Cơ thể người tổng hợp được vitamin nào

Cơ thể người tổng hợp được vitamin nào

Ảnh minh họa. Nguồn: sport-girls.ru

Vitamin (hay gọi là sinh tố) là những hợp chất hữu cơ rất cần thiết cho sự sống. Nếu các bữa ăn chỉ gồm các chất protid, glucid, chất béo và muối khoáng mà không có vitamin thì cơ thể người và động vật cũng không thể sống được. 

Tuy vitamin rất cần thiết cho sự sống nhưng hàng ngày số lượng vitamin cần rất ít cho cơ thể, phần lớn vitamin được tổng hợp ở thực vật và vi khuẩn, không được tổng hợp trong cơ thể người, một số vitamin tổng hợp theo phương pháp nhân tạo.

Mặc dù, vitamin có nhiều công dụng như vậy, nhưng với liều lượng dinh dưỡng là các chất kháng oxy hoá, bảo vệ cơ thể. Nếu bổ sung vitamin với liều cao hơn liều khuyến cáo 2- 10 lần, thì không những không thể không phòng ngừa ung thư mà còn có khả năng gây ra rối loạn hoặc thậm chí tử vong.

Các vitamin được phân loại theo tính chất tan của chúng, gồm vitamin tan trong dầu (vitamin A, D, E, K); vitamin tan trong nước (vitamin B1, B2, PP, B6, B12, C, P, acid folic, acid pantotenic).

Đặc tính của vitamin tan trong dầu

Vitamin A

- Về cấu tạo, vitamin A là một alcol bậc nhất phức tạp, thực vật không có vitamin A nhưng có các caroten (tiền chất của vitamin A) vì có khả năng biến thành vitamin A khi đưa vào cơ thể.

- Về tác dụng: Vitamin A tham gia vào nhiều quá trình oxy hoá khử trong cơ thể, giữ gìn chức phận của các mô biểu bì, khi thiếu vitamin A thì niêm mạc bị thoái hoá, dễ bị nhiễm khuẩn, giác mạc dễ bị khô và nhiễm trùng làm mủ ở mắt. Vitamin A tham gia cấu tạo chất rhodopsin -  là chất điều hoà cảm thụ ánh sáng của võng mạc, nên khi thiếu vitamin A sẽ gây bệnh quáng gà.

- Nguồn gốc và nhu cầu: Vitamin A có trong rau quả (dạng tiền vitamin A), có nhiều trong mỡ, dầu cá. Nhu cầu hàng ngày khoảng 5.000 UI/ngày đối với người lớn.

Vitamin D

- Về cấu tạo: Vitamin là một nhóm các hợp chất có nhân sterol như D2, D3, D4, D5, nhưng hai loại quan trọng nhất trong dinh dưỡng là D2, D3.

- Về tác dụng: Vitamin D làm tăng sự hấp thu canxi và phospho ở màng ruột, có tác dụng đến quá trình canxi hoá. Thiếu vitamin D ở trẻ em gây bệnh còi xương, ở người lớn có thể gây mềm xương hay xốp xương.

- Nguồn gốc và nhu cầu: Vitamin D có ở gan cá, mỡ, bơ, lòng đỏ trứng. Nhu cầu hàng ngày khoảng 400 UI/ngày.

Vitamin E

- Về cấu tạo: Vitamin E gồm 3 chất a, b, g tocophenol có cấu tạo hoá học khác nhau ở vị trí và số nhóm methyl đính vào nhân croman;

- Về tác dụng: Vitamin E tham gia vào quá trình điều hoà sinh sản, là tác nhân chống oxy hoá rất mạnh. Khi thiếu vitamin E, quá trình tạo phôi của cơ thể bị ảnh hưởng, cơ quan sinh sản bị thoái hoá, thiếu vitamin E có thể gây teo cơ, thoái hoá tuỷ sống, vitamin E còn liên quan đến một số trường hợp thiếu máu và giảm đời sống hồng cầu hoặc vỡ hồng cầu ở một số trẻ em nuôi dưỡng kém hoặc trẻ đẻ non.

