Công bằng xã hội trong giáo dục là gì

Giáo dục có ảnh hưởng quan trọng đến mục tiêu công bằng và hiệu quả trong sự phát triển kinh tế và xã hội, công bằng trong giáo dục là yêu cầu cần thiết đồng thời cũng là bản chất của hiện đại hóa giáo dục. Trong quá trình hiện đại hóa giáo dục, các cơ quan quản lý nhà nước và các cấp chính quyền cần chịu trách nhiệm bảo đảm sự công bằng trong giáo dục, sắp xếp một cách hợp lý tài nguyên giáo dục công cộng, kiện toàn cơ chế hiệu quả và hệ thống trợ giúp về vật chất bảo đảm quyền lợi giáo dục cho nhóm đối tượng yếu kém trong xã hội, không ngừng nâng cao mức độ công bằng trong giáo dục, đề cao tính chất công bằng trong hiện đại hóa giáo dục.

I. CÔNG BẰNG LÀ BẢN CHẤT CƠ BẢN CỦA GIÁO DỤC

Khái niệm công bằng trong giáo dục là một phần quyền lợi bình đẳng về chính trị, kinh tế được thể hiện trong lĩnh vực giáo dục. Quyền lợi được hưởng giáo dục một cách bình đẳng là một trong những giá trị cơ sở của hiện đại hóa giáo dục. Trong quá trình thúc đẩy hiện đại hóa giáo dục, cần bảo đảm quyền lợi cho tất cả các thành viên trong xã hội được hưởng giáo dục, cần kết hợp giữa công bằng với chất lượng, nỗ lực bảo đảm nền giáo dục công bằng, chất lượng cho toàn thể nhân dân. Công bằng trong giáo dục là mục tiêu quan trọng cần đạt được của nền giáo dục hiện đại, cũng là tiêu chí quan trọng để phát triển trình độ giáo dục hiện đại.

1. Hiện thực của công bằng trong giáo dục

Khái niệm “công bằng trong giáo dục” được đưa ra có liên quan chặt chẽ với quá trình dân chủ hóa của xã hội hiện đại, với yêu cầu về quyền lợi của các tầng lớp trong xã hội. Công bằng chính là sự sắp xếp hợp lý giữa các thành viên trong xã hội về lợi ích chính trị, lợi ích kinh tế và các lợi ích khác. Điều đó có nghĩa là công bằng về quyền lợi, hợp lý khi phân bố, cân bằng về cơ hội và bình đẳng về luật pháp. Công bằng trong giáo dục phản ánh sự công bằng của xã hội trong lĩnh vực giáo dục. Theo nghĩa hiểu thông thường, công bằng trong giáo dục chỉ chế độ, chính sách, hệ thống giáo dục của một quốc gia hoặc khu vực, cung cấp nền giáo dục bình đẳng cho mọi người ở các vùng không phân biệt dân tộc, tầng lớp, độ tuổi và giới tính, chủ yếu bao gồm ba cấp: công bằng về cơ hội giáo dục, công bằng trong quá trình giáo dục và công bằng trong kết quả giáo dục.

Công bằng về cơ hội giáo dục, là công bằng cơ bản nhất, bảo đảm tất cả mọi người đều được hưởng giáo dục. Công bằng về cơ hội giáo dục đòi hỏi chính phủ trong xã hội hiện đại phải tạo cơ hội cho mọi công dân tiếp nhận giáo dục cơ bản, cung cấp cho những người đủ điều kiện trong phạm vi nhất định giáo dục tương ứng. Hiện nay, đa số các nước đang phát triển đều theo đuổi thực hiện công bằng cơ hội giáo dục, phổ cập giáo dục chính là công bằng về cơ hội giáo dục.

