. Bên cạnh đó, khi làm bài tập các em không đọc kĩ chủ đề, dù dạng bài tập từ chỉ đặc điểm không quá nhiều nên rất dễ làm sai. Để giúp các em làm tốt dạng bài về từ chỉ đặc điểm, câu nêu đặc điểm, đầu tiên giáo viên phải giúp học sinh nắm được thế nào là từ chỉ đặc điểm và cách phân loại từ. Từ chỉ đặc điểm là từ mô tả hình dạng, màu sắc, mùi vị,… của một sự vật hiện tượng. Có hai loại từ chỉ đặc điểm: từ chỉ đặc điểm bên ngoài và từ chỉ đặc điểm bên trong. Từ chỉ đặc điểm bên ngoài là các từ chỉ nét riêng của sự vật thông qua các giác quan của con người như hình dáng, màu sắc, âm thanh, mùi vị,…(Ví dụ: Quả dưa hấu có vỏ màu xanh, bên trong màu đỏ và có vị ngọt). Từ chỉ đặc điểm bên trong là các từ chỉ các nét riêng được nhận biết qua quá trình quan sát, khái quát, suy luận và kết luận, bao gồm các từ chỉ tính chất, cấu tạo, tính tình,.. (Ví dụ: Hoa là một cô gái ngoan ngoãn và hiền lành). Tiếng Việt có khá nhiều từ chỉ đặc điểm nên việc tăng cường vốn từ cho các em không chỉ để giải bài tập này mà còn phát triển ngôn ngữ tốt hơn. Để phát triển vốn từ vựng, giáo viên nên khuyến khích các con tiếp xúc nhiều hơn với thế giới bên ngoài, nói chuyện với các con thường xuyên hơn và vận động các con tập đọc sách, truyện. Thay vì dạy cho trẻ lý thuyết, giáo viên nên giáo dục trẻ thực hành nhiều hơn. Việc thực hành giúp các em áp dụng cách học từ chỉ đặc điểm vào cuộc sống để các em ghi nhớ, tư duy, sáng tạo làm bài chính xác hơn. Để định hướng trẻ quan sát, cảm nhận về sự vật hiện tượng, giáo viên định hướng cho học sinh quan sát để trả lời được các câu hỏi như: Vật có màu gì? Hình dạng nó thế nào? Khi sờ vào con thấy ra sao?,... Những từ trả lời cho các câu hỏi đó là từ chỉ đặc điểm. Một dấu hiệu nữa có thể giúp học sinh nhận biết ra từ chỉ đặc điểm đó là vị trí của chúng trong cụm từ, trong câu. Từ chỉ đặc điểm thường đứng sau các từ chỉ sự vật như: quyển vở mới, cái áo đẹp, ngôi nhà to, bạn gái thông minh,... Ngoài ra, từ chỉ đặc điểm thường đi kèm với các từ chỉ mức độ như: rất, hơi, quá, lắm theo cấu trúc như sau: rất/hơi + từ chỉ đặc điểm hoặc từ chỉ đặc điểm + quá/lắm. Ví dụ: rất sạch sẽ, hơi hiếu động, ngoan lắm, đáng yêu quá. Dựa vào các yếu tố này, giáo viên thường xuyên hướng dẫn giúp học sinh dễ nhận biết từ chỉ đặc điểm trong câu, đoạn. Sau khi học sinh nắm chắc về từ chỉ đặc điểm, các em sẽ dễ dàng đặt câu đúng. Để giúp học sinh đặt đúng câu nêu đặc điểm, giáo viên cho học sinh nắm được cấu tạo và mục đích diễn đạt của câu nêu đặc điểm. Về cấu tạo: câu nêu đặc điểm có hai bộ phận: bộ phận trả lời cho câu hỏi “Ai?” (Con gì? Cái gì ?) là từ chỉ sự vật, còn bộ phận trả lời cho câu hỏi “Thế nào?” là từ chỉ đặc điểm, tính chất, trạng thái. Về mục đích diễn đạt: câu nêu đặc điểm để miêu tả, nhận xét, nhận định về màu sắc, hình dáng, chất liệu, tính chất, đặc trưng, tính nết của vật và người. Ngoài ra, để gây hứng thú học tập cho học