- Nguồn gốc và nhu cầu: Vitamin E có trong dầu thực vật, xà lách, cải, mỡ, bơ, lòng đỏ trứng. Nhu cầu hàng ngày khoảng 10- 30 mg. Đối với trẻ em, lượng vitamin có đủ trong sữa đảm bảo nhu cầu của chúng.

Vitamin K

- Về cấu tạo: Vitamin K trong tự nhiên có 2 loại vitamin K1 và K2, có nhân naphtoquinon. Chất nhân tạo được dùng là menadion.

- Về tác dụng: Vitamin K có vai trò đặc hiệu trong cơ chế đông máu, tham gia vào sự tổng hợp prothrombin. Thiếu vitamin K thường gây chảy máu dưới da, cơ, trong ống tiêu hoá, giảm tốc độ đông máu.

- Nguồn gốc và nhu cầu: Vitamin K có trong rau xanh, cà chua, đậu thịt, gan, thận, vi khuẩn ruột tổng hợp được vitamin K. Nhu cầu hàng ngày khoảng dưới 1mg/ ngày (người lớn) và trẻ em (10- 15mg/ ngày).

Đặc tính của vitamin tan trong nước

Vitamin C

- Về cấu tạo: Vitamin C có cấu trúc của một monosacchride.

- Về tác dụng: Vitamin C có tác dụng vận chuyển hydro nên nó tham gia vào nhiều quá trình chuyển hoá trong cơ thể. Thiếu vitamin C có thể gây bệnh hoại huyết, trên da có những nốt chấm đỏ, chảy máu lợi răng, chân răng, lỗ chân lông, đôi khi chảy máu nội tạng. Có lẽ vai trò rõ ràng nhất của vitamin C là duy trì chất kẻ bình thường của tế bào ở một số mô như sụn, răng, xương. 

Chú ý tiêm tĩnh mạch laroscorbin (một dạng vitamin C) có nguy cơ cao bị tai biến thuốc và càng không nên trộn thuốc với bất kỳ một thuốc nào để vì mục đích tăng thêm tác dụng nâng cao sức khỏe.

- Nguồn gốc và nhu cầu: Vitamin C có nhiều trong rau xanh, hoa quả tươi, cam, chanh, bưởi, dâu đất, ớt. Nhu cầu hàng ngày khoảng 80- 100mg/ ngày. Đối với người lao động nặng thì cần 120 mg, phụ nữ mang thai cần khoảng 150 mg một ngày. Ở vùng khí hậu lạnh, nhu cầu vitamin C tăng lên đến 140mg/ ngày.

Vitamin B1

- Về cấu tạo: Vitamin B1 gồm 2 vòng pyridin và thiazol.

- Về tác dụng: Vitamin B1 cần cho sự chuyển hoá glucid, thiếu vitamin B1, acid pyruvic sẽ bị ứ đọng trong máu, trong mô, gây rối loạn dẫn truyền các xung động thần kinh, rối loạn hoạt động tim và quá trình trao đổi nước (gây phù), thiếu vitamin này sinh bệnh tê phù hay Beriberi.

- Nguồn gốc và nhu cầu: Vitamin B1 có trong nấm men, cám, sữa, gan, lòng đỏ trứng, một số vi khuẩn ruột có thể tổng hợp vitamin B1.

Vitamin B2

- Về cấu tạo: Vitamin B2 là dẫn suất methyl hoá của nhân isoalloxazine.

- Về tác dụng: Vitamin B2 tham gia cấu tạo nhiều loại enzym. Thiếu vitamin B2 sẽ gây tổn thương các niêm mạc miệng, lưỡi nứt và loét kẻ mắt, vành tai, rụng tóc.

- Nguồn gốc và nhu cầu: Vitamin B2 có trong rau xanh, ngũ cốc, men rượu bia, sữa, gan, cơ. Nhu cầu hàng ngày khoảng 1,5mg/ ngày.