Công bằng trong quá trình giáo dục, là điều kiện công bằng được đưa ra trên cơ sở công bằng về cơ hội giáo dục. Nó yêu cầu bảo đảm tất cả mọi người phải được tiếp nhận giáo dục gần như tương đương nhau, từ đó liên quan đến công bằng trong phân phối tài nguyên giáo dục, công bằng trong bảo đảm điều kiện giáo dục, tính tương đối trong phương thức và quá trình giáo dục. Nói một cách khác, công bằng trong quá trình giáo dục không chỉ để có trường cho mỗi người, mà là phải bảo đảm các trường tương đương nhau, mọi người đều được hưởng nền giáo dục gần như nhau. Công bằng trong quá trình giáo dục đặt ra yêu cầu cân bằng cho sự phát triển giáo dục của mỗi quốc gia, mỗi khu vực, yêu cầu sự cân bằng trong phân phối tài nguyên giáo dục giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, giữa các trường, yêu cầu phải xây dựng tốt tất cả các trường và mỗi trường đều phải có sự giáo dục tương đương. Công bằng trong quá trình giáo dục về cơ bản đã được thực hiện trong cấp học phổ cập và cấp phổ thông trung học ở các nước phát triển, còn các nước đang phát triển vẫn cần nỗ lực để thực hiện mục tiêu này.

Công bằng trong kết quả giáo dục, yêu cầu đạt được kết quả giáo dục trên cơ sở công bằng về cơ hội giáo dục và công bằng trong quá trình giáo dục, thực hiện thành công giáo dục đối với mỗi người. Công bằng trong kết quả giáo dục là yêu cầu công bằng ở tầm cao, có nội hàm tương đối phức tạp. Công bằng về cơ hội giáo dục, công bằng trong quá trình giáo dục, nhưng chưa chắc đã công bằng trong kết quả. Một số nhà xã hội học đã lấy tỷ lệ con em những gia đình có thu nhập thấp bước vào giai đoạn giáo dục ở cấp cao hoặc tầng lớp có thu nhập cao, để đo mức công bằng trong kết quả giáo dục. Một số nhà giáo dục cho rằng, mỗi người đều có nhu cầu giáo dục và tiềm năng phát triển khác nhau, công bằng trong kết quả giáo dục là thúc đẩy mọi người đạt được sự phát triển phù hợp với bản thân, tương ứng với giá trị xã hội đặt ra là mọi thành viên trong xã hội đều phát triển toàn diện.

Khi tìm hiểu về nội hàm của công bằng trong giáo dục, cần chú ý các điểm sau:

Thứ nhất, công bằng trong giáo dục là một phạm trù mang tính tương đối. Bất cứ sự công bằng nào cũng chỉ là tương đối, là căn cứ dựa trên một tiêu chuẩn đánh giá nhất định nào đó, không có sự công bằng tuyệt đối. Công bằng được chia làm nhiều cấp khác nhau, công bằng khởi điểm, công bằng trong quá trình và công bằng trong kết quả. Công bằng trong quá trình và hoặc công bằng điều kiện có yêu cầu cao hơn so với công bằng về cơ hội [tức công bằng khởi điểm]. Tính tương đối trong công bằng cũng đồng nghĩa với sự phát triển và tính quá trình của nó, thuộc tính này không cố định mà luôn thay đổi, phát triển, không ngừng được tăng lên trong xã hội. Sự nghiệp giáo dục cũng được chia thành nhiều cấp: giáo dục phổ cập, giáo dục phổ thông trung học, giáo dục đại học, cao đẳng. Cấp giáo dục phổ cập là giáo dục được thực hiện theo hình thức cưỡng chế, là giai đoạn giáo dục cơ sở, nên có yêu cầu cao đối với công bằng. Nên thực hiện công bằng trong giáo dục dựa vào việc phân loại các cấp, loại hình và thuộc tính dịch vụ công cộng của các loại hình giáo dục khác nhau, đồng thời không ngừng nâng cao tiêu chuẩn công bằng trong quá trình phát triển giáo dục.

