Có nên dự phòng thủy đậu cho người chăm sóc

Trong thời điểm này ngoài bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, mọi người cần thận trọng với một số bệnh truyền nhiễm khác như thủy đậu, sốt xuất huyết… Bệnh thủy đậu diễn ra theo chu kỳ từ tháng 2 đến tháng 6 hàng năm, đỉnh điểm rơi vào khoảng tháng 5-6. Một số bệnh viện đã ghi nhận những trẻ bị thủy đậu.

ThS.BSCKII Nguyễn Hồng Hà (nguyên PGĐ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam) cho rằng, những bệnh lây truyền qua đường hô hấp chủ yếu lây qua tiếp xúc gần và hít phải giọt bắn từ mang người bệnh, mầm bệnh xâm nhập vào. Hoặc bàn tay tiếp xúc với các giọt bắn bám trên bề mặt đồ vật rồi vô tình đưa lên miệng gây nhiễm bệnh… Thủy đậu hay còn gọi là bệnh trái rạ là một bệnh truyền nhiễm cũng lây truyền qua đường hô hấp do virus Varicella Zoster (VZV) gây ra.

Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh thủy đậu nhưng phổ biến hơn ở trẻ em. Đã có trường hợp bị biến chứng thủy đậu từ những sai lầm trong chăm sóc, điều trị.

Nhiều quan niệm dân gian cho rằng, người bị thủy đậu không được tắm rửa, gội đầu, tắm bằng nước lá… Việc kiêng mà mọi người hay làm là không đúng. Tuy nhiên, khi bị thủy đậu để nhiễm lạnh thì dễ bị biến chứng viêm phổi hoặc nhiễm trùng đường hô hấp khác do kết hợp thêm vào. Vì thế thứ nhất, cần chú ý chăm sóc trẻ ăn uống đầy đủ, đủ chất. Thứ 2, cần vệ sinh sạch sẽ để tránh nhiễm trùng ở chỗ tổn thương, đặc biệt là vệ sinh đường hô cấp, tránh thay đổi đột ngột thời tiết từ nóng sang lạnh… nhằm hạn chế bội nhiễm vi khuẩn khác.

Một số trường hợp sau khi mắc thủy đậu để tạo thành sẹo do các nốt thủy đậu khi vỡ ra dễ nhiễm bẩn. Thủy đậu khi có ban, nổi phỏng trên da thường rất nông. Nếu không bị bội nhiễm các vi khuẩn khác, tổn thương nhanh chóng liền lại, không để lại sẹo. Còn trong trường hợp mà các vết phỏng bị vỡ sớm, phần da dưới chưa được liền mà bị nhiễm trùng thêm như rửa nước bẩn, bụi, trong nhà không được sạch sẽ… sẽ dễ nhiễm khuẩn ngoài da và gây nên tổn thương sâu hơn làm thành sẹo. Do đó cần vệ sinh cơ thể sạch sẽ để tránh vi khuẩn tích tụ trên da gây nên nhiễm trùng da. Người bệnh nên dùng nước ấm để tắm gội, tránh nhiễm lạnh.

Chuyên gia cũng cho biết thêm, người mắc bệnh thủy đậu không được gãi, chà xát làm vỡ các nốt ban vì sẽ khiến cho các nốt ban lan rộng, mọc ở nhiều nơi và dễ để lại sẹo hơn; Không nên ở trong phòng bí bách. Nếu trời nóng nên bật quạt để tránh ra mồ hôi làm da ẩm ướt, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Tuy nhiên người bệnh không được ra nơi có gió mạnh hoặc gió mùa vì dễ bị cảm.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thủy đậu tuy là bệnh lành tính nhưng cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm như: Viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan… Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời. Người mẹ mắc bệnh thủy đậu khi đang mang thai có thể sinh con bị dị tật bẩm sinh.

Người bị thủy đậu sẽ có những triệu chứng ban đầu là sốt nhẹ, đau đầu, mệt mỏi. Trong khoảng 24-48 giờ sau đó trên da sẽ xuất hiện ban đỏ có đường kính khoảng vài milimet. Khi thấy những biểu hiện này, mọi người cần phải chú ý đi khám, điều trị kịp thời.