Vitamin PP (Niacin) hay vitamin B3

- Về cấu tạo: Vitamin PP là amid của acid nicotinic.

- Về tác dụng: Vitamin PP là thành phần cấu tạo của coenzym tham gia vào phản ứng oxy hoá khử trong cơ thể. Thiếu vitamin PP, con người sẽ mắc bệnh Pellagla với biểu hiện yếu toàn thân, mệt mỏi, loét miệng và da, rối loạn thần kinh.

- Nguồn gốc và nhu cầu: Vitamin PP có ở gan, sữa, thịt, cá, rau, men bia. Nhu cầu hàng ngày khoảng 25mg/ ngày. Tham gia cấu tạo NAD và NADP trong mô bào sinh vật, vitamin PP có dưới dạng tự do và hợp chất protein - enzym. Đó là NAD (nicotiamid adenozin dinuleotid) và NADP (nicotinamid adenozin dinucleotid photphat). Hai chất này là nhóm ghép của enzym oxy hoá hoàn nguyên, tức là enzym dehydrogenase yếm khí. 

Thiếu vitamin PP động vật thường mắc bệnh viêm tróc da sần sùi. Trong chăn nuôi nếu chỉ cho lợn ăn ngô kéo dài cũng thường xảy ra bệnh này vì thiếu tryptophan. Trong ngô còn có chất kháng vitamin PP - đó là acid pyndin-3- sulforic. Nếu đun sôi thì kháng vitamin PP của ngô sẽ mất đi.

Vitamin B5 (Bepanthen hoặc acid pantothenic)

- Về cấu tạo: Vitamin B5 còn gọi là acid pantothenic, pantothenate; đây là một vitamin tan trong nước, có rất nhiều trong tự nhiên, nhưng cũng rất dễ mất đi trong quá trình chế biến.

- Về tác dụng: Vitamin B5 nếu thiếu, nhất là tuổi thiếu nữ dậy thì dể dàng rụng tóc từng mảng, tuy tóc chịu nhiều yếu tố thần kinh, nội tiết, dinh dưỡng, nhất là vitamin B5. Nhưng do đến tuổi dậy thì, rất nhiều bộ phận trong cơ thể phát triển mạnh như tuyến vú, mông, cơ quan sinh dục, nên tiêu thụ nhiều vitamin này, hậu quả là tóc, đặc biệt là nhú tóc bị thiếu vitamin B5 nên ngừng mọc tóc và rụng. Dùng phối hợp vitamin H với vitamin B5 trong điều trị rụng tóc khu trú hay lan tỏa.

- Nguồn gốc và nhu cầu: Vitamin B5 có nhiều trong tự nhiên (từ Hy Lạp pantotenic có nghĩa là ở khắp nơi). Những thực phẩm có nhiều vitamin B5 là các loại đậu, đậu phụng, lòng trắng trứng, các loại nấm, thịt gia súc, gia cầm. Khi thiếu nếu bổ sung, sau 2- 3tháng, khi các nhú tóc ở lớp da đầu đã được cung cấp đủ vitamin B5, tóc sẽ bớt rụng và mọc trở lại.

Vitamin B6 (Pyridoxin)

- Về cấu tạo: Vitamin B6 là dẫn xuất của pyridin.

- Tác dụng: Vitamin B6 có nhiều vai trò trong sự chuyển hoá acid amin. Thiếu vitamin B6 sẽ gây rối loạn ngoài da, thần kinh.

- Nguồn gốc và nhu cầu: Vitamin này có ở men bia, ngũ cốc, thịt, gan, thận. Nhu cầu hàng ngày khoảng 2mg/ ngày.

Vitamin B12 (Xyanocolbolamin)

- Về cấu tạo: Vitamin B12 là vitamin độc nhất có chứa kim loại cobal trong phân tử.

- Về tác dụng: Vitamin B12 giữ vai trò coenzym, tác dụng chống thiếu máu. Nhóm vitamin B12 nói chung và folat giúp giảm nguy cơ gãy xương chậu sau đột quỵ. Đây là công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản khi bổ sung 5mg folat và 1500 µg vitamin B12/ ngày thấy rất hiệu quả.

