Con người bên trong con người là gì

Đó là vài năm trước, một người cô đã nói với tôi: con người là một lũ nhiều mặt, không đơn giản là một mặt hay hai mặt, mà là nhiều mặt, dù có thừa nhận hay không. Tôi bấy giờ chỉ coi đó là một câu nói mang tính triết lý dạy đời, và tôi thường không để bản thân nghe theo những câu như vậy. Tất nhiên tôi vẫn rất yêu quý cô, nhưng con người ta đôi khi nói ra những lời mình không thể nuốt trọn được, cho dù yêu mến đến chừng nào.

Trong vài năm trở lại đây, tôi cảm nhận nhiều, quan sát nhiều và thấu hiểu nhiều hơn, đủ để dần ngộ ra và dám kết luận nhận định kia là đúng. Trước đó, suốt một thời gian dài, tôi chỉ nhìn thế giới dưới một lăng kính hai màu, hoặc đúng, hoặc sai, có tất cả hoặc không có gì. Tôi cứ nghĩ mình nhìn đời như vậy thì mọi thứ sẽ đơn giản hơn, ở hiền gặp lành, và sau tất cả rồi cũng sẽ happy-ending. Bố tôi thường nói thời này Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều, nên đôi khi không nên làm người tốt. Những lúc đó tôi không phục, chẳng phải Thạch Sanh cuối cùng thắng Lý Thông hay sao, chẳng phải mấy cậu bé tiều phu tốt bụng, ngây thơ luôn thắng các phú ông giàu có keo kiệt hay sao. Sau này tôi mới nhận ra tôi đã sai, nếu cứ đeo cái cặp kính hai màu đó lên mắt thì tôi chả bao giờ thấy được thế giới muôn màu, và vì quá cứng nhắc nên sớm muộn tôi cũng sẽ bị đời quật ngã, rồi cũng sẽ happy-ending, nhưng vấn đề là không biết tôi có trụ được đến khi đó hay không, cuộc sống vốn chẳng phải một câu chuyện cổ tích. Còn bố tôi, ông cũng chẳng đúng tý nào, vấn đề là ông cũng đeo cái kính trắng-đen giống tôi, nhưng cách nhìn đời của ông lại tiêu cực hơn nhiều, ông nhìn vào mặt tiêu cực của vấn đề, vào mặt xấu của con người rồi dùng nó để củng cố thêm niềm tin rằng: đời là một bãi c*t. Đời không chia làm hai loại là Thạch Sanh và Lý Thông, trong đời, không có ai là xấu cả, cũng không ai tốt cả, mọi người đều cố đối xử tốt với một số người, và đối xử tệ hại đối với một số người khác, vấn đề ở chỗ bạn đang nằm trong nhóm đối tượng nào. Và suy cho cùng, bản chất con người cũng chỉ có hai thứ mà hướng đến: tồn tại và sinh sản.

Chỉ hai thứ đơn giản thôi, tồn tại và sinh sản, con người hình tượng hóa chúng lên một đẳng cấp mới: cái đẹp, bản lĩnh, tự trọng và hàng tỉ tỉ danh từ mỹ miều khác, mà tuyệt nhiên không có  "tồn tại" và "sinh sản". Chỉ hai từ đơn giản thôi, còn người lại sợ nghĩ đến, chúng ta chôn giấu nó trong những góc tối nhất của con người, và càng như thế, nó càng ăn sâu vào bản chất của chúng ta, chỉ hướng đến tồn tại và sinh sản. Con người làm điều gì đều xuất phát từ lợi ích của bản thân trước đã: Anh ấy đi làm việc để kiếm tiền nuôi sống gia đình anh ấy [trong gia đình anh ta vốn có bản thân anh trong đó thôi], cô nọ nhường nhịn anh chồng trong một cuộc cãi vã để giữ gìn hạnh phúc gia đình [thật ra là nếu cãi tiếp cô biết mình sẽ bị ăn đấm, và cô thoải mái với cuộc sống hiện tại, không muốn ly thân]. Và nếu ai đó nghĩ cho tiền một người vô gia cư là hành động xuất phát từ lòng nhân đạo: thật ra cái "nhân đạo" cũng xuất phát từ "tồn tại" và "sinh sản" thôi, ai đó "nhân đạo" có thể để tạo danh tiếng, hoặc tạo hình tượng tốt trước mặt người khác, hoặc nếu không xuất phát từ hai cái trên, thì khả năng cao là để an ủi bản thân, xoa dịu đi cái cảm giác tội lỗi hôm qua đã ngoại tình với vợ đồng nghiệp.