sinh trong những bài tập này trong quá trình giảng dạy và tiết học trở nên sinh động hơn, giáo viên cần đổi mới phương pháp dạy học là vận dụng một số biện pháp vào trong các tiết học. Một số biện pháp tham khảo nhưu sau: Biện pháp 1: Sử dụng đồ dùng trực quan: Khi dạy từ đặc điểm, câu nêu đặc điểm muốn học sinh hiểu rõ hơn nghĩa của từ và câu, giáo viên cho học sinh quan sát các vật thật, đồ dùng minh họa bằng tranh, ảnh, video... Đồ dùng đó chính là chỗ dựa giúp học sinh hiểu bản chất của kiến thức, là một phương tiện giúp các em hình thành khái niệm, nắm vững được các quy luật của sự phát triển xã hội. Biện pháp 2: Tổ chức trò chơi học tập Trò chơi học tập là một phương pháp giảng dạy có ý nghĩa quan trọng góp phần vào việc đổi mới phương pháp dạy học Tiếng Việt ở Tiểu học và phát huy tính tích cực, độc lập và sáng tạo của học sinh. Để khơi dậy hứng thú của trẻ trong quá trình học và giúp trẻ hiểu được những kiến ​​thức, trong các tiết học giáo viên tổ chức các trò chơi. Ví dụ: Trò chơi “Thi tìm từ nhanh”, “Xếp sao cho đúng”. Trò chơi giúp các em tìm đúng từ chỉ đặc điểm, nối đúng các từ ngữ tạo thành câu nêu đặc điểm . Biện pháp 3: Tổ chức hoạt động ngoại khóa Trong giờ sinh hoạt tập thể hàng tuần và giờ ngoại khoá Tiếng Việt (theo kế hoạch) chính là những giờ rất phù hợp để giáo viên có thể đưa nội dung tìm từ, đặt câu. Hiểu được điều này, giáo viên chú ý đưa nội dung bài vào giờ sinh hoạt tập thể theo chủ đề và vào các buổi ngoại khoá Tiếng Việt cuối học kì (tuần ôn) để học sinh được "trổ tài" hiểu biết của mình về từ và câu. Những giờ sinh hoạt tập thể như vậy học sinh không chỉ được nhận kết quả nề nếp, học tập của tổ mà còn được thực hành kiến thức luyện từ và câu qua những trò chơi. Từ đó các em càng thích thú hơn khi học bài và có nhiều cơ hội chiến thắng trong các giờ ngoại khoá. Ví dụ: Trong giờ sinh hoạt tập thể cuối tuần với chủ đề “Anh bộ đội”, tôi đã đưa ra nội dung bài học lồng ghép vào phần trò chơi “Thi tìm từ chỉ phẩm chất của anh bộ đội”, “Thi đặt câu theo mẫu câu nêu đặc điểm”. Học sinh rất hào hứng với tiết học. Sau một thời gian áp dụng các biện pháp trên vào trong dạy học môn Tiếng Việt, chất lượng học tập của các em tiến bộ không ngừng. Chất lượng đó không chỉ thể hiện ở môn Tiếng Việt mà còn hỗ trợ những môn học khác rõ rệt. Cho đến nay nhiều em biết tìm đúng từ chỉ đặc điểm và nắm chắc câu nêu đặc điểm. Các em biết vận dụng viết câu nêu đặc điểm vào đoạn văn làm cho đoạn văn hay hơn, sinh động hơn. Ở lớp, các em đọc bài, nói chuyện, giao tiếp hàng ngày cũng tốt hơn, tự tin hơn. Các em hiểu chính xác nghĩa của từ, từ đó biết nói, viết được những câu văn hay phù hợp với văn cảnh, đối tượng trò chuyện và giao tiếp. Trong các tiết sinh hoạt chuyên môn của tổ khối, giáo viên đã đưa ra các biện pháp trên để trao đổi trong tổ và được đồng nghiệp rất ủng hộ, thống nhất cùng nhau áp dụng hàng ngày trong tiết dạy.