- Nguồn gốc và nhu cầu: Vitamin B12 có nhiều trong gan, thận, sữa, thịt, phomat, các vi khuẩn tổng hợp được nhiều vitamin B12. Nhu cầu hàng ngày khoảng 3- 5mg/ngày.

Việc bổ sung một hay nhiều loại vitamin nói chung, chúng ta nên theo khuyến cáo và trước hết nên tận dụng các loại thực phẩm chứa vitamin, trong đó có rau quả. Nếu thật sự cần dùng thuốc là vitamin để hỗ trợ sức khỏe, chúng ta hãy dùng chế phẩm dạng uống hơn là dạng tiêm, đặc biệt là tiêm tĩnh mạch và theo lời khuyên của thầy thuốc hoặc dược sĩ.

Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế)

Vai trò của vitamin:

Vitamin (còn gọi là sinh tố) là những chất dinh dưỡng cần thiết được cung cấp hàng ngày. Với liều lượng rất nhỏ, nhưng vitamin đóng vai trò quan trọng đối với sự sống của con người: đó là những chất xúc tác không thể thiếu cho sự chuyển hóa các chất trong cơ thể.

Vitamin chia làm 2 loại: loại tan trong dầu (A, D, E, K) và loại tan trong nước như vitamin nhóm B, vitamin C ….

Do cơ thể người không thể tự tổng hợp được vitamin (ngoại trừ khi phơi nắng thích hợp để biến tiền vitamin D dưới da thành vitamin D), nên ta phải ăn uống đầy đủ và cân bằng dưỡng chất để được cung cấp đủ vitamin.

Nhu cầu hàng ngày về vitamin cho cơ thể con người rất ít, tùy thuộc vào từng lứa tuổi, nhưng nếu thiếu sẽ gây những rối loạn từ nhẹ đến trầm trọng và là nguyên nhân của nhiều căn bệnh nguy hiểm, nếu kéo dài có thể ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ và thể chất của trẻ, nặng hơn có thể dẫn đến tử vong.

Nếu lạm dụng vitamin, cũng sẽ gây nên nhiều bất lợi cho sức khỏe, làm phát sinh bệnh do dư thừa các sinh tố này.

Nguyên nhân thiếu vitamin hay gặp ở trẻ em:
Do cung cấp thiếu:

  • Bữa ăn cho trẻ  không bảo đảm chất lượng (do kinh tế khó khăn, hoặc không biết phương pháp chế biến hợp lý)
  • Do ăn gạo bị mốc hoặc để lâu ngày sẽ dễ bị thiếu vitamin nhóm B; Rau quả để bị héo hoặc bảo quản lạnh quá lâu sẽ mất vitamin C
  • Việc chế biến thực phẩm không đúng cách (ngâm lâu trong nước, nấu quá nhiều nước, đun đi đun lại nhiều lần …) làm vitamin hao hụt nhiều.
  • Các loại thực phẩm tinh chế (như bánh mì trắng, bột tinh chế, sữa tách chất béo…) thường mất nhiều vitamin.
  • Thực phẩm đóng hộp do phải qua khâu chiếu tia khử khuẩn
  • Do ăn thiếu dầu mỡ nên sẽ thiếu một số vitamin tan trong mỡ như vitamin A..
  • Do các tập quán ăn uống kiêng khem quá mức hoặc trẻ không được bú sữa mẹ…

Do mắc một số bệnh: Trẻ bị suy dinh dưỡng, tiêu chảy kéo dài, rối loạn hấp thu, các bệnh về gan, mật…  

Các nguyên nhân khác: Do nhu cầu của cơ thể tăng

  • Gặp ở những trẻ đẻ non, sinh đôi, các trẻ lớn quá nhanh do vậy nhu cầu vitamin, đặc biệt là vitamin D tăng rất cao, nhưng việc cung cấp không đáp ứng kịp nhu cầu cơ thể.
  • Trẻ đang được áp dụng chế độ ăn giảm béo không đúng phương pháp cũng thường bị thiếu hụt lượng vitamin đưa vào cơ thể từ thức ăn.
  • Trẻ không uống sữa.
  • Việc dùng kéo dài một số loại thuốc cũng gây hậu quả mất vitamin (như corticoid, thuốc kháng acid dạ dày, kháng sinh…).
  • Không có điều kiện để tiếp xúc nhiều ánh nắng.