Con người không hẳn tốt, cũng không hẳn xấu. Người đáng ghét nhất cũng có những điểm dễ thương và ngược lại. Ai cũng nói trên đời này không có gì là hoàn hảo cả, nên cũng có nghĩa trên đời này không có gì là xấu hoàn toàn cả. Thị Nở với Chí Phèo còn yêu được nhau thì trên đời này có gì mà không thể. 

Lại kể lể về tôi, từ khi tôi thấm thía được câu nói của cô thì bỗng dưng không còn thấy ghét một vài người nữa, và cũng đáng buồn thay, có người tôi bỗng dưng không còn thấy yêu nữa. Tôi nhận ra mọi người đều hiện ra như nhau, tôi thấy được những hành động tốt, những hành động xấu, nhưng hành động không tốt không xấu của họ. Và tôi không thấy bực mình thái quá, hay yêu thích thái quá họ, người ta chỉ là người ta, là người ta với một cái tôi lớn, và một điều gì đó sâu kín ẩn chứa bên trong. Mà ai cũng có thứ gì đó bên trong nên điều đó trở nên không còn đặc biệt nữa.

Một người làm cùng mẹ tôi, khi mẹ hỏi ngày xưa cô ấy làm nghề gì, thì cô chỉ nói  "Ngày xưa chị đi đòi nợ thuê cho người ta ở Sài Gòn", cô nói với giọng bình thản, mẹ rất ngạc nhiên, sao một người hiền lành thế này lại từng làm nghề như vậy, rốt cuộc con người thật của cô là như hồi đó, hay như bây giờ, hay không cái nào cả? Đôi khi, người ta làm gì là vì người ta phải làm vậy, không có lý do nào khác.

Suy cho cùng, bên trong chúng ta là những góc khuất, tôi và bạn, hãy băt đầu chấp nhận góc khuất của bản thân, rồi đến của người khác, và tháo bỏ cái cặp kính hai màu kia xuống.

Tôi vốn tệ trong việc kết thúc bài viết, nên thường tôi sẽ kết thúc bằng một bài hát không liên quan

Bản chất con người phần 'thiện' nhiều hơn phần 'ác'?

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Bạn có xu hướng tìm thấy điều tốt đẹp nhất trong mọi người, hay cho rằng người khác đang chực chờ tìm cách hãm hại bạn? Và liệu bạn có luôn luôn thành thật khi trò chuyện, hay bạn thích tỏ ra duyên dáng hơn?

Câu trả lời của bạn trước những câu hỏi trên phần nào sẽ cho cho thấy bạn là "vị thánh trong đời thường" tới mức nào - một nhóm các nhà tâm lý học đưa ra một cách thức mới để quan sát tính thiện trong nhân cách con người.

Có thật con người ta 'nhân chi sơ vi bản thiện'?

Nhút nhát có thể khiến bạn kém hạnh phúc?

Quảng cáo

Vì sao 'gần mực thì đen'

Những tính cách này sẽ có ích nếu như bạn nhìn con người và nhìn nhân loại nói chung về cơ bản là tốt - và ứng xử với mọi người theo cách nhìn đó.

Hai thập niên trước, các nhà tâm lý học đưa ra "bộ ba tăm tối" về nhân cách con người để tìm hiểu lý do vì sao một số người không hề lo nghĩ gì trước khi quay bài khi thi cử, hoặc là hành hạ người yếu thế hơn.

Từ đó, các nhà nghiên cứu đã tận dụng bộ ba này - với tên gọi: Kiêu căng, Nham hiểm, và Thái nhân cách [narcissism, Machiavellianism, và psychopathy] - để tìm hiểu sự liên quan của chúng đến nhiều thứ như thành công tại nơi làm việc, những rắc rối trong quan hệ, và thậm chí bảy tội ác chết người.

Đó cũng chính là lý khiến Scott Barry Kaufman, nhà tâm lý học từ Đại học Columbia ở New York, cho rằng đã đến lúc cần nhìn đến sự cân bằng theo hướng chú ý tới phần nhân cách tử tế trong con người chúng ta.

"Tôi thực sự khó chịu khi mọi người quá thích thú với phần nhân cách xấu xa, nhưng lại hờ hững với phần sáng," ông nói.

Giống như phần tối, phần "bộ ba tốt đẹp" mà Kaufman và đồng nghiệp tìm hiểu gồm ba xu hướng tính cách cùng tạo ra bức tranh tổng thể về nhân cách con người.

Mỗi phần trong xu hướng nhấn mạnh một khía cạnh khác nhau trong cách ta tương tác với mọi người: Từ việc nhìn thấy phần tốt nhất trong con người, dễ dàng tha thứ, tới việc tán thưởng thành công của người khác, cho đến việc cảm thấy khó chịu khi phải thao túng người khác để họ làm việc gì đó cho bạn.