Thứ hai, công bằng trong giáo dục là một phạm trù lịch sử, mang tính lịch sử. Công bằng trong giáo dục được quyết định bởi trình độ phát triển của sức sản xuất trong xã hội và tính chất xã hội, mỗi giai đoạn phát triển lại có yêu cầu khác nhau đối với công bằng trong giáo dục. Trong lịch sử, xét từ góc độ “ai có thể tiếp nhận giáo dục”, công bằng trong giáo dục đã trải qua các giai đoạn công bằng “quyền lực”, công bằng “tiền bạc”, công bằng “năng lực”. Nhân tố quyết định công bằng trong giáo dục phát triển từ mức độ thấp lên mức độ cao chính là trình độ phát triển sức sản xuất và tính chất xã hội.  Thời gian qua. Việt Nam đã có bước đột phá mang tính lịch sử trên phương diện công bằng trong giáo dục và đạt được những thành tựu đáng kể, nhưng công bằng trong giáo dục của giai đoạn hiện nay vẫn chỉ ở mức độ thấp. Nhận thức được vấn đề này, tất nhiên không được thỏa mãn với hiện thực mà cần phải đối diện với nó, có xác định rõ ràng, để từng bước thay đổi hiện thực.

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm tới công tác giáo dục, xác định rõ giáo dục là một trong những mục tiêu phát triển chiến lược. Thông báo Kết luận “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2], phương hướng phát triển giáo dục – đào tạo đến năm 2020” được Bộ Chính trị thong qua trong đó nêu rõ công bằng xã hội trong giáo dục được cải thiện, đặc biệt đối với trẻ em gái, người dân tộc và con em các gia đình nghèo, giáo dục cho các đối tượng thiệt thòi ngày càng được chú trọng. Giáo dục ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa tiếp tục phát triển.

Theo đó, đảm bảo công bằng trong giáo dục, Nhà nước tập trung đầu tư cho các vùng khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước giảm sự chênh lệch về phát triển giáo dục giữa các vùng, miền. Thực hiện tốt chính sách cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ với việc bổ túc nâng cao trình độ cho đối tượng cử tuyển. Quan tâm đào tạo cán bộ vùng dân tộc [cán bộ đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở]. Tiếp tục phát triển hệ thống trường nội trú, bán trú, thực hiện tốt các chính sách ưu tiên, hỗ trợ cho học sinh dân tộc thiểu số. Đặc biệt chú ý đến con thương binh, liệt sĩ, con gia đình có công với nước, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và học sinh khuyết tật thông qua phát triển các loại quỹ khuyến học, khuyến tài trong các tổ chức xã hội, trong các cộng đồng dân cư.

Thứ ba, công bằng trong giáo dục là một phạm trù mang tính khu vực. Con người thướng sống và lao động trong một phạm vi khu vực nhất định và có liên hệ với thế giới bên ngoài, xã hội tiến hành quản lý dựa trên phạm vi khu vực đó; cảm nhận của con người về mức độ của công bằng cũng bắt nguồn từ việc so sánh với các đối tượng khác ở trong cùng khu vực. Bất kỳ sự việc nào cũng tồn tại, vận động và phát triển trong một không gian và thời gian nhất định. Nếu nói nhân tố thời gian tạo ra đặc điểm tính thời đại và phát triển cho công bằng, thì nhân tố không gian tạo ra đặc điểm tính khu vực và cấp độ. Bất kỳ sự công bằng nào cũng đều được đặt trong môi trường xã hội nhất định, ở trong một phạm vi khu vực nhất định. Do nền tảng kinh tế, văn hóa và giáo dục khác nhau, mỗi khu vực sẽ có yêu cầu về công bằng riêng, không thể thực hiện cùng một mức độ công bằng trong giáo dục ở cùng một thời điểm. Huyện là cơ quan hành chính cấp cơ sở của Trung Quốc, nằm ở tuyến đầu trong sự phát triển kinh tế và quản lý xã hội, bởi vậy, một trong những ý nghĩa quan trọng của việc thúc đẩy công bằng trong giáo dục là cân bằng trong phân bố tài nguyên giáo dục ở phạm vi huyện, nỗ lực thu hẹp khoảng cách tài nguyên giáo dục giữa các trường, giữa huyện và thành thị.