Cơ thể người tổng hợp được vitamin nào
Tác hại của thiếu hoặc thừa một số vitamin chủ yếu hay gặp ở trẻ em:

Vitamin A: Vitamin A có tác dụng bảo vệ mắt, chống quáng gà và các bệnh khô mắt, đảm bảo sự phát triển bình thường của bộ xương, răng, bảo vệ niêm mạc và da, tăng cường sức đề kháng cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn.

  • Thiếu:
    Khô mắt, có thể mù vĩnh viễn
    Giảm khả năng miễn dịch
    Trẻ chậm lớn; Thiếu vitamin A sớm, kéo dài có thể ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ sau này
  • Thừa: Vitamin A là Vitamin tan trong chất béo do đó có thể tích trữ trong cơ thể. Nếu sử dụng lượng lớn, hàng ngày, kéo dài vitamin A sẽ gây nên các triệu chứng ngộ độc mạn tính như sau:
    Đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, ban đỏ, da khô và bong vảy, viêm niêm mạc miệng hoặc đau các xương;
    Ơ trẻ nhỏ, có thể bị tăng áp lực sọ não, thóp phồng, đau đầu, co giật …
    Phụ nữ giai đoạn mang thai trong 3 tháng đầu, dùng vitamin A liều cao kéo dài có thể gây quái thai (dị dạng ở mặt và đầu ví dụ hở hàm ếch, dị dạng tim mạch, thần kinh trung ương, xương, cơ …) Do đó, phụ nữ giai đoạn mang thai hết sức cẩn thận khi sử dụng thuốc cần có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa
  • Thực phẩm giàu Vitamin A:
    Chủ yếu có trong thực phẩm nguồn gốc động vật: gan, thịt, trứng, chế phẩm từ sữa béo nguyên kem (sữa, kem, bơ …)
    Thức ăn nguồn gốc thực vật có thể kể đến những loại củ quả màu vàng/đỏ đậm (cà chua, carrot, đu đủ chín …), rau xanh đậm (rau ngót, rau muống, rau dền …), các loại dầu thực vật được bổ sung vitamin A

Vitamin C: Vitamin C giúp tăng cường hệ miễn nhiễm, chống nhiễm khuẩn. Các vết thương sẽ mau lành nếu các mô được bão hòa lượng vitamin C

  • Thiếu: Nguyên nhân thiếu vitamin C có thể do trẻ thiếu sữa mẹ, ăn thiếu rau xanh, trái cây tươi, ăn thức ăn nấu quá chín hoặc trẻ bị bệnh nhiễm khuẩn, rối loạn tiêu hóa … Bệnh thiếu sinh tố C thường xảy ra ở trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi, bệnh biểu hiện qua xuất huyết dưới da và niêm mạc như chảy máu nướu răng, sưng nướu, chảy máu cam, men răng kém chất lượng hay bị sún răng.
  • Thừa: Có thể gây toan máu, làm gia tăng nguy cơ sỏi thận.
    Lạm dụng vitamin C liều cao, kéo dài có thể gây ra hội chứng phụ thuộc vitamin C
  • Nguồn dinh dưỡng giàu Vitamin C: Rau xanh, quả tươi như cam, chanh,quýt, bưởi, cà chua, bông cải xanh, xoài … là nguồn dinh dưỡng cung cấp nhiều vitamin C.