Xu hướng thứ nhất, nhân văn, được định nghĩa là đặt niềm tin vào phẩm giá vốn có và giá trị trong mỗi con người.

Thứ hai là xu hướng Kantianism, bắt nguồn từ tên nhà triết học Immanuel Kant. Xu hướng này có nghĩa là bạn đối xử với mọi người như đối xử với chính mình thay vì coi họ là con tốt vô giá trị trên bàn cờ cá nhân của bạn.

Cuối cùng là "niềm tin vào con người", là phần tính cách tin rằng mọi người về cơ bản là tốt, và họ không có ý hãm hại bạn.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

William Fleeson, nhà tâm lý học từ Đại học Wake Forest ở Bắc Carolina, nói rằng ba xu hướng trên hoàn toàn ăn khớp với một nghiên cứu đang tìm hiểu về việc điều gì khiến một người là người tốt.

Đặc biệt, niềm tin theo đó cho rằng người khác là tốt có vẻ như là yếu tố chủ chốt. "Người ta càng tin rằng người khác là tốt, thì họ càng ít cần bảo vệ bản thân trước những gì chống lại họ, họ càng ít cảm thấy nhu cầu trừng phạt người khác khi người đó làm chuyện xấu," ông nói.

Nghệ thuật giả điên để chạy tội

Những chuyến đi làm con người bỗng dưng phát điên

Thế giới sẽ hỗn loạn nếu không dối trá

Các vị thánh trong đời thường không chỉ làm điều tốt cho thế giới bằng sự tử tế của bản thân họ. Kaufman phát hiện ra rằng những người xếp hạng cao với những xu hướng tính cách trên cho biết họ cảm thấy thỏa mãn hơn với các mối quan hệ và trong cuộc sống nói chung, và được ghi nhận có lòng tự trọng cao hơn và cảm giác về bản thân mạnh mẽ hơn.

Một loạt các điểm mạnh của những người này có liên hệ với điểm số cao, trong đó có sự tò mò, quan điểm, niềm đam mê, tình yêu, lòng tử tế, tinh thần đồng đội, sự vị tha và lòng biết ơn.

Dù vậy, thay vì chỉ toàn tốt hay toàn xấu, hầu hết mọi người đều là sự pha trộn của nhiều phần tính cách.

[Bạn có thể làm một bài kiểm tra cho thấy mức độ 'thiện', 'ác' trong xu hướng nhân cách của bạn trên website của Kaufman.]

Tuy một số người có điểm cao với phần thiện và điểm thấp trong phần ác, nhưng nghiên cứu của Kaufman cho thấy rõ ràng là các phần tính cách đó không thực sự đối lập nhau. Điều này càng củng cố cho ý tưởng rằng mỗi chúng ta đều là tổng hoà của cả hai phần tính cách đó.

Điều này có tác dụng tích cực.

Chẳng hạn, những người có phần tính 'ác' nhiều hơn thì có vẻ như can đảm và quyết đoán hơn, là hai tính cách rất có ích khi ta cố hoàn thành công việc. Xu hướng tính cách xấu cũng có tương quan tới khả năng sáng tạo và kỹ năng lãnh đạo.

"Tôi nghĩ rằng hai phần tính cách này đều có trong tất cả chúng ta," ông nói. "Trân trọng phần tính cách xấu thực sự là điều rất tốt, và điều quan trọng là cần khai thác chúng theo cách lành mạnh để tối ưu hóa tiềm năng sáng tạo, như vậy sẽ tốt hơn là vờ rằng mình không có tính cách xấu đó."

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Thậm chí dù bạn cố nghiêng về phần tính cách tốt thì điều đó cũng không có nghĩa là cuộc đời bạn sẽ trở nên đầy ánh sáng và hoa hồng.

Chẳng hạn như một phần trong xu hướng tính cách Kantianism là việc thấy rằng mình phải luôn là chính mình, kể cả khi điều đó có thể gây tổn hại đến uy tín của bạn.

Một người sống như vậy cuối cùng cũng sẽ phải đối mặt với tình huống mà để thực sự là chính mình, họ sẽ phải làm điều gì đó mà mọi người không chấp nhận.

"Đôi khi để là chính mình ta phải dám đối mặt," Kaufman nhận định. "Nhưng bạn không thực hiện điều đó bằng cách cố gắng thao túng người khác."

Lấy ví dụ về Dorothy Day, nhà báo và nhà hoạt động người Mỹ, đã qua đời năm 1980. Bà dành cả cuộc đời cống hiến cho công bằng xã hội và phụng sự người nghèo, trong đó bà thành lập những "nhà khách" cung cấp nơi ở, thực phẩm và quần áo cho những người có nhu cầu.