Tiêm vaccine và chú ý nhắc lại

Bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, tiêm chủng vẫn là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh thủy đậu cho trẻ. Đối với trẻ từ 12 tháng tuổi tới 12 tuổi, nên tiêm vaccine thủy đậu 2 liều, liều 1 liều cách liều 2 khoảng 6 tuần trở đi. Hoặc khi trẻ trong khoảng 4-6 tuổi để gia tăng hiệu quả phòng bệnh và giảm việc mắc bệnh thuỷ đậu trở lại. Đối với trẻ trên 13 tuổi, thanh niên và người lớn, cũng cần phải tiêm vaccine thủy đậu liều 1 và liều 2 cách nhau 6 tuần.

ThS.BSCKII Nguyễn Hồng Hà cho rằng, nếu chưa bị thủy đậu có thể tiêm nhắc lại để tạo miễn dịch bền vững hơn. Hiện thủy đậu vẫn xuất hiện ở người lớn khi mà tiêm vaccine đã lâu sẽ làm hiệu giá kháng thể giảm xuống không đủ để bảo vệ. Khi ở tuổi từ 15-18, cũng cần tiêm nhắc lại để tạo miễn dịch tốt hơn phòng tránh bệnh. Đặc biệt là phụ nữ cần tiêm vaccine thủy đậu để có miễn dịch tốt tránh bị nhiễm trùng trong giai đoạn có thai hoặc khi có thai sẽ bảo vệ tốt hơn cho con.

Đa phần mắc thủy đậu không nặng lắm nên có thể điều trị tại nhà, chỉ trừ trường hợp nặng, có biến chứng mới phải nhập viện. Nhưng đặc tính thủy đậu lây lan nhanh nên mọi người cần chú ý. Với người lớn khi chăm sóc trẻ cũng cần chú ý đeo khẩu trang, tay rửa và tránh tiếp xúc vào nốt thủy đậu vỡ không may vô tình đưa vào niêm mạc đường hô hấp của chúng ta cũng có thể phơi nhiễm với virus này.

1. Dấu hiệu nhận biết thủy đậu ở người lớn

Bệnh thủy đậu rất dễ lây lan qua sự đụng chạm đến ban ngứa từ người bị thủy đậu hoặc qua những giọt nước nhỏ trong không khí từ miệng hay mũi của một người bị nhiễm (ví dụ, khi một người bị nhiễm hắt hơi, chảy nước mũi hoặc ho).

Bệnh cũng có thể lây lan qua sự tiếp xúc với quần áo hoặc vải trải giường bị ô nhiễm bởi chất dịch từ ban ngứa hoặc từ miệng hay mũi của người bị bệnh.

- Bệnh thủy đậu ở người lớn có triệu chứng tương tự với trẻ em. Tuy nhiên chúng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nhiều khi biến chứng. Các dấu hiệu ban đầu của bệnh thường xuất hiện từ 1-3 tuần sau khi virus tấn công cơ thể.

- Các triệu chứng ban đầu của bệnh là sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn, đau nhức cơ thể... Những dấu hiệu này thường bắt đầu từ 1 đến 2 ngày trước khi phát ban xuất hiện. Sau đó trên cơ thể sẽ xuất hiện các ban đỏ và lan ra toàn thân.

- Các ban đỏ phát triển thành mụn nước gây ngứa ngáy, khó chịu. Sau đó chúng sẽ vỡ ra, trở thành các vết loét, kết vảy và bong tróc. Mụn nước xuất hiện trên khắp cơ thể.

Có nên dự phòng thủy đậu cho người chăm sóc
 

Người bệnh thủy đậu nổi các mụn nước toàn cơ thể.

2. Diễn biến của bệnh thủy đậu ở người lớn

Giống như ở trẻ em, thủy đậu ở người lớn cũng trải qua 4 giai đoạn phát triển bệnh.

- Thời kỳ ủ bệnh: Thời gian ủ bệnh thủy đậu thường kéo dài từ 10-14 ngày sau khi tiếp xúc với virus. Đối với người có hệ miễn dịch suy yếu thời kỳ ủ bệnh sẽ ngắn hơn.

- Thời kỳ khởi phát: Thời kỳ này thường kéo dài từ 1-2 ngày. Dấu hiệu bệnh giai đoạn này là sốt nhẹ hoặc sốt cao trên 39 độ C. Người bệnh bị suy giảm hệ miễn dịch dẫn đến mệt mỏi, nhức đầu, chán ăn, phát ban đỏ trên da.