Thứ tư, công bằng trong giáo dục là một phạm trù phán đoán giá trị, mang tính chủ quan. Khái niệm về công bằng là sự đánh giá của con người đối với hiện thực xã hội. Trong cuộc sống hiện thực, những người không cùng giai cấp, tầng lớp sẽ có hiểu biết và nhận thức về công bằng khác nhau. Như Ph. Ăngghen đã từng nói: “Đối với hiện tượng công bằng vĩnh viễn, không chỉ biến đổi theo thời gian, theo địa điểm, mà thậm chí còn thay đổi theo người. Mỗi người một cách hiểu khác nhau”. Quần chúng nhân dân là chủ nhân của lịch sử, là những nhà bình luận khách quan nhất, chính trực nhất và quyền uy nhất. Nói rằng công bằng là đánh giá chủ quan, không có nghĩa công bằng không có tiêu chuẩn khách quan, mà là muốn nhấn mạnh coi đánh giá của đông đảo quần chúng nhân dân là đánh giá cao nhất. Trong quá trình bảo đảm và nâng cao sự công bằng trong giáo dục, cần coi tiếng nói quần chúng là tín hiệu đầu tiên, coi nhu cầu của quần chúng là lựa chọn số một, đặt lợi ích của quần chúng làm mục tiêu theo đuổi trước hết, coi sự hài lòng của quần chúng làm tiêu chuẩn hàng đầu, nỗ lực thực hiện công bằng tối đa trong giáo dục, gây dựng nên nền giáo dục khiến mọi người dân đều hài lòng.

2. Bảo đảm công bằng trong giáo dục là trách nhiệm của Nhà nước

Trong xã hội hiện đại, một trong những chức năng cơ bản của chính phủ là quản lý xã hội, cung cấp các dịch vụ công cộng. Ý nghĩa và bản chất của dịch vụ công cộng là công bằng và chính trực. Thúc đẩy công bằng trong giáo dục là trách nhiệm không thể chối từ của Nhà nước. Nhà nước nên là người thúc đẩy công bằng trong giáo dục, là người chấp hành những quy chuẩn pháp luật về công bằng trong giáo dục, là nhà thiết kế các chính sách cụ thể cho công bằng trong giáo dục và cũng là nhà lãnh đạo, người điều tiết tham gia tích cực vào quá trình xây dựng công bằng trong giáo dục.

Cần nhận thức rõ ý nghĩa quan trọng của công bằng trong giáo dục đối với sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa. Công bằng trong giáo dục vừa là yêu cầu bản chất của chế độ giáo dục xã hội chủ nghĩa, vừa là yêu cầu bản chất của giáo dục hiện đại. Vấn đề công bằng trong giáo dục không chỉ đơn thuần là vấn đề của giáo dục, mà là một bộ phận trong sự công bằng của xã hội, cũng là cơ sở và lương tâm của công bằng trong xã hội. cần nhìn nhận vấn đề công bằng trong giáo dục từ góc độ xây dựng xã hội hài hòa, nó liên quan đến sự ổn định của xã hội, sự hòa hợp giữa quần chúng trong xã hội và sự phát triển nhịp nhàng của toàn xã hội. Thêm vào đó, cần xuất phát từ góc độ lợi ích cơ bản của đông đảo quần chúng nhân dân để suy nghĩ xây dựng nền giáo dục như thế nào để nhân dân hài lòng, làm thế nào để đưa giáo dục công cộng tiếp cận được với ngày càng nhiều quần chúng nhân dân, đặc biệt với quần chúng yếu nghèo.