Vitamin D: Vitamin D có tác dụng giúp cơ thể sử dụng tốt canxi và phospho để hình thành và duy trì hệ xương răng vững chắc

  • Thiếu:
    Muốn canxi được hấp thu và sử dụng tốt thì cơ thể phải có đủ vitamin D, nếu không, có khi cho dù trẻ ăn uống đủ canxi nhưng vẫn bị thiếu canxi do không được hấp thu dẫn đến còi xương. Vì vậy, ta còn gọi những trẻ còi xương là “còi xương do thiếu vitamin D”.
    Như vậy khi trẻ được nuôi dưỡng không đầy đủ hoặc không đúng, cũng như nhà ở chật chội, tối tăm … thiếu ánh sáng mặt trời, hoặc trẻ bị ở trong nhà suốt ngày không được tắm nắng … trẻ sẽ dễ bị còi xương, chậm mọc răng.
  • Thừa:
    Vì vitamin D không có nhiều trong nguồn thức ăn có sẵn như đã nêu trên không có trường hợp ngộ độc vitamin D do chế độ ăn
    Với trẻ nhỏ khỏe mạnh dưới 1 tuổi đã cho ăn các hỗn hợp thay thế sữa mẹ, việc bổ sung vitamin D cũng không quá 400UI/ ngày.
    Nếu như lạm dụng vitamin D liều cao kéo dài, sẽ gây ra ngộ độc cho cơ thể, làm tăng hàm lượng canxi trong máu, trong nước tiểu; chán ăn, buồn nôn, nôn, khát nước, yếu cơ, mất phương hướng, mệt mỏi; suy thận đọng canxi ở thận … Nếu không xử trí có thể dẫn tới tử vong.
  • Nguồn dinh dưỡng giàu Vitamin D: Trong tự nhiên, rất ít thực phẩm có lượng đáng kể Vitamin D. Tuy nhiên, cũng có thể kể đến dầu gan cá (nhất là những loại cá béo: cá thu, cá hú …), trứng gà… Nguồn cung cấp chủ yếu vitamin D cho cơ thể là do cơ thể tổng hợp vitamin D từ các tiền vitamin D ở dưới da, dưới tác động quang hóa trong ánh sáng mặt trời.

Vitamin B1 (Thiamin)

  • Thiếu: Ăn không tiêu, tiêu chảy, tuần hoàn kém, hay lo lắng. Gây bệnh Beriberi
  • Thừa: Hiếm
  • Thực phẩm giàu B1: B1 có nhiều trong cám gạo. Hạt ngũ cốc, lúa mì, yến mạch, thịt, gan và tim. Không nên nấu rau, ngũ cốc quá chín vì vitamin B1 sẽ bị phá hủy khi ở nhiệt độ cao

Vitamin PP (B3):

  • Thiếu: Bệnh thường thấy ở trẻ ăn bột, ăn ngô (Bắp), hoặc những trẻ ở tập thể không được ăn đầy đủ, trẻ có rối loạn tiêu hóa mạn tính. Trẻ thiếu vitamin PP thường có biểu hiện tiêu chảy, phân giống như nhầy mũi hoặc có máu; trẻ hay bị viêm miệng và lưỡi, không ngủ được, lờ đờ
  • Thừa: Hiếm khi
  • Thực phẩm giàu Vitamin PP (Niacin): Rất phổ biến trong thực phẩm, các sản phẩm men là nhiều nhất. Thịt cá cũng giàu PP. Ngoài ra còn tính đến gan, ngũ cốc thô, các loại hạt và đậu cũng giàu PP.

Vitamin B6:

  • Thiếu: Rụng tóc, mụn trứng cá, mắt đỏ, mờ mắt, mệt mỏi, chậm ngủ, chậm lành vết thương.
  • Thừa: Lạm dụng vitamin B6 đến dư thừa có thể gây rối loạn thần kinh cảm giác
  • Thực phẩm giàu Vitamin B6: Đậu nành, bắp cải, trứng, đậu phộng…

Vitamin B12: Vitamin B12 điều hòa chuyển hóa đạm, tăng cường tạo hồng cầu, làm hạ tỷ lệ cholesterol. Ngoài ra còn tác dụng chống dị ứng, giảm đau