- Thời kỳ toàn phát: Ở thời kỳ này, người bệnh bắt đầu hạ sốt, nổi các nốt mụn nước đỏ, hồng. Các nốt phỏng bắt đầu xuất hiện ở da đầu, mặt, sau đó lan xuống toàn thân. Tùy vào cơ địa của từng người mà số lượng nốt ban có thể nhiều hoặc ít.

- Thời kỳ hồi phục: Sau giai đoạn toàn phát khoảng 1 tuần, các mụn nước sẽ đóng vảy và bong tróc. Hầu hết các mụn nước không để lại sẹo, ngoại trừ trường hợp bị bội nhiễm do tổn thương hoặc không được chăm sóc đúng cách.

3. Đối tượng người lớn nào dễ mắc thủy đậu?

- Thủy đậu ở người lớn thường xảy ra ở những người chưa từng mắc bệnh khi còn nhỏ hoặc chưa từng tiêm vaccine phòng bệnh. Chính vì vậy, những người có yếu tố nguy cơ mắc bao gồm: người sinh sống, sinh hoạt với trẻ em dưới 12 tuổi, chưa được tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu.

- Người làm việc trong môi trường tập trung nhiều trẻ nhỏ như trường học, công viên giải trí.

- Người lớn chăm sóc trẻ em mắc bệnh thủy đậu, tiếp xúc trực tiếp với ban hoặc chất tiết của bệnh nhân mắc thủy đậu hoặc zona… dễ có nguy cơ mắc bệnh thủy đậu.

- Ngoài ra, người sử dụng chung đồ dùng, hoặc chạm vào vật dụng cá nhân của người bệnh như quần áo, chăn màn, giường chiếu,...

4. Điều trị bệnh thủy đậu ở người lớn

- Dù ở người lớn hay trẻ em, nguyên tắc đầu tiên khi điều trị bệnh thủy đậu là giữ gìn vệ sinh sạch sẽ vùng da bị tổn thương. Điều này giúp hạn chế tình trạng ngứa da, khó chịu tránh các hành động cào, gãi của người bệnh. Đồng thời giúp hạn chế nốt đậu lây lan ra các vùng da khác.

- Đối với các nốt thủy đậu vỡ, cần được thoa thuốc sát trùng nhẹ theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh và cơ địa của mỗi người, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp nhất.

- Khi các nốt phỏng có dấu hiệu bất thường cần đến ngay bệnh viện để được thăm khám, xử lý kịp thời, tránh bội nhiễm nguy hiểm.

- Ngoài ra khi điều trị bệnh thủy đậu ở người lớn có thể sử dụng thuốc bôi giảm ngứa, thuốc hạ sốt, giảm đau theo chỉ định của bác sĩ. Một số trường hợp nhất định, bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống virus, ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra.

Thời gian khỏi bệnh thủy đậu ở người lớn thường từ 10 đến 14 ngày sau khi mụn nước đóng vảy và bong vảy. Tùy vào cơ địa của từng người mà thời gian khỏi bệnh có thể lâu hoặc nhanh hơn.

Căn nguyên gây bệnh là do virus cho nên chưa có thuốc chữa đặc hiệu, vì vậy, chủ yếu điều trị triệu chứng, đặc biệt là ngứa và tránh bội nhiễm da, bên cạnh đó có thể dùng thuốc ức chế sự phát triển của virus thủy đậu (Varicella Zonster). Tuy nhiên, dùng loại gì, liều lượng ra sao phải có chỉ định của bác sĩ khám bệnh, người bệnh hoặc người nhà không tự ý mua thuốc để điều trị.

Tại Việt Nam, mùa bệnh thủy đậu thường xuất hiện vào tháng 2-6 hằng năm. Thủy đậu là một bệnh lây nhiễm nhưng rất lành tính, biến chứng hiếm gặp. Tuy nhiên, điều trị không đúng cách hoặc người bệnh không tuân thủ điều trị của bác sĩ cũng có thể gặp các biến chứng không mong muốn.

Chính vì vậy, tiêm vaccine là biện pháp phòng bệnh hiệu quả, nên tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu trước hoặc sau mùa dịch sẽ giúp mọi người có kháng thể thích nghi trong cơ thể, chuẩn bị sẵn sàng cho đợt dịch thủy đậu có thể xảy đến. Người lớn, trẻ em cần tiêm phòng thủy đậu trước mùa dịch ít nhất một tháng.