Một số người nói rằng bà nên được Giáo hội Thiên chúa phong thánh. Nhưng bà không hẳn là người khiến tất cả mọi người dễ chịu. "Bà cực kỳ có đạo đức, từng sống trong nghèo khó và thường mất bạn vì lập trường của bà trong nhiều việc," Fleeson nói.

Những người có phần tính cách tốt nhiều hơn cũng có xu hướng cảm thấy tội lỗi nhiều hơn - và điều này không hẳn là xấu, Taya Cohen từ Trường Kinh tế Tepper thuộc Đại học Carnegie Mellon ở Pittsburgh nói.

Có sự khác biệt giữa cảm giác tội lỗi lành mạnh do hành vi của người đó gây ra, và sự đay nghiến không lành mạnh từ sự xấu hổ gây ra, bà nói.

"Mặc dù cảm giác tội lỗi nói chung là không dễ chịu, nhưng nó giúp mọi người cư xử theo cách phù hợp hơn."

Trong thực tế, nghiên cứu đã tìm ra mối liên hệ giữa mặc cảm tội lỗi với nhiều hành vi tích cực ở những khía cạnh khác nhau trong đời sống con người.

Chẳng hạn, nếu bạn vô tình đổ rượu lên tấm thảm màu kem mới của người bạn, sau đó bạn dịch chuyển một chiếc ghế để che vết ố đi, bạn sẽ cảm thấy thế nào ngày hôm sau?

Những người cảm thấy họ đã hành động thảm hại dễ bị mặc cảm hơn. Nhưng lỗi đó thực chất chỉ là cảm giác thấy mình có trách nhiệm sâu sắc với người khác, Cohen nhận định - như một ánh sáng dẫn đường trong nội tâm hướng ta đến điều đúng.

Nếu bạn sợ rằng mình không không có nhiều phần tính cách tốt lắm, thì hãy ghi nhớ rằng ý tưởng rằng nhân cách ta thực ra dễ biến đổi hơn bạn tưởng.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Mặc dù công trình nghiên cứu do Fleeson và đồng nghiệp đã phát hiện rằng con người có xu hướng đạo đức kiên định trong thời gian ngắn hạn, nhưng về mặt dài hạn thì sẽ luôn có chỗ cho sự ứng biến.

Day - trên con đường trở thành vị thánh chính chức - tin rằng một người có thể chọn lựa trở thành người tốt hơn bằng cách buộc bản thân thay đổi một cách chậm rãi nhưng kiên định theo thời gian.

Trong khi vẫn chưa có nghiên cứu cho thấy ý tưởng của bà có tác dụng với mọi người, thì vẫn có bằng chứng cho thấy nhân cách là điều dễ uốn nắn trong suốt cuộc đời con người.

"Tôi thực sự nghĩ rằng nhân cách chỉ là tổng hòa của thói quen, trạng thái suy nghĩ, hành động và cảm xúc trong thế giới, và ta có thể thay đổi những thói quen đó," Kaufman nói.

Nghiên cứu cũng cho thấy rằng mặc cảm tội lỗi có xu hướng tăng lên trong suốt phần đời sống trưởng thành của ta, từ tuổi 20 đến khoảng 60 tuổi, vì vậy vẫn còn có cơ hội bạn sẽ trở nên thánh thiện hơn khi bạn lớn tuổi, dù bạn có thích điều đó hay không.

Công trình của Kaufman về phần nhân cách tốt là thông điệp đầy hy vọng về nhân loại nói chung.

Hơn 1000 người đã thực hiện cả hai bài thử nghiệm để tìm hiểu về sự cân bằng trong xu hướng tính cách xấu và tốt - và một người trung bình thường sẽ nghiêng đáng kể về phần tính cách tốt.

"Đây là một lời xác nhận rằng dù thế giới đầy điều đáng sợ, con người thực sự căn bản là hướng về phần tốt," ông nói.

Nếu nhiều công trình nghiên cứu sâu hơn về phần sáng trong nhân cách cũng tìm ra kết quả tương tự, nó sẽ củng cố ý tưởng rằng dù đầy sai sót và tội lỗi, con người về cơ bản là tốt.

Có lẽ chỉ cần thế là đủ để kích thích niềm tin vào con người đối với bất kỳ ai đang dao động giữa phần tốt và xấu trong xu hướng tính cách của họ, và dịch chuyển sự cân bằng về phần tính cách thánh thiện trong tất cả mọi người.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

Video liên quan

Chủ Đề