Ngoài ra, cần nghiêm túc thực hiện chức trách bảo đảm các quy định của pháp luật về công bằng trong giáo dục. Luật giáo dục của nước ta quy định: “Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, nam nữ, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập. Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo điều kiện để ai cũng được học hành. Nhà nước và cộng đồng giúp đỡ để người nghèo được học tập, tạo điều kiện để những người có năng khiếu phát triển tài năng.  Nhà nước ưu tiên, tạo điều kiện cho con em dân tộc thiểu số, con em gia đình ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi, người tàn tật, khuyết tật và đối tượng được hưởng chính sách xã hội khác thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập của mình”

Luật giáo dục đại học của Việt Nam cũng quy định: Nhà nước thực hiện chính sách ưu tiên đối với đối tượng được hưởng chính sách xã hội, đối tượng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và đối tượng theo học các ngành đặc thù đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện bình đẳng giới trong giáo dục đại học”. Bên cạnh đó, Nhà nước quy định học tập còn là nghĩa vụ của công dân. Nhà nước bảo đảm cho trẻ em trong độ tuổi mầm non và tiểu học, không phân biệt giới tính, dân tộc, thành phần đều được đi học. Từng bước tiến tới việc phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

 Có thể thấy rằng vai trò của Nhà nước trong đảm bảo công bằng về giáo dục là rất lớn. Bên cạnh việc khuyến khích học tập thì học tập còn là nghĩa vụ của công dân, cha mẹ có nghĩa vụ phải cho con đến trường trong độ tuổi đi học phổ cập giáo dục tiểu học. Nhà nước tạo điều kiện về đầu tư, về cơ sở vật chất để đảm bảo nguồn kinh phí ưu tiên cho giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học. Mặt khác, từng bước xã hội hóa, kêu gọi đầu tư, kêu gọi sự giúp đỡ của các cá nhân, tổ chức trong việc xây dựng, hình thành các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các cơ sở giáo dục tại các vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo… Ngoài ra, từng bước Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện và đảm bảo nguồn hỗ trợ cho giáo viên dạy học ở các vùng kinh tế khó khăn, vùng miền núi, hải đảo, vùng dân tộc ít người….

 Bảo đảm công bằng trong giáo dục là nội dung quan trọng thể hiện trong luật của nước ta, bảo đảm và tôn trọng nhân quyền là nguyên tắc cơ bản xuyên suốt trong luật và quy định giáo dục. Chính quyền các cấp và các ban, ngành có liên quan nên nghiêm túc thực hiện chức trách bảo đảm công bằng trong giáo dục theo quy định của pháp luật, không ngừng thúc đẩy tiến độ thực hiện công bằng trong giáo dục.

Cần quán triệt yêu cầu công bằng trong giáo dục ở chính sách giáo dục. Khi để ra các chế độ và chính sách, cần bảo đảm quyền lợi được hưởng giáo dục của mọi người dân, thực hiện bình đẳng về cơ hội trong giáo dục, cần bảo đảm các vùng kém phát triển và những quần chúng yếu, nghèo được hưởng quyền lợi giáo dục, hình thành chế độ và hệ thống giúp đỡ của chính phủ và xã hội. Cần bảo đảm sự công bằng trong phân phối tài nguyên giáo dục, nỗ lực xây dựng tốt từng ngôi trường, mở rộng tài nguyên giáo dục chất lượng. Trách nhiệm giáo dục của chính phủ đầu tiên là trách nhiệm về tài chính. Cần dốc sức thay đổi tình trạng thiếu hụt tài chính dành cho giáo dục công cộng, nỗ lực xây dựng chế độ tài chính giáo dục công cộng, đảm bảo sao cho học tập vừa là nghĩa vụ vừa là quyền lợi của người dân.

Như vậy, có thể thấy rằng, công bằng trong giáo dục là mục tiêu thiết yếu của bất cứ quốc gia nào trên thế giới nhằm đảm bảo cho người dân thuộc mọi tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, giới tính đều được hưởng như nhau những quyền giáo dục cơ bản. Điều đó là quyền lợi của người dân và là trách nhiệm của Nhà nước. 

Video liên quan

Chủ Đề