Công chứng bằng đại học giả

Tại bộ phận một cửa UBND quận Hoàn Kiếm [TP Hà Nội], Lê Hải Nam, một thanh niên trẻ mang tấm bằng tốt nghiệp Trường Đại học Công đoàn mang tên mình đến sao y chứng thực. Tấm bằng có dấu đỏ, chữ ký của phó hiệu trưởng, có số hiệu, số vào sổ cấp bằng, nhưng cán bộ một cửa Đào Chiến Thắng cảm nhận được sự khác thường về tấm bằng “đại học chính quy”. Anh nhẹ nhàng hỏi Lê Hải Nam: “Có đúng em được trường cấp tấm bằng này không?”. Thoáng chút lúng túng, thanh niên trẻ khăng khăng: “Là em học thật”... Chỉ đến khi các chuyên viên mời công an đến, Nam mới thừa nhận đã mua bằng giả để đi xin việc. Nam khai nhận là đã tìm trên mạng được một số điện thoại và liên lạc vào số điện thoại đó đặt mua bằng. Một người phụ nữ nghe máy đã phát giá 17 triệu đồng. Nam cung cấp tên, tuổi, ngày, tháng, năm sinh và tên trường qua điện thoại. Đúng một tuần sau, việc giao nhận tiền và bằng diễn ra tại quán cà phê gần trường.

Một số văn bằng, chứng chỉ giả mà Phòng Tư pháp quận Hoàn Kiếm phát hiện. 

Một trường hợp bằng giả khác cũng bị phát hiện tại UBND quận Hoàn Kiếm là Đỗ Tuấn Nam. Nam mua bằng giả của một trường đại học để học tiếp chương trình thạc sĩ và được nhận vào làm việc tại một cơ quan. Đến khi cơ quan gửi hồ sơ giấy tờ của nhân viên nhờ chứng thực để lưu hồ sơ bản sao, trả lại bản chính cho người lao động thì Phòng Tư pháp quận phát hiện đó là bằng giả.

Còn tại Phòng Tư pháp quận Thanh Xuân [TP Hà Nội], giữa tháng 5-2017, một ông bố mang tấm bằng Trường Cao đẳng du lịch và Thương mại Hải Dương cấp cho con trai là Trần Mạnh Hùng đến chứng thực. “Cầm tấm bằng trên tay, tôi thấy hình nền của bằng không sắc nét, chữ viết trong con dấu nhỏ hơn các loại bằng tương ứng, hoa văn, tem của bằng cũng không giống các loại văn bằng thông thường”-ông Trần Ngọc Sơn, Trưởng phòng Tư pháp quận Thanh Xuân kể. Sau đó, bộ phận một cửa đã điện thoại trực tiếp với Phòng Đào tạo của trường trao đổi và được phía nhà trường trả lời là không đào tạo khóa học và cấp bằng cho anh Trần Mạnh Hùng. Đến giờ hẹn trả, vị cán bộ ôn tồn cho người đàn ông biết: “Chúng tôi nghi tấm bằng có dấu hiệu làm giả, phải giữ lại để xác minh”. Ông bố khăng khăng việc con mình đi học, được cấp bằng là có thật và còn đề nghị cơ quan chức năng xác minh, trả lời sớm cho gia đình. Khi cơ quan công an vào cuộc, có kết quả giám định hình sự chữ ký, con dấu thì người bố mới chịu thừa nhận tấm bằng ấy là giả. Ông giải thích, do con trai thất nghiệp, muốn con có việc làm nên gia đình đã mua tấm bằng này từ một người đàn ông tên Minh [không rõ nhân thân] để xin việc cho con.

 Tại địa bàn quận Thanh Xuân còn có trường hợp "cô giáo" mầm non dùng bằng giả để thi viên chức và đã trúng tuyển, đi làm được một năm. Đến khi cơ quan yêu cầu làm một bộ chứng thực bản sao, người chồng mang đến UBND quận chứng thực thì bị chuyên viên tư pháp phát hiện bằng giả.   

Các chuyên viên làm công tác chứng thực lâu năm cho biết, những lý do mà người sử dụng bằng giả đi chứng thực là để thi công chức, xin việc hoặc do thiếu điểm, thiếu điều kiện ngoại ngữ, tin học để tốt nghiệp... Cá biệt có trường hợp con đã bỏ học từ lâu nhưng vẫn xin tiền đóng học và cuối cùng là mua bằng giả về để lừa cha mẹ. Nguy hiểm hơn, một số trường hợp còn sử dụng bằng trung cấp y giả để hành nghề bán thuốc hoặc dùng giấy khai sinh giả cho thân thuộc với người bảo lãnh để định cư ở nước ngoài. Ban đầu, hầu hết những trường hợp sử dụng bằng giả đều cam đoan, khẳng định tấm bằng đó là thật.

Theo ông Trần Ngọc Sơn, Trưởng phòng Tư pháp quận Thanh Xuân, những bằng giả đi chứng thực có hai loại: Thứ nhất, là phôi thật nhưng dấu, chữ ký là giả; thứ hai là phôi giả và chữ ký, con dấu cũng là giả. “Bằng giả dù tinh vi đến mấy vẫn có những chi tiết khác biệt với bằng thật như: Chữ ký của người có thẩm quyền; cỡ chữ trong con dấu; mặt sau của chữ nổi bị hằn; hoa văn, quốc huy trên phôi bằng... Cán bộ công chứng nếu có kinh nghiệm thì bằng mắt thường cũng có thể nhận biết được. Ngoài ra, khi có nghi ngờ, chúng tôi gọi điện thoại đến Phòng Đào tạo của nhà trường cấp bằng để xác minh. Cách làm này luôn được nhà trường phối hợp và trả lời ngay”-ông Sơn cho biết.

Còn bà Phạm Ngọc Thúy, Phó trưởng Phòng Tư pháp quận Hoàn Kiếm, cho rằng: Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc các đối tượng mang bằng giả đi công chứng tràn lan là do chế tài xử phạt vi phạm hành chính với mức 15 triệu đồng và tịch thu tang vật như hiện nay là chưa đủ sức răn đe. Theo bà Phạm Ngọc Thúy, cần phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật cho người dân để họ hiểu việc sử dụng bằng giả trước sau cũng bị phát hiện và hậu quả pháp lý của vấn đề. Mặt khác, cơ quan có thẩm quyền nên thống nhất phôi bằng thành một mẫu; các đơn vị tuyển dụng nên yêu cầu lưu giữ bằng gốc; quy định về chứng thực cần nâng cao hơn trách nhiệm của cán bộ thay vì quy định công dân phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc sử dụng giấy tờ giả như hiện nay. Bên cạnh đó, cần cung cấp máy móc cho cơ quan tư pháp để xác định nhanh giấy tờ giả thay vì chỉ phụ thuộc vào cảm quan, kinh nghiệm.

Để ngăn chặn tận gốc nạn bằng giả, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra tại khu vực các trường đại học, nơi thường là đầu mối cung cấp văn bằng để truy tìm, “nhổ” tận gốc các “lò” chuyên làm bằng giả. Cơ quan tư pháp được giao nhiệm vụ công chứng các văn bằng, chứng chỉ cần chú trọng hơn tới công tác tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên và mỗi người cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, thông báo kịp thời, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để điều tra, xử lý. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc tố giác hành vi làm giả giấy tờ và cá nhân, tổ chức sử dụng bằng cấp giả; đồng thời vận động gia đình, người thân không làm, sử dụng bằng cấp, giấy tờ giả...

Bài và ảnh: KIM DUNG

Chủ Đề