  • Thiếu: Nhức đầu, ăn mất ngon, hơi thở ngắn, táo bón, sức tập trung kém, hay quên; ảnh hưởng tới chức năng tạo máu và hệ thần kinh
  • Thừa:  Lạm dụng gây dư thừa vitamin B12 có thể gây tăng sản tuyến giáp, làm tăng hồng cầu quá mức, bệnh cơ tim… Có khi xảy ra tác dụng thứ phát gây nôn nao, choáng váng, nổi mề đay.
  • Thực phẩm giàu Vitamin B12: Gan, thịt bò, trứng, pho mát, sữa, thận…
    Cơ thể người tổng hợp được vitamin nào
    Nên bổ sung vitamin cho trẻ khi nào ?
  • Trẻ em bình thường nếu không có bệnh tật nào, được bú mẹ và ăn uống đầy đủ thì thường không thiếu vitamin, do vậy không cần phải bổ sung thêm bằng các thuốc có chứa hỗn hợp các loại chất này.
  • Tuy nhiên, nếu nghi ngờ chế độ ăn không cung cấp đầy đủ thì ngay cả những trẻ đang có chiều cao cân nặng phù hợp cũng nên bổ sung vitamin khi cần thiết. Do vậy nhiều lúc bác sĩ vẫn chỉ định cho một số trẻ uống bổ sung vitamin. Còn với trẻ béo phì, bác sĩ thường khuyên nên ăn chế độ ít chất béo và cần thiết phải bổ sung các vitamin, vì chế độ ăn ít chất béo không giúp hấp thu đủ lượng vitamin tan trong dầu là vitamin A, D, E, K.
  • Riêng đối với trẻ bị suy dinh dưỡng, chậm lớn, đương nhiên phải được bổ sung vitamin; Hoặc trẻ sau giai đoạn bị bệnh (nhiễm trùng, ho hen, tiêu chảy…) thì việc uống thêm vitamin là cần thiết.
  • Bổ sung nguồn vitamin qua thực phẩm là cần thiết, uống vitamin tổng hợp cũng là cách khi bị thiếu vitamin. Nhưng cách tốt nhất là tận dụng nguồn vitamin có trong thiên nhiên.

Giảm thiểu mất vitamin trong chế biến thực phẩm:

  • Không dùng nước quá nóng để khuấy bột, sữa và nên uống liền ngay sau khi pha. Hoa quả sẽ mất vitamin rất nhanh khi bị bóc vỏ, cắt miếng hoặc ép lấy nước.
  • Đối với các loại nước ép chỉ nên chuẩn bị, xé bao bì khi cần dùng ngay. Riêng các loại gia vị có chứa vitamin chỉ nên nêm nếm khi đã bắc xuống bếp.

Những thận trọng khi dùng thuốc nhằm tránh bổ sung thừa vitamin cho trẻ:

  • Trong các loại vitamin, vitamin A và D không được dùng thừa, dùng quá liều vì sẽ tích lũy lại trong cơ thể và có thể gây ngộ độc.
  • Không nên dùng vitamin C liều quá cao (hơn 1g/ngày) vì có thể gây tiêu chảy, loét đường tiêu hóa, sỏi thận khi dùng dài ngày.

Tóm tắt:

  • Muốn tránh được các hậu quả do dùng không đúng vitamin, cần phải hiểu rõ nguyên tắc: không dùng vitamin khi không bị thiếu; không được coi vitamin là “thuốc bổ” khi muốn khỏe thì dùng.
  • Chính vì thế, khi nghi ngờ sức khỏe bé không tốt (trẻ ăn uống kém, ngủ khó, kém linh hoạt, da không mịn màng …), biện pháp tốt nhất là cho bé đi khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa. Thầy thuốc sẽ thăm khám và làm các xét nghiệm bổ sung để xác định tình trạng sức khỏe và có các chỉ dẫn cần thiết. Tuyệt đối không nên tự ý dùng các vitamin, đặc biệt các loại phối hợp, liều cao và dùng dài ngày.

THS BS DƯƠNG CÔNG MINH
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